Thứ sáu, 29/03/2024 19:37 (GMT+7)

Vấn đề môi trường được quan tâm tại “Tọa đàm kinh tế 2018' ở Đà Nẵng

Nam Hà -  Thứ sáu, 09/03/2018 05:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 8/3, Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng tổ chức tọa đàm với hơn 500 doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước, nhằm trao đổi những đề xuất, hiến kế để phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng.

Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo thành phố thông tin, năm 2017, Đà Nẵng đạt nhiều thành tựu quan trọng về chính trị, kinh tế và xã hội.

Đặc biệt, các ngành kinh tế mũi nhọn như du lịch, thương mại, công nghệ thông tin… đã đạt được những mức tăng trưởng đáng khích lệ; sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đi vào ổn định và từng bước nâng cao năng suất…

Tuy nhiên, chính quyền cũng nhận thức rõ kinh tế của Đà Nẵng đang và sẽ đối mặt với nhiều thách thức.

Các chỉ tiêu phát triển chưa thật sự phù hợp, sự phát triển của ngành du lịch chưa thật sự bền vững, vấn đề bảo vệ môi trường chưa được chú trọng đúng mức.

Tòa đàm là diễn để TP Đà Nẵng lắng nghe và trao đổi những đề xuất, hiến kế, làm cơ sở cho những định hướng và quyết sách mới để phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, quy hoạch đô thị, phát triển hạ tầng giao thông, đầu tư cho văn hóa, giáo dục, y tế và dịch vụ chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển đô thị của thành phố. Thành phố vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư chiến lược có khả năng tạo động lực cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Nhiều năm liền Đà Nẵng đứng nhóm đầu cả nước về các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính… nhưng vẫn đang phải đối mặt với các vấn đề về tổ chức bộ máy, là nguyên nhân của những trì trệ, ách tắc trong xử lý các thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh và cả niềm tin của nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp...”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nói.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, các doanh nghiệp bày tỏ về các nhóm vấn đề tồn tại chính đối với môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố, như: Cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, đặc biệt là dự án đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tình trạng thiếu hụt nguồn lao động trong khu vực sản xuất công nghiệp do dịch chuyển cơ cấu kinh tế và cạnh tranh từ các địa phương lân cận.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng giao thông, cụ thể là hệ thống giao thông công cộng chưa được đầu tư và triển khai hiệu quả để đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị và các vùng công nghiệp; cần tăng tính cạnh tranh đối với các chính sách ưu đãi đầu tư của Đà Nẵng để thu hút các nhà đầu tư; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đề xuất liên quan về phát triển thành phố liên quan đến phát triển các cụm công nghiệp chuyên sâu để tạo lợi thế so sánh cạnh tranh cho Đà Nẵng trong khu vực, thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao…

Tại buổi tọa đàm, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng đề cập nhiều về vấn đề giao đất và xử lý môi trường ven biển.

Theo ông Vinh, hiện Đà Nẵng có 40 cửa xải thải ra biển, một số cửa xải đó vượt quá công suất, chưa được xử lý hoàn toàn, xử lý đúng trước khi thải ra biển, nếu không sớm được xử lý thì về lâu dài sẽ tác động lớn đến môi trường biển của thành phố. Đồng thời, ông Vinh cũng đề xuất, các thành viên Hiệp hội du lịch Đà Nẵng sẵn sàng tham gia xây dựng hệ thống xử lý môi trường ven biển.

Ông Peter Ryder, Tổng giám đốc Công ty Indochina Cappital cũng cho rằng, Đà Nẵng cần hạn chế những dự án, công trình có tác động gây hại đến thiên nhiên, môi trường sống, nhất là môi trường biển. Tất cả các dự án du lịch phải đáp ứng những tiêu chuẩn chung của thành phố về bảo vệ môi trường.

Nước sạch, biển sạch, cát sạch… là những yếu tố quan trọng ngành du lịch cần có. Đà Nẵng cần tập trung nghiên cứu nguồn lực cho xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững. Không thể xây dựng các tòa nhà 40, 50 tầng bên bãi biển…”, ông Peter Ryder chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp “hiến kế” phát triển môi trường đầu tư và quan tâm đến việc bảo vệ môi trường ở Đà Nẵng.

Còn ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng góp ý, việc xây dựng quy hoạch tổng thể của Đà Nẵng phải xứng tầm khu vực, nên hạn chế việc điều chỉnh quy hoạch mang tính cục bộ và cần dành mọi nguồn lực để thu hút hợp tác công tư.

Chính quyền cần có định hướng “dài hơi” cho các KCN để nhà đầu tư yên tâm sản xuất. Những ngành nghề không phù hợp, ảnh hưởng môi trường sống người dân thì cần mạnh tay ngay từ đầu, tránh tình trạng “đã rồi” mới xử lý. Khi đó, doanh nghiệp vừa thiệt hại nặng mà thành phố vừa mất uy tín...

Đồng thời mong muốn thành phố đầu tư xây dựng một số công trình như cảng công viên APEC, cá Thọ Quang,…

“Hiện nay Đà Nẵng đang thiếu rất nhiều công trình công cộng, cần ưu tiên cái này và hạn chế phân lô bán nền…”, ông Bình chia sẻ.

Ghi nhận những ý kiến của các doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đánh giá cao những kiến nghị, hiến kế, đề xuất. Trên cơ sở đó, ông Nghĩa đề nghị lãnh đạo UBND thành phố, các sở, ban, ngành tập trung giải quyết những vấn đề quan trọng.

Trong đó có việc tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng xả thải trực tiếp ra biển gây ô nhiễm nghiêm trọng bờ biển; minh bạch và công khai quy hoạch các vị trí đất mà thành phố đang thu hút đầu tư; thực hiện nghiêm túc công tác cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất, thủ tục đầu tư và kinh doanh…

Bạn đang đọc bài viết Vấn đề môi trường được quan tâm tại “Tọa đàm kinh tế 2018' ở Đà Nẵng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới