Thứ sáu, 29/03/2024 18:17 (GMT+7)

Kiểm soát môi trường biển: Tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật

MTĐT -  Thứ ba, 08/01/2019 15:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để kiểm soát hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường biển, hiện, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng để thực hiện việc quản lý, răn đe, chấn chính các nguy cơ, nguồn thải gây ô nhiễm.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, nhà quản lý, hiện ở cả hai mảng kỹ thuật là tiêu chuẩn nước thải và tiêu chuẩn môi trường đối với nước biển vẫn chưa hoàn thiện.

Theo Tiến sĩ Bùi Đức Hiển, Viện Nhà nước và Pháp luật, năm 2015, Việt Nam đã ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia QCVN 10-MT:2015/BTNMT về chất lượng nước biển, để đánh giá và kiểm soát chất lượng nước biển của các vùng biển, phục vụ mục đích thể thao, giải trí dưới nước, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường biển và các mục đích khác; các Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về quản lý chất thải nhằm kiểm soát hiệu quả ô nhiễm môi trường biển.

Tuy vậy, qua nghiên cứu, đa số các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về chất thải, nước thải ra biển đã được ban hành cách đây hơn 10 năm, nhiều thông số đã lạc hậu so với quy chuẩn của khu vực và quốc tế, không đáp ứng được yêu cầu kiểm soát ô nhiễm môi trường biển thực tế. Chẳng hạn như Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia QCVN 10:2008/BTNMT về chất lượng nước biển ven bờ; Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia QCVN 11:2008/BTNMT về nước thải công nghiệp chế biến thủy sản; Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia QCVN 38:2011/BTNMT về chất lượng nước mặt bảo vệ đời sống thủy sinh…

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015; Bộ luật Hàng hải năm 2015; Luật Dầu khí năm 1993, sửa đổi, bổ sung năm 2008; Luật Du lịch năm 2005; Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn, quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển đều quy định dựa trên nguyên tắc bảo vệ môi trường phải lấy phòng ngừa là chính. Song thực tế, còn nhiều bất cập như: Chưa xây dựng được Danh mục thu hút đầu tư các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thân thiện môi trường theo quan điểm đề ra trong Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 432/QĐ-TTg; thiếu các quy định cụ thể về phát hiện ô nhiễm môi trường biển; thiếu các công cụ đánh giá thiệt hại do ô nhiễm môi trường biển gây ra…

Ảnh minh họa. 

Cụ thể, trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã có quy định chung về phát hiện ô nhiễm môi trường như: Quan trắc môi trường, thông tin về tình hình môi trường, thanh tra, kiểm tra ô nhiễm môi trường, nhưng chưa quy định cụ thể về phát hiện ô nhiễm môi trường biển.

Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 có quy định về vấn đề này cụ thể hơn, nhưng vẫn thiếu các yếu tố bảo đảm cho quá trình này. Chẳng hạn nguồn lực con người, tài chính, cơ sở vật chất, khoa học công nghệ, đặc biệt là chưa có quy định về ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Về thông tin tình hình môi trường biển, các quy định pháp luật mới chủ yếu nhấn mạnh hợp tác chia sẻ thông tin ô nhiễm môi trường biển mà chưa nhấn mạnh đến hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, nguồn tài chính, khoa học công nghệ để tạo cơ sở tổng hợp cho kiểm soát ô nhiễm môi trường biển được hiệu quả. Hơn nữa, pháp luật vẫn chưa quy định và đánh giá đúng mức vai trò của cộng đồng, truyền thông báo chí, tổ chức cá nhân sử dụng biển như ngư dân, thủy thủ tàu biển, các lực lượng trên biển… trong giám sát, phát hiện ô nhiễm biển, trong khi đó, đây là những chủ thể quan trọng.

Các nội dung về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo được quy định tại Điều 43 của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo mới chỉ dừng lại ở mức độ điều tra, thống kê, đánh giá, phân loại ô nhiễm từ nguồn phát thải từ đất liền. Việc thực thi các biện pháp giải pháp, hạn chế, kiểm soát việc ô nhiễm này lại liên quan đến luật môi trường và các luật chuyên ngành trên đất liền. Điều đó làm quá trình kiểm soát ô nhiễm biển từ đất liền không được thực hiện một cách thống nhất liên tục.

Tiến sĩ Bùi Đức Hiển cho rằng, chính sách pháp luật về bảo vệ tài nguyên và môi trường biển đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế biển của Việt Nam, nhưng nhiều quy định pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, dẫn tới môi trường biển ngày càng ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng. Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường biển, cần nghiên cứu và hoàn thiện các quy định pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển. Đồng thời, nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về kiểm soát, tăng cường công tác phối hợp với các bên liên quan và các cá nhân trên biển, cũng như ứng dụng công nghệ mới trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển.

Theo báo TN-MT

Bạn đang đọc bài viết Kiểm soát môi trường biển: Tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới