Thứ sáu, 29/03/2024 19:53 (GMT+7)

Bác sĩ cảnh báo tình trạng say nắng trong đợt nắng nóng 'kỷ lục'

MTĐT -  Thứ tư, 04/07/2018 18:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo dự báo, đợt nắng kỷ lục này sẽ còn kéo dài đến ngày 6/7 tới. Với nhiệt độ cao trên 40 độ như vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần hết sức chú ý giữ gìn sức khỏe tránh... say nắng.

TS.BS Lương Quốc Chính - Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai cho biết người bị say nắng nếu không được cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. Khi say nắng, thân nhiệt bệnh nhân lên rất cao (có thể trên 39,5 độ C); Da nóng, đỏ và khô (không ra mồ hôi); Mạch nhanh, mạnh; Đau đầu nhức nhối; Chóng mặt, buồn nôn. Nặng hơn nữa trẻ mê sảng, mất ý thức.

"Tất cả các hoạt động tập thể dục, lao động vất vả... dưới trời nắng nóng kỷ lục như hiện nay rất nguy hiểm, có thể gây nên tình trạng sốc nhiệt, trụy mạch, tổn thương não. Do đó, để phòng ngừa say nắng, những người làm việc ngoài nắng nóng lâu phải trang bị phương tiện bảo hộ tốt nhất gồm áo dày che kín phần gáy, mũ rộng vành che kín đỉnh đầu, chống mất nước. Khi nhiệt độ lên cao nắng nóng ngay gắt ở giờ cao điểm 11h - 15 giờ nên hạn chế hoạt động ngoài trời"- TS. Chính cảnh báo.

Nhiều người phải làm việc trong điều kiện nắng nóng, nhất là những công nhân vệ sinh môi trường.

Nền nhiệt cao ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi đối tượng, đặc biệt là trẻ em và người già. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cảnh báo, say nắng là căn bệnh nghiêm trọng nhất do nắng nóng và có nguy cơ xảy ra rất cao trong những ngày nắng nóng, với tất cả mọi người, không loại trừ cả trẻ em.

Bệnh xuất hiện khi cơ thể không còn khả năng kiểm soát nhiệt độ: thân nhiệt gia tăng nhanh chóng, ra mồi hôi không đủ để giải tỏa nhiệt, cơ thể không thể tự làm mát. Thân nhiệt có thể lên tới 39,5 độ C hoặc cao hơn trong vòng 10-15 phút. Say nắng có thể dẫn tới tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời.

Chính vì vậy, khi thấy người có biểu hiện say nắng, thấy da nóng và khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, đỏ mặt, nôn mửa và tiêu chảy. Nặng hơn là tình trạng ảo giác, thay đổi ý thức, hôn mê, co giật... cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới khu vực râm mát, hạ thân nhiệt của bệnh nhân bằng bất cứ biện pháp nào, ví dụ dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người, dùng khăn ướt lau người…

Nếu độ ẩm không khí thấp, cần bọc bệnh nhân trong một tấm vải ướt và mát rồi quạt thật mạnh, cần nhờ người gọi xe cấp cứu trong khi tìm cách hạ thân nhiệt của bệnh nhân. Theo dõi thân nhiệt và tiếp tục các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ xuống còn 38,5 hay 39 độ C.

Bác sĩ khuyến cáo, mọi người cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng trước khi đi ra ngoài đường

PGS, TS Mai Duy Tôn, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mỗi ngày, có khoảng hơn 30 ca đột quỵ nặng vào bệnh viện tuyến cuối như Bạch Mai. Trung bình mỗi tháng, khoa Cấp cứu tiếp nhận hơn 1.000 ca. Tuy nhiên, đáng buồn là chỉ 5% trong số này đến sớm để được cứu sống và không để lại di chứng.

Vào mùa nóng các biểu hiện của bệnh đột quỵ thường rất dễ bị nhầm lẫn bởi các cơn say nắng, trúng gió,... cho nên rất khó để chẩn đoán chính xác và cấp cứu kịp thời. Điều này khiến bệnh nhân bị bỏ qua thời gian vàng để cứu sống là 5 giờ đầu”, BS Mai Duy Tôn cho biết.

PGS, TS Mai Duy Tôn chia sẻ thêm, khi trời nắng nóng, đối tượng bị đột quỵ có thể là bất cứ ai từ người trẻ cho đến người cao tuổi, đặc biệt là những người có các bệnh về huyết áp cao, tim mạch, béo phì và những người phải làm việc dưới trời nắng trong thời gian dài.

“Khi thấy có những dấu hiệu say nắng, ngoài tìm cách hạ thân nhiệt bằng bất cứ biện pháp nào, thí dụ dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người, dùng khăn ướt lau người… chúng ta cần phải theo dõi thân nhiệt và tiếp tục các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ xuống còn 38,5 hay 39 độ C. Nếu cơ thể không đáp ứng, cần phải đến ngay cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời”, BS nói.

Để phòng ngừa say nắng, các bác sĩ đưa ra lời khuyên, những người làm việc ngoài nắng nóng lâu, mọi người cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng. Khi nhiệt độ lên cao, nắng nóng gay gắt ở giờ cao điểm 11 - 15 giờ nên hạn chế hoạt động ngoài trời.

Ngoài uống nhiều nước, các bác sĩ cho biết, do các tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt cũng có thể là hậu quả của mất muối, do vậy trong những ngày nắng nóng cao độ, mọi người cần bổ sung đồ uống thể thao giàu chất điện giải.

Trước tình hình nắng nóng kỷ lục, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các BV trực thuộc Bộ Y tế, Y tế các bộ ngành bảo đảm công tác khám chữa bệnh trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu cần bố trí đủ ghế ngồi, bổ sung quạt mát thông thoáng cho người bệnh trong thời gian chờ khám; lắp điều hoà nếu có điều kiện; cung cấp nước uống miễn phí; bố trí đủ bàn khám…. Tiếp đón nhanh chóng giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh. Tăng cường phân luồng, cách ly, nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo các bệnh dịch truyền nhiễm trong BV.
Bảo đảm đủ thuốc cấp cứu, giường bệnh, sẵn sàng phương tiện cấp cứu các trường hợp do nắng nóng bất thường gây ra như tim mạch, tai biến mạch máu não, đột quỵ do nóng hô hấp, tiêu hoá…. Các bệnh mùa hè như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm màng não do não mô cầu và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác....

Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

- Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.

- Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.

- Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.

- Thực hiện ăn chín, uống chín; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để bảo đảm đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

MTĐT

Bạn đang đọc bài viết Bác sĩ cảnh báo tình trạng say nắng trong đợt nắng nóng 'kỷ lục'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới