Thứ sáu, 19/04/2024 19:08 (GMT+7)

Vì sao triều cường ở ĐBSCL ngày càng dâng cao?

MTĐT -  Thứ sáu, 19/10/2018 15:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện các tỉnh ĐBSCL đang phải đương đầu với kỳ triều cường được cho là lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây, nguyên nhân hàng đầu được các nhà khoa học nhắc đến chính là ĐBSCL đang bị sụt lún.

Tình trạng này sẽ tái diễn và người dân ĐBSCL còn phải sống chung với triều cường trong thời gian tới.

Ngày 19/10, UBND TP Cần Thơ cho biết theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Cần Thơ, TP Cần Thơ tiếp tục chịu ảnh hưởng của đợt triều cường rằm tháng 9 âm lịch (từ ngày 22 - 25/10), dự báo mực nước cao nhất khoảng 1,85m - 1,95m; đợt triều cường đầu tháng 10 âm lịch (từ ngày 6/11 đến ngày 9/11), dự báo mực nước cao nhất khoảng 1,95 - 2,05m.

Trước đó, từ ngày 9-12/10, triều cường dâng cao vượt mức lịch sử đã ngập hầu hết các tuyến đường đô thị của TP Cần Thơ và gây tràn bờ bao ở cồn Khương. Các chuyên gia và người dân TP đều cho rằng đây là đợt ngập sâu nhất do triều cường gây ra tại TP Cần Thơ.

Để chuẩn bị ứng phó với đợt triều cường sắp tới, UBND TP Cần Thơ cùng các chuyên gia, cơ quan ban ngành liên quan đang lên kế hoạch sơ tán người dân ở khu vực ngập sâu đến nơi an toàn.

Người sân Sài Gòn vật lộn với triều cường. Ảnh: Zing. 

Không chỉ tại TP. Cần Thơ, những ngày qua, người dân Sài Gòn cũng sống chung với cảnh triều cường. Tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) vào ngày 9/10, đỉnh triều dự báo đạt mức 1,63m lúc 16h. Ngày 10/10, triều cường đạt đỉnh 1,64m (vượt báo động 3 là 14 cm) lúc 16h30 tại trạm Phú An. Ngày 11.10, triều cường vẫn duy trì ở mức cao từ 1,61 – 1,62m tại trạm Phú An và sẽ hạ dần trong những ngày tiếp theo.

Để chủ động phòng, chống, ứng phó với diễn biến của đợt triều cường đầu tháng 10, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. HCM đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập lụt do mưa lớn, triều cường và xả lũ trên địa bàn thành phố.

Trước tình hình trên, mới đây, Bộ GTVT đã có công điện gửi Tổng cục Đường bộ và một số Sở GTVT các địa phương về việc triển khai những giải pháp bảo đảm ATGT trên hệ thống đường bộ bị ngập nước do hiện tượng triều cường.

Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan liên quan tổ chức rà soát toàn bộ các đoạn tuyến đường bộ bị ngập để bổ sung cột thủy trí, biển báo đoạn đường ngập nước nhằm chủ động cảnh báo cho người tham gia giao thông.

“Trường hợp nước ngập sâu, không an toàn cho người và phương tiện đi qua thì thực hiện cấm đường tạm thời và có phương án tổ chức, điều phối giao thông cho phù hợp với mạng lưới đường bộ trên địa bàn”, Bộ GTVT yêu cầu.

Theo phân tích của các chuyên gia của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia: Từ năm 1977 - 2000, đỉnh lũ năm tại trạm Cần Thơ phổ biến dao động ở mức báo động 1 - báo động 2. Năm 2000 là năm lũ lịch sử ở Đồng bằng sông Cửu Long  nhưng đỉnh lũ năm tại Cần Thơ chỉ là 1,79 m, dưới báo động 3 (1,9 m) là 0,11 m.

Từ năm 2001 - 2010, đỉnh lũ năm tại Cần Thơ thường xuyên vượt báo động 3. Năm 2011 xuất hiện lũ lớn trên sông Cửu Long (đỉnh lũ tại Tân Châu 4,86 m, trên BĐ3 0,36 m), thì lũ lịch sử đã xuất hiện trên sông Hậu tại trạm Cần Thơ là 2,15 m (27/10/2011). Từ năm 2013 - 2017, đỉnh lũ năm tại trạm Cần Thơ luôn ở mức cao hơn báo động 3 từ 0,05 - 0,2 m.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân hàng đầu được các nhà khoa học nhắc đến chính là ĐBSCL đang bị sụt lún. Quá trình sụt lún chủ yếu xuất phát từ hoạt động khai thác nước ngầm của người dân.

Theo Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, kết quả quan trắc lún ở một số thành phố lớn và đồng bằng sông Cửu Long năm 2015 đã phát hiện hơn 70% số điểm mốc độ cao bị lún từ 5cm trở lên so với thời điểm năm 2005, trong số đó, số mốc bị lún trên 10 cm chiếm hơn 20%.

Triều cường làm đảo lộn cuộc sống người dân TP. Cần Thơ. Ảnh: PLO.

Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam đã nghiên cứu mức độ sụt lún tại nhiều địa điểm và khẳng định, Đồng bằng sông Cửu Long từ một khu vực ổn định đã rơi vào tình trạng sụt lún nhanh chóng chỉ trong vòng 25 năm. Cùng là nguy cơ âm thầm, nhưng tốc độ sụt lún cao hơn nhiều so với tốc độ mực nước biển dâng (chỉ vài mm mỗi năm).

Thêm vào đó việc sử dụng nước ngầm quá mức đang đẩy nhanh quá trình lún ở TP Cần Thơ và Vĩnh Long. Theo số liệu thống kê mực nước tại trạm thủy văn Cần Thơ trong giai đoạn 2000 - 2017, mực nước cao nhất năm có xu thế tăng 1,28cm/năm, mực nước trung bình năm có xu thế tăng 0,44 cm/năm.

Ngoài ra, những năm gần đây tốc độ đô thị hóa tại Cần Thơ, TP. HCM diễn ra nhanh, các khu công nghiệp phát triển mạnh, nhưng hệ thống tiêu thoát nước của thành phố chưa thật hoàn chỉnh và đồng bộ, do đó khi có triều cường mạnh cũng là một nguyên nhân gây ngập úng vùng trũng thấp.

Vùng Tứ giác Long Xuyên rộng gần 489.000 ha thuộc địa bàn tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP. Cần Thơ. Theo thống kê của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam thì năm 2016 đã có tới 60.000 ha lúa vụ 3 với cao trình bao đê trên 3 m, với xu thế tiếp tục tăng diện tích sản xuất lúa vụ ba như vậy thì vùng vùng trữ nước ở Tứ giác Long Xuyên sẽ giảm đi và độ sâu ngập ở các vũng trũng thấp khác sẽ tăng lên, trong đó có TP Cần Thơ.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao triều cường ở ĐBSCL ngày càng dâng cao?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...