Thứ sáu, 29/03/2024 09:23 (GMT+7)

Các chất độc hại ăn mòn cơ thể từ đồ dùng bằng nhựa

MTĐT -  Thứ tư, 06/06/2018 15:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các chuyên gia khuyến cáo, các chất độc thôi nhiễm từ các sản phẩm nhựa không gây hậu quả ngay mà “ăn mòn” dần dần trong cơ thể. Do đó, người tiêu dùng không nên “chưa thấy hậu quả gì” mà chủ quan.

Mùa hè sang, những thức uống lên men từ hoa quả, trái cây như sấu, me, atisô, dâu là thứ không thể thiếu đối với mỗi gia đình và các quán bán hàng nước. Thế nhưng ít ai biết rằng những bình nhựa ngâm các loại trái cây này lại chính là tác nhân ăn mòn sức khỏe của chúng ta.

Theo TS Trần Quang Tùng, Viện Kỹ thuật hóa học (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết: Về nguyên tắc hóa học, không nên dùng các đồ nhựa để đựng rượu, dấm ăn và để ngâm các loại trái cây có tính axit cao như chanh, sấu, me, mơ... Vì khi đó, các dung môi hữu cơ có trong rượu, dấm ăn và các axit trong các loại trái cây có thể hòa tan một phần các sản phẩm từ nhựa, nhất là thời gian ngâm càng lâu, khả năng hòa tan, thôi nhiễm nhựa vào sản phẩm càng nhiều, gây nguy hiểm đến sức khỏe con người.

Các dung môi hữu cơ có trong rượu, dấm ăn và các axit trong các loại trái cây có thể hòa tan một phần các sản phẩm từ nhựa gây nguy hiểm cho sức khỏe

Để hiểu mức độ gây hại của chúng như thế nào, trước hết, người tiêu dùng nên hiểu rõ về nhựa. “Có rất nhiều loại nhựa khác nhau. Thông thường, trên các sản phẩm làm từ nhựa sẽ có ký hiệu dạng hình tam giác với các mũi tên và có đánh số ở giữa. Đây chính là dấu hiệu để người tiêu dùng phân biệt được các loại nhựa và cách thức sử dụng chúng cho phù hợp.

Cụ thể, có 7 loại nhựa khác nhau, được đánh số thứ tự từ 1 đến 7. Trong đó, có thể chia thành hai nhóm chính. Một là nhựa chỉ có Cacbon và Hydro hay còn gọi là Hydrocacbon. Nhóm nhựa này có thể nói là ít gây độc hại, thường là số 1, 2, 4, 5. Nhóm thứ hai được đánh các số 3, 6, 7. Cả ba loại nhựa này được cảnh báo là độc, phải hạn chế sử dụng trong các đồ gia dụng và đồ chơi trẻ em. Đặc biệt, không được sử dụng chúng nhiệt độ cao. Vì khi ở nhiệt độ cao, khả năng phát tán chất độc sẽ tăng lên rất mạnh”, TS Trần Quang Tùng phân tích.

Không nên sử dung bình nhựa để ngâm trái cây làm đồ uống 

TS Trần Quang Tùng cũng cho biết thêm, ngay cả với nhựa không độc hại nhưng vẫn có thể tiềm ẩn nguy hiểm. Bởi lẽ, khi tạo nên một sản phẩm nhựa nào đó, thường kèm ba yếu tố. Một là chất nhựa, hai là chất hóa dẻo, ba là chất tạo màu. Do đó, cứ cho là nhựa nguyên chất lành tính nhưng các chất hóa dẻo và chất tạo màu hóa học có trong sản phẩm nhựa đó hoàn toàn vẫn có nguy cơ gây hại đến sức khỏe.

Chẳng hạn, chất hóa dẻo thường là Este của các hợp chất hữu cơ như DBP. Theo một số nghiên cứu, DBP có khả năng gây quái thai và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nam giới. Do đó, ở Mỹ, chất này bị cấm dùng trong các đồ chơi trẻ em và một số vật dụng trong gia đình. Còn phẩm màu hóa học thường chứa các kim loại nặng (chì, Mangan, Titan, Asen…) để tạo màu sắc bắt mắt. Khi bị ngộ độc kim loại nặng, người tiêu dùng có nguy cơ bị ung thư.

Hãy là người tiêu dùng thông minh

TS Trần Quang Tùng cho biết, các chất độc thôi nhiễm từ các sản phẩm nhựa không gây hậu quả ngay mà “ăn mòn” dần dần trong cơ thể. Do đó, người tiêu dùng không nên “chưa thấy hậu quả gì” mà chủ quan. Đặc biệt, không dùng các lọ nhựa để ngâm rượu, đựng dấm hoặc ngâm các loại nước trái cây, nhất là các loại trái cây có tính axit cao từ năm này qua năm khác để tránh “rước” độc vào người.
 
Ngoài ra, theo TS Trần Quang Tùng, nhiều người có thói quen tái sử dụng các loại chai, lọ nhựa không đúng với mục đích ban đầu của nhà sản xuất. Việc này tiềm ẩn nguy cơ gây hại. TS Tùng lấy ví dụ, một chai đựng nước lọc được đánh số 1, nghĩa là khi chai nhựa này chỉ dùng đựng nước ở nhiệt độ thường thì hoàn toàn không gây hại. Tuy nhiên, nếu đem tái sử dụng chai này để đựng rượu, dấm ăn hay các loại nước ngâm có tính axit cao thì khả năng gây hại hoàn toàn có thể xảy ra.

Do đó, TS Trần Quang Tùng khuyến cáo, người tiêu dùng nên cân nhắc thật kỹ trước khi chọn và tái sử dụng đồ nhựa. Khi chọn đồ nhựa, tốt nhất nên chọn các loại nhựa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Khi mua, nên chọn các sản phẩm không màu để hạn chế nhiễm độc từ chất tạo màu hóa học. Bên cạnh đó, nên lật phần đáy để quan sát các ký hiệu để nhận biết được thành phần hóa học trong sản phẩm nhựa. Nếu sản phẩm không có ký hiệu hình tam giác có mũi tên thì tốt nhất không nên chọn.

--

Ý nghĩa các ký hiệu trên sản phẩm nhựa

Số 1: Là loại nhựa Polyethylene Terephtalate hay còn được gọi là PET. Loại nhựa này nói chung là an toàn. Tuy nhiên, không nên dùng ở nhiệt độ cao.

Số 2: Là loại nhựa có tỷ trọng Polyethylene cao, hay còn được gọi là HDPE. Tuy có màu đục nhưng loại nhựa này được xem là an toàn và khả năng tích tụ vi khuẩn thấp.

Số 3: Là loại nhựa được làm từ Polyvinyl clorua hoặc PVC. Trong thành phần của nhựa PVC có chứa Phthalates - một trong những hợp chất hóa học gây cản trở sự phát triển của Hormone, do đó, nó được xem là không an toàn khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, thông thường là đựng đồ ăn nóng hoặc nước nóng.

Số 4: Polypropylene (PP) là loại nhựa được xem là an toàn nhất trong các loại nhựa.

Số 5: Loại nhựa này được xem là an toàn và ngày càng được chấp nhận bởi chương trình tái chế.

Số 6: Nhựa Polystyren (PS) là loại đồ nhựa có khả năng tiết ra các chất hóa học độc hại, đặc biệt khi đun nóng. Do đó, nên tránh xa các loại đồ nhựa mang nhãn số 6.

Số 7: Đây là sản phẩm từ hỗn hợp các loại chất dẻo, trong đó có Polycarbonate và chất BPA rất đáng sợ. Loại nhựa này đa phần chỉ được sử dụng trong công nghiệp, từ vỏ máy điện thoại, máy tính... Rất khó để tái chế nhựa số 7 và các chương trình tái chế đều không chấp nhận loại nhựa này.

Khánh An

Bạn đang đọc bài viết Các chất độc hại ăn mòn cơ thể từ đồ dùng bằng nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.