Thứ bảy, 20/04/2024 09:57 (GMT+7)

Kết quả vụ sập giàn giáo: Q.Nam Từ Liêm đùn đẩy trách nhiệm trả lời!

Yến Oanh -  Thứ sáu, 06/04/2018 12:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Về kết quả điều tra vụ sập giàn giáo nghiêm trọng khiến 6 người thương vong, PV đã liên hệ làm việc với quận Nam Từ Liêm để tìm câu trả lời nhưng nhận lại chỉ là sự đùn đẩy trách nhiệm.

Như Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đưa tin, ngày 17/1 đã xảy ra vụ sập giàn giáo khiến 6 người thương vong tại công trình xây dựng ở đường Tố Hữu, Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân sự cố là do khi tổ thi công đang đổ xe bê tông thứ 20, phát hiện dấu hiệu bất thường, 3 công nhân chui xuống gầm kiểm tra. Vài phút sau giàn giáo sụp xuống vùi lấp cả 3 người. Hậu quả xảy ra là 3 công nhân chết, 3 công nhân bị thương.

Dư luận đang đón đợi thông tin kết quả điều tra vụ sập giàn giáo, trách nhiệm thuộc về ai, xử lý như thế nào và có khởi tố hay không. Bởi, gần 3 tháng kể từ khi sự cố đáng tiếc trên xảy ra, các thông tin về kết quả điều tra vẫn chưa được công bố.

Để phục vụ nhu cầu thông tin đến bạn đọc, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Trọng Lượng- Phó chủ tịch quận Nam Từ Liêm thì ông trả lời: "Em liên hệ xuống phòng Tài nguyên Môi trường hỏi, anh đang họp".

Tuy nhiên, sáng ngày 6/4 khi PV liên hệ qua điện thoại đến ông Nguyễn Trung Nghĩa- Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường theo chỉ dẫn của ông Lượng thì ông Nghĩa cho biết: "Mảng đấy là của quản lý đô thị, em liên hệ đến đồng chí Cường- Phó chủ tịch quận phụ trách mảng đô thị...".

Toàn cảnh vụ sập giàn giáo, được đánh giá là sự vụ nghiêm trọng khi 3 người chết, 3 người bị thương.

Dẫu vậy, PV đã liên hệ nhiều lần đến ông Nguyễn Huy Cường -Trưởng phòng Quản lý đô thị kiêm Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm thì đều không bắt máy. Sau đó, PV liên hệ lại với ông Nghĩa nhưng cuộc đầu có chuông, cuộc sau thuê bao.

Lát sau gọi lại thì ông Nghĩa lại cho biết: "Chủ tịch chưa chỉ đạo phòng anh, nên phải có chỉ đạo thì mới tiếp báo chí được".

Tiếp tục quay trở lại liên hệ với ông Nguyễn Trong Lượng thì lại nhận được câu trả lời là đang họp, cứ liên hệ với phòng Tài nguyên Môi trường.

Khi PV trình bày rằng chỉ muốn thông tin là đã có kết quả điều tra sự cố trên hay chưa thì ông nói cái này không nắm được, không phải chuyên môn.

PV bày tỏ mong muốn phía ông Lượng với cương vị là lãnh đạo thì chỉ đạo xuống phòng Tài nguyên Môi trường để việc thông tin báo chí được nhanh chóng thì ông cho biết không được, phải lấy giấy giới thiệu đặt lịch xuống văn thư.

Như vậy, không hiểu vì sao chỉ với một nội dung là có kết quả điều tra vụ sập giàn giáo 3 người chết ngày 17.1 trước đó 3 tháng ở Đại Mỗ đã gửi về cấp chính quyền hay chưa nhưng cũng là sự gây khó dễ, đùn đẩy trách nhiệm khiến việc thông tin đến công chúng bị hạn chế.

Dư luận càng đặt ra câu hỏi trách nhiệm của chính quận Nam Từ Liêm về quản lý xây dựng cũng như thông tin đến công chúng đã đúng trách nhiệm chưa?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Nói về mức độ nghiêm trọng của sự cố trên, luật sư Hà Huy Phong- Giám đốc điều hành Công ty luật INTECO bày tỏ quan điểm rằng: “Xây dựng là hoạt động có nguy cơ cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn lao động. Do đó, lĩnh vực này luôn gắn với việc đảm bảo an toàn lao động thông qua công tác thiết kế, phương tiện và con người. Chỉ cần một vài sơ suất nhỏ cũng có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và tính mạng con người”.

Được biết, trong thời gian này dự án trên vẫn đang bị đình chỉ thi công. Tuy nhiên, theo luật sư Phong thì việc xử lý là xử lý con người, nhưng công trình thì vẫn tiếp tục được thi công.

“Dù do bất kì nguyên nhân nào mà tai nạn xảy ra trong quá trình thi công xây dựng, thì cơ quan Nhà nước cũng cần tiến hành kiểm tra, xem xét và đưa ra biện pháp xử lý, trong đó có biện pháp đình chỉ xây dựng.

Mục đích của việc đình chỉ là để đưa ra một thời hạn hợp lý cho chủ đầu tư hoặc nhà thầu thi công khắc phục sai phạm, giải quyết các tồn tại về an toàn thi công. Khi các sai phạm đã được khắc phục thì công trình có thể được tiếp tục thi công trở lại.

Tai nạn dẫn đến chết người có nguyên nhân chủ yếu từ lỗi của con người, và rất hiếm khi các nguyên nhân về bất khả kháng hoặc sự cố thiên nhiên gây ra tai nạn. Do đó, việc xử lý là xử lý con người, nhưng công trình thì vẫn tiếp tục được thi công". Luật sư Phong cho hay.

Tuy nhiên, luật sư Phong cũng thông tin rằng theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính, thì vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng thuộc diện phải được công bố công khai trên thông tin đại chúng. Trong trường hợp xử lý hình sự, thì phiên tòa xét xử cũng sẽ được mở công khai để công chúng có thể tiếp cận.

Bạn đang đọc bài viết Kết quả vụ sập giàn giáo: Q.Nam Từ Liêm đùn đẩy trách nhiệm trả lời!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ