Thứ sáu, 19/04/2024 05:29 (GMT+7)

Lò đốt than gây ô nhiễm khu dân cư

MTĐT -  Thứ bảy, 24/03/2018 09:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng chục lò than không phép hoạt động trên địa bàn xã Cư Êbur (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) khiến đời sống của nhân dân bị đảo lộn, nhiều diện tích cây trồng không phát triển được.

Hơn 6 sào trồng bơ của gia đình ông Nguyễn Văn Nam trồng tại thôn 8, xã Cư Êbur sát bên cạnh lò than không phép của ông Nguyễn Văn Hoạt (trú tại thôn 8, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột) đang chết dần chết mòn vì ngày ngày phải hứng chịu hơi nóng và khói bụi phát ra từ lò đốt than.

Ông Nam chia sẻ, vườn bơ gia đình trồng hơn 2 năm nay đầu tư gần cả trăm triệu nhưng đên nay cây cối không thể phát triển được. Hiện diện tích bơ của gia đình cây thì héo vàng, cây thì lá rụng hết chỉ còn trơ lại cành. Để bà con yên tâm sản xuất kiến nghị, chính quyền các cấp sớm di dời các cơ sở đốt than này vào một khu tập trung trong cụm công nghiệp.

Không chỉ gia đình ông Nam mà hơn 9 sào trồng cà phê hồ tiêu của gia đình ông Tân ở thôn Châu Sơn cũng bị ảnh hưởng nặng nề, hiện nhiều trụ tiêu đã chết, còn nhiều cây cà phê thì lá co quắp, không ra hoa. Quan sát tại thôn 8 cho thấy, vườn rẫy cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái của các hộ kế bên các lò đốt than đều bị khô héo, bụi than bám đen, không thể phát triển được.

Một cơ sở sản xuất than củi không phép ở buôn Ea Bông.


Ông Nguyễn Tấn Trường, thôn 8, có nhà ở và vườn sát bên cơ sở sản xuất than bức xúc: Suốt ngày đêm phải hít thở khói, bụi, khí độc từ các lò than, người dân khổ sở và bức xúc lắm. Mong các cấp chính quyền sớm di dời lò than ra khỏi khu dân cư.

Hiện trên địa bàn xã Cư Êbur có 4 cơ sở sản xuất than củi đang hoạt động, với tổng cộng 34 lò, công suất 7 đến 10 tấn than/lò. Điều đáng nói là, trong 4 cơ sở, chỉ có duy nhất cơ sở của ông Khương Văn Khôi, ở thôn 8 là có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tư nhân, do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắc Lắc cấp ngày 15/8/2017; và Giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, do UBND thành phố Buôn Ma Thuột cấp ngày 30/1/2018.

Còn lại 3 cơ sở hoạt động không phép, gồm: Cơ sở của ông Chung Văn Dũng, buôn Ea Bông; cơ sở của bà Nguyễn Thị Phượng, buôn Kdun và cơ sở của ông Nguyễn Văn Hoạt, thôn 8. Tất cả 4 cơ sở đều xây dựng gần khu dân cư, có nơi lò than chỉ cách nhà ở của dân chưa đầy 100 m, và liền kề vườn rẫy. Trong khi đó các cơ sở sản xuất than củi không đầu tư lắp đặt ống khói và hệ thống phun sương để thu gom khói bụi, dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra nghiêm trọng.

Trao đổi với PV, ông Trần Hoài Nam, cán bộ phụ trách Địa chính - Xây dựng - Môi trường xã Cư Êbur cho biết: Tất cả các cơ sở sản xuất than củi trên địa bàn đều không chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất chuyên dùng theo quy định. Từ cuối năm 2016, UBND xã Cư Êbur đã kiểm tra, và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, với mức 1,5 triệu đồng/cơ sở.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND xã chia sẻ, trước những phản ánh của bà con xã đã tiến hành kiểm tra và báo cáo lên thành phố để có phương án di dời các lò than vào khu công nghiệp. Hiện trên thành phố có 2 khu công nghiệp Hòa Phú và Tân An, nếu các hộ, doanh nghiệp sản xuất đốt than không đảm bảo các tiêu chí môi trường ảnh hưởng đến người dân và sản xuất của bà con thì cần phải di dời sớm. Xã kiên quyết sẽ xử lý nghiêm các cơ sơ đốt than vi phạm như yêu cầu tháo dỡ, không cho xây dựng thêm các lò và xin ý kiến thành phố tổ chức cưỡng chế các lò than không phép để không gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con địa phương.

Thiết nghĩ, trước những kiến nghị, phản ánh của bà con, UBND xã Cư Êbur và thành phố Buôn Ma Thuột cần cưỡng chế tháo dỡ tất cả các cơ sở sản xuất than củi trái phép, gây ô nhiễm môi trường. Đối với cơ sở có giấy phép hoạt động, nhưng nằm gần khu dân cư, liền kề vườn rẫy, gây ô nhiễm môi trường thì nên vận động di dời vào khu công nghiệp của địa phương.

Theo Đại đoàn kết  

Bạn đang đọc bài viết Lò đốt than gây ô nhiễm khu dân cư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.