Thứ bảy, 20/04/2024 06:50 (GMT+7)

ĐH Văn hóa HN: Bãi gửi xe, phòng tập thể hình mọc lên trong trường?

PHẠM TRANG -  Thứ sáu, 22/09/2017 17:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bãi gửi xe ô tô “ngốn” diện tích lớn cùng phòng tập Gym ồn ào ngay trong nhà văn hóa từ lâu đã trở thành nỗi bức xúc của các sinh viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Sinh viên mất chỗ sinh hoạt 

Ghi nhận của PV tại Đại học Văn hóa Hà Nội (418 Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội), khuôn viên phía phải của trường ngay trước cổng chính đã được nhà trường tận dụng thành bãi gửi xe ô tô cả ngày lẫn đêm. Trong khi đó, phía trong nhà văn hóa đã được “hô biến” thành phòng tập thể hình với đủ loại nhạc xập xình ồn ào, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động học tập của sinh viên.

Tại thời điểm 11 giờ trưa, tại khu vực này có tới mấy chục chiếc xe ô tô đang đậu đỗ, chiếm gần như toàn bộ diện tích phần khuôn viên ngay trước cổng trường, vô cùng mất mĩ quan.

Trong vai một người đến hỏi thuê chỗ đỗ xe, bảo vệ trường này cho biết: “Giá một tháng gửi ở đây là 1 triệu rưỡi nhưng hiện tại thì không còn chỗ để vì ở đây người ta thuê kín hết rồi”.

Khuôn viên phía phải của trường ngay trước cổng chính đã được nhà trường tận dụng thành bãi gửi xe ô tô cả ngày lẫn đêm

 Theo phản ánh của nhiều sinh viên, bãi gửi xe trong khuôn viên trường không phải nhằm phục vụ cho cán bộ giảng viên mà chủ yếu là khách ở bên ngoài tới. Chính vì có bãi đỗ xe và phòng tập Gym ngay trong khuôn viên trường nên có rất nhiều người lạ ra vào, gây mất an ninh, trật tự, khó kiểm soát.

P.T.H.P – một sinh viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: “Bãi gửi ô tô này có từ rất lâu. Hầu hết sinh viên trong trường đều cảm thấy không thoải mái khi nhiều người lạ ra vào trường. Khách gửi xe cũng rất nhiều thành phần, nhiều khách đi nhậu say về có những hành vi nguy hiểm với sinh viên”.

“Bản thân mình cũng đã từng là nạn nhân bị một vị khách gửi xe ở đây hành hung mà chính bảo vệ cũng không hề can ngăn gì họ”, chị P bức xúc.

T.X.Đ – một sinh viên khác chia sẻ: “Mình thấy nhà trường nên trả lại khuôn viên trường học cho đúng với mục đích của nó. Trong khi diện tích trường rất nhỏ, không đủ chỗ cho các CLB sinh hoạt thì nhà trường lại cho kinh doanh phòng tập, bãi gửi xe.

Sinh viên rất nhiều lần đã phản ánh về việc thiếu chỗ để xe, mấy ngày gần đây xe máy của các bạn đều phải đỗ tràn ra đường, rất vướng víu cho người đi lại”.

Nhiều sinh viên khác cũng bức xúc về tình trạng trên. Theo đó, nhiều ngành học đặc thù của trường Đại học Văn hóa Hà Nội đòi hỏi phải có phòng tập riêng thì nhà trường lại thiếu chỗ, nhiều nhóm đã cải thiện tình trạng trên bằng việc thực hành ở ngoài trời, gây ảnh hưởng lớn đến các sinh viên ngành học khác.

Sinh viên rất nhiều lần đã phản ánh về việc thiếu chỗ để xe, mấy ngày gần đây xe máy của các bạn đều phải đỗ tràn ra đường, rất vướng víu cho người đi lại

 Bãi gửi xe phục vụ cán bộ giảng viên?

Để làm rõ những bức xúc của sinh viên trong trường, PV đã có buổi làm việc với ông Phạm Việt Cừ - Phó Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa.

Ông Cừ cho biết, phường Ô Chợ Dừa đã nhiều lần nhận được khiếu nại về bãi trông giữ xe ô tô và phòng tập Gym tại trường Đại học Văn hóa.

Theo đó, UBND phường đã làm việc với Ban giám hiệu trường Đại học Văn hóa Hà Nội về thông tin các đơn thư đã phản ánh. Đồng thời, đề nghị phía nhà trường có văn bản báo cáo lại sự việc.

Theo giải trình của ban giám hiệu nhà trường, phía sân trước Nhà văn hóa có diện tích 400m2, nhà trường bố trí làm chỗ để xe cho cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và khách liên hệ công tác.

Việc giữ xe là hoàn toàn miễn phí cho các đối tượng trên. Văn bản báo cáo của trường Đại học Văn hóa Hà Nội cũng ghi rõ: “Ngoài giờ hành chính thì Nhà trường tổ chức dịch vụ trông  xe cho cán bộ, giảng viên và các hộ dân của khu tập thể nhà trường. Căn cứ chủ trương chính sách xã hội hóa, Nhà trường đã kí hợp đồng trông gữ xe ô tô để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tài sản và phù hợp cảnh quan môi trường”.

Về những phản ánh của sinh viên liên quan đến phòng tập Gym, bản thông báo của nhà trường cho biết: “Cách đây 2 năm, nhà trường đã liên kết theo phương thức xã hội hóa, mở phòng Gym nhằm đáp ứng nhu cầu TDTT, nâng cao sức khỏe cho cán bộ giảng viên cũng như người dân trong khu dân cư.

Hoạt động của phòng Gym được thực hiện theo đúng quy định, nội quy của nhà nước, nhà trường như người đứng liên kết mở phòng Gym có chứng chỉ huấn luyện viên theo quy định, không gây ồn ảnh hưởng đến việc giảng dạy và học tập của cán bộ giảng viên, sinh viên”.

Trao đổi với PV, đại diện UBND phường Ô Chợ Dừa cho hay: “Họ (trường Đại học Văn hóa Hà Nội – PV) nói là bãi đỗ xe cho cán bộ, giảng viên nên phường cũng không thể yêu cầu xuất trình giấy phép được.

Việc cho phép bãi đỗ xe trong trường hoạt động thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo, không thuộc thẩm quyền của UBND phường”.

Trước những trao đổi của UBND phường Ô Chợ Dừa cùng thông báo của Đại học Văn hóa Hà Nội, dư luận đặt câu hỏi, việc một trường công lập có số lượng lớn cán bộ giảng viên sở hữu xe hơi có phải là điều đáng nghi vấn hay không?

Nếu bãi gửi xe chỉ phục vụ cho các đối tượng trong nhà trường, vì sao rất nhiều sinh viên lại bức xúc về tình trạng nhiều người lạ ra vào khu vực bãi trông giữ xe?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết ĐH Văn hóa HN: Bãi gửi xe, phòng tập thể hình mọc lên trong trường?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...