Thứ sáu, 29/03/2024 03:42 (GMT+7)

Đến bao giờ người dân mới hết lo sợ mất nhà vì…bờ sông sạt lở?

QUỐC HUY -  Thứ tư, 15/11/2017 08:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm mét đất canh tác hoa màu của bà con đã bị lòng sông nuốt chửng không thương tiếc.

Sông Ngọn Rào – một nhánh của sông Son đoạn chảy qua xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đang bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều chỗ, sạt lở ăn sâu chỉ còn cách đường Hồ Chí Minh vài chục mét.

Hàng chục hộ dân tại thôn 1 và 4 Phúc Đồng, xã Phúc Trạch đang sống trong lo lắng bởi bờ sông Ngọn Rào chảy qua địa bàn xã bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng với tốc độ nhanh chóng. Chỉ trong vài năm, hàng trăm mét đất canh tác của nhiều hộ dân đã bị đổ sập xuống sông, đe dọa trực tiếp đến đời sống của bà con. Nhiều hộ dân ở đây đã phải di dời khẩn cấp để đảm bảo an toàn.

Người dân địa phương ở đây cho biết, tình trạng sạt lở này chỉ mới diễn ra khoảng 4 – 5 năm  gần đây nhưng tốc độ sạt lở rất nhanh chóng.

Nhiều chỗ sạt lở tạo thành vách dựng đứng sâu 10 – 15 mét rất nguy hiểm

Theo quan sát của PV thì một đoạn sông dài khoảng 2 – 3km chạy dọc quanh xã đang bị sạt lở nham nhở. Có chỗ sạt lở tạo thành những vách dựng đứng sâu  10 – 15 mét, chôn vùi nhiều diện tích đất canh tác của bà con.

Chị Nguyễn Thị Hờn (thôn 4 Phúc Đồng, Phúc Trạch) cho biết, mỗi năm sạt lở ăn sâu vào bờ khoảng 7 – 8 mét. Trước kia nhà chị có hơn 2 sào ruộng nằm sát bờ sông nhưng giờ chỉ còn lại được vài thước.

“Nhà có 2 sào ruộng mà giờ chỉ còn lại được có vài tấc đất thôi chú à. Hồi còn đất thì còn trồng được cây ngô, cây lạc, bây chừ đất bị lở hết rồi. Có chỗ đất còn không đến 50 phân nữa, giờ chỉ biết trồng vài cây cỏ sữa cho bò ăn thôi”, chị Hờn than thở.

Cũng chung tâm trạng như chị Hờn, anh Phan Văn Lự lo lắng, “cứ đà sạt lở như này ít năm nữa đất đai của bà con sẽ mất hết, nhà cửa cũng đi luôn, lo lắm chú ơi. Xã có phát động trồng tre dọc bờ sông nhưng cũng không ăn thua, tre trồng chưa kịp lớn đã theo đất vùi xuống sông mất rồi”.

Tình trạng sạt lở sông Ngọn Rào còn đe dọa nghiêm trọng trạm y tế xã Phúc Trạch và tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua đây. Hiện tại, mép sông đã lấn vào bên trong chỉ còn cách đường Hồ Chí Minh chưa đến 20 mét và chạy dọc theo đường hơn 100 mét. Nhiều người dân lo lắng cứ đà sạt lở nhanh chóng như thế này thì chỉ vài năm nữa bờ sông sẽ tiến sát đến mép đường, khi đó thì hậu quả không biết sẽ thế nào.

Bờ sông sạt lở chỉ còn cách đường Hồ Chí Minh và trạm y tế xã Phúc Trạch vài chục mét

Còn tại trạm y tế xã Phúc Trạch, bờ sông chỉ còn cách trạm hơn hai chục mét và đang sạt lở rất nhanh chống không kém những điểm khác. Do trạm y tế nằm đúng đoạn eo của sông nên tốc độ sạt lở tại đây rất chóng mặt.

Chỉ trong vài năm mà khoảng 40 – 50 mét đất đã bị cuốn xuống sông. Nếu như không có giải pháp ngăn chặn hiệu quả thì vài năm nữa, trạm y tế cùng nhiều nhà dân trong thôn sẽ bị dòng sông nuốt chửng.

Theo thông tin từ UBND xã Phúc Trạch thì từ năm 2013 đến nay xã đã di dời 6 hộ dân tại thôn 4 Phúc Đồng đến nơi ở khác, mỗi hộ di dời được huyện hỗ trợ 20 triệu đồng và xã cũng tạo điều kiện cấp đất để các hộ dân làm nhà, ổn định đời sống.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quang Tiến – Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết: Trước kia tình trạng sạt lở xảy ra rất ít, nhưng từ từ năm 2013 đến nay, tốc độ sạt lở bờ sông Ngọn Rào rất dữ dội. Nguyên nhân một phần cũng do rừng phòng hộ đầu nguồn nằm trên địa bàn xã Xuân Trạch bị tàn phá mạnh.

Cũng theo ông Tiến thì do sạt lở diễn ra rất phức tạp nên rất khó khăn trong công tác khắc phục, hiện tại xã chưa có biện pháp nào khả quan để hạn chế tình trạng sạt lở này. Trước mắt chính quyền xã đã vận động bà con trồng tre và nhiều loại cây khác dọc bờ sông để ngăn chặn tình trạng sạt lở tiếp tục diễn ra.

Bạn đang đọc bài viết Đến bao giờ người dân mới hết lo sợ mất nhà vì…bờ sông sạt lở?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.