Thứ ba, 19/03/2024 18:27 (GMT+7)

Gia Lai: Dân kiện quyết định thu hồi đất của chính quyền xã (bài 1)

HUY NAM - CHI HUỲNH -  Thứ năm, 17/05/2018 16:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mảnh đất được người dân khai hoang, canh tác hơn 40 năm bỗng chốc bị UBND xã Biển Hồ (Pleiku, Gia Lai) ra Quyết định cưỡng chế buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trả lại hiện trạng đất ban đầu.

Cấp QSDĐ cho Tỉnh Đội trên đất của dân?

Vừa qua, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của ông Phạm Sơn (SN 1975) và ông Sử Văn Dân (SN 1963) cùng trú tại thôn 2, xã Biển Hồ, TP.Pleiku. Trong đơn, ông Phạm Sơn phản ánh, nguyên diện tích 1,3ha đất tọa lạc tại thôn 2, xã Biển Hồ do cha mẹ của ông Sơn khai hoang từ 1975 quản lý và sử dụng. Nay, cha của ông Sơn vì tuổi già sức yếu nên giao lại cho ông Sơn canh tác và tiếp tục quản lý sử dụng. Trên thửa đất này, ông Sơn trồng 400 cây Bạch Đàn được 14 năm tuổi. Nhưng không hiểu vì sao, UBND xã Biển Hồ lại ra Quyết định số 28/QĐ-CCXP ngày 28/3/2018 về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Quyết định ghi rõ: Hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra cần được khắc phục là: “Cưỡng chế chặt nhổ cây trồng để trả lại diện tích đất đã chiếm trái phép tại thôn 2 xã Biển Hồ”.

Tương tự, theo ông Sử Văn Dân, trường hợp của ông cũng lao đao khi diện tích 0,5ha đất của ông canh tác ổn định hơn 40 năm, đến nay lại bị UBND xã Biển Hồ ra Quyết định nhằm cưỡng chế cây Bạch Đàn và thu hồi đất.

UBND xã Biển Hồ cho rằng, ông Dân lấn đất công nên ban hành Quyết định số 20/QĐ-KPHQ ngày 12/3/2018 về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do đã có hành vi vi phạm hành chính. Với nội dung của Quyết định buộc ông Dân khôi phục lại lại tình trạng của đất trước khi sử dụng. 

Mảnh đất của ông Sơn, ông Dân vừa thu hoạch cây Bạch Đàn để bảo vệ tài sản của mình

 Không đồng ý với Quyết định của UBND xã Biển Hồ, ông Sơn và ông Dân cho rằng năm 2000, diện tích đất canh tác của gia đình các ông đã bị UBND tỉnh Gia Lai âm thầm cấp giấy chứng nhận cho đơn vị kho đạn của Tỉnh Đội Gia Lai mà không có bất kì 1 văn bản thông báo nào, cho đến nay thì các ông mới biết.

 Ông Dân cho rằng:“Gia đình chúng tôi vừa mới thoát nghèo đây, cả nhà mấy miệng ăn chỉ trông chờ vào mảnh đất để canh tác, bây giờ chính quyền nói không tự giác tháo dỡ thì phải bị phạt. Để cầm cự, chúng tôi đành tháo dỡ công trình trên đất và thu hoạch cây Bạch Đàn để có tiền trang trải cuộc sống. Nay tới mùa vụ mà không cho chúng tôi canh tác không biết cả gia đình sẽ sống như thế nào đây?”.

Nhiều người dân thắc mắc, nếu nói đó là đất của Tỉnh Đội tại sao trước đây chính quyền không cấp bìa, để đến năm 2000 mới cấp bìa cho Tỉnh Đội? Trong khi bố mẹ của ông Sơn và ông Dân đã về đây khai hoang, trồng trọt và sinh sống từ năm 1975?

Còn ông Sơn cũng bức xúc cho rằng: “Nếu UBND xã Biển Hồ nói chúng tôi lấn chiếm đất Quốc Phòng thì tại sao vẫn để chúng tôi trồng trọt và đóng thuế nông nghiệp trên đất đó đầy đủ bao nhiêu năm qua?Mấy chục năm qua không ai nhắc nhở, không có biển báo, cột mốc hay thông báo đó là đất của Quốc phòng mà đùng một cái lại bất ngờ ra Quyết định thu hồi đất, thử hỏi người dân chúng tôi phải sống sao?”

Ông Sơn cho biết thêm: Nếu đây là đất của Tỉnh Đội thì tại sao năm 2012, UBND xã Biển Hồ còn vận động nhân dân cùng đóng góp làm con đường giao thông nông thôn (Cây số 2), với số tiền khoảng 800 triệu đồng. Nếu chính quyền lên tiếng từ trước và khẳng định đây là đất của Quốc phòng thì chúng tôi không phải tốn tiền để đóng góp làm đường.

Dân sai hay chính quyền sai?  

Để tìm hiểu rõ sự việc, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đến làm việc tại UBND xã Biển Hồ. Trao đổi với PV, ông Đặng Khánh Toàn (Chủ tịch UBND xã Biển Hồ) cho biết: Khu vực cưỡng chế gồm có 41ha, trong đó có 4 hộ dân nằm trong khu vực cưỡng chế. Năm 2000, UBND tỉnh Gia Lai đã cấp bìa đối với mảnh đất này cho Tỉnh Đội rồi. Đến cuối 2015, UBND tỉnh thu hồi đất của Tỉnh Đội để giao lại cho UBND thành phố Pleiku quản lý sử dụng.

Sau đó, UBND thành phố có làm văn bản giao cho xã quản lý không để nhân dân lấn chiếm đất của thành phố. Trong các cuộc họp cấp thành phố và cấp tỉnh, ông Toàn cũng có trao đổi với lãnh đạo về việc thực tế đất này do Tỉnh Đội quản lý không chặt chẽ, đến 2006 Tỉnh Đội lại để nhân dân trồng cây trên đất có bìa đỏ của mình.

“Theo luật xử lý vi phạm hành chính thì chúng tôi lập biên bản hành chính về hành vi chiếm đất Quốc phòng và tiến hành các trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật để trả lại mặt bằng cho nhà nước quản lý sử dụng và cũng đã thành công khi nhân dân tự tháo dỡ”, ông Toàn cho biết thêm. 

Đơn kêu cứu khẩn cấp của ông Sơn và ông Dân

 Chiều ngày 9/5, PV có buổi làm việc với ông Nguyễn Bá Trường và ông Cao Duy Hiền (Trưởng và Phó trường phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Pleiku).

Ông Hiền cho biết: Trường hợp của ông Dân và ông Sơn thuộc hành vi lấn chiếm đất công, trường hợp này đã trồng cây quá 10 năm trên đất. Đây là trách nhiệm của UBND cấp xã xử lý, và UBND xã đã xử lý bằng việc ra các Quyết định, Văn bản xử lý vi phạm hành chính bằng biện pháp khắc phục hậu quả, yêu cầu thu hồi phần tài sản trên đất.

 Khi PV đặt vấn đề liên quan đến việc người dân cho rằng mảnh đất được khai hoang và quản lý sử dụng từ 1975 đến nay, ông Trường trả lời: Nhà nước có những tài liệu chứng minh đây là đất kho đạn từ trước tới giờ. Vấn đề này người dân đang khiếu nại thì giải quyết theo khiếu nại, tuy nhiên, người dân không cung cấp tài liệu nào để chứng minh người dân sử dụng đất từ năm 1975.

PV đặt câu hỏi về phía Ban chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai và phía UBND thành phố có tài liệu gì để chứng minh toàn bộ diện tích 41ha đó là của nhà nước? Ông Trường cho hay: Về mặt pháp lý, hồ sơ cung cấp giấy chứng nhận QSDĐ năm 2000 do Sở Địa chính (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường) tỉnh Gia Lai tham mưu trực tiếp nên chúng tôi không có bộ hồ sơ gốc này. Quá trình tham mưu trong việc cấp giấy chứng nhận đó như thế nào thì chúng tôi không nắm rõ được.

Tuy nhiên, từ khi TP.Pleiku còn thị xã Pleiku thì trong hồ sơ có xác định đây là khu kho đạn Biển Hồ với tổng diện tích là 95ha được UBND thị xã, UBND tỉnh và đơn vị trực tiếp quản lý là Tỉnh Đội ký xác nhận ranh giới, vị trí mảnh đất này.

Trước những thắc mắc của người dân, rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc.

Ngày 10/5, ông Phạm Sơn và Sử Văn Dân đã gửi đơn khởi kiện, yêu cầu TAND TP. Pleiku hủy Quyết định số 20/QĐ-KPHQ ngày 12/3/2018 về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do đã có hành vi vi phạm hành chính: Chiếm đất công. 

Ông Phạm Sơn và ông Sử Văn Dân đã khởi kiện Quyết định số 20/QĐ-KPHQ ngày 12/3/2018 do Chủ tịch UBND xã Biển Hồ ký

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Gia Lai: Dân kiện quyết định thu hồi đất của chính quyền xã (bài 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Quảng Ninh tăng cường kiểm soát khống chế bệnh dại
UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các địa phương khẩn trương tập trung nhân lực, vật lực để kiểm soát khống chế bệnh dại trên địa bàn, đặc biệt việc thành lập tổ xử lý chó thả rông, chó chưa tiêm phòng vắc xin, xử lý chủ nuôi nếu cố tình không chấp hành các qu
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.