Thứ năm, 25/04/2024 04:17 (GMT+7)

Tin MT ngày 23/5: Hàng trăm hộ dân sống mòn vì dòng kênh ô nhiễm

MTĐT -  Thứ tư, 23/05/2018 16:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hải Phòng, hàng trăm hộ dân phải “sống mòn” vì dòng kênh bị ô nhiễm; Thiên tai tại Việt Nam cướp đi sinh mạng hơn 400 người mỗi năm… là một số tin môi trường trong ngày.

Hải Phòng: Hàng trăm hộ dân phải “sống mòn” vì dòng kênh bị ô nhiễm

Gần 20 năm chưa giải quyết xong một điểm đen về môi trường - đó chính là thực trạng ở tuyến kênh Tây Nam, thuộc địa bàn quận Lê Chân, TP. Hải Phòng.

Trạm xử lý nước thải cho cụm công nghiệp Vĩnh Niệm được TP. Hải phòng đầu tư xây dựng từ năm 2001 nhưng do bị bỏ hoang, cỏ dại um tùm nên hiện nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng.

Không có trạm xử lý nước thải nên thời kỳ cao điểm, có tới gần 30 doanh nghiệp trong cụm công nghiệp đồng loạt xả thải không đạt chuẩn xuống dòng kênh Tây Nam. Nước thải phát sinh từ sản xuất và nước thải sinh hoạt từ khu vực trung tâm thành phố đổ dồn về đã khiến dòng kênh ngày càng ô nhiễm.

Theo kiến nghị của các hộ dân, với thực trạng ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay, toàn tuyến kênh Tây Nam phải được nạo vét, làm cống hộp mới giải quyết được triệt để. Tuy nhiên, đến bao giờ các hạng mục như vậy mới được hoàn thành, câu trả lời còn chưa ai biết.

Thiên tai tại Việt Nam cướp đi sinh mạng hơn 400 người mỗi năm

Theo VTV đưa tin, qua số liệu thống kê, trong 20 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm khoảng 400 người chết và mất tích, gây thiệt hại vật chất từ 1 - 1,5% GDP.

Bên cạnh đó, thiên tai đã gây ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội.

Việt Nam là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới do biến đổi khí hậu với 21 loại hình thiên tai. Đặc biệt, bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, lũ quét, hạn hán, sạt lở đất, mặn xâm nhập, sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước.

Đáng lo ngại, thiên tai ngày cảng gia tăng và diễn biến bất thường với tần suất nhiều hơn, cường độ mạnh hơn, hậu quả nghiêm trọng hơn.

Riêng năm 2017, thiên tai đã gây hậu quả rất nặng nề mà nhiều năm mới khắc phục được, đó là làm chết 386 người, tổng thiệt hại về kinh tế lên đến 60.000 tỷ đồng, gấp 3 lần so với trung bình nhiều năm. 

Quảng Ngãi: Kiểm soát dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản về việc tăng cường thực hiện kiểm soát dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.

Theo đó, Chủ tịch tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 01/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện kiểm soát dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.

Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao phải phối hợp kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các tiêu chí về quy mô công suất, tiêu hao năng lượng, công nghệ và thiết bị sản xuất công nghiệp đối với các dự án đầu tư trên địa bàn; nghiên cứu xây dựng, ban hành các văn bản quy định về việc thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010.

Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổng hợp và định kỳ hàng năm tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết quả thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 01/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

Quản lý rác thải đô thị bền vững dựa vào cộng đồng

Theo TNMT thông tin, sáng nay 23/5, Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Quản lý rác thải đô thị bền vững: Phân loại, thu gom và tái sử dụng rác thải dựa vào cộng đồng.

Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Đại dương không nhựa: Chương trình thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa vì một cộng đồng khỏe mạnh và thành phố xanh” tại Đà Nẵng.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (ADB), Việt Nam là một trong số những quốc gia có lượng phát sinh chất thải rắn cao (chiếm 16% tổng lượng chất thải rắn của thế giới). Tại TP. Đà Nẵng, vào mùa cao điểm du lịch, sau mỗi ngày bãi biển trở thành “bãi rác”, lực lượng thu gom rác của thành phố phải tiến hành thu gom rác từ lúc giữa đêm. Hiện nay, trên 80% rạn san hô của thành phố Đà Nẵng đang ở tình trạng rất xấu, rác thải là một trong những nguyên nhân chính được xác định gây nguy hại cho rạn san hô.

Chất thải rắn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm cho môi trường biển nếu không được thu gom hiệu quả. Tuy nhiên, việc tổ chức thu gom, xử lý chất thải rắn chưa được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư. Ở các địa phương nguồn lực đầu tư  dành cho công tác này còn rất thấp, thiếu các giải pháp kỹ thuật phù hợp trong khi nhu cầu về quản lý chất thải rắn ngày càng bức xúc. Phần lớn công nghệ xử lý rác thải chủ yếu do các doanh nghiệp trong nước đảm nhiệm vừa triển khai hoạt động vừa hoàn thiện dây truyền công nghệ nên chưa đồng bộ, nhiều thông số kỹ thuật chưa chuẩn xác, chất lượng chưa cao nên sản phẩm sản xuất từ rác thải gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Một số địa phương chậm phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn.

Việc xác định vị trí để xây dựng khu/cơ sở xử lý hoặc bãi chôn lấp còn gặp nhiều khó khăn do chưa tạo được sự đồng thuận của người dân; nhiều bãi chôn lấp đang quá tải, không đảm bảo các tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác một số dự án đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động nhưng ngân sách của địa phương không đủ chi trả chi phí xử lý. Nhất là ý thức nhận thức của bộ phận cộng đồng về bảo vệ môi trường còn thấp. Các vi phạm về vệ sinh môi trường như vứt rác bừa bãi, đổ trộm phế thải vẫn còn rất phổ biến.

Hơn 43.000 hộ dân ở Bình Định được dùng nước hợp vệ sinh

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định có 7 công trình cấp nước tập trung quy mô lớn với tổng công suất trên 21.000 m3/ngày đêm và cung cấp nước sinh hoạt cho trên 43.000 hộ dân tại 24 xã trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Tánh, GĐ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN&PTNT Bình Định) cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh này có 7 công trình cấp nước tập trung quy mô lớn với tổng công suất trên 21.000 m3/ngày đêm do đơn vị này quản lý, vận hành.

Phần lớn các công trình hoạt động tốt, chất lượng nước đảm bảo vệ sinh. Hiện các công trình cấp nước tập trung đang cung cấp nước sinh hoạt cho trên 43.000 hộ dân tại 24 xã ở các địa phương trong tỉnh, góp phần nâng tỉ lệ dân cư ở khu vực nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên trên 97%, trong đó có 60% dân cư được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn 02 (QCVN: 02) của Bộ Y tế.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin MT ngày 23/5: Hàng trăm hộ dân sống mòn vì dòng kênh ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành