Thứ sáu, 29/03/2024 21:37 (GMT+7)

Quản lý chất thải y tế khó khăn và thử thách

MTĐT -  Thứ năm, 07/06/2018 21:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đáng lo ngại, nhiều cơ sở y tế lại chưa quan tâm, đầu tư đúng mức đến vấn đề này và xử lý chất thải y tế vẫn còn là hành trình gian nan…

Quản lý chất thải y tế không chỉ là vấn đề “nóng” đối với ngành Y mà là của toàn xã hội. Nếu không được xử lý tốt, hàng trăm tấn rác thải y tế từ các bệnh viện “đẩy” vào môi trường mỗi ngày sẽ là nguồn gây bệnh, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người. Đáng lo ngại, nhiều cơ sở y tế lại chưa quan tâm, đầu tư đúng mức đến vấn đề này và xử lý chất thải y tế vẫn còn là hành trình gian nan…

Thu gom, phân loại và quản lý chất thải nguy hại tại Bệnh viện E Hà Nội (Nguồn: Internet)

Xử đúng luật, nhiều bệnh viện phải đóng cửa
Theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), cả nước hiện có hơn 13.500 cơ sở y tế, trong đó có gần 1.400 cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên và hơn 11.000 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Hằng ngày, các cơ sở này thải ra khoảng 450 tấn rác, trong đó có 47 tấn chất thải rắn nguy hại và hơn 125.000m³ nước thải cần được xử lý đặc thù. Đó là chưa kể đến một lượng rác khổng lồ từ hơn 1.000 cơ sở y tế dự phòng, các cơ sở đào tạo y dược, sản xuất thuốc, y tế tư nhân…

Thông tin từ Bộ Y tế, hiện mới có khoảng 60% cơ sở y tế có hệ thống xử lý chất thải bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn. Như vậy, hằng ngày, hằng giờ vẫn còn lượng chất thải rất lớn từ các bệnh viện chưa được xử lý xả thải ra môi trường, là nguồn lây nhiễm bệnh tật nguy hiểm. Thế nhưng, hiện việc đầu tư nguồn lực cho hệ thống xử lý chất thải tại các cơ sở y tế chưa được như mong muốn, thậm chí có bệnh viện, người đứng đầu không quan tâm đúng mức đến vấn đề này.

Qua một nghiên cứu độc lập được Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) triển khai tại gần 100 bệnh viện trên cả nước, tồn tại lớn nhất trong công tác xử lý chất thải y tế chính là khâu vận hành. Việc để các bệnh viện tự bố trí cán bộ không có chuyên môn vận hành hệ thống xử lý nước thải, chất thải thì rất khó bảo đảm các chỉ tiêu đầu ra đạt chuẩn. Việc sử dụng bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên làm công việc vận hành xử lý chất thải y tế sẽ khó đạt hiệu quả như mong muốn. 

Giải bài toán kinh phí
Trong giai đoạn 2010-2015, Hà Nội đã đầu tư cho 16 bệnh viện hệ thống lò đốt chất thải y tế; các cơ sở y tế khác ký hợp đồng thu gom xử lý chất thải y tế với các công ty môi trường. Ngoài ra, thành phố cũng đã xây dựng mới hệ thống xử lý chất thải lỏng cho 30 bệnh viện.

Tuy nhiên, việc quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế Thủ đô vẫn còn nhiều khó khăn.  Trên địa bàn hiện có 11 bệnh viện được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế từ khá lâu, đã xuống cấp và 16 bệnh viện được đầu tư lò đốt chất thải rắn, quá trình vận hành còn nhiều hạn chế như tiêu tốn nhiên liệu, rất hay hỏng, thường xuyên phải bảo trì. Trong khi đó, kinh phí đầu tư cho công tác quản lý chất thải y tế còn hạn chế; nhiều đơn vị không đủ lực xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý nước thải, khu lưu giữ chất thải rắn. Mặt khác, đầu tư cho vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải; mua hóa chất, vật tư làm sạch môi trường, mua sắm trang thiết bị, phương tiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tiêu hủy chất thải rắn y tế cũng cần kinh phí tương đối lớn, tạo áp lực không nhỏ lên các cơ sở y tế…

Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế đạt yêu cầu về môi trường. Để đạt được mục tiêu đặt ra thực sự là hành trình gian nan. Làm thế nào để giải bài toán về quản lý chất thải y tế? “Đáp số” không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của riêng ngành Y tế mà còn cần đến sự chung tay của các ngành, lĩnh vực khác cũng như của toàn xã hội./.

Bạn đang đọc bài viết Quản lý chất thải y tế khó khăn và thử thách. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

PV (TH)

Cùng chuyên mục

Tin mới