Thứ sáu, 29/03/2024 18:27 (GMT+7)

Đứng tên GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và TS khác gắn liền với đất?

MTĐT -  Thứ ba, 14/08/2018 10:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc một người đứng tên trên Giấy chứng nhận này chưa hẳn đã chắc chắn là người đó có quyền sử dụng, sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên thực tế.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất được pháp luật xác định là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Tuy nhiên, việc một người đứng tên trên Giấy chứng nhận này chưa hẳn đã chắc chắn là người đó có quyền sử dụng, sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên thực tế; Một câu chuyện rất thực tế và có thật là trường hợp người nước ngoài tuy không đứng tên được trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã ủy quyền người có quốc tịch Việt Nam đứng tên hộ hoặc đơn giản là việc đang đứng tên trên giấy chứng nhận nhưng xảy ra tranh chấp, sau đó Tòa án xác nhận người đứng tên trên giấy chứng nhận đó không phải là người sử dụng, sở hữu và hủy quyết định cấp giấy chứng nhận đó, tuyên một người khác là người có quyền sử dụng, sở hữu. Câu chuyện này nói lên việc đứng tên trên Giấy chứng nhận chỉ là về mặt lý thuyết, tức pháp luật ghi nhận còn việc đứng tên đó có đúng hay không lại là một vấn đề khác.

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì người sử dụng đất là người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Người sử dụng là một trong các đối tượng sau đây:

Thứ nhất, Tổ chức trong nước gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự (gọi chung là tổ chức);

Thứ hai, Hộ gia đình, cá nhân trong nước (sau đây gọi chung là hộ gia đình, cá nhân);

Thứ ba, Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ;

Thứ tư, Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo;

Thứ năm, Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ;

Thứ sáu, Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;

Thứ bảy, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Do đó, các đối tượng sử dụng đất nêu trên có thể đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nếu đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Và việc đứng tên trên giấy chứng nhận cụ thể như sau:

- Nếu là cá nhân thì trên giấy chứng nhận sẽ ghi “Ông” (hoặc Bà);

- Nếu là hộ gia đình sử dụng thì trên giấy chứng sẽ ghi “Hộ ông” (hoặc Hộ bà). Trường hợp chủ hộ gia đình hay người đại diện khác của hộ gia đình có vợ hoặc chồng cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi cả họ tên của người vợ hoặc chồng;

- Trường hợp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của hai vợ chồng thì ghi họ tên của cả vợ và chồng;

- Nếu là tổ chức trong nước thì ghi tên tổ chức;

- Nếu là cơ sở tôn giáo thì ghi tên của cơ sở tôn giáo;

- Nếu là cộng đồng dân cư thì ghi tên của cộng đồng dân cư.

Lưu ý: Về độ tuổi đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Luật Đất đai không có bất cứ một quy định cụ thể nào. Tuy nhiên, xét quy định của Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Do đó, việc người chưa thành niên tham gia vào việc xác lập giao dịch về quyền sử dụng đất như giao dịch tặng cho, thừa kế…thông qua người đại diện là hoàn toàn có thể. Như vậy, có thể hiểu người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất khi có sự đồng ý của người đại diện.

Thực trạng đã xảy ra nhiều địa phương việc cấp giấy chứng nhận cho người chưa thành niên gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc và đặc biệt Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận tỏ ra lúng túng trước việc cấp cho người chưa thành niên vì cho rằng luật đất đai không quy định và người chưa thành niên không thể thực hiện xác lập các giao dịch về đất đai. Nếu cần có sự hỗ trợ, tư vấn bạn đọc có thể liên hệ theo địa chỉ phía dưới đây.

Luật gia Lê Minh

Địa chỉ: Số 184, đường 19/5, phường Văn Quán, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Hotline: 0961.272.396

Email:[email protected]; [email protected]

Bạn đang đọc bài viết Đứng tên GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và TS khác gắn liền với đất?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sớm ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Hiện đã có 30 địa phương bắt đầu triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình. Từ nay đến hết năm 2024, yêu cầu bắt buộc các địa phương phải ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có công tác phân loại.

Tin mới