Thứ sáu, 29/03/2024 20:25 (GMT+7)

Hưng Yên: Làm rõ chi phí GPMB dự án kè bờ tả sông Hồng xã Đức Hợp

Văn Luyện -  Thứ năm, 24/01/2019 13:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự án xử lý khẩn cấp kè bờ tả sông Hồng thôn Phú Mỹ, xã Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng yên đang tồn tại nhiều nghi ngờ trong chi phí giải phóng mặt bắng (GPMB) và cần được làm rõ.

Chi phí GPMB lên tới 502 triệu 826 nghìn đồng

Dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý khẩn cấp kè bờ tả sông Hồng thôn Phú Mỹ, xã Đức Hợp, huyện Kim Động, Hưng Yên được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt chủ trương thông qua Quyết định 471/QĐ-UBND ngày 5/2/2018.

Tổng vốn đầu tư dự kiến là 4 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí hỗ trợ khắc phục do ảnh hưởng của đợt mưa lũ lớn từ ngày 10 đến ngày 14 tháng 10 năm 2017 theo Quyết định số 1941/QĐ-UBND ngày 02/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Mục tiêu của dự án là khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của đợt mưa lũ lớn từ ngày 10 đến ngày 14/10/2017; nhằm bảo vệ bờ, tránh lan rộng cung sạt sang các vị trí khác của tuyến kè hiện tại và tăng cường khẳ năng phòng chống lụt bão cho công trình đê điều, chủ động phòng chống với lũ lớn có thể xảy ra, bảo vệ nhân dân hiện đang sinh sống trong khu vực và vùng lân cận. Thời gian thi công năm 2018.

Giữa tháng 12/2018 dự án mới được triển khai xây dựng.

Ngày 10/4/2018 UBND tỉnh Hưng Yên ra quyết định số 917/QĐ-UBND điều chỉnh phân bổ kinh phí: Công trình xử lý khẩn cấp kè bờ tả sông Hồng thôn Phú Mỹ, xã Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên có tổng vốn đầu tư dự kiến được điều chỉnh lên 5 tỷ 134 triệu 358 nghìn đồng.

Ngày 25/6/2018, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên - Nguyễn Minh Quang đã ra Quyết định 1450/QĐ-UBND: Phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình xử lý khẩn cấp kè bờ tả tả sông Hồng thôn Phú Mỹ, xã Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Theo quyết định này chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) là 545 triệu 214 nghìn đồng.

Tổng chiều dài công trình là 265 m và chi phí GPMB là 502 triệu 826 nghìn đồng.

Tuy nhiên, đến ngày 18/10/2018, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên - Nguyễn Minh Quang tiếp tục ký văn bản điều chỉnh báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình.Theo đó chi phí GPMB giảm 42 triệu 388 nghìn đồng so với Quyết định 1450/QĐ-UBND ngày 25/6/2018 còn 502 triệu 826 nghìn đồng.

Với hàng loạt những quyết định được UBND tỉnh Hưng Yên đưa ra những tưởng dự án công trình sẽ được thực hiện đúng với tiến độ và hoàn thành được mục tiêu đề ra. Đồng thời đáp ứng được nhu cầu và sự mong mỏi của người dân trong việc phòng chống sạt lở bờ sông Hồng, bảo vệ hoa màu của cải. Tuy nhiên, hiện tại dự án đang vấp phải nhiều những bất bình trong nhân dân và cần được làm rõ.

Chia sẻ với PV, người dân trong thôn Phú Mỹ, xã Đức Hợp nói:“Dân chúng tôi mong mỏi dự án được xây dựng để bảo vệ đất đai chống xói mòn cả năm qua, vì đây là điểm thường xuyên bị sạt lở nhưng mãi đến cuối tháng 12 năm 2018 dự án mới bắt đầu rục rịch triển khai”.

“Chúng tôi chưa nhận được một đồng tiền hỗ trợ đền bù hoa màu nào từ chủ đầu tư dự án, không những thế những người thực hiện thi công dự án còn lợi dụng việc chở đất từ dự án phục vụ mục đích công ích để trục lợi cá nhân, gây mất mát tài nguyên khiến chúng tôi vô cùng bức xúc”, người dân chia sẻ thêm.

Cần làm rõ chi phí GPMB

Trước những chia sẻ đầy bức xúc của người dân về các khoản đền bù, hỗ trợ hoa màu và tiến độ của dự án, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có buổi làm việc với ông Hồ Trọng Khải – Chi cục quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Hưng Yên về dự án.

Về tiến độ của dự án, ông Khải giải thích: “Do vướng vào thời gian mùa mưa lũ, do dự án công trình được điều chỉnh nhiều lần và do sự cản trở của một bộ phận người dân địa phương trong công tác GPMB đã khiến cho dự án bị chậm tiến độ”.

Đối với những khúc mắc về việc hỗ trợ đền bù hoa màu cho người dân thì ông Khải khẳng định: “Dân chưa nhận được tiền chứ không phải là không nhận được”.

Ngày 18/10/2018 Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên - Nguyễn Minh Quang tiếp tục ký văn bản điều chỉnh báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình.

Đối với chi phí GPMB lên tới 502 triệu 826 nghìn đồng như trong báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình, ông Khải giải thích thêm: “Do trong báo cáo dự kiến là đất canh tác 03 của dân nên phải chi phí đền bù đất, nhưng thực tế khi trích lục bản đồ diện tích đất để thực hiện triển khai công trình không thuộc hệ đất 03 nên không phải đền bù, mà chỉ thực hiện việc hỗ trợ lợi tức trên hoa màu cho người dân”.

“Còn số tiền cho GPMB thực tế sẽ chênh lệch rất nhiều so với con số dự kiến trong báo cáo. Vì vậy số tiền dư ra sẽ được trả lại cho nhà nước” ông Khải tiếp tục khẳng định.

Ước tính lượng đất dư thừa khoảng 2000 khối.

Thắc mắc về việc báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình xa rời với thực tế vị đại diện Chi cục đê điều và Phòng chống lụt bão nói: “Khi huyện Kim Động thực hiện trích lục mới phát hiện ra điều này. Đây là trách nhiệm của địa phương”.

Ông Khải giải thích thêm việc tại sao chủ đầu tư lại chưa thực hiện việc hỗ trợ lợi tức hoa màu cho người dân trước khi thực hiện công trình: “Thông thường là phải như vậy, nhưng đối với dự án này do yêu cầu bức thiết của công trình nên sẽ hỗ trợ người dân sau. Hiện tại chính quyền địa phương đang thực hiện việc kiểm đếm số lượng hoa màu theo từng hộ dân trình UBND tỉnh phê duyệt rồi sau đó chủ đầu tư mới chuyển tiền để thực hiện việc hỗ trợ cho người dân”.

Diện tích đất làm dự án người dân không được nhận đền bù - chỉ được hỗ trợ hoa màu.

Trả lời bức xúc của người dân khi những người thực hiện thi công dự án còn lợi dụng việc chở đất từ dự án phục vụ mục đích công ích để trục lợi cá nhân, gây mất mát tài nguyên, ông Khải thừa nhận: “Có việc này tuy nhiên số lượng là rất nhỏ và phía chủ đầu tư không chỉ đạo chủ trương này. Số lượng đất dư thừa ước tính khoảng 2.000 khối sẽ để phục vụ trực tiếp tại dự án và mục đích công ích của địa phương”.

Với những vần đề của dự án; sự khác xa giữa những con số trong chi phí GPMB, tiến độ được quy định trong các quyết định của UBND tỉnh Hưng Yên so với thực tế triển khai công trình; những bức xúc trong việc hỗ trợ lợi tức hoa màu của người dân và câu trả lời từ phía chủ đầu tư.Thiết nghĩ rất cần sự vào cuộc, sự kiểm tra giám sát sát sao từ phía lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên để cho công trình đáp ứng được đúng mục tiêu đề ra, đồng thời chống thất thoát ngân sách, tham nhũng. Đặc biệt là chi phí GPMB thực tế thừa ra so với báo cáo kinh tế kỹ thuật cần được quản lý một cách chặt chẽ.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Hưng Yên: Làm rõ chi phí GPMB dự án kè bờ tả sông Hồng xã Đức Hợp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới