Thứ năm, 28/03/2024 20:22 (GMT+7)

Mường Ảng (Điện Biên): Xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường

MTĐT -  Thứ sáu, 16/03/2018 11:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo phản ánh của người dân, trong nhiều tháng qua khu xử lý rác thải thị trấn Mường Ảng (huyện Mường Ảng, Điện Biên) và các xã lân cận đang xảy ra ô nhiễm nghiêm trọng.

Ðiều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và nguồn nước sinh hoạt của hàng trăm hộ dân thuộc bản Co Có, xã Ẳng Tở và bản Noong Háng, xã Ẳng Cang. Sau khi nhận được phản ánh, chiều 6/3 phóng viên báo Điện Biên đã có mặt tại khu vực người dân phản ánh và chứng kiến một đồi rác rộng hàng trăm mét vuông đang bốc mùi hôi thối bên cạnh công trình xử lý rác thải trị giá 4,2 tỷ đồng bị bỏ hoang…

Bãi rác rộng hàng trăm mét vuông tại khu vực giáp ranh giữa bản Noong Háng, xã Ẳng Cang và bản Co Có, xã Ẳng Tở.

 Người dân kêu trời vì ô nhiễm!

Cùng phóng viên đến hiện trường bãi rác là ông Quàng Văn Sỹ, Trưởng bản Co Có và ông Lường Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Ẳng Tở. Trước mắt là một “đồi” rác thải rộng hàng trăm mét vuông đang phân hủy mạnh dưới cái nắng gió Lào khiến “nồng độ” càng thêm đậm đặc và lan xa. Bãi rác này nằm trong khuôn viên của khu xử lý rác thải thuộc địa bàn bản Noong Háng, xã Ẳng Cang, giáp ranh với bản Co Có, xã Ẳng Tở đang sinh sôi đủ mọi loại ruồi, nhặng, muỗi, dĩn… rồi từ đây phát tán trở lại nhà dân. Chúng bâu vào mâm đĩa, mặt mũi, chăn màn của người dân và gây ra biết bao nhiêu hệ lụy.

Ông Quàng Văn Sỹ cho biết: Từ nhiều tháng nay công trình này không còn hoạt động. Do đó rác thải được đổ xuống khu vực sườn đồi nơi chúng tôi đang đứng. Ngay phía dưới bãi rác này là khe suối chảy qua bản Co Có, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân trong khu vực. Trâu, bò, lợn, đặc biệt là dê… trong bản luôn bị bệnh tật hoặc nuôi không lớn. Trong số ấy khi thịt ra mới biết dạ dày và ruột của chúng bị tắc do túi nilon tìm kiếm thức ăn từ bãi rác. Người dân ở đây thì nói rằng, sự ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường là không có từ nào tả hết được. Các anh cứ ngủ lại, ăn cơm cùng bà con dân bản, uống nước từ giếng, từ suối dưới bãi rác… cùng bản sẽ biết!.

Ðiều đáng nói là, từ 4 năm trước, Nhà nước đã đầu tư một lò đốt rác nhập khẩu từ Thái Lan (công nghệ Nhật Bản) trị giá 4,2 tỷ đồng, có công suất 5 tạ/giờ; đủ năng lực giải quyết hơn 6 tấn rác/ngày của 4 xã, thị trấn: Mường Ảng, Ẳng Cang, Ẳng Tở và Ẳng Nưa. Nghe nói, lò đốt rác này thuộc loại dự án cấp thiết, nằm trong kế hoạch chuẩn bị cho lễ Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ năm 2014. Từ nhiều tháng qua, nhà xử lý rác khóa cửa im ỉm. Nhìn qua song sắt thấy ngổn ngang phế thải bên cạnh lò đốt. Nhà ở của công nhân cũng đã bị phá đi. Cuối năm 2017 trở về trước, khi cái lò ấy vẫn còn hoạt động thì khu vực Noong Háng và Co Có đã nồng nặc mùi hôi thối do quy trình xử lý rác không triệt để. Còn từ cuối 2017 đến nay (6/3) thì tình trạng ô nhiễm càng trở nên trầm trọng hơn…

Cơ quan chức năng nói gì?

Trao đổi với phóng viên, ông Lường Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Ẳng Tở xác nhận, khi lò đốt rác vẫn còn hoạt động thì người dân đã phải chịu ô nhiễm khói bụi và mùi hôi thối kinh khủng từ lượng rác thải không hiểu vì lý do gì lại được đổ ra ngoài. Tại các buổi tiếp xúc cử tri HÐND các cấp, người dân đã có nhiều ý kiến gay gắt, nhưng đến nay ô nhiễm vẫn ngày càng tăng mạnh.

Ông Tạ Mạnh Cường, Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Mường Ảng thì cho biết, việc thu gom và xử lý rác thải, huyện đã hợp đồng với Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng tỉnh Ðiện Biên. Phòng Kinh tế – Hạ tầng có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hàng ngày. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến bãi rác lớn tồn tại mấy tháng qua trên địa bàn, ông lại chưa hay biết và nói sẽ đích thân kiểm tra! Ông khẳng định, trường hợp Công ty không thực hiện đúng các điều khoản thì sẽ tạm dừng hoặc chấm dứt hợp đồng theo quy định.

Sáng 8/3, tại Trụ sở Công ty, ông Nguyễn Thanh Hoàng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Ðô thị và Xây dựng tỉnh Ðiện Biên cho biết: Lò đốt rác Mường Ảng đã hỏng từ cuối năm 2017, hiện chúng tôi đang mời chuyên gia lên sửa chữa. Tuy nhiên, việc sửa chữa và thay thế thiết bị phụ thuộc, khó chủ động về thời gian… Theo nội dung hợp đồng, số rác chất đống do lò hỏng kia vốn dĩ phải được chở đi xử lý ở nơi khác (huyện Tuần Giáo hoặc thành phố Ðiện Biên Phủ) chứ không phải đổ ra môi trường như vậy. Tuy nhiên, cả ông Cường, ông Hoàng đều không nắm được và nói là sẽ kiểm tra thông tin!

Theo một công nhân đô thị (xin giấu tên), mỗi ngày ít nhất phải mất một xe tải cỡ lớn chở rác đi Tuần Giáo hoặc Ðiện Biên Phủ như quy định, may ra mới hết lượng rác thải của 4 xã, thị trấn. Một tài xế vận tải chuyên nghiệp đã tính hộ chúng tôi rằng, chở gì chứ chở rác nhẹ cũng phải mất trên dưới 2 triệu tiền thuê xe (trong khi đó Công ty chỉ có xe cuốn ép nhỏ). Như vậy nếu làm đúng theo hợp đồng thì chi phí vận chuyển sẽ cao gấp nhiều lần cước chở từ khu dân cư lên lò đốt! Vậy, đó có phải lý do rác được xả vô tư ra môi trường?

Hiện, Công ty bố trí 14 công nhân phục vụ địa bàn 4 xã, thị trấn ở Mường Ảng. Tuy vậy, tại khu vực bản Co Có vẫn còn nguyên đống rác hôi thối được bản tập kết từ trong tết. Tại thị trấn Mường Ảng, nhiều hôm rác không được thu dọn, gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị. Nhiều ý kiến đã được UBND thị trấn Mường Ảng tổng hợp gửi Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện nhưng đâu vẫn vào đó. Ô nhiễm, bệnh tật, gia súc ốm, chết… vẫn đang “sống” chung với người dân nơi đây.

Thiết nghĩ, đảm bảo vệ sinh môi trường là một trong những tiêu chí cơ bản để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng tuyến phố văn minh đô thị mà huyện Mường Ảng đang triển khai. Việc để xảy ra tình trạng ô nhiễm như hiện nay là vấn đề rất nghiêm trọng cần phải có phương án giải quyết khẩn trương và dứt điểm, đặc biệt tại khu vực tập kết và xử lý rác thải.

Theo ĐBP

Bạn đang đọc bài viết Mường Ảng (Điện Biên): Xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.