Thứ sáu, 29/03/2024 20:21 (GMT+7)

Liên Châu (Vĩnh Phúc): Lãnh đạo xã tiếp tay 'tận diệt' tài nguyên?

Nhóm PVĐT -  Thứ hai, 11/06/2018 15:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo người dân xã Liên Châu, tài nguyên cát, đất sét của Nhà nước bị “ăn cắp” rất tinh vi, có thể lên tới hàng triệu tấn không chỉ diễn ra ngoài bãi mà còn cả trong nội đồng.

Chính sự thất hứa của lãnh đạo xã Liên Châu là nguyên nhân khiến người dân nghi ngờ có hay không trong việc tiếp tay, để tình trạng khai thác tài nguyên một cách ồ ạt?.

Nhân dân xã Liên Châu đồng loạt đứng đơn tố hành vi “ăn cắp” tài nguyên Nhà nước ở địa bàn.

Khơi thông luồng lạch... không cần báo cáo?

Ngày 7/6/2018, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tiếp tục trở lại trụ sở xã Liên Châu đặt lịch làm việc lần nữa. Ông Phùng Mạnh Khuyến – Phó Chủ tịch UBND cho biết: "Con “sông” trước cửa thôn Nhật Chiêu 5, trước cửa là cái hào, trước giao cho một người đào khơi thông luồng nhưng người này “quá tay” khiến nó thành ra như bây giờ và xã đã xử phạt hành chính họ”!

Cũng theo ông Khuyến, đất cát múc được đã đổ sang 2 bên bờ... (?)

Ông Phùng Mạnh Khuyến - Phó chủ tịch UBND xã Liên Châu.

Lời giải thích trên hoàn toàn không khớp thực tế, bởi chẳng thấy khối lượng nào “mà dự kiến rất lớn” được đưa lên bờ. Chỉ có hiện tượng sạt lở ngày càng sâu xuống lòng “sông”.

Hơn nữa, nếu đúng như lời ông Khuyến nói, với địa hình như vậy mà cát lại đổ ngay lên hai bên bờ sẽ khiến nó nhanh chóng trôi xuống thì việc làm đó có ích gì? Chưa kể các Đảng viên và người dân đứng đơn, chưa đứng đơn mà PV tiếp xúc đều cam kết sẵn sàng làm chứng, chịu trách nhiệm và khẳng định vị trí này hơn một năm trước chỉ “là một cái vạt khi mưa đọng nước vài giờ rồi lại tự tiêu, chỗ sâu nhất 30 cm nên người dân vẫn tận dụng trồng hanh hao hoa vàng".

Clip ông Khuyến trả lời phỏng vấn PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử:

Theo một số Đảng viên, lời giải thích trên của ông Khuyến – Phó Chủ tịch xã dù sao đã “có khác” so với lời của ông Long – Bí thư Đảng ủy xã tại Hội nghị tổng kết Đảng bộ cuối năm ngoái...

Khi tác nghiệp, PV cũng thấy rõ hiện tượng này, chỉ sau một vài ngày quay lại con “sông” đã khác nhau về mực nước. Theo bà con thôn Nhật Chiêu 5, có điều lạ, việc khơi thông luồng lạch nhưng từ ngày khơi thông lại có hiện tượng “đọng nước” vào mùa lũ.

Dòng "sông" được hình thành từ sự năng nổ của máy múc.

Trao đổi với PV, ông Khuyến cũng thừa nhận dự án “khơi thông” này địa phương chưa báo cáo với huyện và tỉnh.

Cụ Nhàn (Đảng viên trên 90 tuổi, thôn Nhật Chiêu 7) cho biết, cụ cùng nhiều vị lão thành và người dân đã trực tiếp yêu cầu lãnh đạo xã ra đo hiện trường vào năm 2017, khi đó trước sự chứng kiến của nhiều người ông Long – Bí thư Đảng ủy xã xác nhận hiện trường bị “moi múc” dài khoảng nửa km, sâu trung bình 5 -7 m, rộng 50 -70m...

Hố cát mênh mông nước mùa lũ năm 2017, ảnh tư liệu do người dân cung cấp

Lời giải thích “nhẹ nhàng” của lãnh đạo xã và thực hư câu chuyện ai đứng sau tất cả những việc này khiến một khối lượng đất, cát rất lớn bỗng dưng “biến mất”? Đấy là chưa kể lượng cát tương tự khi được múc lên làm hố “chứa phân” cạnh khu trang trại rồi đường dẫn được lấp qua loa nên hiện nay rãnh sâu vẫn còn nguyên đó. Mọi hành vi thay đổi hiện trường thời điểm này sẽ không khó để nhận ra. Điều này sớm cần câu trả lời từ cơ quan chức năng.

Tan tác... đầm Sung

Theo tìm hiểu của PV, đầm Sung của xã Liên Châu có diện tích 42 mẫu Bắc Bộ, tương đương 15 ha. Trước đây, đầm rất nông nên nhân dân còn tận dụng cấy lúa được xuống tận cạnh lạch giữa đầm là nơi dẫn, tích nước để cấp cho ruộng đồng.

Mỗi lần cấp nước, công suất trạm bơm là 250 khối/giờ, chạy được liên tục tối đa 40 giờ thì đầm hết nước. Như vậy, ước lượng thể tích thực tế tự nhiên của đầm khoảng 1 vạn m3, khi so với bờ ruộng xung quanh. Người dân thông tin, khi ấy nếu tích đầy đầm, đi ra giữa thì nước sâu tới ngực một người trưởng thành.

Đầm Sung mênh mông nước sâu

Trước tình hình thiếu nước cho sản xuất, lãnh đạo huyện Yên Lạc đồng ý cho cải tạo, nạo vét đầm tích nước tưới tiêu kết hợp dự án khu du lịch. Ấy là vào 12 năm trước. Đây là việc làm cần thiết để phục vụ sản xuất.

Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng chúng tôi, huyện chỉ đạo chỉ cho múc sâu dưới 1,5m nhưng thực tế lại bị múc sâu gấp nhiều lần, có chỗ gấp cả chục lần. Giai đoạn này chính là thời gian ông Long, ông Kết làm lãnh đạo xã.

Địa tầng vật chất nơi đây là đất sét rất tốt, giá trị kinh tế cao cho sản xuất gốm, gạch cao cấp. Địa tầng đó vẫn còn nguyên, chỉ trừ một lớp bùn ra là đất sét phát lộ ngay bên dưới, người dân cho biết khi đó mỗi ngày có trên dưới 100 chuyến xe vận chuyển đất sét, mấy máy múc lớn lúc nào cũng đợi sẵn dưới lòng đầm (được mở và làm đường vận chuyển riêng xuống tận lòng đầm-PV).

Giờ đầm Sung được ngăn lại và cho các hộ dân thuê 

Trong thời gian khai thác 2010 - 2012, vẫn có một  khu vực dẫn và chứa nước được thiết kế riêng để cung cấp nước cho sản xuất. Hiện nay đầm Sung mênh mông nước sâu, nhưng cũng chỉ có thế thôi và không có dự án du lịch kết hợp nào nữa được thực hiện.

Được biết, ông Đỗ Đức Long thời điểm còn làm Chủ tịch xã đã bị cấp trên kỷ luật vì liên quan đến sai phạm trong giao thầu nạo vét đầm Sung, trong đó có chi tiết bên thi công là Công ty TNHH xây dựng Sông Thao, vừa mới ký hợp đồng nhận thầu được ít ngày thì ông Long đã chỉ đạo ứng 1,2 tỷ đồng trái nguyên tắc cho họ dù họ chưa làm bất cứ khối lượng công việc nào và sau đó tự ý gia hạn, được cho là cũng không làm đủ khối lượng. Nhưng căn bản, việc nạo vét rất sâu sau này, mấy năm sau mới làm, thì không phải do đơn vị này thực hiện.

Theo thông tin chúng tôi có được, thì những các cá nhân khác đứng ra moi múc, toàn bộ vụ việc “sự biến mất của đất sét quý giá” đến nay không có bất cứ sự giải thích nào và cũng chưa có ai phải chịu trách nhiệm về điều đó.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Bạn đang đọc bài viết Liên Châu (Vĩnh Phúc): Lãnh đạo xã tiếp tay 'tận diệt' tài nguyên?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới