Thứ sáu, 19/04/2024 03:38 (GMT+7)

Bất chấp bị đình chỉ, xưởng tái chế nhựa khiến người dân “tắc thở”

Phan Ngân -  Thứ tư, 06/09/2017 19:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phế liệu ngổn ngang, mùi nhựa khét lẹt vô cùng khó chịu đã từ lâu bao trùm khu 2 xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai. Bất chấp bị đình chỉ nhiều lần, hộ kinh doanh vẫn ngang nhiên hoạt động…

Qua phản ánh của nhiều người dân xã Phượng Cách về việc xưởng tái chế phế liệu sản xuất hạt nhựa gây mùi khó chịu của gia đình bà Phạm Thị Hoa (xóm 7, thôn 2, xã Phượng Cách), PV đã đến thực địa tìm hiểu.

Xưởng sản xuất nhà bà Hoa nằm tại khu chẹo Gốc Gạo, là nơi tập kết phế thải để xay xát, tái chế hạt nhựa. Gia đình bà Hoa có hợp đồng thuê đất với UBND xã Phượng Cách từ năm 2008, mục đích sản xuất kinh doanh (SXKD) phế liệu. 

Phế liệu chất thành đống lớn cạnh khu vực nhà xưởng

Trong hợp đồng ghi rõ: “Bên B (hộ kinh doah) phải có biện pháp xử lý các chất thải, khí thải, thải ra môi trường theo tiêu chuẩn cho phép về bảo vệ môi trường, không được kinh doanh các chất phế liệu gây ô nhiễm môi trường…”.

Tuy nhiên, vì không có hệ thống xử lý, trong quá trình sản xuất, xưởng tái chế này gây ô nhiễm rất nghiêm trọng tới môi trường nhất là không khí.

Vì vậy, UBND xã Phượng Cách đã đình chỉ sản xuất tại xưởng nhà bà Hoa từ tháng 12/2016. Thế nhưng hộ gia đình này bất chấp tiếp tục sản xuất gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của những người xung quanh một thời gian dài. Mỗi khi xưởng đốt phế liệu là cả khu vực nồng nặc mùi nhựa vô cùng khó thở, thậm chí ngay cạnh xưởng là khu vực dân cư, có cả nhà trẻ.

Cách xưởng sản xuất chỉ khoảng 100m là nhà trẻ

Theo thông báo số 44/TB-UBND xã Phượng Cách gửi gia đình bà Hoa: “UBND xã Phượng Cách kiểm tra tại khu vực chẹo Gốc Gạo, phát hiện hộ gia bà Phạm Thị Hoa tiếp tục nghiền nhựa và các đồ phế liệu, gây ô nhiễm môi trường toàn bộ khu dân cư và gây cháy nổ rất cao. UBND xã yêu cầu gia đình bà đình chỉ tất cả các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên. Thời gian thực hiện từ 13/6/2017” (?)

Vậy là đình chỉ chồng chất đình chỉ? Đình chỉ từ tháng 12/2016 vẫn còn hiệu lực, lại tiếp tục đình chỉ từ tháng 6/2017. Hơn nửa năm trời, người dân vẫn phải chấp nhận “sống chung với lũ”. Trước sự coi thường pháp luật của gia đình bà Hoa, xã chỉ liên tục đình chỉ mà không thực hiện biện pháp gì để chấm dứt tình trạng ô nhiễm?

Tại thời điểm PV đi tác nghiệp ngày 5/9/2017 ghi nhận xưởng sản xuất của nhà bà Hoa vẫn rầm rập xay xát, tiếng máy chạy ầm ĩ cả khu, mùi khét lẹt nồng nặc rất khó thở. Khi thấy PV, người dân quanh khu vực có vẻ lo ngại: “Từ lâu chúng tôi đã phải sống chung với mùi này rồi, khó thở lắm. Phóng viên nên xem lại, đừng dây vào đấy (nhà bà Hoa -PV) làm gì, hôm trước có nhà đăng lên mạng xã hội facebook thôi mà cũng bị đầu gấu vào “hỏi thăm” đấy”.

Xung quanh nhà xưởng là phế liệu, rác thải

Đem thắc mắc này trao đổi với ông Nguyễn Đắc Hải – Chủ tịch UBND xã Phượng Cách, PV được biết: Phía UBND sau khi nhận được phản ánh của người dân cũng đã lập tổ kiểm tra và ra quyết định đình chỉ sản xuất hộ gia đình. Tình hình trong xã cũng rất phức tạp, nên cẩn thận!

Sau đó ông Hải cùng PV xuống cơ sở kiểm tra vi phạm thì chủ cơ sở anh Nguyễn Đình Thanh (con bà Phạm Thị Hoa) không lấy gì làm lo lắng. Lấy cớ là không có chìa khóa cổng nên anh Thanh không mở cửa xưởng để Chủ tịch xã vào kiểm tra.

Khu tái chế đóng chặt cửa, "nội bất xuất, ngoại bất nhập"

Thế nhưng đứng bên ngoài cũng có thể thấy hoạt động tấp nập trong xưởng bởi tiếng máy xay xát chạy ầm ầm, công nhân ra vào liên tục. Anh Thanh bình thản: “Giờ không làm thì lấy gì ăn, cả làng làm chứ chẳng phải một mình nhà tôi làm. Còn nhà tôi đã làm từ năm 2000 tới nay có thấy ai kêu?”.

Cánh cửa bị khóa chặt và theo chủ xưởng thì người cầm chía khóa đang...đi vắng

Chủ xưởng sản xuất nói đã làm từ năm 2000, nhưng xã mới cho thuê từ 2008, vậy trong 8 năm chưa có hợp đồng thuê đất, ai cho nhà bà Hoa sản xuất ở miếng đất 342,2m2 đó? Và tại sao hộ kinh doanh này lại có thể ngang nhiên sản xuất bất chấp mọi biên bản đình chỉ của UBND xã?

Tại sao UBND xã Phượng Cách không tiến hành xử phạt khi bà Hoa vi phạm quyết định đình chỉ, nếu không xử lý được tại sao không báo lên cấp trên để kiểm tra, xử lý vi phạm? Từng ấy thời gian đình chỉ đi đình chỉ lại, xưởng sản xuất đã xả ra biết bao nhiêu khí thải độc hại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Và hơn hết là hộ kinh doanh này có điều gì mà người dân phải cảnh báo PV đừng “dây” vào đó?

Thông tin sẽ được Môi trường & Đô thị Việt Nam điện tử tiếp tục cập nhật.

Bạn đang đọc bài viết Bất chấp bị đình chỉ, xưởng tái chế nhựa khiến người dân “tắc thở”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.