Thứ bảy, 20/04/2024 04:20 (GMT+7)

Hòa Bình: “20 năm tranh chấp lối đi và chính quyền hành xử với dân”

MTĐT -  Thứ hai, 01/10/2018 14:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Văn bản số 547/UBND-TNMT ngày 04/7/2017 của UBND huyện Lạc Thủy có hiệu lực đến nay, đã xảy ra nhiều sự việc phức tạp gây thiệt thòi, oan ức cho phía gia đình cụ Trần Thị Nhẫn

Tình huống pháp lý:

Năm 1960, Cụ Trần Thị Nhẫn, 89 tuổi (mẹ đẻ ông Đỗ Hữu Tài) khai phá diện tích 3.900 m2 đất tại Thôn Đồng Riệc, xã Đồng Tâm, được UBND huyện Lạc Thủy cấp Giấy CNQSD đất năm 1991. Năm 1997-1998, ông Tạ Văn Hà, Trưởng Thôn (nay là Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm) tự ý “cắm” cho gia đình ông Nguyễn Văn Định khoảng 50-60 m2 đất trên diện tích cụ Nhẫn đã được cấp Giấy CNQSD đất để năm 2001 ông Định xây ke làm đường đi.

Được sự “bảo kê”của Trưởng Thôn Hà lúc bấy giờ, bố ông Định là ông Nguyễn Văn Quyết cùng con trai chặt phá cây cối hoa màu trên đất của cụ Nhẫn. Việc chặt phá cây cối hoa màu này đã bị UBND xã lập biên bản xử phạt hành chính buộc đền bù thiệt hại cho cụ Nhẫn; nhưng nghĩ đến tình làng nghĩa xóm, gia đình cụ không bắt đền.

Không dừng ở đó, ông Định viết đơn kiện ông Tài ra chính quyền, bất chấp sự thật là các biên bản làm việc, kiểm tra, xác minh của đoàn công tác cán bộ huyện, xã (28/7/2001, 31/01/2002, 30/10/2002) đều kết luận phần diện tích đất và cây cối này thuộc quyền sở hữu, quản lý, sử dụng của cụ Nhẫn và không có đường nào đi qua đất thổ cư nhà cụ Nhẫn.

Tuy nhiên, có một việc sau này ông Tài mới biết: ngày 30/5/2002, UBND xã Đồng Tâm lập "khống" các văn bản làm việc kiểm tra, xác minh của đoàn cán bộ huyện, xã, kết luận: "có 59,8 m2 đất ngoài diện tích đất nhà ông Tài là đất chuyên dùng xã quản lý phục vụ cho giao thông" (thực chất diện tích này chỉ để phục vụ cho ông Định đi), trong khi đây là đất cụ Nhẫn khai phá, đã được cấp Giấy CNQSD đất.

Suốt từ đó (2002-2015), cụ Nhẫn làm đơn gửi xã, huyện, yêu cầu giao lại phần đất này (phù hợp kết luận của cán bộ huyện, xã) nhưng không được giải quyết, trong khi tại biên bản làm việc với chính quyền, ông Hà – người cắm đất không đưa ra được bất kỳ quyết định nào về việc thu hồi phần diện tích đất (50-60 m2) nằm trong Giấy CNQSD đất của cụ Nhẫn mà chỉ trả lời miệng: “Đất đai gia đình  thừa thì lấy chứ không có giấy tờ gì”(?)

Đề nghị Luật sư Công ty Luật TGS có ý kiến trả lời giúp trường hợp này từ góc nhìn pháp lý.

Ý kiến của Hãng Luật TGS LawFirm:

I. Diễn biến sự việc suốt 20 năm qua (1997, 1998 đến nay) cho thấy chính quyền xã Đồng Tâm và huyện Lạc Thủy đã hành xử trái pháp luật một cách có hệ thống trong quan hệ với người dân. Cụ thể:

  1. Chính quyền xã, huyện không làm rõ, không ngăn chặn kịp thời và không đình chỉ ngay hành vi trái pháp luật của ông Trưởng Thôn tên là Hà (1997-1998) tùy tiện cắm 50-60 m2 đất nằm trong “sổ đỏ” của cụ Nhẫn để làm đường đi cho ông Định. Có thể thấy đây là sự việc “mở màn” cho những hành xử trái pháp luật tiếp theo của xã và của huyện trong quan hệ với người dân nhằm “hợp thức hóa” sai phạm này.
  2. Cụ Nhẫn làm đơn gửi xã, huyện yêu cầu giao lại phần đất này (phù hợp kết luận của cán bộ huyện, xã) nhưng không được giải quyết chứng tỏ chính quyền biết sai nhưng không chịu sửa, cố tình “hợp thức hóa” sai phạm.
  3. Đối với sự việc: UBND xã Đồng Tâm lập khống văn bản làm việc kiểm tra, xác minh của đoàn cán bộ huyện, xã, kết luận có 59,8 m2 đất ngoài diện tích đất nhà ông Tài là đất chuyên dùng xã quản lý phục vụ cho giao thông:

Chưa kể việc lập “khống” là hành vi vi phạm pháp luật, ngay trong trường hợp văn bản kiểm tra này có thật với đầy đủ thành phần, chữ ký, thì nó cũng không có giá trị pháp lý “phân chia lại” cho người nằm ngoài Giấy CNQSD đất được phép sử dụng một phần diện tích, mà diện tích ấy hoàn toàn nằm trong “sổ đỏ” của cụ Trần Thị Nhẫn.

II. Được cụ Trần Thị Nhẫn ủy quyền, hiện nay, ông Tài tiếp tục khiếu nại. Theo ông Tài: “Ngày 4/7/2017, UBND huyện Lạc Thủy có văn bản số 547/UBND-TNMT trả lời gia đình tôi là diện tích đang tranh chấp 113,7 m2 giờ chia làm hai phần: Thứ nhất, 53,9 m2 trong diện tích 113,7 m2 đất đang tranh chấp huyện kết luận là đất nằm trong sổ gia đình tôi. Thứ hai, 59,8 m2 trong diện tích 113,7 m2 thì lại thuộc UBND xã Đồng Tâm quản lý và huyện gọi đó là “đất chuyên dùng phục vụ giao thông nông thôn”.

Về pháp lý, đúng như ý kiến của ông Tài khiếu nại văn bản 547/UBND-TNMT: không có căn cứ để UBND huyện chia 113,7 m2 đất ra làm 2 (một phần diện tích giao cho gia đình, phần còn lại giao xã quản lý) “vì đất đai phải thể hiện trong sổ đỏ và bản đồ quy hoạch đất hiện trạng, trong khi đó bản đồ quy hoạch của xã, huyện thể hiện rõ đất đó là của gia đình tôi; sổ đỏ cũng chỉ rõ diện tích đó thuộc đất của gia đình tôi từ trước, đồng thời bản đồ không thể hiện con đường đi qua đó và không thể hiện con đường đó là đường giao thông thuộc thẩm quyền xã Đồng Tâm quản lý… Mặt khác, vẫn theo ông Tài: “Những lần làm việc, đối thoại với chính quyền xã, lãnh đạo xã chỉ trả lời chung chung, không đưa ra được bất cứ giấy tờ nào chứng minh đó là đất của xã quản lý…Tôi có hỏi lãnh đạo xã về bản đồ quy hoạch của xã về khu đất nhà tôi đâu để tôi có thể đối chiếu và biết được đúng hay sai nhưng UBND xã Đồng Tâm không đưa ra được, trong khi bản thân tôi có bản đồ và nắm rất rõ về bản đồ quy hoạch khu đất đó…”.

Được biết, từ khi văn bản số 547/UBND-TNMT ngày 04/7/2017 của UBND huyện Lạc Thủy có hiệu lực đến nay, đã xảy ra nhiều sự việc phức tạp gây thiệt thòi, oan ức cho phía gia đình cụ Trần Thị Nhẫn và gia đình con trai cụ - ông Đỗ Hữu Tài.

Luật gia, Nhà báo Nguyễn Chấn,

Chuyên viên cao cấp Công ty Luật TGS LawFirm

Bạn đang đọc bài viết Hòa Bình: “20 năm tranh chấp lối đi và chính quyền hành xử với dân”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...