Thứ sáu, 29/03/2024 06:06 (GMT+7)

Tin MT ngày 13/6: Nước máy không đảm bảo, dân dùng sang nước giếng

MTĐT -  Thứ tư, 13/06/2018 17:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

TP. HCM: Nghi nước máy có mùi thuốc tẩy, dân chuyển dùng nước giếng; Tây Ninh: Sẽ đầu tư dự án thu gom xử lý nước thải hơn 500 tỷ... là một số tin môi trường trong ngày.

TP HCM: Nghi nước sinh hoạt không đảm bảo chất lượng, dân chuyển sang dùng nước giếng

Theo báo Dân sinh đưa tin, dù Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã thực hiện việc đầu tư phát triển nguồn và mạng lưới nước máy trên địa bàn, một số khu vực đã có mạng lưới cấp nước, nhưng nhiều hộ gia đình vẫn không sử dụng mà tiếp tục khai thác và duy trì sử dụng nguồn nước từ giếng khoan.

Bà Đỗ Thị Mười (ngụ phường 8, Gò Vấp) cho biết, bà chưa từng sử dụng nước máy dù đã lắp nhiều năm. Bà cho biết: “Hồi mới lắp, tôi có mở ra dùng thử thì thấy có mùi thuốc tẩy. Nhiều lần như thế tôi không dùng nữa, chỉ dùng nước giếng thôi”.

Không chỉ gia đình bà Mười, nhiều hộ gia đình tại khu vực phường Trung Mỹ Tây cũng không sử dụng nước máy hoặc sử dụng song song 2 loại nước mặc cho chính quyền địa phương và công ty cấp nước đã cố gắng tuyên truyền, vận động. Theo một số người, chất lượng cùng giá thành là lý do khiến họ từ chối nước máy.

Người dân không yên tâm dùng nước máy có mùi thuốc tẩy.

Theo kết quả giám sát của Sawaco từ Trung tâm Y tế Dự phòng, nguồn nước giếng tự khai thác tại các hộ dân TP. HCM hầu hết đều không đạt theo tiêu chuẩn về nước dùng cho sinh hoạt, cụ thể là không đạt ở các chỉ tiêu pH, sắt và có khoảng 50% mẫu nước không đạt chỉ tiêu amoniac.

Lập lý lịch cho rừng để bảo vệ rừng

Sau 5 tháng triển khai, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh nằm trên địa bàn 2 huyện Phước Sơn và Nam Giang đã luồn rừng, tiến hành thẩm định, làm lý lịch cho hơn 1.000 cây cổ thụ quý hiếm, sau đó bàn giao nguyên trạng cho từng thôn bản tự giữ.

Hiện nay việc thẩm định, làm lý lịch cho rừng, phân loại từng diện tích, chất lượng rừng sau đó giao rừng cho người dân địa phương quản lý theo từng gia đình, từng nhóm hộ được xác định là giải pháp căn cơ và lâu dài.

Sau thí điểm, mô hình giữ rừng này sẽ được tỉnh Quảng Nam triển khai trên diện rộng toàn tỉnh. Cùng với đó là các công cụ như lập bản đồ số để quản lý từ xa, thay đổi mô hình Ban quản lý rừng, tổ chức buôn làng lập chốt giữ rừng.

Tây Ninh: Sẽ đầu tư dự án thu gom xử lý nước thải hơn 500 tỷ

Dự án Hệ thống thu gom và xử lý nước thải thị trấn Hòa Thành (Tây Ninh) là dự án được đầu tư xây mới hệ thống nước sinh hoạt và nhà máy xử lý công suất 12.000m³/ngày đêm, có tổng mức đầu tư dự kiến 519 tỷ đồng.

Mới đây, Sở KH&ĐT Tây Ninh đã công bố danh mục Dự án Hệ thống thu gom và xử lý nước thải thị trấn Hòa Thành theo hợp đồng xây dựng – sở hữu – kinh doanh (BOO).

Mục tiêu của Dự án là xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt của đô thị Hòa Thành giai đoạn đến năm 2030 phù hợp với quy hoạch chung của khu vực và thỏa mãn được nhu cầu về thoát nước sinh hoạt của đô thị.

Ảnh minh họa.

Hòa Bình: Chỉ đạo xây dựng kịch bản sơ tán người dân khi nước lũ sông Đà lên cao

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, trong năm 2018, tỉnh Hòa Bình sẽ có mưa sớm gây dông, lốc tố, đặc biệt đến tháng 8 tình trạng mưa lớn, giông, lốc tiếp tục mạnh hơn và bất thường.

Theo báo TN&MT, UBND thành phố xác định toàn địa bàn có 4 tuyến đê và 17 công trình hồ thủy điện, thủy lợi đầu mối và hồ điều hòa trọng điểm. Để đảm bảo công tác phòng chống thiên tai hiệu quả, lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình do ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đoàn công tác vừa xuống thị sát tình hình, kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tại thành phố Hòa Bình.

Nhằm chủ động phòng, chống thiên tai trong năm 2018, UBND thành phố Hòa Bình đã xây dưng phương án, nhiệm vụ trọng tâm công tác PCTT&TKCN năm 2018. Yêu cầu chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả khẩn trương, hiệu quả, trong đó lấy chủ động phòng, tránh là chính. Thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ hiệu quả: chỉ huy hiệu quả, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ.

Tại buổi làm việc, UBND thành phố đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm đẩy nhanh tiến độ hạng mục nối dài cống tiêu đê số 3 đê Quỳnh Lâm để giúp tiêu úng tự chảy khu vực bờ phải thành phố Hòa Bình; hỗ trợ kinh phí để xây dựng các công trình kè chống sạt lở đường giao thông, đất ở dân cư, đất sản xuất, bai, kênh thủy lợi...

Kiên Giang: Tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang vừa ban hành Công văn số 790, ngày 11/6/2018 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá, lấn chiếm rừng trái pháp luật.

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông; các sở, ban, ngành, đơn vị chức năng có liên quan và chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, bằng nhiều hình thức, nội dung về các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng; nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động đấu tranh, phòng ngừa đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng và vận động nhân dân chấp hành và thực hiện tốt Quy ước quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư ấp, khu phố có rừng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin MT ngày 13/6: Nước máy không đảm bảo, dân dùng sang nước giếng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.