Thứ bảy, 20/04/2024 14:32 (GMT+7)

TP. HCM: Chuyện bên trong tòa nhà của Ban cơ yếu Chính phủ (Bài 2)

Nhóm PV -  Thứ ba, 10/07/2018 08:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ký trước, phá sau và thậm chí phá theo kiểu giang hồ là những gì chúng tôi đã đề cập trong bài viết kỳ trước về việc làm của công ty Bắc Thanh tại tòa nhà của Ban cơ yếu Chính phủ.

Một câu hỏi đặt ra là vì sao Bắc Thanh lại ngang ngược như vậy? Ai đã và đang “chống lưng” cho Bắc Thanh?

Lòng tham làm mờ mắt

Không chỉ độc giả mà những người viết bài này thoạt đầu cũng không thể hiểu được vì sao chỉ hơn 1 tháng sau khi ký hợp đồng cho công ty TNHH Hiệp Phát A&B thuê lại tầng 1 Tòa nhà Ban cơ yếu Chính phủ, và trong khi Hiệp Phát A&B đang đầu tư sửa chữa mặt bằng để chuẩn bị khai trương thì Bắc Thanh lại quay sang phá? Và không chỉ phá cho ôi, Bắc Thanh còn tỏ thái độ cương quyết đuổi Hiệp Phát A&B ra ngoài để …giành ăn.

Ăn gì? Theo bà Lương Thị Thu Thảo, giám đốc Hiệp Phát A&B, trước khi Hiệp Phát A&B và các đối tác khác về đây, Tòa nhà này khá vắng. Khi Hiệp Phát A&B thuê tầng 1 và tiếp theo đó các tầng 2,3,4 và tầng thượng tiếp tục được cho thuê, không ít hơn 300 con người thường xuyên ra vào khu vực này. Cùng với đó là cả trăm đối tác khách hàng của các doanh nghiệp kinh doanh tại đây.

Mặt sau toà nhà Ban Cơ yếu Chính phủ

Người ra vào nhiều dĩ nhiên dịch vụ trông giữ xe làm ăn được. Mặc dù đã hứa cho Hiệp Phát A&B đầu tư sửa chữa khuôn viên tòa nhà rồi trông giữ xe, nhưng khi nhìn thấy Hiệp Phát A&B thu tiền triệu mỗi ngày từ dịch vụ này, lòng tham của Bắc Thanh trỗi dậy.

Không chỉ vậy, vài trăm con người nghĩa là có bằng đó nhu cầu ăn uống. Là một người nhạy cảm với thương trường, bà Thảo nhanh chóng tổ chức căng tin ngay trong khuôn viên của mình.Nhìn thấy những món lợi dễ dàng chui vào túi người khác, Bắc Thanh đã không cầm lòng được.Họ muốn hủy hợp đồng với Hiệp Phát A&B để giữ lại nguồn lợi cho mình.

Bãi xe đầy ắp khiến lòng tham trỗi dậy

Ai đã “chống lưng” cho Bắc Thanh?
Lòng tham, dĩ nhiên là thế. Nhưng chỉ với lòng tham mà dám hành động ngang ngược thì không phải ai cũng dám. Với Bắc Thanh, nếu nhìn vào hợp đồng kinh tế ký giữa họ và Cục cơ yếu Đảng – Chính quyền (Ban cơ yếu Chính phủ), họ lại càng không dám.
Điều 7 của hợp đồng này ghi rõ: “Bên A (Cục cơ yếu) có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ngay lập tức mà không phải bồi thường cho Bên B (Công ty Bắc Thanh) trong các trường hợp sau:
+ Bên B vi phạm pháp luật bị các cơ quan pháp luật điều tra, thông báo.
+ Bên B làm mất an toàn và vi phạm các quy định an ninh, an toàn của Bên A”
Vâng, rất rõ ràng và ràng buộc nhưng… Bắc Thanh vẫn dám. Vì sao?

Điều 7 của hợp đồng

Xin trở lại với khởi nguồn của mọi vấn đề: 5 tầng lầu với diện tích sàn xây dựng hơn 2.000 m2 tòa nhà Ban cơ yếu Chính phủ được định nghĩa là cơ sở vật chất tận thu.

Chúng tôi xin không lạm bàn vào hai chữ tận thu, nhưng dẫu có là tận thu thì 5 tầng lầu này chắc chắn là tài sản nhà nước. Nó lại nằm ở một quận trung tâm TP.HCM nên giá trị không hề nhỏ.

Trong phạm vi bài viết nhỏ này, chúng tôi xin không trích dẫn chi tiết những quy định của Chính phủ về việc tổ chức quản lý khai thác tài sản nhà nước, nhưng có hai điều có lẽ ai cũng biết:

Thứ nhất: Phải xây dựng kế hoạch, phương án khai thác, cho thuê tài sản và công khai mời gọi đấu thầu theo kế hoạch đó nhằm tránh việc tài sản nhà nước bị bán hoặc cho thuê với giá rẻ mạt.

Thứ hai: Đưa ra những quy định chặt chẽ về đối tác dự thầu nhằm loại bỏ những đối tượng thiếu năng lực, kinh nghiệm và cả… tư cách, đề phòng hậu họa.

Hơn ai hết, Cục Cơ yếu Đảng - Chính quyền biết rõ những điều này nhưng họ đã bỏ qua. Hơn 2.000 m2 với 5 tầng lầu được họ định nghĩa là “Cơ sở vật chất tận thu”. Và bởi tận thu nên họ chỉ định thầu. Bằng chứng là tại hợp đồng kinh tế giữa Cục cơ yếu Đảng - Chính quyền với công ty Bắc Thanh, ở phần Căn cứ, người ta thấy rất nhiều căn cứ nhưng cái căn cứ quan trọng nhất, căn cứ kết quả đấu thầu thì … không thấy (!). Lạ hơn, hợp đồng này, ngoài chữ ký của Cục trưởng Vũ Ngọc Thiềm, không có bất kỳ một chữ ký nháy nào, một biểu hiện của việc “Tự mình làm tất cả” của ông Cục trưởng.

Và kết quả là, chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi ký hợp đồng này, với tổng giá trị chỉ 220 triệu đồng/tháng, Bắc Thanh đã cho thuê lại với tổng thu 420 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng bỏ túi 200 triệu đồng mà chẳng tốn mấy công sức, Bắc Thanh là ai mà … ngon vậy?

Theo thông tin chúng tôi có được từ Sở kế hoạch đầu tư thành phố Hà Nội, Công ty Cổ phần tư vấn và đầu tư xây dựng Bắc Thanh thành lập ngày 04-10-2016, nghĩa là chỉ 9 tháng trước khi đặt bút ký hợp đồng ngon lành kể trên với Cục cơ yếu Đảng - Chính quyền. Và trong 9 tháng này, không nói thì ai cũng biết, Bắc Thanh chưa đủ thời gian để thể hiện mình; Nghĩa là họ chưa phải là một đối tác đủ năng lực, kinh nghiệm và uy tín theo quy định.

Cả hai điều cần có của một hợp đồng quản lý, khai thác, cho thuê tài sản nhà nước đều không có, câu hỏi ai “chống lưng” cho Bắc Thanh hẳn đã có đủ câu trả lời.

Điều còn lại sau vụ quấy phá

Không chỉ “chống lưng” khi ký hợp đồng cho Bắc Thanh hưởng lợi, Cục Cơ yếu Đảng – Chính quyền còn quên mất những gì đã ký khi tiếp tục bao che cho những sai trái của Bắc Thanh.

Cụ thể: Ngay sau đợt quấy phá đầu tiên trong những ngày đầu tháng 10-2017, với sự tố cáo của Hiệp Phát A&B, Cơ quan điều tra hình sự KV2 Bộ quốc phòng đã vào cuộc. Và ngày 20-10- 2017, cơ quan này đã gửi một thông báo tới Cục cơ yếu Đảng – Chính quyền ghi rõ: “…và hành vi của những người khóa cửa văn phòng của Công ty TNHH Hiệp Phát A&B tại tầng 1 nhà công vụ Ban cơ yếu Chính phủ số 04, đường Nguyễn Thái Bình, P.4, Q. Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần phải được chấn chỉnh, xử lý triệt để. Sự việc xảy ra tại nhà ở công vụ Ban cơ yếu Chính phủ … đã gây ra mất an ninh trật tự tại địa phương và mất an ninh an toàn trong khu vực đóng quân canh phòng của đơn vị quân đội. Vì vậy, đề nghị Cục cơ yếu Đảng – Chính quyền, Ban cơ yếu Chính phủ cần rà soát lại các quy định và chấn chỉnh ngay hoạt động của các đối tác…”

Người của Bắc Thanh tiếp tục vào quấy phá ngày 14-11-2017

 Với thông báo này, căn cứ vào điều 7 của hợp đồng giữa hai bên được dẫn kể trên, đúng ra Cục Cơ yếu Đảng – Chính quyền phải chấm dứt hợp đồng với Bắc Thanh hay ít ra cũng phải buộc công ty này chấn chỉnh ngay hoạt động của mình. Cục đã không làm vậy và hậu quả tiếp theo là ngày 14-11-2017, công ty Bắc Thanh tiếp tục quấy phá như chúng tôi đã phản ánh trong kỳ một.

Không chịu bất kỳ một sự chế tài nào sau những quấy phá của mình, Bắc Thanh càng được thể không chịu bồi thường cho những thiệt hại mà chính mình gây ra cho Hiệp Phát A&B cùng Hội quán doanh nhân. Cụ thể sau cuộc họp 3 bên vào ngày 16-11-2017 giữa Bắc Thanh, Hiệp Phát A&B và Cục Cơ yếu Đảng – Chính quyền, một trong những nội dung được thống nhất là Bắc Thanh và Hiệp Phát A&B cùng tính toán lại chi phí thiệt hại để bồi thường. Biên bản cuộc họp cũng ghi rõ là chậm nhất ngày 20-11-2017, Hiệp Phát A&B phải thống kê xong những chi phí kể trên gửi Bắc Thanh để hai bên có cơ sở thỏa thuận bồi thường.

Trước hạn chót kể trên, Hiệp Phát đã liệt kê đủ những thiệt hại của mình gửi Bắc Thanh, đồng thời gửi luôn tới ông Cục trưởng Vũ Ngọc Thiềm.

Chờ mãi không thấy trả lời, ban lãnh đạo Hiệp Phát A&B lại một lần nữa phải bay ra Hà Nội. Lại thêm một cuộc họp 3 bên nữa được tổ chức vào ngày 16- 01- 2018. Tại cuộc họp này, sự ngang ngược của Bắc Thanh lại được thể hiện. Họ chỉ đồng ý trả cho Hiệp Phát A&B số tiền hơn 277 triệu đồng, đúng bằng số tiền mà Hiệp Phát A&B tạm ứng trước cho Bắc Thanh cùng chi phí Hiệp Phát A&B bỏ ra sửa chữa nhà và khuôn viên tòa nhà. Mọi thiệt hại về hàng hóa, cơ hội kinh doanh, uy tín của doanh nghiệp… trong thời gian Bắc Thanh quấy rối đóng cửa, đuổi nhân viên và khách hàng của Hiệp Phát A&B cùng Hội quán doanh nhân ra ngoài, Bắc Thanh coi như vô can, không chịu bồi thường một xu nào cả. Dĩ nhiên Hiệp Phát A&B không chấp nhận sự ngang ngược này.

Và thật đáng buồn, với tư cách “ Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”, Cục cơ yếu Đảng – Chính quyền đã vô tư im lặng (!). Tòa nhà Ban cơ yếu Chính phủ tại Tp. Hồ Chí Minh có lẽ còn tiếp tục “nổi sóng” với sự vô tư này.

Bạn đang đọc bài viết TP. HCM: Chuyện bên trong tòa nhà của Ban cơ yếu Chính phủ (Bài 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ