Thứ năm, 28/03/2024 15:37 (GMT+7)

Cần xử trí răng khôn thế nào khi chúng mọc “dại”?

VĂN HIẾU -  Thứ hai, 19/03/2018 12:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khác hẳn với tên gọi, răng khôn không hề ảnh hưởng tới trí thông minh như nhiều người vẫn nghĩ. Có không ít người rơi vào tình trạng “ăn không ngon, ngủ không yên” khi chiếc răng khôn này mọc "dại".

Răng khôn là gì?

Trên báo VnExpress, giáo sư Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương cho biết, răng khôn thực chất là chiếc răng cối lớn thứ ba. Trong toàn bộ răng hàm thì răng khôn sẽ xuất hiện muộn nhất và nó chỉ mọc ở những người trưởng thành (từ 18 – 30 tuổi). Vì xuất hiện ở thời điểm khi xương hàm đã cứng chắc, tất cả các chiếc răng khác đã hình thành, niêm mạc và mô mềm phủ bên trên dày chắc, cho nên răng khôn rất dễ bị lệch và mọc ngầm.

Răng khôn thực chất là chiếc răng cối lớn thứ ba. (Ảnh minh họa)

Các chuyên gia cho biết, nếu khoảng cách từ răng số 7 đến phần cuối của xương hàm đủ chỗ cho răng khôn mọc thẳng bình thường thì sẽ không xảy ra tình trạng đau nhức, sưng hay mưng mủ khi răng khôn mọc. Còn trong trường hợp không đủ chỗ, răng khôn buộc phải mọc lệch, mọc xiên hoặc mọc ngầm thì có thể gây đau đớn, thậm chí để lại nhiều hậu quả nếu không được xử lý dứt điểm.

Có nên nhổ răng khôn không?

Chia sẻ về việc có nên nhổ răng khôn hay không, trên báo chí, Ths.Bs Nguyễn Tấn Văn, Phó trưởng khoa phẫu thuật tạo hình hàm mặt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương nói rằng còn tùy thuộc vào sự chỉ định của bác sĩ. Theo đó, trước khi quyết định, các bác sĩ sẽ phải khám kỹ lưỡng để có cái nhìn tổng thể về sự phát triển cũng như những thay đổi của hàm răng sau khi nhổ bỏ răng khôn. Trong trường hợp răng khôn mọc lệch hay gây đau đớn, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ vì thực chất, chiếc răng này cũng ít có tác dụng trong việc nhai thức ăn.

Nếu răng khôn mọc sát và húc vào răng số 7 thì có thể gây nên tình trạng viêm lợi trùm. Lúc ăn uống, vụn thức ăn sẽ giắt vào túi lợi, gây viêm túi lợi có mủ. Vì vị trí của răng khôn là ở tận trong cùng của hàm nên rất khó để vệ sinh, thức ăn và vi khuẩn dễ dàng tích tụ, nhất là ở những chiếc răng chỉ mọc lên được một phần hoặc mọc lệch. Lâu ngày, sự tích tụ này sẽ gây nên bệnh sâu răng.  

Tùy vào từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ quyết định có nên nhổ răng khôn hay không. (Ảnh minh họa).

Ở trường hợp này, nếu không được điều trị kịp thời thì tình trạng nhiễm trùng có thể xảy ra. Hiện tượng đau nhức, sưng, mưng mủ sẽ tái phát nhiều lần cho đến khi răng khôn được điều trị. Trong một số truờng hợp hiếm, khi những bất thường của răng khôn không được chữa trị kịp thời, nhiễm trùng sẽ lây lan sang các khu vực xung quanh như mang tai, má, mắt, cổ... gây nguy hiểm đến sức khỏe toàn thân thậm chí cả tính mạng.

Cần lưu ý gì khi nhổ răng khôn?

Thời điểm tốt nhất để nhổ răng khôn là từ 18 đến 25 tuổi, khi chân răng mới hình thành được 2/3. Còn trên 35 tuổi, nếu muốn thực hiện nhổ răng khôn thì sẽ phải tiến hành phẫu thuật, do lúc này xương đã cứng và đặc hơn. Mặt khác, một số yếu tố toàn thân và tại chỗ cũng không cho phép can thiệp nhổ răng khôn ở những người trong độ tuổi này. Bởi quá trình lành thương, hậu phẫu cũng kéo dài và không thuận lợi.

Hiện tượng chảy máu sau khi nhổ răng khôn là điều khó tránh khỏi. Để làm giảm vấn đề này, bệnh nhân chỉ cần nhét chặt bông ở phần hổng của chiếc răng đã nhổ cho đến khi cầm máu thì dừng lại.

Thời điểm tốt nhất để nhổ răng khôn là từ 18 đến 25 tuổi. (Ảnh minh họa)

Sau 2 - 3 ngày, vùng nướu nơi chiếc răng đã nhổ có thể sưng và đau. Tình trạng này sẽ giảm dần nếu người bệnh sử dụng thuốc theo đúng lời dặn của bác sĩ. Để tránh tình trạng nhiềm trùng, những người vừa nhổ răng khôn cần thưc hiện tốt việc vệ sinh răng miệng. Trong trường bị sốt cao và sốt liên tục trên 2 ngày thì bệnh nhân cần liên hệ với bác sĩ để được xử lý, hạn chế những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Một số điều cần chú ý sau khi nhổ răng khôn

Không nên súc miệng quá mạnh trong 6 giờ đầu khi vừa nhổ răng khôn xong.

Không nhai thức ăn vào phần răng mới nhổ, tránh tình trạng thức ăn bám lại phần hố răng, tạo điều kiện cho sự xâm nhập của các vi khuẩn, gia tăng tình trạng viêm nhiễm.

Nên ăn thức ăn mềm trong khoảng 1-2 ngày đầu, không ăn đồ cứng, khó nhai và phải thực hiện vệ sinh răng miệng sạch sẽ tại ổ răng sau mỗi bữa ăn.

Trong trường hợp tình trạng sưng, đau kèm sốt kéo dài, nên đến gặp chuyên gia nha khoa để được tư vấn hướng xử lý kịp thời.

Bạn đang đọc bài viết Cần xử trí răng khôn thế nào khi chúng mọc “dại”?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nam: Chủ động phòng, chống bệnh Sởi/Rubella
Tại tỉnh Hà Nam, từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 07 trường hợp sốt phát ban nghi mắc sởi/rubella, trong đó qua xét nghiệm xác định 01 trường hợp dương tính với bệnh Sởi và 01 trường hợp dương tính với bệnh Rubella.

Tin mới

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.