Thứ sáu, 29/03/2024 15:11 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 17/6: Nguy cơ thiếu nước ngọt ở đảo Cát Bà

MTĐT -  Chủ nhật, 17/06/2018 17:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đảo Cát Bà đứng trước nguy cơ thiếu nước ngọt; Hàng ngàn hộ dân tại TP. HCM sống chung với dòng kênh ô nhiễm… là một số tin môi trường trong ngày.

Đảo Cát Bà đứng trước nguy cơ thiếu nước ngọt

Những ngày giữa tháng 6, tình trạng thiếu nước sạch, nước ngọt trên đảo Cát Bà bắt đầu diễn ra, đang ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân.

Theo báo DNVN đưa tin, để có nước sinh hoạt, một số hộ dân, chủ nhà nghỉ, chủ công trình phải mua nước với giá 150.000 đồng/m3 từ một số người chở từ nơi khác đến.

Theo ông Vũ Hồng Dương, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Hải Phòng, một số giếng nước tại khu Suối Gôi, Liên Xô, Áng Vả, Núi Một và các hồ chứa nước ngọt đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt.

Đặc biệt, hồ Trân Châu đã cạn trơ đáy. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình cấp nước cho người dân thị trấn Cát Bà, các khu du lịch, nhà nghỉ và khách sạn.

Theo ông Dương, nguyên nhân do từ đầu mùa hè đến nay tại đảo Cát Bà ít mưa, trong khi đó lượng khách du lịch tăng đột biến.

Công ty cấp nước Hải Phòng đang khoan hai giếng khoan tại khu vực xã Hải Sơn, nằm trong vườn quốc gia Cát Bà, đồng thời sử dụng tàu vận chuyển nước ngọt từ nội thành ra đảo. Quãng đường di chuyển xa hơn 40km nên mỗi ngày đơn vị cũng chỉ vận chuyển được 600m3 nước ngọt song ưu tiên cho các bãi tắm: Cát Cò 1, Cát Cò 2.

Du khách đổ về Cát Bà khiến đảo này đứng trước nguy cơ thiếu nước ngọt trầm trọng. 

Tây Ninh: Siết chặt quản lý khai thác cát ở hồ Dầu Tiếng

Theo thông tin trên VTV, một tổ kiểm tra liên ngành đặc nhiệm gồm Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh và các cơ quan liên ngành đã được UBND tỉnh thành lập để kiểm tra thường xuyên và đột xuất các hoạt động khai thác cát.

Ban quản lý hồ Dầu Tiếng, đơn vị quản lý trực tiếp gần nhất với các doanh nghiệp khai thác cát, cũng đã chủ động đề ra những giải pháp mới.

Diện tích hồ Dầu Tiếng rất rộng, liên quan đến trách nhiệm của nhiều Bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, tỉnh Tây Ninh đã kiến nghị Bộ NN&PTNT chủ trì xây dựng quy chế phối hợp quản lý với các cơ quan địa phương như tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Phước để việc quản lý được đồng bộ và chặt chẽ.

Hồ Dầu Tiếng hiện có 17 doanh nghiệp khai thác cát do các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước cùng cấp phép. Trong thời gian qua, tình trạng khai thác cát chưa đúng sản lượng được duyệt, các hợp đồng khoán khai thác của một số tổ chức, cá nhân chưa được cấp phép vẫn diễn ra.

UBND tỉnh Tây Ninh thành lập để kiểm tra thường xuyên và đột xuất các hoạt động khai thác cát. Ảnh: Internet.

12 người bị sét đánh khi đi chăn trâu

Ngày 17/6, Chủ tịch UBND xã Thanh Liên (Thanh Chương, Nghệ An) cho biết, trên địa bàn xã vừa xảy ra một vụ sét đánh khiến 12 người bị thương và nhập viện cấp cứu, theo báo Nghệ An đưa tin.

Trước đó, khoảng 16h ngày 16/6, một nhóm người gồm người lớn và trẻ em tại xã Thanh Liên đi thả trâu ở cánh đồng lúa mới gặt ở địa bàn thì gặp cơn mưa giông. Sau đó, nhóm 12 người vào một lán che bạt ở giữa đồng để trú mưa thì bất ngờ bị sét đánh bất tỉnh.

Một lát sau, một số nạn nhân bị nhẹ tỉnh dậy hỗ trợ những người bị nặng, đồng thời gọi người ở làng chạy tới cứu. Các nạn nhân bị thương nặng được chuyển tới cơ sở y tế địa phương cấp cứu, trong đó một trường hợp nặng được chuyển lên tuyến trên.

Hàng ngàn hộ dân tại TP. HCM sống chung với dòng kênh ô nhiễm

Theo VTV đưa tin, hàng ngàn hộ dân nuôi cá và trồng lúa trên địa bàn huyện Bình Chánh, TP. HCM, đang bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm của nguồn nước tại dòng kênh Trung ương.

Vụ lúa năm nay, ông Lê Văn Cư - nông dân thuộc ấp 2, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, quyết định chỉ xạ lúa một lần, thay vì 2 lần như mọi năm vì ảnh hưởng trực tiếp của dòng kênh Trung ương đến thửa ruộng gần một mẫu của gia đình.

Dòng kênh ô nhiễm đến tắc nghẽn bởi rác thải, trong khi đó, người dân tùy tiện lấn chiếm, lắp đặt cống thoát nước vô tội vạ đã khiến dòng nước của kênh Trung ương không kịp thoát nước mỗi khi mùa mưa đến. Chính điều này đã khiến những đồng ruộng khi vừa gieo sạ lại bị ngập úng trong nước.

Dòng kênh bị ô nhiễm nặng nề, đe dọa cuộc sống người dân nơi đây. Ảnh: VTV.

Dòng kênh vốn được đào với mục đích phục vụ cho nông nghiệp giờ đây không khác nào một đường cống thoát nước sinh hoạt lộ thiên.

Trước thực tế này, UBND huyện Bình Chánh đã có kiến nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, đồng thời có giải pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 17/6: Nguy cơ thiếu nước ngọt ở đảo Cát Bà. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.