Thứ năm, 18/04/2024 10:42 (GMT+7)

Công trình sai phép của Tướng Công an: Hành trình đi tìm sự thật

Nhóm Phóng viên -  Thứ ba, 27/03/2018 15:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được đơn thư phản ánh của nhân dân về công trình sai phép tại khu biệt thự liền kề C37- Bộ Công an thuộc địa bàn P. Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội

Tháng 9/2017, Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được đơn thư phản ánh của nhân dân về công trình sai phép tại khu biệt thự liền kề C37- Bộ Công an thuộc địa bàn phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Được lãnh đạo Tòa soạn phân công điều tra, nhóm phóng viên chúng tôi hăm hở lên đường…

Chủ nhân ngôi biệt thự sai phép là ai?

Khu biệt thự liền kề này nằm sau 2 tòa nhà HH2 do Công ty CP Đầu tư xây dựng Bắc Hà thi công, ngôi biệt thự 1 (BT1) của bà Nguyễn Bích Hồng, ngụ tại phường Thịnh Quang, quận Đống Đa đang sửa chữa khác hẳn so với quy hoạch chung của toàn bộ khu biệt thự. BT1 của bà Hồng nằm khuất phía góc trong cùng của dự án này nhưng nổi bật lên bởi chiều cao hơn các biệt thự khác, nhìn khá bề thế và nổi bật, bên ngoài là 4 tầng 1 tum (thực tế 1 tum lớn bằng 1 tầng của nhà khác) nhưng thực tế nhìn kỹ đằng sau là 5 tầng trong khi đó các biệt thự khác chỉ có 3 tầng 1 tum.

Trao đổi thắc mắc của Phóng viên, ông Nguyễn Huy Cường, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho rằng quận chưa nắm được vấn đề này và sẽ cho kiểm tra để trả lời cho các cơ quan báo chí vì đơn vị cấp phép là Sở Xây dựng Hà Nội. Nhìn trực quan chưa thể khẳng định BT1 của bà Hồng xây đúng hay sai so với quy hoạch.

 Chính quyền Hà Nội cũng cần phải xem xét  đánh giá lại về vấn đề này một cách nghiêm túc. Cần phải quyết liệt, kỷ luật thật nặng, thậm chí cách chức người đứng đầu chính quyền địa phương nơi để xảy ra nhiều sai phạm như trên.

 Chúng tôi đã có buổi làm với ông Hợp, Phó Đội trưởng Thanh tra xây dựng quận Nam Từ Liêm và được biết, cán bộ thanh tra trên địa bàn phường Trung Văn có báo cáo trong quá trình xây dựng, sửa chữa BT1 đã phát hiện dấu hiệu “khác lạ” nên đã cử cán bộ đến tịch thu trang thiết bị của đơn vị xây dựng và chưa lập biên bản xử lý. Việc tịch thu trang thiết bị vào buổi chiều thì buổi tối đã có người gọi điện “bắt” trả lại để thi công tiếp.

Lý giải về vấn đề này, Tổ thanh tra xây dựng phường Trung Văn cho biết, bà Nguyễn Bích Hồng có gửi Đơn xin cải tạo sửa chữa hoàn thiện (không đề ngày) cho UBND quận Nam Từ Liêm và UBND phường Trung Văn về việc cho sửa chữa căn biệt thự 4 tầng 1 tum, diện tích 4 tầng rưỡi là 16.5m. Thực tế cho thấy kết cấu chung các ngôi biệt thự liền kề chỉ được xây dựng 3 tầng 1 mái. Vì vậy, đơn của bà Hồng không có cấp chính quyền nào dám phê duyệt vì sai nguyên tắc nhưng bà cứ cho thi công bình thường, bản thân cán bộ thanh tra xây dựng không can thiệp được. Vậy bà Nguyễn Bích Hồng là ai? Ai bảo kê cho bà xây nhà sai phép như vậy?

Theo tìm hiểu, chúng tôi biết được bà Hồng chính là vợ Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, Cục trưởng Phòng chống tội phạm về công nghệ cao (C50), Bộ Công an (nay đã bị tước quân tịch và bắt tạm giam về tội tổ chức đánh bạc).

Khi được hỏi về hồ sơ thiết kế, giấy phép xây dựng của căn biệt thự này, UBND phường Trung Văn, UBND quận Nam Từ Liêm đều trả lời không có, đề nghị phóng viên lên Sở Xây dựng Hà Nội để hỏi vì họ chưa được bàn giao.

Tại buổi làm việc với PV về trường hợp biệt thự của vợ chồng Tướng Công an Nguyễn Thanh Hóa xây lớn hơn, cao hơn so với tổng thể các ngôi biệt thự khác, không đúng với quy hoạch, thiết kế ban đầu, tự ý nâng tầng sai phép, phá vỡ quy hoạch cũng như cảnh quan khu đô thị như đơn thư phản ánh, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng Sở sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp xây dựng trái phép, sai phép dù người đó là ai và giao cho ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội trực tiếp xem xét, báo cáo hướng xử lý.

Tuy nhiên, khi được hỏi công trình sai phép như vậy ai sẽ xử lý? Xử lý như thế nào? Thì không ai trả lời được, sự im lặng kéo dài nhiều tháng sau đó.

Sự thật dần sáng tỏ

Sau hai tháng tòa soạn gửi công văn lên UBND quận Nam Từ Liêm, Sở Xây dựng, Thanh tra xây dựng thành phố Hà Nội, chúng tôi vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi từ phía các cơ quan chức năng về vụ việc này.

Trong khi đó đoàn công tác của UBND phường Trung Văn đã kết luận sai phạm và có hướng xử lý, đồng thời đã báo cáo lên cơ quan cấp trên là UBND quận Nam Từ Liêm từ cuối tháng 12/2017.

Trong buổi làm việc với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử ngày 16/1/2018 tại UBND phường Trung Văn chúng tôi được biết: Ngày 21/12/2017 đoàn công tác do ông Đặng Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND phường làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra hiện trạng công trình sai phạm của gia đình Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa tại BT1, khu dự án nhà C37 – Bắc Hà - số 15 đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm.

Đoàn công tác sau khi kiểm tra đã lập biên bản và kết luận: “BT1 công trình xây dựng hoàn thiện nhà có vi phạm trật tự xây dựng: Xây dựng thêm 03 bức tường trang trí làm giàn hoa phía sân chơi của tầng 5 cao 2,7m, dài 18m”.

Cũng theo biên bản này, tổ công tác yêu cầu chủ đầu tư xây dựng công trình tự tháo dỡ phần xây dựng phát sinh (thực tế là trái phép – PV) theo hiện trạng nhà xây thô có sẵn trong vòng 15 ngày. Nếu không thực hiện sẽ bị cưỡng chế phá dỡ phần vi phạm trên theo quy định. Theo ghi nhận của phóng viên sai phạm ở đây không chỉ có thế mà phải dỡ bỏ 2 tầng để đảm báo thiết kế được phê duyệt là 3 tầng 1 mái. Kể cả việc buộc phải phá dỡ toàn bộ tòa nhà này vì tự ý thay đổi kiến trúc bên ngoài và xây dựng không đúng với công trình đã được chủ đầu tư thiết kế xây dựng trước đó.

 Như vậy, tính đến ngày 05/01/2018 chủ đầu tư phải phá dỡ phần vi phạm nếu không sẽ bị cưỡng chế. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, nhiều ngày sau đó, công trình vẫn “án binh bất động”, không hề có dấu hiệu thực hiện phần dỡ bỏ như trong biên bản đã lập của UBND phường Trung Văn ngày 21/12/2017.

Ngày 22/1/2018, Tòa soạn tiếp tục gửi công văn lên ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị làm rõ, ai là người đang “bảo kê” cho công trình xây sai phép này của gia đình Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa? Thế nhưng chúng tôi cũng chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội. Sự im lặng kéo dài và thật “đáng sợ”, phải chăng chính quyền thành phố Hà Nội cũng lại “bất lực” trước hành động sai phạm của gia đình vợ chồng ông Tướng công an Nguyễn Thanh Hóa như vậy?

Trong lúc tưởng như những vấn đề xử lý sai phạm của công trình này đi vào “bế tắc”, rất nhiều ý kiến độc giả cho rằng có bàn tay “nâng đỡ”, “bảo kê” cho những sai phạm về trật tự xây dựng tồn tại ngang nhiên tại dự án “đất vàng” có giá trị hàng chục tỷ đồng này, gây bức xúc cho các hộ dân xung quanh, ảnh hưởng xấu tới cảnh quan đô thị trong khu vực… thì chúng tôi nhận được Công văn số: 200/UBND-QLĐT đề ngày 30/1/2018 của UBND quận Nam Từ Liêm do ông Nguyễn Huy Cường, Phó Chủ tịch ký trả lời Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đăng loạt bài về những sai phạm của công trình BT1 do vợ chồng Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, Cục trưởng C50 đứng tên sở hữu là đúng sự thật.

Như vậy là đã rõ, điều dư luận quan tâm nhất lúc đó là UBND quận Nam Từ Liêm cần nhanh chóng xử lý những vi phạm trật tự xây dựng của vợ chồng Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Sự công bằng đối với công trình của các hộ dân xung quanh, cho dù ông ấy là ai, giữ chức vụ gì nếu đã lợi dụng vị trí công tác của mình mà đứng trên pháp luật, đứng ngoài phát luật thì cũng bị xử lý nghiêm.

Nút thắt chưa được gỡ bỏ

Sau hơn 1 tháng kể từ khi nhận được công văn của UBND quận Nam Từ Liêm về việc sẽ xử lý công trình sai phép của vợ chồng Thiếu tướng công an Nguyễn Thanh Hóa, công trình sai phép này vẫn án binh bất động, chưa có chuyển biến trong việc tháo dỡ như cam kết của chính quyền.

Theo đó, sau khi Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đăng tải loạt bài 4 kỳ về công trình xây sai phép của vợ chồng Thiếu tướng công an Nguyễn Thanh Hóa, dư luận bày tỏ sự tin tưởng vào sự công bằng của pháp luật và mong muốn chính quyền vào cuộc quyết liệt, xử lý dứt điểm những sai phạm tại công trình này.

Trên tinh thần công văn số 200/UBND-QLĐT đề ngày 30/1/2018 của UBND quận Nam Từ Liêm, chính quyền cam kết sẽ xử lý dứt điểm sai phạm của công trình này nhưng sau hơn 1 tháng về cơ bản công trình vẫn chưa có dấu hiệu “suy chuyển”, cách đây ít lâu chủ nhà có che mấy tấm bạt, phất phơ trên vị trí sai phạm. Để giải đáp những thắc mắc của độc giả, ngày 6/3/2018 phóng viên đã liên hệ với ông Trần Đức Hoạt, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm để trao đổi về hướng xử lý dứt điểm những sai phạm theo tinh thần công văn này, tuy nhiên ông Hoạt có lại kêu bận, rất nhiều việc và đề nghị phóng viên liên hệ với văn phòng.

Như vậy, hướng xử lý của các cấp chính quyền lần nữa lại lâm vào “Bế tắc”.

Dư luận một lần nữa đặt ra câu hỏi ai và thế lực nào đã “dung túng” cho những sai phạm công trình sai phạm của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa nói riêng và các công trình khác nói chung tại khu vực dự án này? Và tại sao sau 3 tháng xác định sai phạm, có biên bản đề nghị tháo dỡ trong vòng 15 ngày nhưng công trình này vẫn ngang nhiên sừng sững tồn tại bất chấp pháp luật? Trách nhiệm của ông Trần Đức Hoạt, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm đến đâu ?

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trong lúc chờ đợi câu trả lời từ phía chính quyền quận Nam Từ Liêm về thời gian, hướng xử lý dứt điểm công trình sai phạm này thì ngày 11/3/2018, Thiếu tướng công an Nguyễn Thanh Hóa bị bắt tạm giam 4 tháng để điều tra vì liên quan đến đường dây đánh bạc hàng nghìn tỷ trên mạng internet, đây cũng chính là lĩnh vực ông đấu tranh, quản lý.
Ngày 12/3/2018, trước sức ép dư luận, chính quyền chính thức thông báo biệt thự sai phép này bắt đầu được dỡ bỏ phần sai phạm.

Trả lời trước các cơ quan báo chí về việc ai đã góp phần giúp cho sai phạm của công trình này tồn tại, đại Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương Mại Bắc Hà chủ đầu tư dự án cho biết: “Khu biệt thự-liềnkề C37 chúng tôi đã bàn giao nhà cho khách hàng từ mấy năm nay. Nhà ở đây được thiết kế cao 3 tầng, còn việc gia đình ông Hóa ở BT1 xây sai phép thành 5 tầng và thay đổi kiến trúc mặt ngoài thì họ phải chịu trách nhiệm”.

Trong khi đó, ông Phùng Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND phường Trung Văn lý giải, việc xây dựng sai phép của ngôi biệt thự BT1 là sai ngay từ đầu thiết kế chứ không phải sai khi cải tạo, hoàn thiện: “Hiện dự án này chủ đầu tư chưa bàn giao cho phường quản lý, còn sai phạm của ngôi biệt thự BT1 của gia đình vợ chồng ông Hóa là sai từ đầu khi xây dựng. Có thể khi xây, do ông Hóa là lãnh đạo nên chủ đầu tư họ đã cho xây 4 tầng +1 tum thay vì cho xây như thiết kế chung đã duyệt. Tuy nhiên, sai phạm này cũng có một phần trách nhiệm của chính quyền”.

Như vậy trách nhiệm thuộc về ai? Không lẽ cá nhân gia đình ông cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa muốn làm gì thì làm? Còn chính quyền đứng ngoài cuộc trong vấn đề này?

Cho đến nay, công trình BT1 đã bị tháo dỡ hết phần sai phạm (theo Biên bản của UBND phường Trung Văn) trên thực tế, BT1 sai phạm lớn hơn thế rất nhiều, việc phá dỡ để về đúng thiết kế ban đầu như chủ đầu tư là Công ty Bắc Hà trả lời phải là 3 tầng 1 mái, có nghĩa phải đập bỏ 1 tầng và 1 tum nữa.

Nhìn lại chặng đường đã qua, với trách nhiệm là những người làm báo về lĩnh vực môi trường và đô thị chúng tôi nhận thấy vấn đề trật tự xây dựng đô thị còn quá nhiều bất cập, không chỉ trên địa bàn quận Nam Từ Liêm mà các quận khác trên địa bàn thành phố Hà Nội, có quá nhiều công trình xây dựng trái phép, sai phép mà chính quyền không biết, buông lỏng quản lý, thậm chí còn bật đèn xanh cho việc xây dựng trái phép đó. Câu hỏi muôn thuở mà nhiều khi không có lời giải đáp là ai là người đã đứng ra bảo kê cho việc cấp phép, xây dựng những công trình này? Và khi sự việc không bưng bít nổi thì cần nhìn nhận, xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể đã dung túng cho sai phạm đó?Chính quyền Hà Nội cũng cần phải xem xét, đánh giá lại về vấn đề này một cách nghiêm túc. Cần phải quyết liệt, kỷ luật thật nặng, thậm chí cách chức người đứng đầu chính quyền địa phương nơi để xảy ra nhiều sai phạm như trên.

Để thực hiện loạt bài điều tra về công trình sai phép của Tướng công an Nguyễn Thanh Hóa, những người làm báo chúng tôi đã chịu nhiều sức ép, áp lực, thậm chí cả sự đe dọa đến tĩnh mạng. Tuy nhiên, được sự động viên và ủng hộ của lãnh đạo Tòa soạn, rất nhiều độc giả viết thư, gọi điện về hỏi thăm, động viên, chúng tôi như trút đi một phần gánh nặng, gánh nặng trách nhiệm với độc giả.

Một nền pháp lý công bằng trước hết là một nền pháp lý bình đẳng, bất cứ công dân nào vi phạm pháp luật đều bị xử lý. Luật pháp không có vùng cấm, đã là công dân sống trong xã hội pháp quyền đều phải thượng tôn pháp luật, chịu sự điều chỉnh của pháp luật, nhất là những người giữ chức vụ cao trong các cấp chính quyền./.

Bạn đang đọc bài viết Công trình sai phép của Tướng Công an: Hành trình đi tìm sự thật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.