Thứ sáu, 29/03/2024 04:19 (GMT+7)

Một số động vật hoang dã ở Tây Nguyên đang có nguy cơ tuyệt chủng

MTĐT -  Thứ hai, 21/08/2017 10:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các tỉnh Tây Nguyên với diện tích rừng núi rộng lớn, là địa bàn tập trung rất nhiều loài động vật hoang dã nhất cả nước.

Trong đó, những loài quý hiếm được xếp vào danh sách bảo vệ của thế giới đang ngày càng bị mai một đi rất nhiều. Suốt thời gian dài tình trạng săn bắt chim thú quý liên tục xảy ra, không chỉ làm cho số lượng giảm đáng kể mà một số loài đặc biệt quý hiếm đang bị tuyệt chủng và có nguy cơ biến mất.

Sự sống của động vật hoang dã gắn liền với sự phân bố của rừng, diện tích rừng và tính chất các loại rừng. Đàn voi ở Đắk Lắk có số lượng nhiều nhất cả nước và được bổ sung thêm 4 con đưa từ Tánh Linh (Binh Thuận) lên.

Trước đây, loài voi sống nhiều nhất ở huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo, Lắk (Đắk Lắk), Chư Prông, Chư Sê, K’bang (Gia Lai). Ngoài voi, các động vật quý hiếm như bò xám, bò rừng, bò tót, trâu rừng, nai cà tong, hươu vàng, hươu đầm lầy, cheo cheo (hươu chuột), hổ, báo cùng một số loài chim quý như công, trĩ sao, gà lôi, gà tiền, cao cát, chim đuôi cụt (cút xanh) phân bố khá nhiều ở Tây Nguyên. Đặc biệt, các khu rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng Nam Kar (Lắk), Yor Đôn (Buôn Đôn), Ea Sô (Ea Kar), Cư Yang Sin (huyện Krông Bông) của tỉnh Đắk Lắk, Nam Nung (huyện Krông Nô - tỉnh Đắk Nông); Kon Cha Răng và Kon Ka Kinh (huyện K’bang - tỉnh Gia Lai) có đàn động vật hoang dã khá phong phú.

Voi ở Đắk Lắk – loài động vật cần phải bảo tồn, phát triển

Riêng đối với Vườn quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy - tỉnh Kon Tum) có đàn động vật hoang dã giàu có và phong phú bậc nhất của Việt Nam. Trong bốn mươi năm qua, rừng của các tỉnh Tây Nguyên bị khai thác quá mức, diện tích bị thu hẹp nhanh, độ che phủ rừng và chất lượng của rừng giảm. Hầu hết các khu rừng đều biến đổi và tính đa dạng sinh học bị suy giảm đáng kể. Suốt thời gian dài, tệ nạn săn bắn chim thú xảy ra liên tục ở tất cả các địa phương.

Nhiều động vật quý hiếm bị tàn sát đã giảm số lượng đáng kể. Loại bò xám là động vật cực kỳ quý chỉ có với số lượng ít ỏi ở Đông Dương. Trước đây loại động vật này sống phổ biến trong rừng Yor Đôn (Đắk Lắk) và Chư Mom Ray (Kon Tum) nhưng ngày nay không còn. Loại heo vòi vào những năm 1976 - 1990 vẫn thấy xuất hiện tại khu rừng Chư Mom Ray, nhưng đến nay đã bị tuyệt chủng hoàn toàn. Nai Cà tong trước đây sống khá phổ biến ở nhiều khu rừng, nay cũng biến mất khỏi Gia Lai và Kon Tum. Ở Đắk Lắc nai Cà tong chỉ còn rất ít cá thể và số phận của loài động vật này đang tiếp tục bị đe dọa và cũng có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Cách đây không lâu, các loại hổ, báo, gấu sống ở nhiều khu rừng thuộc các vùng Kon Plông, Sa Thầy, Đắk Glei (Kon Tum), Chư Prông, K’bang, Krông Pa, Ia G’rai (Gia Lai), M’Đrắk, Ea Súp, Buôn Đôn, Nam Kar, Nam Nung...(Đắk Lắk) nhưng do săn bắn bừa bãi, những loại động vật quý hiếm này giảm số lượng khá lớn. Nhiều vùng trước đây có khá nhiều hổ, báo thì nay đã bị xóa sổ.

Tại khu bảo tồn đa dạng sinh học Ea Sô (Đắk Lắk) đang tồn tại một số ít cá thể hươu đầm lầy, nhưng vì không được bảo vệ chu đáo nên loại động vật quý hiếm này đã bị tuyệt chủng. Đối với các loại bò tót, bò rừng trước đây thường gặp quy mô đàn 5 -7 con, nay không còn xuất hiện. Tại địa bàn tỉnh Đắk Nông, trong những năm 1976 -1985 trâu rừng còn phổ biến trong các khu rừng và đồng cỏ tự nhiên. Với diện tích rừng bị thu hẹp và tệ nạn săn bắn bừa bãi, nay đàn trâu rừng hoàn toàn vắng bóng.

Trước năm 2000 còn tồn tại vài cá thể tê giác trong Vườn quốc gia Nam Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) là động vật cực kỳ quý hiếm ở Châu Á. Do nạn săn trộm lộng hành, những cá thể tê giác cuối cùng đã bị hạ sát và nay đã bị tuyệt chủng ở nước ta. Thời gian qua, các loại chim quý như công, trĩ sao, gà lôi hông tía, gà tiền, cao cát đã bị săn bắt nhiều. Một số loài hiện nay không thấy xuất hiện ở các khu rừng nguyên sinh. Do tác động của con người và rừng bị thu hẹp, môi trường sống bị biến đổi, nhiều loài chim và động vật hoang dã đã di cư đến nơi khác. Tuy nhiên số đàn chim ít ỏi còn lại vẫn tiếp tục bị đe dọa.

Trong vài chục năm nay, các nhà hàng, quán ăn ở các tỉnh Tây Nguyên kinh doanh nhiều món ăn đặc sản như thịt nhím, nai, heo rừng hoang dã, cầy cáo, chồn, kỳ đà, kỳ tôm (họ kỳ đà, tắc kè) gà rừng, chim gáy và một số loại cá lăng, cá mõm trâu, cá bống tượng, cá sọc dưa… Hám lợi trước mắt, nhiều tay súng vẫn thường xuyên vào rừng săn trộm các loại động vật hoang dã để cung cấp thực phẩm rừng tươi sống cho các nhà hàng, quán ăn, nhưng các cơ quan bảo vệ vẫn không xử lý được.

 PV Tây Nguyên

Trần Quỳnh - Nguyễn Tiên Tri

Bạn đang đọc bài viết Một số động vật hoang dã ở Tây Nguyên đang có nguy cơ tuyệt chủng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.