Thứ sáu, 29/03/2024 03:17 (GMT+7)

Bé gái lên tiếng vì ô nhiễm không khí nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi

MTĐT -  Chủ nhật, 03/06/2018 16:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) vừa công bố video ngắn mang tên “Nỗi sợ của bé” với sự tham gia của bé Mona Bảo Tiên.

 “Nỗi sợ của bé” truyền tải những thông điệp rất đáng quan tâm liên quan đến tình trạng ô nhiễm không khí do phát thải từ các nhà máy nhiệt điện than gây ra, mà trẻ em là một trong những đối tượng dễ phải chịu những hậu quả nặng nề nhất từ tình trạng này.

Hiện nay, ô nhiễm không khí ở Việt Nam đặc biệt là ở khu vực đô thị và các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM đang là vấn đề môi trường được cộng đồng hết sức quan tâm. Năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xuất bản báo cáo "Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016" khẳng định hầu hết các đô thị lớn ở Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, đặc biệt là ô nhiễm bụi.

Theo các số liệu quan trắc công khai được thu thập trong 3 năm, Hà Nội và TP. HCM có chỉ số bụi ô nhiễm không khí trung bình cả năm gần gấp 2 lần tiêu chuẩn của WHO. Cũng dựa trên cơ sở dữ liệu của WHO, ô nhiễm không khí ở Hà Nội đứng thứ hai trong 23 thành phố Đông Nam Á. 

Bé Mona Bảo Tiên - Ảnh cắt từ Clip. 

Trong khi nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm không khí (ONKK) tại Việt Nam trong thời gian vừa qua là từ giao thông, sản xuất công nghiệp, xây dựng, đốt rơm rạ, thì các nhà máy nhiệt điện than là một nguồn quan trọng làm trầm trọng hơn tình trạng này. Các nhà máy này phát thải các loại khí độc hại như NOx, SO2, và đặc biệt là bụi siêu mịn (PM), có thể bay xa hàng trăm km và gây ra các bệnh như hô hấp, tim mạch, ung thư.

Theo các nghiên cứu quốc tế, khí thải từ nhiệt điện than là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí, dẫn đến cái chết yểu của 800.000 người trên toàn thế giới mỗi năm. Do vậy, việc Việt Nam sẽ xây dựng và đưa vào vận hành thêm 40 nhà máy nhiệt điện than mới từ nay tới 2030, theo quy hoạch điện VII sửa đổi, chắc chắn sẽ gây ra những nguy cơ nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân, đặc biệt là trẻ em, trong những năm tới.

Ô nhiễm không khí ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM đang là vấn đề môi trường đáng báo động. Ảnh minh họa: TTXVN.

Hơn thế nữa, qua việc lập kế hoạch tăng gấp 3 số lượng các nhà máy nhiệt điện than hiện có, Việt Nam đang đi ngược lại với xu thế toàn cầu và làm cản trở các nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện Nghị định Khí hậu Paris để đối phó với biến đổi khí hậu.

Video “Nỗi sợ của bé” kể về câu chuyện của một bé gái sống ở TP.HCM và có quê nội ở gần biển, bé rất thích biển vì trong hình dung của bé biển rất đẹp, có cá bơi lội tung tăng và có bầu không khí thật trong lành. Nhưng những năm gần đây, các nhà máy nhiệt điện than đã được xây dựng tại quê nội của bé, khiến không khí ô nhiễm trầm trọng và nhiều người theo đó mà mắc các chứng bệnh liên quan đến hô hấp. Ở cuối video, bé cũng tha thiết kêu gọi người xem hãy nghĩ cách trả lại biển xanh với không khí trong lành cho bé được vui đùa.

“Bạn có thể có tiền để mua nhiều đồ chơi cho con, gửi con đi học trường quốc tế,... nhưng hãy nhớ 1 điều, bầu không khí sạch mà con cái bạn cần phải có để hít thở và lớn lên là thứ không thể mua được, dù với rất nhiều tiền” – Bà Nguyễn Thị Cát Tường - Quản lý Dự án của CHANGE chia sẻ.

Khí thải từ nhiệt điện than là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí.

“Hiện Việt Nam vẫn chưa ban hành luật không khí sạch, vẫn dừng lại ở mức độ kiến nghị, khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm thực tế, và các chuẩn về ô nhiễm không khí của Việt Nam thì chỉ thấp bằng một nửa so với chuẩn của WHO… Hãy cùng chia sẻ video này và kêu gọi ngưng đầu tư xây thêm các nhà máy nhiệt điện than mới cũng như khuyến nghị Chính phủ sớm ban hành “Luật không khí sạch” để kiểm soát ô nhiễm không khí được tốt hơn vì sức khoẻ của con cái bạn và cả chính bạn”.

Video ngắn này nằm trong khuôn khổ các hoạt động truyền thông dài hạn của CHANGE liên quan đến việc nâng cao nhận thức về ô nhiễm không khí và vận động cộng đồng cùng lên tiếng kêu gọi ngừng đầu tư và xây mới các nhà máy nhiệt điện than, mà thay vào đó là phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT).

Trong thời gian sắp tới, CHANGE sẽ tiếp tục thực hiện hàng loạt các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức công chúng về các vấn đề biến đổi khí hâụ và năng lượng, bao gồm: truyền thông mạng xã hội, sản xuất phim tài liệu và ấn phẩm truyền thông, tổ chức hội thảo, tổ chức tập huấn cho nhà báo và giới trẻ; đồng thời khởi động một dự án mới được kỳ vọng là phong trào NLTT có quy mô lớn nhất Việt Nam: Dự án Put Solar On It (tạm dịch: Chạm tay đến mặt trời), với mục tiêu thúc đẩy năng lượng tái tạo, trước tiên là tại TP. HCM sau đó là trên toàn Việt Nam, một đất nước vốn có rất nhiều tiềm năng cho những nguồn năng lượng bền vững này.

Bạn đang đọc bài viết Bé gái lên tiếng vì ô nhiễm không khí nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Thu Hiền

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.