Thứ năm, 28/03/2024 19:15 (GMT+7)

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 20/10/2018

MTĐT -  Thứ bảy, 20/10/2018 11:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 20/10/2018. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 20/10/2018.

Hàng loạt trại heo gây ô nhiễm

Mặc dù UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo xử lý nghiêm những trang trại nuôi heo gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, nhưng danh sách các trang trại vi phạm ngày càng nhiều hơn.

Ông Vũ Trúc, một người dân ở xã Tân Xuân (H. Hàm Tân, Bình Thuận), cho biết gia đình ông hằng ngày sống chung với mùi hôi thối của trang trại heo. “Cả xóm này đều bức xúc, nhiều lần kiến nghị lên xã, huyện, nhưng trại heo vẫn tồn tại và ngày càng hôi thối hơn”, ông Trúc than phiền.

Ông Lồ Văn Tú (ngụ xã Sông Lũy, H. Bắc Bình) cho biết thêm, trại heo Bách Minh vừa đi vào hoạt động đã gây mùi không thể chịu nổi. “Chúng tôi đề nghị tỉnh không cấp phép cho các trang trại heo về vùng quê như thế này. Ô nhiễm môi trường, người dân không biết kêu ai”, ông Tú bức xúc.

Theo báo cáo của UBND H.Hàm Tân, trên địa bàn huyện hiện có 26 trang trại chăn nuôi heo. Tổng số đàn heo tính đến tháng 9.2018 là khoảng 70.000 con. Mỗi trang trại được đầu tư từ 40 - 50 tỉ đồng. Tuy nhiên theo UBND H.Hàm Tân, việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của các trại heo chưa tốt.

Cụ thể, UBND huyện và Sở TN-MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính 5 trang trại heo gồm: trại heo Bình Dương (520 triệu đồng), trang trại Phan Vĩnh Long (140 triệu đồng), trang trại Nam Bắc (150 triệu đồng), trang trại Phú Hùng Mạnh (150 triệu đồng), trang trại Đông Hiệp (540 triệu đồng)

Hà Nội: Chất lượng không khí ở mức trung bình

Theo chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được tại 10 trạm quan trắc trên địa bàn Thủ đô từ 15h ngày 18/10 đến 14h ngày 19/10 do Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội) công bố, AQI trong ngày tại 10/10 trạm quan trắc ở mức trung bình.

Cụ thể, chỉ số chất lượng không khí ngày (24 giờ gần nhất) tại 10 trạm quan trắc: Trung Yên 3: 66 (Trung bình); Minh Khai – Bắc Từ Liêm: 74 (Trung bình); Hoàn Kiếm: 58 (Trung bình); Hàng Đậu: 72 (Trung bình); Kim Liên: 57 (Trung bình); Thành Công: 51 (Trung bình); Tân Mai: 61 (Trung bình); Mỹ Đình: 64 (Trung bình); Phạm Văn Đồng: 67 (Trung bình); Tây Mỗ: 57 (Trung bình).

AQI đo được tại 10 trạm quan trắc trên địa bàn Thủ đô từ 15h ngày 18/10 đến 14h ngày 19/10 dao động từ 51 – 74. So với hôm trước, AQI tại các điểm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên 3, Kim Liên, Mỹ Đình, Tân Mai và Tây Mỗ có xu hướng tăng lên, không trạm nào có AQI ở mức tốt. AQI trong ngày tại các trạm quan trắc giao thông giữ ở mức ổn định, dao động từ 67 – 72.

Nhiều cơ sở sản xuất đồ mộc gây ô nhiễm

Tại một số quận, huyện như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thạch Thất, Hoài Đức, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ mộc vẫn tồn tại trong các khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, bức xúc trong nhân dân.

Theo báo Hà Nội mới, khảo sát tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ mộc tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì; phường Phú La và Quang Trung, quận Hà Đông cho thấy, hầu hết các cơ sở này đều có khuôn viên chật hẹp, xung quanh không được che kín, trong khi đó lại nằm giữa khu dân cư đông đúc. Không chỉ gây ô nhiễm tiếng ồn do máy cưa, máy bào..., trong quá trình sản xuất, các cơ sở này còn thải ra một lượng lớn bụi gỗ gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Đáng nói, không có cơ sở nào đầu tư hệ thống xử lý tiếng ồn, bụi theo quy định. Bức xúc do cuộc sống bị ảnh hưởng, không ít hộ dân sống gần đó đã làm đơn đề nghị chính quyền địa phương có biện pháp xử lý nhưng hầu như chưa đạt kết quả.

Quảng Ninh nói không với các nhà máy ximăng, nhiệt điện

Ngày 18/10, tại buổi làm việc giữa Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh với Sở Tài nguyên – Môi trường, ông Nguyễn Văn Đọc – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo không bổ sung các nhà máy ximăng, nhiệt điện.

Hiện, Quảng Ninh có tổng cộng hơn 10 nhà máy ximăng và nhiệt điện lớn, trong đó chủ yếu nằm bên bờ vịnh Hạ Long và Bái Tử Long – những vị trí đặc biệt nhạy cảm về môi trường và cảnh quan. Từ xa vịnh Hạ Long, Bái Tử Long nhìn vào đất liền, những nhà máy ximăng, nhiệt điện lúc nào cũng nghi ngút khói đen dày đặc và bụi. Nhà các hộ dân, trụ sở các cơ quan nhà nước, các công ty ở gần các nhà máy này luôn trong tình trạng “cửa đóng, then cài” nhưng bên trong, bụi ximăng, clinker, bụi tro xỉ vẫn phủ dày.

Tại khu vực Cửa Lục – đầu nguồn đổ ra vịnh Hạ Long vừa xuất hiện nhà máy Nhiệt điện Thăng Long, công suất 620 MW, nằm ngay bên Nhà máy ximăng Thăng Long (công suất 1,8 triệu tấn clinker và 900.000 tấn ximăng/năm). Cách đó không xa là Nhà máy ximăng Hạ Long (công suất 1 triệu tấn clinker và 850.000 tấn ximăng/năm) và Nhiệt điện Quảng Ninh (tổng công suất 1.200 MW).

Nằm bên bờ vịnh Bái Tử Long có Nhiệt điện Cẩm Phả 1,2; Nhiệt điện Mông Dương 1, 2 và Xi măng Cẩm Phả. Trong đó, Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả, phường Cẩm Thịnh, TP.Cẩm Phả, công suất 600 MW, đi vào hoạt động từ năm 2010, nhưng liên tục bị trục trặc máy móc và bãi chứa tro xỉ thải luôn trong tình trạng bị đầy.

Tại phường Mông Dương, Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1 (công suất 1.080 MW) đã có thời điểm hết chỗ đổ thải và xin mở rộng bãi đổ thải sang một phần rừng ngập mặn. Trong khi đó, Nhà máy ximăng Cẩm Phả (công suất 2,3 triệu tấn xi măng/năm), với đường băng tải ximăng, clinker vươn dài cả chục km ra biển đang là mối đe dọa lớn tới môi trường với cư dân trên bờ và vịnh Bái Tử Long.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 20/10/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.