Thứ sáu, 29/03/2024 14:08 (GMT+7)

Bồi thường nhà 3 tầng hay chỉ được “hỗ trợ công phá dỡ”?

MTĐT -  Thứ ba, 22/05/2018 17:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Quy định của Pháp luật về bồi thường nhà và hỗ trợ công phá dỡ

Nguyễn Chấn

Luật gia – Chuyên viên cao cấp

Hãng Luật TGS LawFirm

Năm 1997, gia đình ông Nguyễn Văn Triệu và gia đình chị Nguyễn Diệu Hiền, mỗi hộ xây dựng một ngôi nhà 3 tầng trên thửa đất 1-1 và thửa đất 1-2, tờ bản đồ số 5 tại phố Nhổn, thôn Nguyên Xá, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Đến năm 2005, cơ quan địa chính đo đất để cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ). Khi đó, mỗi gia đình đã có một ngôi nhà 3 tầng, tuy nhiên, trên GCNQSD đất của ông Triệu thì lại bị ghi nhầm là “nhà cấp 4”, GCNQSDĐ của chị Hiền bị ghi nhầm là “nhà 2 tầng”, nhưng do suy nghĩ đơn giản nên hai gia đình cũng không làm thủ tục điều chỉnh lại.

Năm 2009, gia đình ông Triệu và gia đình chị Hiền nằm trong diện phải giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 32, đoạn Cầu Diễn - Nhổn. Họ nhận được phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đề ngày 6/9/2010, theo đó, mỗi gia đình được trả 52m 2 đất tại lô TT 4, khu tái định cư 8,5ha Phú Diễn, Bắc Từ Liêm và được bồi thường phần tài sản trên đất (ngôi nhà 3 tầng) theo phương án đã được UBND huyện Từ Liêm phê duyệt tại Quyết định số 10361/QĐ-UBND ngày 30/11/2009, ghi rõ: Bồi thường, hỗ trợ công trình xây dựng: “Nhà 3 tầng, tường 220, mái bằng bê tông cốt thép”. Gia đình ông Triệu và gia đình chị Hiền đồng ý với phương án của huyện, đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và nhận diện tích 52m 2 tại nơi ở mới (Phú Diễn, Bắc Từ Liêm), nhưng suốt từ đó đến nay đã 6 - 7 năm, hai gia đình vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ để làm nhà ở. Bởi, tại Văn bản số 795/KL-TTTP(P7) ngày 5/4/2013, Thanh tra TP Hà Nội cho rằng hai trường hợp này chỉ được tính “hỗ trợ công phá dỡ” nhà ở, chứ không được bồi thường ngôi nhà 3 tầng.

Ở tình huống này, người bị thu hồi đất được bồi thường giá trị nhà 3 tầng hay chỉ được “hỗ trợ công phá dỡ”?

Ý kiến của luật sư:
1. Thanh tra TP Hà Nội đưa ra lý do như sau để cho rằng gia đình ông Triệu và gia đình chị Hiền chỉ được tính “hỗ trợ công phá dỡ” nhà ở (ghi trên GCN là “nhà cấp 4” và “nhà 2 tầng”) chứ không được bồi thường tài sản là ngôi nhà 3 tầng bê tông cốt thép: “Đối với các công trình xây dựng sau thời điểm 1/7/2004 và đã bị chính quyền địa phương lập hồ sơ xử lý vi phạm về trật tự xây dựng hoặc những hộ xây dựng công trình sau thời điểm các hộ được cấp GCNQSDĐ năm 2005, 2006 mà trong GCN cấp cho các hộ, UBND huyện Từ Liêm yêu cầu các hộ xây dựng giữ nguyên hiện trạng và tiến hành điều chỉnh phương án bồi thường hỗ trợ theo hướng chỉ được tính hỗ trợ công phá dỡ” (Văn bản số 795/KL-TTTP(P7) ngày 5/4/2013).
Tuy nhiên, hai gia đình này xây dựng hai ngôi nhà 3 tầng bê tông cốt thép từ năm 1997 nên không thuộc trường hợp “các công trình xây dựng sau thời điểm 1/7/2004 và đã bị chính quyền địa phương lập hồ sơ xử lý vi phạm về trật tự xây dựng”; đồng thời cũng không thuộc trường hợp “những hộ xây dựng công trình sau thời điểm các hộ được cấp GCNQSDĐ năm 2005, 2006 mà trong GCN cấp cho các hộ, UBND huyện Từ Liêm yêu cầu các hộ xây dựng giữ nguyên hiện trạng”.
Vì vậy, những lý do mà Thanh tra TP Hà Nội đưa ra để cho rằng hai gia đình này “chỉ được tính hỗ trợ công phá dỡ” (không được bồi thường tài sản trên đất là ngôi nhà 3 tầng bê tông cốt thép) là không đúng, cần phải được xem xét lại.

2. Đối với sự việc hai ngôi nhà 3 tầng được xây dựng từ năm 1997 nhưng GCNQSDĐ cấp năm 2005 lại ghi “nhầm” là “nhà cấp 4” và “nhà 2 tầng”:
Về pháp lý, việc ghi “cấp nhà” hay “loại nhà” trên GCNQSDĐ không được xem là căn cứ để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Ở thời điểm đất của gia đình ông Triệu và gia đình chị Hiền bị thu hồi, chính sách bồi thường, hỗ trợ áp dụng theo Nghị định số 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 40 Nghị định này: Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm) “chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý của số liệu kiểm kê, tính pháp lý của đất đai, tài sản được bồi thường”, trên cơ sở đó, lên phương án (được UBND huyện Từ Liêm phê duyệt tại Quyết định số 10361/QĐ-UBND ngày 30/11/2009), ghi rõ cho mỗi hộ: Bồi thường, hỗ trợ công trình xây dựng: “Nhà 3 tầng, tường 220, mái bằng bê tông cốt thép” là đúng với quy định của pháp luật.

Tại Văn bản số 1816/SXD-QLKT ngày 25/3/2014, Sở Xây dựng TP Hà Nội cũng bày tỏ quan điểm cho rằng kết luận theo hướng chỉ tính hỗ trợ công phá dỡ với 34 hộ (trong đó có hộ ông Triệu, hộ chị Hiền) là “chưa hoàn toàn đầy đủ, hợp lý, hợp tình”.

Bạn đang đọc bài viết Bồi thường nhà 3 tầng hay chỉ được “hỗ trợ công phá dỡ”?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sớm ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Hiện đã có 30 địa phương bắt đầu triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình. Từ nay đến hết năm 2024, yêu cầu bắt buộc các địa phương phải ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có công tác phân loại.

Tin mới