Thứ sáu, 29/03/2024 14:45 (GMT+7)

Tuyên truyền về bảo vệ môi trường để thích ứng với biến đổi khí hậu

MTĐT -  Thứ năm, 05/04/2018 10:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cần tuyên truyền, tăng cường thông tin về nguyên nhân ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu và về thực tiễn ứng phó với biến đổi khí hậu ở cơ sở, nhất là tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Nghị quyết số 24-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” yêu cầu tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đa dạng hóa hình thức, đổi mới nội dung, xác định các đối tượng ưu tiên tuyên truyền,…

Biến đổi khí hậu - Thách thức của sự phát triển 

Biến đổi khí hậu là một thách thức không biên giới. Sự thay đổi các xu hướng thời tiết ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống, đe dọa đến sức khỏe con người, hay châm ngòi cho các xung đột nội bộ và giữa các quốc gia, khu vực. Trong tương lai, tình trạng mất an ninh lương thực, khủng hoảng năng lượng và di cư vì môi trường có thể sẽ cùng lúc bùng nổ, nhất là ở các nước đang phát triển.

Nguy cơ biến đổi khí hậu đã và đang tác động làm gia tăng nhiều nguy cơ khác, làm thay đổi sự phát triển của thế giới. Chỉ tính riêng thiệt hại về người và của, hậu quả mà hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu để lại cho loài người là rất lớn. Hàng trăm người đã thiệt mạng, hàng ngàn người bị mất nhà cửa, hàng triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào cảnh đói nghèo, bệnh tật và thiếu nước.

Trong cả thế kỷ trước, mực nước biển dâng cao trung bình toàn cầu là 19 cm nhưng trong 20 năm gần đây, tốc độ này đã gia tăng nhanh chóng. Theo dự báo, vào năm 2100, mực nước biển sẽ dâng cao thêm từ 26 - 98 cm; đến năm 2300 sẽ dâng cao khoảng từ 1m - 3m. Mực nước biển dâng cao đe dọa thu hẹp diện tích đất, nhiều thành phố, làng mạc có thể biến mất trên bản đồ.

Báo cáo Stern Review năm 2006 về chi phí kinh tế của biến đổi khí hậu, kết luận rằng: Thế giới nên hành động sớm để giảm tác động của khí thải nhà kính, lượng chi phí để tiến hành các hoạt động này có thể chỉ giới hạn trong khoảng 1% GDP toàn cầu mỗi năm, nhưng nếu cứ trì hoãn, con số này sẽ gia tăng đáng kể, lên đến 5% GDP toàn cầu mỗi năm.

Xuất phát từ thực tế trên, chính phủ nhiều nước nhận thức được cần phải hành động ngay để giảm thiểu những tác động tiêu cực từ hiện tượng biến đổi khí hậu. Hội nghị về Biến đổi khí hậu tại Pa-ri là phiên họp hằng năm, giúp thế giới nhìn thấy rõ mối liên hệ không thể tách rời giữa con người và thiên nhiên.

Đây là một sự thật dựa trên các căn cứ khoa học, tức là chúng ta không thể tiếp tục đà phát triển vô hạn trên một hành tinh hữu hạn. Một quốc gia không thể nào phát triển bằng cách hy sinh lợi ích của những quốc gia khác. Tháng 12-2015, tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc biến đổi khí hậu (COP 21), Hiệp định Pa-ri được thông qua.

Tháng 4-2016, các nước đã ký kết hiệp định này. Các quốc gia tham gia nhất trí kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng những năm 1850). Ngoài ra, hiệp định cũng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, đứng thứ 5 trên toàn cầu về thiệt hại do biến đổi khí hậu. Đối với nước ta, biến đổi khí hậu không còn là “nguy cơ”, không chỉ là “hiện tượng” đơn lẻ mà đã là thực tế hiện hữu, tác động một cách toàn diện, rộng khắp ở các vùng, miền.

Trong năm 2016, rét đậm, rét hại ở miền Bắc, hạn hán ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, mưa lũ ở miền Trung,… xảy ra với mức độ gay gắt hơn, thiệt hại lớn hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân. Tổng thiệt hại do thiên tai trong năm 2016 lên đến 1,7 tỷ USD, chiếm tới 0,8% GDP. Năm 2017, tình hình có khả quan hơn nhưng thiên tai cũng đã làm 389 người chết, mất tích và 668 người bị thương; 234 nghìn ha diện tích lúa và 130,6 nghìn ha diện tích hoa màu bị ngập, bị hư hỏng. Số nhà sập đổ, cuốn trôi là 8.312, gấp hơn 1,5 lần so với năm 2016 và 588,1 nghìn nhà sạt lở, tốc mái, ngập nước, gấp 1,6 lần.

Nhận thức rõ những thách thức của biến đổi khí hậu đối với phát triển kinh tế, ổn định xã hội, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Ngày 15-11-2004, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41- NQ/TW về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nêu rõ quan điểm: bảo vệ môi trường vừa là nhiệm vụ phức tạp, vừa cấp bách, có tính đa dạng và liên vùng rất cao; vì vậy, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu. Mục tiêu của Chương trình này là đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, ngành, địa phương…, tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm nhẹ những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh; Chiến lược Quản lý tổng hợp chất thải rắn...

Tháng 6-2013, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa XI đã thông qua Nghị quyết về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” (Nghị quyết số 24-NQ/TW). Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2020: Hình thành cho mỗi thành viên trong xã hội ý thức chủ động phòng, tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Giảm dần thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra. 

Một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện các nghị quyết, chương trình, dự án về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của Đảng, Nhà nước là công tác tuyên truyền. Nghị quyết số 24-NQ/TW của Đảng yêu cầu tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đa dạng hóa hình thức, đổi mới nội dung, xác định các đối tượng ưu tiên tuyên truyền,… 

Tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu 

Trong thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được triển khai tương đối toàn diện, rộng khắp và đạt được những kết quả bước đầu khá tích cực.

Nội dung tuyên truyền bao gồm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hoạt động thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của các cơ quan quản lý nhà nước; việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của các tổ chức, cá nhân; thông tin, tuyên truyền về các kịch bản biến đổi khí hậu và các hệ quả của nó ở Việt Nam cũng như trên thế giới; tuyên truyền về các kết quả nghiên cứu khoa học, các dự báo, cảnh báo liên quan đến biến đổi khí hậu; thông tin về các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu; phản ánh các vi phạm trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của các tổ chức, cá nhân; biểu dương những điển hình trong công tác bảo vệ môi trường, thông tin về những cách thức sáng tạo để bảo vệ môi trường trong sản xuất và đời sống;…

Các hình thức tuyên truyền được sử dụng khá đa dạng. Vai trò chủ lực thuộc các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan truyền thông, các mạng xã hội do thế mạnh của việc thông tin phát tán nhanh chóng đến các nhóm công chúng trên nền tảng tiến bộ của công nghệ thông tin, truyền thông.

Một hình thức tuyên truyền quan trọng là lồng ghép tuyên truyền giáo dục về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong hệ thống giáo dục và đào tạo từ mầm non đến đại học, sau đại học. Ngoài ra, còn có hình thức tuyên truyền miệng, tổ chức các diễn đàn, sự kiện, hội thảo, triển lãm, tọa đàm, câu lạc bộ, tuyên truyền qua hoạt động của đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên đối với từng vùng, miền và các cộng đồng cụ thể…

Về phương pháp tuyên truyền, bên cạnh phương pháp thuyết phục bằng lý lẽ, các luận cứ, luận chứng để hình thành ở mỗi người một lập trường, thái độ đúng đắn với môi trường, thay đổi quan điểm hoặc hành vi của họ và để họ có hành động tự giác bảo vệ môi trường, các phương tiện thông tin đại chúng còn sử dụng rộng rãi những sự việc, hiện tượng điển hình trong đời sống thực tế ở địa phương, cơ sở, đưa ra các kiểu hành vi, lối sống tôn trọng, bảo vệ môi trường, từ đó tác động đến người dân, giúp họ hình thành những hành vi, lối sống phù hợp theo gương điển hình. Ngoài ra, các phương pháp tuyên truyền khác cũng được sử dụng tích cực như pano, áp phích, khẩu hiệu cổ động,...

Về chủ thể, có thể nói cả hệ thống chính trị tham gia tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, từ các cơ quan của Đảng, Nhà nước đến Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó vai trò chủ lực thuộc về các cơ quan báo chí của Đảng, Nhà nước, các cơ quan tuyên truyền, truyền thông của ngành tuyên giáo, ngành thông tin và truyền thông, ngành tài nguyên và môi trường. Bên cạnh đó, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức, doanh nghiệp cá nhân cũng tham gia tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhìn chung, nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là của các cơ quan thông tin, truyền thông, công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã đạt được những kết quả quan trọng. Lượng thông tin lớn về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu hàng ngày được cập nhật, đến với công chúng. Sự phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu của báo chí và truyền thông nói chung đã tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho người dân tiếp cận, cập nhật một khối lượng lớn thông tin về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Nhận thức của người dân nói chung về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được cải thiện. Yếu tố môi trường bước đầu được tính đến trong mỗi chương trình, dự án, quy hoạch phát triển của ngành, địa phương, theo hướng kiên quyết không đánh đổi môi trường để lấy sự tăng trưởng kinh tế. Ý kiến tham gia phản biện của nhân dân thông qua các tổ chức đại diện của mình ngày càng được các cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe, tôn trọng.

Ngày nay, những kiến thức phổ thông về gìn giữ, bảo vệ môi trường, những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu đối với sản xuất và đời sống không còn xa lạ trong đại bộ phận nhân dân. Từ thay đổi nhận thức đến thay đổi hành vi, người dân đã bước đầu thay đổi thói quen, cách thức làm ăn, sinh sống theo hướng thân thiện hơn với môi trường. Người dân cũng tích cực hơn trong việc tham gia bảo vệ môi trường, giám sát, phát hiện, tố cáo các hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả tuyên truyền bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu 

Bên cạnh những kết quả đạt được, tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thời gian qua cũng bộc lộ những hạn chế cần khắc phục:

Các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay chủ yếu vẫn tập trung vào các biểu hiện và hậu quả của biến đổi khí hậu; mô tả nó như một nguy cơ lớn đối với con người; chủ yếu đưa tin về biến đổi khí hậu ở mức độ quốc gia và toàn cầu, mà chưa quan tâm nhiều đến thông tin và “mổ xẻ” các vấn đề và hiện trạng môi trường, biến đổi khí hậu ở địa phương, cơ sở; chủ yếu thông tin về các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, mà thiếu thông tin phân tích các chủ trương, chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch cụ thể về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì vậy, cần điều chỉnh nội dung tuyên truyền, tăng cường thông tin về nguyên nhân ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu và về thực tiễn ứng phó với biến đổi khí hậu ở cơ sở, nhất là tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. 

Thông tin về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu hiện nay vẫn đi theo những lối mòn với những cách thức truyền tải truyền thống; thông điệp truyền thông vẫn nặng tính tuyên truyền một chiều, chưa thực sự tác động mang lại những thay đổi nhận thức rõ rệt, khó đạt được hiệu quả, mục đích. Cách thức truyền tải chưa hấp dẫn, sinh động. Những khuyến nghị chung chung chưa thực sự tạo ra những “xung lực” tác động mạnh mẽ để dẫn tới việc thay đổi nhận thức, hành động của cộng đồng và thay đổi chính sách, biện pháp quản lý từ phía các cơ quan quản lý. Cần đổi mới phương thức tuyên truyền theo hướng sinh động, hấp dẫn, sử dụng các hình thức và phương tiện truyền thông hiện đại, có sức hấp dẫn đối với bạn đọc. 

Chưa có nhiều các chương trình tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu chuyên sâu, phù hợp với các nhóm xã hội, ví dụ như chương trình cho thanh niên, sinh viên, nông dân, người dân vùng núi, vùng sâu hay người dân vùng ven biển. Cần phân tầng, phân khúc đối tượng tuyên truyền để có kế hoạch thiết kế nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp, qua đó, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. 

Nhìn chung, công tác tuyên truyền mới chỉ chú trọng theo hướng “ứng phó” với biến đổi khí hậu mà chưa quan tâm tuyên truyền nhiều về “thích nghi”, “thích ứng” với biến đổi khí hậu. Trong điều kiện hiện nay, rất cần tuyên truyền nhiều về các mô hình tốt, cách làm hay về chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, về các phương án, cách thức thay đổi tập quán sản xuất - kinh doanh, tổ chức đời sống dân cư để thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu, từ các cơ sở khoa học đến kinh nghiệm thực tiễn, phương án triển khai trên diện rộng,... Ví dụ, thiết kế, xây dựng nhà ở, công trình dân sinh (điện, đường, trường, trạm,...) có khả năng chống chịu thiên tai (bão, lũ); quy hoạch sản xuất cây trồng, vật nuôi thích hợp với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn,…./.

Theo Tạp chí Cộng sản

Bạn đang đọc bài viết Tuyên truyền về bảo vệ môi trường để thích ứng với biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.