Thứ sáu, 19/04/2024 01:30 (GMT+7)

Việt Nam nằm trong các quốc gia có chất lượng không khí kém

MTĐT -  Thứ tư, 28/11/2018 15:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Năm 2018, dân số Hà Nội khoảng 8 triệu người, 6 triệu xe gắn máy, 600 ngàn ôtô cùng với quá trình đô thị hóa đã làm chất lượng không khí Hà Nội suy giảm nghiêm trọng.

Ngày 27/11 tại Hà Nội, Sở TN-MT TP. Hà Nội, Cơ quan Hợp tác phát triển Đức GIZ và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) đã tổ chức Hội thảo “Tăng cường vai trò và kết nối hợp tác cải thiện chất lượng không khí cho Thành phố Hà Nội”.

Hà Nội lắp 10 trạm quan trắc tự động vào năm 2020

Theo Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO, thống kê năm 2018, dân số Hà Nội khoảng 8 triệu người, 6 triệu xe gắn máy, 600 ngàn ôtô, và sự bùng phát các công trình xây dựng do quá trình đô thị hóa nhanh, cùng với việc tiêu thụ 40 triệu kwh điện và hàng triệu lít xăng dầu mỗi ngày… đã gây ra nguồn phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu và làm suy giảm chất lượng không khí của thành phố.

Cũng theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có 7 triệu người chết vì các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, 92% dân số thế giới đang hít bầu không khí không trong lành. Việt Nam nằm trong các quốc gia có chất lượng không khí kém trên thế giới, trong đó ô nhiễm bụi là vấn đề nổi cộm.

Việt Nam là một trong những quốc gia có chất lượng không khí kém. Ảnh: Internet.

Trước thực trạng đó, UNBD TP Hà Nội đã triển khai một số hành động nhằm tăng cường quản lý chất lượng không khí như thực hiện Chương trình Một triệu Cây xanh, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, thiết lập các trạm quan trắc không khí và đăng tải thông tin trên trang web chính thức nhằm đánh giá chất lượng không khí và có những cảnh báo cho người dân.

Công tác cải thiện chất lượng không khí nói riêng và công tác bảo vệ môi trường nói chung luôn đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành mạnh mẽ và dài hạn của chính quyền các cấp, các cơ quan nghiên cứu, tổ chức dân sự - xã hội và cộng đồng.

Tuy nhiên, theo bà Lưu Thị Thanh Chi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, công tác quản lý môi trường thành phố vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể như việc triển khai các dự án đầu tư cho xử lý ô nhiễm môi trường còn chậm; hoạt động quan trắc và kiểm soát nguồn thải còn yếu; ý thức chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức và cá nhân còn thấp; công nghệ sản xuất còn lạc hậu... do đó đã ảnh hưởng đến chất lượng môi trường chung của thành phố.

Bên cạnh đó, bà Lưu Thị Thanh Chi cũng chỉ ra rằng, quá trình đô thị hóa nhanh, cùng với sự gia tăng dân số cơ học, số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng mạnh... đã gây ra ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi và tiếng ồn.

Ngoài ra, theo báo Tiền Phong, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành lắp đặt và vận hành ổn định 10 trạm quan trắc tự động. Dự kiến đến năm 2020, sẽ tiến hành đầu tư lắp đặt thêm 20 trạm quan trắc không khí cố định, 12 trạm cảm biến và 2 xe quan trắc lưu động. Thành phố cũng đang xây dựng mô hình lan truyền ô nhiễm không khí nhằm đánh giá hiện trạng xu thế diễn biến chất lượng không khí để từ đó đưa ra các giải pháp.

Việc thi công các công trình xây dựng đã khiến chất lượng không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Internet. 

Đến nay đã có nhiều sáng kiến, chương trình, dự án được triển khai hiệu quả trên địa bàn thành phố như: chương trình hạn chế sử dụng bếp than tổ ong và đốt rơm rạ trên địa bàn thành phố nhằm phấn đấu đến năm 2020 thành phố nói không với bếp than tổ ong và không đốt rơm rạ; thực hiện kiểm kê khí nhà kính nhằm thực hiện hiệu quả Thỏa thuận Paris và cam kết của tổ chức C40 (Nhóm lãnh đạo các sáng kiến về khí hậu).

Ngoài ra, Hà Nội cũng đầu tư hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng để khuyến khích người dân tham gia các phương tiện công cộng và hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân. Đồng thời, sử dụng các nhiên liệu sạch trong giao thông. Xây dựng kế hoạch đánh giá phơi nhiễm do ô nhiễm không khí để đưa ra các khuyến cáo về tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe và sự phát triển của thành phố….

Hà Nội xếp thứ 2 về ô nhiễm không khí ở Đông Nam Á

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người dân Hà Nội đang phải tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm xếp thứ 2 trong số 23 thành phố được khảo sát ở một số quốc gia Đông Nam Á (bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Indonesia).

Cũng theo dữ liệu này, trong 3 tháng đầu năm 2018, chất lượng không khí ở TP. HCM có xu hướng xấu dần, dù tốt hơn Hà Nội trong cùng kỳ 3 năm gần đây. Bình quân 91% số ngày trong 3 tháng đầu năm, mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội vượt tiêu chuẩn cho phép của WHO.

Tại Hà Nội, tình trạng ô nhiễm bụi tăng cao vào giờ cao điểm, đặc biệt là các loại bụi nguy hại PM10, bụi PM2.5. WHO đã cảnh báo đó là một trong những rủi ro môi trường nguy hại nhất với sức khỏe của con người, đi thẳng vào nang phổi, gây ra các bệnh về hô hấp, tim mạch…

Các phương tiện giao thông gia tăng chóng mặt khiến chất lượng không khí ngày càng xấu đi. Ảnh: Internet. 

Tại khu vực Đông Nam Á, thủ đô Manila của Philippines là một trong những nơi có tình trạng ùn tắc giao thông tồi tệ nhất thế giới. Để khắc phục tình trạng này Chính phủ Philippines đã lên kế hoạch xây dựng một thành phố hoàn toàn mới mang tên New Clark để giúp giảm tắc nghẽn và ô nhiễm khói bụi cho Manila. Nằm cách thủ đô nước này khoảng 120km, dự án dự kiến khởi công từ năm 2022 và tiêu tốn khoảng 14 tỷ USD. Để giảm lượng khí thải carbon, 2/3 diện tích New Clark sẽ sử dụng cho đất nông nghiệp, công viên và các không gian xanh khác. Các tòa nhà cũng sẽ tích hợp công nghệ làm giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và nước. Ngoài ra, sẽ chỉ có ô tô chạy bằng điện được lưu thông trên đường phố để giảm phát thải khí CO2. Nằm ở độ cao tối thiểu 56m trên mực nước biển, thành phố sẽ đối diện với nguy cơ lũ lụt thấp hơn.

Vào đầu năm nay thủ đô Bangkok, Thái Lan đã hứng chịu tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Một trong những biện pháp để giải quyết tình trạng ô nhiễm khói bụi do các phương tiện giao thông đó là áp dụng công nghệ bộ chuyển đổi xúc tác. Bộ chuyển đổi xúc tác được gắn vào ống xả của xe giúp chuyển hóa khí độc và chất ô nhiễm trong khói thải thành chất ít độc hại hơn.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam nằm trong các quốc gia có chất lượng không khí kém. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.