Thứ bảy, 20/04/2024 18:09 (GMT+7)

Khám bệnh "vượt tuyến" để tránh... chết lãng nhách!

MTĐT -  Thứ năm, 30/05/2013 08:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Không hiểu được nổi khổ của bệnh nhân thì không thể điều hành cả một hệ thống y tế để phục vụ bệnh nhân

“Thiếu giường bệnh thì… hỏi Nhà nước”. Nhiều bạn đọc cho đây là câu nói… thiếu trách nhiệm nhất của Bộ trưởng Bộ Y tế. Bao nhiêu khổ sở của bệnh nhân khi phải nằm dồn, nằm ghép, lê la trong các bệnh viện từ rất nhiều năm qua mà bà bộ trưởng nhẹ nhàng “khảy quả bóng” trách nhiệm sang nơi khác. Không hiểu được nổi khổ của bệnh nhân thì làm sao mà điều hành cả một hệ thống y tế để phục vụ bệnh nhân.


Chúng tôi đâu muốn tốn thêm tiền  

  
Trước quan điểm của ngành y tế cho rằng bệnh viện quá tải là do bệnh nhân không chịu vào cơ sở y tế địa phương, nhiều bạn đọc bức xúc: Lãnh đạo ngành y tế chưa đi thực tế vào các bệnh viện tuyến xã, huyện hoặc bệnh viện tỉnh để biết thực trạng như thế nào. Ai cũng muốn điều trị ở địa phương cho gần nhà, tiện có người chăm sóc, chi phí thấp chứ người bệnh không điên gì mà phải lặn lội lên các thành phố vào bệnh viện lớn cho khổ thân.

Bạn đọc Xuân Thời, lý giải: “Huyện tôi có bệnh viện thật đẹp, mỗi người có thể nằm 1 phòng nhưng người dân địa phương thường nói: “Vào đó nằm chờ chết à”. Thưa bà bộ trưởng, Nhà nước đã xây bệnh viện ở huyện tôi nhưng bác sĩ ở đây hầu hết là chuyên tu, tại chức. Ngay cả người nhà của họ cũng không dám để họ điều trị thì người dân sao dám. Bệnh nhân bị tai nạn thì phải "nằm chờ vài giờ xem có bị ói không rồi mới chuyển viện!". Năm ngoái thanh tra ngành y tế về thấy "nhân viên đông hơn bệnh nhân" mới biết được thực trạng của bệnh viện. Nếu không phân bố bác sĩ  thích hợp, đầu tư máy móc đúng mức thì có xây bao nhiêu bệnh viện tuyến huyện cũng không giải được bài toán quá tải”.

Thực trạng bệnh nhân chết oan vì tay nghề của bác sĩ tuyến huyện, thậm chí là cả bệnh viện tỉnh đã làm người dân quá lo ngại cho chất lượng phục vụ ở những bệnh viện tuyến cơ sở. Bạn đọc Thành Tâm, cho biết: “Sau một thời gian thiếu bác sĩ tuyến huyện và xã, ngành y tế đã cấp tốc lên chương trình đào tạo bác sĩ cho tuyến này qua các chương trình chuyên tu, tại chức... Kết quả là số lượng bác sĩ tăng lên nhưng chất lượng phục vụ lại đi xuống. Bác sĩ giám đốc bệnh viện ở quê tôi nói thẳng, đào tạo để cho họ có thêm thu nhập, mở phòng mạch tư chứ ngay cả bệnh viện cũng không dám sử dụng tay nghề của những bác sĩ này. Với thực tế trên thì bệnh nhân vượt tuyến là tất yếu và lẽ ra bà bộ trưởng phải “khuyến khích” họ vượt tuyến để họ khỏi phải bị… “chết lãng nhách”.
Lấp liếm cho yếu kém
 
Bài ca muôn thuở của ngành y tế về việc quá tải vẫn là thiếu tiền xây bệnh viện. Nhiều bạn đọc thắc mắc: ở tỉnh nào cũng có trụ sở to đùng, xe hơi đậu chật sân; khu công nghiệp được quy hoạch tràn lan; sân gold thì mỗi nơi mỗi cái… chưa kể những đề xuất xây bảo tàng ngàn tỉ, tượng đài hoành tráng… mà than thiếu tiền xây bệnh viện thì chua xót quá? Vấn đề là từ cấp trung ương đến địa phương không chịu đầu tư cho ngành này thôi chứ không phải không có điều kiện. Cả Hà Nội mà mấy chục năm qua chỉ xây thêm được 2 bệnh viện thì bảo sao không quá tải.
 
Bạn đọc lấy tên Alibaba, chia sẻ: “Có quan chức nào ở cấp bộ, trung ương đưa người thân đến khám ở Bệnh viện Nhi Đồng 1, Chấn thương chỉnh hình, Ung bướu... chưa? Hay là các vị chạy sang các bệnh viện cao cấp như: Việt Pháp, Vũ Anh, PK Victoria...? Hãy thử ghé sang Bệnh viện Nhi đồng 1 một lần thử: Thật xót xa khi 4, 5 bé phải nằm chung một giường. Còn tại Bệnh viện Ung bướu thì bệnh nhân nằm tràn cả ra hành lan, dưới gầm giường. Chưa thấy nổi khổ của người bệnh thì mong gì các lãnh đạo quan tâm đúng mức cho họ.
Nếu bệnh viện tuyến huyện phục vụ tốt thì người dân không phải đến tuyến trên để khám chữa bệnh. Ảnh: Anh Thư

Bạn đọc Dương Bá Kiên cho, đồng cảm: “Chưa thấy được cái gốc của vấn đề thì những giải pháp đưa ra sẽ không thực tế, chỉ nhằm đối phó với dư luận là chính. Ngành y tế phải xây dựng được chiến lược phát triển toàn diện chứ không phải vá víu lặt vặt, rồi đổ thừa cho hết lý do này đến lý do khác để bao che cho cái trì trệ, quản lý yếu kém”.
 
Trước thực trạng trên, bạn đọc Phan Gia Vỹ, đề xuất: Trước tiên cần phát triển mạnh mạng lưới cán bộ y tế cơ sở với quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh, có các chế độ ưu đãi hợp lý với cán bộ cơ sở. Kế đến, phải nâng cao chuyên môn cán bộ y tế huyện - tỉnh, nâng cấp trang thiết bị; thu hút nhân tài, có chế độ đãi ngộ hợp lý để góp phần giảm tải cho các bệnh viện trung ương. Lập quy hoạch ngành y tế trong đó có quy hoạch - đào tạo nhân sự, quy hoạch bệnh viện - xây dựng chiến lược phát triển dài hạn cho ngành... Những việc trên lẽ ra phải làm từ lâu rồi chứ không phải để tình trạng quá “trầm kha” như hiện nay mới bắt đếu thực hiện.

Phải đầu tư cho y tế dự phòng


“Bệnh tật có thể phòng ngừa và ngăn chặn. Nếu làm tốt công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu thì việc điều trị bệnh nặng sẽ ít đi. Nhờ đó mà áp lực bệnh tật lên các bệnh viện sẽ giảm. Đây là cách mà ngành y tế của các nước tiên tiến đã làm từ lâu và vẫn đang tiếp tục làm. Xây bệnh viện để giảm tải là giải quyết cái ngọn của vấn đề, là “đợi cháy nhà rồi mới gọi chữa lửa”, bạn đọc lấy tên Phèn góp ý.
 
Phạm Hồ
Bạn đang đọc bài viết Khám bệnh "vượt tuyến" để tránh... chết lãng nhách!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất