Thứ sáu, 29/03/2024 00:22 (GMT+7)

TP.HCM: Khu mộ cổ Gò Cây Quéo bị xâm hại nghiêm trọng - Bài 2

Đào Thiện -  Thứ ba, 11/12/2018 08:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều ngôi mộ trong khu vực này bị chủ đầu tư và đơn vị thi công dự án Khu dân cư Bình Trưng Đông – Cát Lái (154ha) đổ đất đá san phẳng.

Ngang nhiên san lấp mồ mả

Như Môi trường & Đô thị điện tử đã phản ánh vào ngày 30/11/2018, khu quần thể mộ cổ Gò Cây Quéo tọa lạc tại KP5, phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP.HCM đã và đang bị một số đơn vị thi công, người dân xâm hại, lấn chiếm, san lấp 1 cách ngang nhiên và trắng trợn. Không khó để nhận ra rằng, khu vực này hiện đang có  những con đường bị cày nát, những núi đất đổ cao, những ngôi mộ bị đất đá vùi lấp và xóa đi gần hết dấu vết… Đáng nói, việc xâm hại xảy ra một cách ngang nhiên trong thời gian dài nhưng cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không hay biết!?

Nhìn từ trên xuống, khu mộ cổ đã bị san lấp, lấn chiếm, bao quanh bởi những núi đất và công trình

Theo Sở VH-TT TP HCM, căn cứ vào hai chữ “Việt cổ” trên một số bia mộ, Khu mộ cổ Gò Cây Quéo thuộc địa bàn P.Bình Trưng Đông có tổng diện tích khoảng 14.000 m2, được xây dựng trước năm 1802. Đây là khu nghĩa địa của cư dân người Việt hình thành tương đối sớm trong quá trình Nam tiến mở nước và tiếp tục chôn cất người chết đến năm Tân Hợi 1851. Khu mộ có không gian thoáng đãng, phía Bắc có đất ruộng, còn lại giáp với nhà dân và vườn, cát bồi. Thời gian sau này, nhiều ngôi mộ cổ khác được khai quật trên địa bàn Q.2 cũng được chuyển về đây để phục dựng, bảo tồn… Đặc biệt, năm 1998, kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP.HCM, Bảo tàng Lịch sử VN đã đưa 2 bia mộ của Phạm Quang Triệt và Phạm Duy Trinh về trưng bày tại bảo tàng. Ngày 15.11.2006, UBND Q.2 cùng Sở VH-TT-DL và Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM đã khảo sát, đề xuất khoanh vùng bảo vệ khu mộ cổ Gò Cây Quéo (Gò Quéo).

Theo ảnh chụp từ vệ tinh thì khu mộ cổ vẫn còn khá nguyên vẹn…

Với một bề dày thời gian được sử sách ghi nhận, khu mộ cổ này nhiều lần được chính quyền và cơ quan chức năng khảo sát, đề nghị khoanh vùng bảo tồn, thế nhưng Khu mộ cổ Gò Cây Quéo vẫn chưa được công nhận.

Tuy nhiên, nhiều ngôi mộ cổ đã bị xâm hại và san lấp

Ai cho phép?

Theo tài liệu của khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM: “Tại phường Bình Trưng Đông, quanh khu vực Gò Cát (Gò Quéo) đã ghi nhận và làm tư liệu với tổng cộng 21 ngôi mộ hợp chất cổ và đánh số ký hiệu… Các ngôi mộ tuy  nằm rải rác nhưng khá tập trung và bị phân chia làm hai khu bởi hẻm đường đất số 5. Khu Tây hẻm đường đất gồm 12 ngôi mộ hợp chất, khu phía Đông có 9 ngôi mộ. Các ngôi mộ được xây dựng theo kiểu kiến trúc “Ngưu miên” với đá nguyên khối hoặc hợp chất cổ ô dước…”

Theo bản vẽ hiện trạng được trích lục từ địa chính phường Bình Trưng Đông, khu mộ cổ được khoanh vùng và chia thành hai khu rất rõ ràng. Theo hình ảnh từ vệ tinh được Google Map cập nhật vào thời điểm 2018, Khu mộ cổ Gò Cây Quéo vẫn còn khá nguyên vẹn với con đường đất nhỏ đi xuyên qua khu mộ. Tuy nhiên, trên thực tế Khu mộ này đã bị san lấp, xây dựng công trình, ngăn hàng rào lấn chiếm.

Con hẻm đất chia 2 khu mộ (theo tài liệu và ảnh vệ tinh) đã được đổ thành đường lớn và rào chắn.

Theo nguồn tin riêng của Môi Trường & Đô thị điện tử, toàn bộ Khu mộ cổ Gò Cây Quéo hoàn toàn nằm trong khu đất quốc phòng do Sư đoàn 367 quản lý. Tuy nhiên, sau khi quy hoạch dự án Khu dân cư Bình Trưng Đông - Cát Lái 151 hec ta thì khu mộ này nằm trong ranh quy hoạch. Và cho đến nay, khu mộ cổ vẫn đang thuộc sự quản lý của Sư đoàn 367 – Bộ Quốc Phòng và dự án khu dân cư Bình Trưng Đông – Cát Lái với nhiều đơn vị doanh nghiệp được phân công thực hiện.

Hiện tại, Khu vực xung quanh và toàn bộ Khu mộ cổ Gò Cây Quéo đang làm thủ tục hoán đổi đất quốc phòng cho Công ty TNHH Đầu Tư Địa ốc Thành Phố (Cty BĐS Cityland) làm dự án. Điều đáng nói, khu đất quốc phòng này đang trong quá trình hoán đổi để thực hiện dự án có nghĩa là vẫn chưa xác định được đơn vị chủ đầu tư.

Trích lục bản đồ của phường Bình Trưng Đông

Vấn đề này đặt ra một số nghi vấn:

Đơn vị nào đã tự ý làm đường, đổ đất san lấp, dựng hàng rào quanh khu mộ cổ như chúng tôi đã ghi nhận và phản ánh?

Việc san lấp, làm đường, xây dựng dự án đã được sự chấp thuận của cơ quan chức năng hay chưa?

Đâu là ranh dự án, tại sao doanh nghiệp làm dự án lại bất chấp xâm hại mồ mả mà đặc biệt là khu mộ cổ đang được đề xuất khoanh vùng và bảo vệ?

Sư đoàn 367 hay Cty BĐS Cityland thực hiện việc san lấp bất chấp sai phạm như đã nêu trên?

Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã ở đâu trong suốt thời gian qua?

Môi trường & Đô thị điện tử sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Khu mộ cổ Gò Cây Quéo bị xâm hại nghiêm trọng - Bài 2. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.