Thứ năm, 28/03/2024 20:20 (GMT+7)

Về một vụ kiện hành chính yêu cầu hủy “sổ đỏ”!

MTĐT -  Thứ bảy, 22/09/2018 20:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ông Chước đề nghị Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử cho biết 10 loại giấy tờ, tài liệu này có giá trị chứng minh yêu cầu của những người khởi kiện là “có cơ sở” hay không?

Ngày 20/12/2017, Thẩm phán TAND TP Hà Nội Nguyễn Văn Phổ ký Thông báo số 468/2017/TLST-HC thụ lý vụ án Hành chính số 530/2017/TLST-HC về việc yêu cầu hủy quyết định số 1284/QĐ-UBND ngày 7/3/2017 của UBND quận Nam Từ Liêm về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho hộ gia đình hai cụ Nguyễn Huy Lý, Nguyễn Thị Thơ.

Người khởi kiện gồm: ông Nguyễn Huy Tự, SN 1941, trú tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ; bà Phạm Thị Thơm, SN 1952; bà Nguyễn Thị Các, SN 1953, cùng trú tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình. Bên bị kiện là UBND quận Nam Từ Liêm. Một trong những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Huy Chước, con trai hai cụ Lý, Thơ.

Ông Chước cho biết: “Sau vài tháng được cấp “sổ đỏ”, bố, mẹ tôi đã lần lượt qua đời. Khi bố, mẹ tôi vừa nằm xuống thì ông Nguyễn Huy Tự, bà Nguyễn Thị Các, bà Phạm Thị Thơm, lần lượt là em trai, em gái, em dâu của bố tôi đã đâm đơn khởi kiện, đề nghị tòa án hủy “sổ đỏ” UBND quận Nam Từ Liêm đã cấp cho bố, mẹ tôi”. Kèm theo đơn khởi kiện, những người khởi kiện đã nộp cho Tòa án 10 loại giấy tờ là tài liệu, chứng cứ nhằm chứng minh yêu cầu của họ: hủy GCNQSDĐ là có cơ sở.

Ông Chước đề nghị Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử cho biết 10 loại giấy tờ, tài liệu này có giá trị chứng minh yêu cầu của những người khởi kiện là “có cơ sở” hay không?

Ý kiến của chuyên gia Công ty Luật TGS LAWFIRM:

I. Để quyết định “hủy” GCNQSDĐ, Tòa án phải căn cứ khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai năm 2013 quy định những trường hợp cơ quan có thẩm quyền được phép hủy (thu hồi) GCNQSDĐ (Lưu ý: Luật đất đai sử dụng từ “thu hồi” thay vì từ “hủy” GCNQSDĐ). Có nghĩa là, trong quá trình xét xử, người khởi kiện phải đưa ra chứng cứ để chứng minh được rằng cơ quan cấp GCNQSDĐ đã có một trong 6 vi phạm sau đây:

1. Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền;

2. Giấy chứng nhận đã cấp không đúng đối tượng sử dụng đất;

3. Giấy chứng nhận đã cấp không đúng diện tích;

4. Giấy chứng nhận đã cấp không đủ điều kiện được cấp;

5. Giấy chứng nhận đã cấp không đúng mục đích sử dụng đất;

6. Giấy chứng nhận đã cấp không đúng nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy nội dung 10 loại giấy tờ nêu trên đều không có giá trị chứng minh UBND quận Nam Từ Liêm đã có hành vi vi phạm mà theo luật, phải chịu hậu quả pháp lý: thu hồi GCNQSDĐ đã cấp cho gia đình này. 10 loại giấy tờ đó gồm: Bản sao GCNQSDĐ; Bản sao trích lục bản đồ thửa đất; Công văn số 1265/VPĐKĐĐHN của Văn phòng đăng ký đất đai thành phố; Phiếu trả lời số 286/UBND/ĐC ngày 21/5/2010 của UBND xã Đại Mỗ; Biên bản làm việc số 05/BBLV ngày 3/7/2012 của UBND xã Đại Mỗ; Biên bản hòa giải lần 2 số 08/BBLV ngày 3/7/2012 của UBND xã Đại Mỗ; Phiếu nhận hồ sơ ngày 19/9/2016 và ngày 10/11/2016 của UBND phường Đại Mỗ; Phiếu trả lời số 987/UBND/TNMT ngày 11/5/2017 của UBND quận Nam Từ Liêm; Chứng minh thư, Sổ hộ khẩu của người khởi kiện. Do đó, dù Tòa có đưa ra xét xử vụ án này thì cũng không có căn cứ để quyết định hủy (thu hồi) GCNQSDĐ đã cấp cho gia đình hai cụ Nguyễn Huy Lý, Nguyễn Thị Thơ.

II. Vụ án được thụ lý từ ngày 20/12/2017 nhưng đến nay chưa đưa xét xử là quá thời hạn so với quy định của Luật Tố tụng hành chính (kể cả gia hạn thì tối đa cũng chỉ được 6 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án đến khi mở phiên tòa), trong khi nếu căn cứ quy định của pháp luật thì đây không phải là vụ án phức tạp.

Vì vậy, thiết nghĩ, vụ án nên được đình chỉ. Để làm được việc này, về phía Tòa án, Thẩm phán nên giải thích, giúp bên khởi kiện hiểu, tôn trọng quy định của pháp luật để họ tự nguyện rút đơn. Đây là việc làm có ý nghĩa, chứng tỏ khẩu hiệu “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” của ngành Tòa án và quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân về trách nhiệm của cơ quan xét xử, theo đó, Tòa án góp phần giáo dục công dân “nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những nguyên tắc của cuộc sống xã hội” (khoản 1 Điều 2 Luật Tổ chức TAND) đã đi vào cuộc sống.

Về phía người khởi kiện: nên tỉnh táo, lắng nghe nhiều chiều, từ đó phân biệt được “đúng sai, phải trái”, chọn cách hành xử đúng đắn, có lý, có tình, không "cố đấm ăn xôi"

Hy vọng vụ này sẽ đi tới một kết thúc có hậu!

Luật gia, Nhà báo Nguyễn Chấn 
Chuyên viên cao cấp Công ty Luật TGS LAWFIRM

Bạn đang đọc bài viết Về một vụ kiện hành chính yêu cầu hủy “sổ đỏ”!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sớm ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Hiện đã có 30 địa phương bắt đầu triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình. Từ nay đến hết năm 2024, yêu cầu bắt buộc các địa phương phải ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có công tác phân loại.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.