Thứ năm, 28/03/2024 19:36 (GMT+7)

Xã hội hóa thu gom và xử lý rác thải y tế

MTĐT -  Thứ hai, 20/08/2018 10:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, khối lượng chất thải y tế nguy hại trên địa bàn thành phố có khoảng hơn 21 tấn/ngày, phát sinh từ hơn 6.000 cơ sở y tế công lập và tư nhân.

Hiện nay, trên địa bàn TPHCM có tổng cộng 107 cơ sở bệnh viện, gồm 21 cơ sở trực thuộc Trung ương và các bộ, ban, ngành; 29 cơ sở trực thuộc Sở Y tế TPHCM; 23 cơ sở thuộc các quận, huyện và 34 cơ sở bệnh viện tư nhân; 41 trung tâm y tế quận, huyện; 319 trạm y tế xã, phường 285 phòng khám đa khoa và chuyên khoa. Hầu hết các cơ sở y tế công lập và bệnh viện tư nhân đều đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, trên 90% khối lượng lượng nước thải y tế sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường.

21 điểm tập kết rác thải y tế nguy hại

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM, khối lượng chất thải y tế nguy hại trên địa bàn thành phố có khoảng hơn 21 tấn/ngày, phát sinh từ hơn 6.000 cơ sở y tế công lập và tư nhân. Toàn thành phố hiện có 21 điểm tập kết rác thải y tế nguy hại, trong đó có 11 điểm nằm ngoài cơ sở y tế công lập và 9 điểm nằm trong cơ sở y tế công lập.

Hiện công tác thu gom, vận chuyển chất thải y tế nguy hại trên địa bàn thành phố do 2 nhóm đơn vị thực hiện. Nhóm thứ nhất gồm các công ty dịch vụ công ích quận, huyện. Các đơn vị này tổ chức mạng lưới thu gom chất thải y tế từ cơ sở y tế nhỏ lẻ, chủ yếu là các cơ sở y tế tư nhân, đưa về trạm trung chuyển của công ty hoặc khu vực lưu trữ chất thải y tế của bệnh viện quận, huyện. Công tác vận chuyển chất thải y tế nguy hại được thực hiện bằng xe gắn máy có trang bị thùng kín bằng nhựa composite hoặc inox, có khóa an toàn đảm bảo chất thải y tế không rơi vãi, có thể di chuyển sâu vào các con hẻm nhỏ.

Ở nhóm thứ hai là các đơn vị trực thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM (Citenco) thực hiện thu gom tại các cơ sở y tế quy mô lớn và chịu trách nhiệm thu gom chất thải y tế tại các điểm tập trung và vận chuyển về nhà máy xử lý chất thải của công ty.

Thu gom rác thải y tế. Ảnh: Thành Trí.

Ông Đoàn Khắc Hùng, Đội trưởng Công trường xử lý và tái chế chất thải Đông Thạnh, huyện Hóc Môn (thuộc Citenco), cho biết: “Từ 2011, Citenco đã đưa vào vận hành nhà máy xử lý chất thải y tế, chất thải công nghiệp nguy hại tại công trường Đông Thạnh và xử lý rác thải bằng công nghệ đốt lò quay gồm 2 buồng sơ cấp và thứ cấp. Lò có quy mô xử lý với công suất lớn, hệ thống xử lý khí thải và hệ thống kiểm tra phát thải tự động có khả năng tận dụng nhiệt để phát điện. Công ty cũng đã xây dựng bãi chôn tro hợp vệ sinh theo các tiêu chuẩn hiện hành trên khu đất có diện tích 5.000m² để chôn lấp tro sau khi xử lý rác thải y tế và rác thải công nghiệp nguy hại.

Rác thải y tế từ các bệnh viện, rác thải công nghiệp nguy hại từ các nhà máy, khu công nghiệp được thu gom và vận chuyển đến nhà máy, sau đó đưa vào lò đốt bằng dây chuyền tự động. Các dụng cụ và xe vận chuyển rác thải y tế, rác thải công nghiệp nguy hại được xử lý vệ sinh ở khu bên cạnh nhà máy, những dụng cụ không đảm bảo hoặc hư hỏng sẽ được phân loại và không đưa vào sử dụng”.

Ông Hà Trần Hiển Đức, Phó Giám đốc Chi nhánh Dịch vụ môi trường (thuộc Citenco), cho biết thêm, rác thải y tế và rác thải công nghiệp nguy hại được xử lý tại nhà máy công suất 21 tấn/ngày ở công trường Đông Thạnh, huyện Hóc Môn và nhà máy công suất 7 tấn/ngày ở Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, bằng công nghệ đốt tĩnh.

Mỗi ngày, 2 nhà máy xử lý khoảng 22 tấn rác y tế và rác thải công nghiệp trên địa bàn thành phố. Lượng rác thải y tế và rác thải công nghiệp nguy hại không có sự biến động lớn nên 2 lò đốt đảm bảo xử lý toàn bộ khối lượng rác nguy hại trên địa bàn thành phố. UBND TPHCM đã chấp thuận cho Citenco xây dựng phương án di dời nhà máy về Khu liên hiệp Xử lý chất thải Phước Hiệp (huyện Củ Chi), đồng thời chuyển đổi sang công nghệ xử lý tiên tiến - công nghệ đốt plasma.

Không bao cấp xử lý rác thải y tế ngoài công lập

Nhằm đảm bảo điều kiện an toàn trong thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại, Sở TN-MT đã đề xuất với UBND TPHCM về lộ trình xã hội hóa xử lý rác y tế đối với cơ sở y tế tư nhân nhỏ lẻ và cơ sở y tế công lập. Theo đó, đối với rác thải y tế nguy hại của các cơ sở y tế tư nhân nhỏ lẻ, các công ty dịch vụ công ích quận, huyện thực hiện xã hội hóa từ năm 2018 trở đi.

Đối với cơ sở y tế công lập, năm 2018, thực hiện xã hội hóa công đoạn thu gom, vận chuyển và ngân sách thành phố bao cấp công đoạn xử lý chất thải rắn y tế. Đến năm 2019, thực hiện xã hội hóa công đoạn thu gom, vận chuyển và một phần công đoạn xử lý, thành phố bao cấp khoảng 40% tổng chi phí. Từ năm 2020 trở đi, công tác xã hội hóa được thực hiện toàn bộ đối với công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế công lập.

Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Citenco, cho biết từ ngày 1-6-2018 trở về trước, Citenco chỉ thu gom và xử lý rác thải y tế tại quận Tân Phú, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh; các quận, huyện còn lại trên địa bàn TP do các công ty dịch vụ công ích địa phương thu gom với mức giá do các công ty dịch vụ công ích này tự định ra, sau đó chuyển cho Citenco xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhưng kể từ 1-6-2018, toàn thành phố có 12 đơn vị được phép thu gom, xử lý rác thải y tế, chất thải nguy hại. Do vậy, ngoài Citenco, các phòng khám tư nhân (PKTN) có quyền lựa chọn những đơn vị còn lại. Trường hợp bị phát hiện “giấu” rác thải y tế hoặc cố tình trộn lẫn rác thải y tế vào rác sinh hoạt sẽ bị Thanh tra Sở TN-MT và các sở ngành, quận huyện liên quan xử lý nghiêm theo quy định.

Không chỉ vậy, đại diện các đơn vị thu gom chất thải y tế cho biết, do có sự điều chỉnh trong quy định của UBND TPHCM về hoạt động thu gom và xử lý chất thải nguy hại nên các đơn vị đang xem xét điều chỉnh giá xử lý rác thải y tế.

Theo đó, từ ngày 1/6/2018 trở về trước, đơn giá thu gom áp dụng khoảng 5.500 đồng/kg, riêng tiền xử lý được ngân sách TP bao cấp. Tuy nhiên, kể từ 1/6, UBND TPHCM chỉ hỗ trợ chi phí xử lý rác thải y tế cho cơ sở y tế công lập, riêng chủ nguồn thải là PKTN phải tự chi trả toàn bộ. Và chi phí xử lý trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí nhiên liệu, nhân công áp dụng cho các quận huyện (ngoại trừ Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh) có mức giá dự tính khoảng trên 11.000 đồng/kg. Riêng chi phí thu gom vận chuyển và xử lý rác y tế trên địa bàn quận Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh có đơn giá 16.500 đồng/kg rác y tế.

Điều này đảm bảo nguyên tắc công bằng là nơi nào phát sinh nhiều chất thải thì phải trả chi phí nhiều hơn. Thành phố không thể bao cấp chi phí xử lý chất thải cho những cơ sở y tế ngoài công lập có phát sinh lợi nhuận và PKTN có quyền lựa chọn hình thức khoán hoặc tính theo trọng lượng rác thải y tế phát sinh thực tế để chi trả.

Theo SGGP

Bạn đang đọc bài viết Xã hội hóa thu gom và xử lý rác thải y tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.