Thứ sáu, 29/03/2024 03:31 (GMT+7)

HTX TM – DV Láng Trung: Liên doanh hay biến tướng đất?

Đặng Trung - Quỳnh Nga -  Thứ hai, 20/08/2018 15:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau 02 năm kể từ ngày HTX Láng Trung ký hợp đồng liên doanh với G.Bank, Dự án này vẫn chưa được triển khai thực hiện do có nhiều yếu tố

Sự việc ông Nguyễn Văn Sâm cùng vợ là bà Đỗ Thị Liên - xã viên Hợp tác xã Thương mại - dịch vụ Láng Trung (Gọi tắt là HTX Láng Trung), có trụ sở tại số 104, tổ 17 Pháo Đài Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa gửi Đơn kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, làm rõ việc “Lợi dụng việc liên doanh nhằm biến tướng thửa đất hơn 3000 mét vuông mà Nhà nước giao cho để sản xuất nông nghiệp và công sức đóng góp của xã viên thành vốn góp” nhằm mục đích trục lợi từ những tài sản chung của HTX này vẫn chưa có hồi kết.

Đã có văn bản của các cấp có thẩm quyền trả lời kiến nghị của ông Sâm là không có cơ sở. Tuy nhiên người đàn ông này vẫn một mực cho rằng cấp có thẩm quyền trả lời như vậy là chưa thỏa đáng nên đã quyết định gửi đơn kiện tổ chức HTX ra Tòa, đồng thời tố cáo sự việc với cơ quan cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội.

Mặc dù đang có sự tranh chấp quyền lợi của xã viên HTX TM – DV Láng Trung, nhưng tại khu đất vẫn được tiến hành xây dựng công trình.

Để làm rõ hơn những phản ánh của ông Sâm, qua công tác tìm hiểu và thu thập hồ sơ sự việc, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử có thể thấy mục đích ban đầu của HTX Láng Trung khi thực hiện liên doanh với đơn vị kinh tế khác là rất đúng đắn.

Điều này thể hiện rất rõ thông qua Hợp đồng liên doanh số 01/HĐLD ngày 27/10/2006 giữa HTX Láng Trung và Ngân hàng TMCP Toàn Cầu (G.Bank – Là tiền thân của Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu). Theo nội dung của bản Hợp đồng này thì bà Nguyễn Thị Lược – Chủ nhiệm HTX (đã mất) với ông Tạ Bá Long – Chủ tịch HĐQT G.Bank đã ký kết hợp đồng liên doanh với nguyên tắc chung: “Bên B (G.Bank) có đầy đủ năng lực tài chính và các năng lực khác phù hợp với lĩnh vực hoạt động được Nhà nước cho phép, góp vốn làm chủ đầu tư để thực hiện Dự án Trung tâm Thương mại dịch vụ tại tổ 13, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Bên A (HTX Láng Trung) theo khả năng của mình góp vốn đầu tư bằng giá trị QSD đất theo diện tích, địa chỉ và thời hạn thuê của Nhà nước. Việc sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch của UBND thành phố Hà Nội. Với phương thức góp vốn bên A 35% bằng giá trị QSD đất, bên B góp 65% bằng tiền mặt, hai bên cùng xác lập thỏa thuận các phương án để giải phóng mặt bằng (GPMB), thi công, xây dựng, tuyển lao động, bàn bạc thành lập Ban quản lý Dự án để điều hành, quản lý và khai thác Dự án theo quy định của Pháp luật. Lợi nhuận từ Dự án được chia theo tỷ lệ vốn góp. Trong trường hợp phải bổ sung vốn đầu tư còn thiếu cho dự án, bên B có trách nhiệm thu xếp nguồn tài chính cho dự án đến lúc hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng. Chi phí vay vốn và lãi suất vay được tính vào chi phí hoạt động của dự án”.

Sau 02 năm kể từ ngày HTX Láng Trung ký hợp đồng liên doanh với G.Bank, Dự án này vẫn chưa được triển khai thực hiện do có nhiều yếu tố (Chúng tôi sẽ nêu chi tiết ở kỳ sau). Tuy nhiên lại có sự thay đổi tỷ lệ vốn góp thông qua bản Phụ lục Hợp đồng số 01/2008/PL/GPBank-KH. Cụ thể như sau: Điều chỉnh sửa đổi về phần vốn góp, nâng tỉ lệ góp vốn của HTX Láng Trung từ 35% bằng giá trị quyền sử dụng đất góp vốn lên thành 60% tổng giá trị đầu tư vào công trình bao gồm cả giá trị QSD đất; Tỷ lệ vốn góp của G.Bank trước đó từ 65% giảm xuống còn 40% với hình thức góp vốn bằng tiền mặt cho ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GPBank).

Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là sau khi G.Bank thực hiện góp vốn liên doanh với HTX Láng Trung năm 2006 thì sau đó ngân hàng này có sự gia nhập của cổ đông chiến lược là Tổng công ty dầu khí Việt Nam (Petro Việt Nam) và được đổi tên thành ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GPBank) mở ra một giai đoạn có thể cho là nguyên nhân của sự “ nhập nhằng” giữa việc lấy cớ hợp tác kinh doanh để chuyển nhượng vốn góp của HTX Láng Trung.

Một thửa đất được sử dụng làm giá trị vốn góp đến hai lần với hai doanh nghiệp khác nhau, liệu có đúng quy định của pháp luật? Câu hỏi này cần được các cấp có thẩm quyền xác minh, làm rõ?

Sau Hợp đồng liên doanh số 01/HĐLD ngày 27/10/2006 giữa HTX Láng Trung và G.Bank mà trong đó vốn góp của HTX Láng Trung là giá trị QSD lô đất có địa chỉ tại tổ 13 phường Láng Thượng thì đến ngày 19/02/2009, chính bà Lược lại tiếp tục dùng thửa đất này để tiếp tục ký Hợp đồng Hợp tác kinh doanh với Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc Hà Nội (gọi tắt là Hateco). Bản hợp đồng số 02/2009-HĐKD giữa HTX và Hateco cũng giống tương tự nội dung đã ký với G.Bank trước đó, với Hateco thực hiện góp vốn đầu tư xây dựng dự án công trình Tòa nhà đa chức năng bằng tiền mặt, còn HTX Láng Trung thì sử dụng giá trị thửa đất đã dùng để góp vốn với G.Bank trước đó tiếp tục góp vốn thực hiện dự án với Hateco.

Ngoài việc sử dụng cùng 1 thửa đất đem góp vốn kinh doanh đến 2 lần với 2 đơn vị khác nhau. Tại lần góp vốn kinh doanh thứ 2, bà Lược - Chủ nhiệm HTX còn thỏa thuận với đối tác Hateco bằng điều khoản: Chuyển nhượng vốn góp, cụ thể: Bên A (HTX Láng Trung) sẽ chuyển nhượng phần vốn góp cho bên B (Hateco) ngay sau khi dự án được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Khoản tiền mà Hateco trả cho HTX Láng Trung khi HTX này chuyển nhượng phần vốn góp được xác định theo nguyên tắc lấy tổng diện tích đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho để thực hiện dự án (x) với giá 1 mét vuông đất trong khu dự án theo khung giá do UBND thành phố Hà Nội ban hành đang có hiệu lực áp dụng tại thời điểm ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh… HTX Láng Trung chỉ được chuyển nhượng phần vốn góp này cho Hateco mà không được chuyển nhượng cho bất kỳ một bên thứ ba nào khác… HTX Láng Trung phải cung cấp đầy đủ, kịp thời các giấy tờ, tài liệu liên quan và cùng Hateco thực hiện các thủ tục để Hateco đứng tên chủ sử dụng diện tích đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp để thực hiện và trở thành chủ đầu tư dự án.

Từ hợp tác kinh doanh đến chuyển nhượng vốn toàn phần chỉ trong một bản hợp đồng. Tại sao HTX Láng Trung không chuyển nhượng thẳng QSD đất tại tổ 13 phường Láng Thượng cho Hateco mà phải thông qua hợp đồng Hợp tác kinh doanh?

Như đã nêu ở trên, mặc dù thửa đất tại tổ 13 phường Láng Thượng đã được dùng làm vốn góp thực hiện dự án với G.Bank nhưng bà Lược vẫn tiếp tục bằng hình thức này để thực hiện việc góp vốn kinh doanh với Hateco. Tuy nhiên thực chất đây là hình thức bán đất thông qua ngôn từ “chuyển nhượng”. Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao Hateco muốn thôn tính toàn bộ lô đất này để thực hiện dự án mà sao không đằng thẳng thực hiện chuyển nhượng QSD đất theo đúng quy định của pháp luật?

Phải chăng HTX Láng Trung chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng QSD đất đối với lô đất này nên phương án hợp tác kinh doanh được dùng như một chiêu bài lách luật? Việc ký Phụ lục hợp đồng số 02.1/2010/PLHĐKD ngày 26/10/2010 (về việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng số 02/2009-HTKD ngày 19/02/2009) giữa Chủ tịch HTX kế nhiệm - bà Nguyễn Thị Lập với Hateco được thực hiện theo đúng lộ trình về sự thỏa thuận rõ ràng về giá chuyển nhượng QSD đất đối với lô đất tại tổ 13 phường Láng Thượng.

Với lý do HTX Láng Trung khó có khả năng hoàn thành thủ tục và các nghĩa vụ tài chính về đất theo quy định hiện hành để tham gia góp vốn nên HTX này đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp bằng giá trị QSD đất lô đất nêu trên cho Hateco với đơn giá 8.500.000 đồng/mét vuông đất. Vẫn biết lý do này là hoàn toàn vô lý bởi lẽ: Thứ Nhất: HTX Láng Trung chỉ thực hiện góp vốn bằng tài sản tương đương với giá trị lô đất nêu trên chứ không phải lo bất kỳ một thứ kinh phí nào để thực hiện góp vốn thực hiện dự án; Thứ Hai: Theo nội dung bản Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 02/2009-HTKD thì sau khi hai bên ký kết, Hateco đã tiến hành đặt cọc cho HTX Láng Trung 1 tỷ đồng với điều kiện HTX này phải cung cấp đầy đủ các giấy tờ, tài liệu liên quan đến thủ tục xin cấp đất thực hiện dự án cho Hateco.

Như vậy, thì tại sao bà Lập lại lý do là không có khả năng để hoàn thiện thủ tục và nghĩa vụ tài chính về đất khi thực hiện dự án? Liệu lô đất tại tổ 13 phường Láng Trung đã đủ điều kiện về pháp lý để HTX Láng Trung sử dụng làm vốn góp kinh doanh hay chưa? Mà lại còn sử dụng làm vốn góp tới 02 lần? Về việc này, chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ và phản ánh khách quan tới bạn đọc.

Khi phóng viên làm việc với đại diện HTX Láng Trung, các vị này liên tục khẳng định HTX đang thực hiện liên doanh và chuyển nhượng vốn đúng quy định của pháp luật, được sự đồng tình của 100% xã viên. Tuy nhiên khi phóng viên đưa ra những câu hỏi cùng những đề nghị cung cấp thông tin thì các vị này chỉ nói chuyện về việc có một số cơ quan báo cũng đã về đây làm việc và đã viết và đề nghị phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tham khảo và tìm tài liệu ở các cấp có thẩm quyền. Sơ bộ cho thấy những câu hỏi nêu trên cùng với băn khoăn khi đại diện HTX Láng Trung cho rằng 100% xã viên đồng tình với việc hợp tác kinh doanh nhưng trên thực tế lại vẫn có xã viên liên tục gửi Đơn kiến nghị các cấp có thẩm quyền cùng cơ quan thông tấn báo chí với yêu cầu đề nghị xác minh, làm rõ việc liên doanh hợp tác này bởi họ cho rằng HTX đang mượn cớ liên doanh để nhượng QSD đất của HTX.

Như vậy liệu thông tinh về con số 100% xã viên đồng tình đã đúng với thực tế hay chưa?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết HTX TM – DV Láng Trung: Liên doanh hay biến tướng đất?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.