Thứ tư, 24/04/2024 16:34 (GMT+7)

Hà Nội: Tái diễn nạn đổ trộm phế thải ở phường Đại Kim

 Nguyễn Thế Lợi -  Thứ ba, 18/12/2018 11:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nghị định 155/2016/NĐ - CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã đi vào thực tế hơn 1 năm nay và cũng đã thu được không ít kết quả.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị có liên quan, trong thời gian qua tình trạng đổ trộm phế thải, xả rác không đúng nơi quy định làm ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, ô nhiễm môi trường đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ở một vài địa phương vấn nạn đổ trộm phế thải xây dựng còn là một bài toán khó chưa được xử lý dứt điểm. Điển hình là khu vực cuối đường Đặng Xuân Bảng đến đền Mẫu Đầm Sen thuộc phường Đại Kim quận Hoàng Mai.

 Khu vực bị đổ phế thải (Đánh dấu đỏ).

Môi trường bị “Hành hạ”
Với chiều dài khoảng 400m từ đoạn cầu Khỉ cuối đường Đặng Xuân Bảng đến đền Mẫu Đầm Sen, một bên giáp sông Lừ, còn bên kia là khu đất trống thuộc quản lý của UBND phường Đại Kim. Tại đây, lại tái diễn tình trạng đổ trộm chất thải rắn xây dựng, rác thải ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường, an toàn giao thông và nguy cơ ẩn chứa những nguồn bệnh dịch nguy hiểm. Trước đó, ngày 07/4/2018, theo đề nghị của Công an quận Hoàng Mai, UBND phường Đại Kim đã phối hợp với Công ty CP Môi trường Thanh Trì tổ chức xúc dọn di chuyển hết rác khu vực này.

 Chất thải được cho vào bao chất đống bên đường tràn xuống cả vỉa hè.

 Bùn cũng được đổ trộm tại đây

Những đối tượng lợi dụng đêm tối, khu vực vắng người đi lại, chỉ cần dừng xe mấy giây là có thể bỏ rác lại. Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội thì trên địa bàn TP hiện có hàng nghìn công trường xây dựng lớn, nhỏ thi công. Ngoài ra, mỗi tháng có khoảng hơn 10.000m2 đường bị đào bới để triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật, đó là chưa kể tới các công trình của các hộ gia đình sửa chữa, nâng cấp…Vì thế lượng rác, chất thải cần “giải phóng” là vô cùng lớn.

 Ngổn ngang chất thải rắn vứt tràn làn ra vỉa hè tràn xuống cả lòng đường.

Thống kê cho thấy mỗi năm trung bình cả nước có khoảng 15 triệu tấn chất thải rắn phát sinh trong đó ở Hà Nội đã là 730.000 tấn chiếm khoảng 5% lượng rác thải rắn cả nước.

Đoạn đường đang ngày đêm oằn mình hứng chịu một lượng phế thải, rác sinh hoạt khổng lồ. Khu vực này không có công nhân vệ sinh trong khi đó ý thức của một số bộ phận người dân kém, cơ quan chức năng không sát sao dẫn đến tình trạng trên ngày càng kéo dài. Một người dân chạy xe công nông tự chế chuyên chở phế thải xây dựng cho hay: Ở những bãi đất trống khu dự án đều có những đối tượng “bảo kê”, muốn đổ ở đây phải mất tiền mới được đổ. Vì vậy, không muổn bỏ thêm chi phí nên người dân thường đổ ra những khu vực có bãi đất trống, vắng vẻ.

Nhiều cái khó, sao chưa... ló cái hay?

Theo quy định, nếu để người dân tập kết rác, đổ phế thải sai quy định thuộc khu vực phường nào thì phường đó phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng, để xử lý dọn dẹp, di chuyển đi nơi khác thì lại vô cùng khó khăn vì đối với phế thải xây dựng, chính quyền địa phương muốn chuyên chở, dọn dẹp thì phải hợp đồng, bỏ chi phí ra thuê các công ty vệ sinh môi trường. Một cái khó nữa là trong các danh mục chi ở đơn vị thì không có phần nào dành để chi cho dọn dẹp phế thải, chính quyền lại phải “cộng trừ, căn chỉnh” sao cho hợp lý khoản chi.

Mặc dù UBND phường đã cắm biển báo nghiêm cấm đổ rác, phế thải, lắp điện sáng bổ sung, thế nhưng tình trạng đổ trộm phế thải vẫn không giảm và còn có chiều hướng tăng thêm.


Để xử phạt được các đối tượng xả thải thì các lực lượng chức năng phải bắt quả tang, để bắt được quả tang thì lại không dễ dàng vì các đối tượng hoạt động lén lút, chớp nhoáng ban đêm hoặc sáng sớm lúc vắng người. Do đó, lực lượng chức năng phải mật phục thường xuyên theo 24/24.

Theo điểm c, d khoản 1 Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP thì vứt rác không đúng nơi quy định tại chung cư, nơi công cộng: Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng; Vứt rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị: Phạt tiền từ 05 - 07 triệu đồng. Tất cả các trường hợp vi phạm trên ngoài hình thức xử phạt theo quy định đều phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu, khắc phục hậu quả. Chế tài xử lý vi phạm môi trường đã có nhưng phải chăng nó chưa đủ mạnh để răn đe. Đã đến lúc không chỉ lấy giáo dục, tuyên truyền, phạt hành chính, truy thu …mà phải chăng cần mạnh tay hơn là hình sự hóa tội phạm về môi trường.

Đồng thời cần xử lý nghiêm các chủ đầu tư, nhà thầu thi công không thực hiện nghiêm các cam kết về bảo vệ môi trường khi thực hiện các dự án xây dựng, sửa chữa trên địa bàn.

Môi trường đang phải gồng mình, “quằn quại” gánh chịu phế thải ô nhiễm, chúng như những ung nhọt, khối u đang ngày một lớn dần lên tàn phá, hủy hoại cơ thể. Lúc này, hơn lúc nào hết cần sự ra tay kịp thời của các cơ quan chức năng phường Đại Kim, nhanh chóng xử lý điểm đen ô nhiễm, sớm trả lại môi trường trong sạch cho người dân.

Phóng viên đã đặt lịch hẹn với UNBD phường Đại Kim, thế nhưng gần 3 tuần trôi qua vẫn chưa thấy hồi âm. Phải chăng vấn đề ô nhiễm môi trường, nạn đổ trộm phế thải đang hoành hành trên địa bàn không phải là vấn quan tâm chính của cơ quan chức năng phường Đại Kim?

Môi trường và Đô thị VN sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Tái diễn nạn đổ trộm phế thải ở phường Đại Kim. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.