Thứ bảy, 20/04/2024 18:55 (GMT+7)

Tin tức sức khoẻ mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 17/8/2018

MTĐT -  Thứ sáu, 17/08/2018 20:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức sức khoẻ mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 17/8/2018, cập nhật tin tức sức khoẻ nóng nhất hôm nay do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Cứu sống bệnh nhân hẹp khít 90% động mạch cảnh kèm nhồi máu não

TTXVN đưa tin, ngày 17/8, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết các y, bác sỹ của bệnh viện vừa can thiệp thành công, cứu sống một bệnh nhân hẹp khít 90% động mạch cảnh trong bên trái/nhồi máu não lỗ khuyết.

Nguồn: Bệnh viện đa khoa Đức Giang.

Bệnh nhân Phạm B.T, sinh năm 1958, sống tại Cự Khối, Long Biên (Hà Nội), nhập viện ngày 7/8 trong tình trạng đau đầu âm ỉ từng cơn tăng dần kèm tiền sử nhồi máu não, xơ vữa động mạch cảnh hai bên và tăng huyết áp không đều đã lâu. 

Theo chia sẻ của bệnh nhân T, với tiền sử tăng huyết áp 10 năm nay, trước khi vào viện 2 tuần, bệnh nhân thấy tê vùng cánh tay nên đi khám và tự đi châm cứu điều trị tại nhà nhưng không đỡ.

Sau 1-2 ngày châm cứu, bệnh nhân lại bị méo miệng kèm theo tình trạng đau đầu âm ỉ từng cơn tăng dần. 

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin của bệnh nhân, các bác sỹ đã thăm khám tỉ mỉ và chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết như chụp CT scanner sọ não có tiêm thuốc cản quang, siêu âm doppler động mạch cảnh, doppler xuyên sọ...

Kết quả cho thấy bệnh nhân T hẹp xơ vữa 90% động mạch cảnh trong trái. Với trường hợp này, nguy cơ gây tắc mạch máu là rất cao, dễ bị tai biến nhồi máu não gây liệt hoàn toàn thậm chí có thể gây tử vong. 

Dựa vào kết quả thăm khám và các xét nghiệm cận lâm sàng, sau ý kiến hội chẩn gấp liên khoa giữa các bác sỹ Khoa Thần kinh và Khoa Hồi sức tích cực-chống độc, bệnh nhân T đã được chỉ định nong và đặt stent khai thông dòng chảy động mạch cảnh trong. 

Sáng 16/8, kíp can thiệp của Đơn vị Đột quỵ do bác sỹ Nguyễn Văn Học (Khoa Hồi sức tích cực-chống độc, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) với sự hỗ trợ của tiến sỹ Nguyễn Trọng Tuyển (đơn vị can thiệp mạch – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) đã thực hiện thành công kỹ thuật chụp mạch não, nong đoạn hẹp bằng bóng và đặt stent qua đoạn hẹp cho bệnh nhân bị hẹp khít 90% động mạch cảnh trong bên trái/nhồi máu não lỗ khuyết dưới sự hỗ trợ của máy DSA. 

Sau khi được can thiệt đặt stent, sức khỏe của bệnh nhân T đã ổn định, hiện đang được các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực-chống độc tiếp tục theo dõi và có thể sẽ xuất viện trong vài ngày tới. 

Cứu sống cụ ông 90 tuổi nhờ tạo nhịp 2 tim buồng ở Quảng Ninh

Ngày 17/8, đại diện Bệnh viện Việt Nam – Thủy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, các bác sĩ Khoa Nội Tim – mạch Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển (Uông Bí) vừa cứu sống cụ ông 90 tuổi nhờ kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim 2 buồng.

Trước đó, cụ ông Nguyễn Văn Quả (90 tuổi, trú tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) thường xuyên thấy tức ngực, khó thở, hoa mắt, chóng mặt nên đã đến nhập viện.

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết cho thấy, nhịp tim của người bệnh rất chậm, chỉ có 39 lần/phút, so với người bình thường là từ 60 đến 100 lần/phút.

Bác sỹ thăm khám cho cụ ông 90 tuổi

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị block nhĩ thất độ III, nhịp tim chậm, trên nền người bệnh có rất nhiều bệnh lý phức tạp: Tăng huyết áp, tiền sử tai biến mạch máu não, đái tháo đường Tuýp 2, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Người bệnh được chỉ định đặt máy tạo nhịp tim 2 buồng.

Theo Ths.Bs.Hoàng Minh Quang – Phó Trưởng khoa Nội – Tim mạch bệnh viện cho biết: Với thể trạng người bệnh già yếu (90 tuổi) cùng tiền sử rất nhiều bệnh lý phối hợp việc can thiệp cho người bệnh là rất khó khăn.

Bởi trong quá trình can thiệp tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro như rối loạn nhịp tim, ngừng tim, người bệnh có thể tử vong ngay trong quá trình can thiệp. Nhưng nếu không được can thiệp thì tình trạng tức ngực khó thở, choáng ngất của người bệnh sẽ ngày càng tăng và người bệnh có nguy cơ đột tử bất cứ lúc nào.

Bằng việc làm chủ kĩ thuật can thiệp Tim – mạch, sau hơn 1 giờ đồng hồ, các bác sĩ đã đặt máy tạo nhịp tim 2 buồng thành công cho người bệnh. Hiện tại sức khỏe người bệnh ổn định, nhịp tim đều 65 lần/ phút, người bệnh hoạt động, sinh hoạt bình thường và không còn tình trạng tức ngực, đau đầu.

Kĩ thuật can thiệp đặt máy tạo nhịp tim 1 buồng, 2 buồng đã được các bác sĩ bệnh viện thường xuyên cứu sống rất nhiều người bệnh. Với chuyên môn, trình độ kĩ thuật cao, các bác sĩ khoa Nội Tim – mạch bệnh viện đã và đang làm chủ và thực hiện được trên 95% các kĩ thuật chuyên sâu về tim mạch với các kĩ thuật cao như: Mổ tim hở, đặt stent mạch vành....

Đây là tín hiệu vui cho người bệnh khi không phải chuyển tới các bệnh viện tuyến trên mà vẫn được thụ hưởng những dịch vụ y tế tốt nhất.

Hà Nam: 29 công nhân phải nhập viện

Khoảng 9h sáng 17/8, Khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam tiếp nhận 25 ca nhập viện là công nhân Công ty TNHH KMW, KCN Đồng Văn I, huyện Duy Tiên (Hà Nam). Tại thời điểm nhập viện, các bệnh nhân đều có các triệu chứng đau bụng, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, đi ngoài.

Các bệnh nhân đang được điều trị tại BVĐK tỉnh Hà Nam.

Khoảng hơn 11h cùng ngày, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam tiếp nhận thêm bốn trường hợp có cùng triệu chứng. Cả 29 bệnh nhân này đều là công nhân Công ty TNHH KMW; trong đó, có hai bệnh nhân nữ đang mang bầu.

Chị Trần Thị Liễu, công nhân tổ chuyền lắp ráp, Công ty TNHH KMW đang nằm điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam cho biết, hôm qua (16-8), chị ăn bữa trưa tại Công ty và làm việc bình thường đến 18 giờ cùng ngày, chị tiếp tục ăn bữa tối ở nhà ăn của Công ty rồi làm tiếp đến 20 giờ mới về nhà. Nhưng đến khoảng 22 giờ đêm (16-8), chị Liễu có triệu chứng buồn nôn, đi ngoài. Sáng nay (17-8), chị thấy có hiện tượng chóng mặt, nhưng vẫn đi làm. Đến Công ty, chị thấy đau đầu không thể làm việc, phải báo Công ty và được đưa vào viện.

Sau khi được khám sàng lọc tại Khoa Cấp cứu, các bệnh nhân đã được phân loại và đưa về theo dõi, điều trị tại các khoa Truyền nhiễm, Tiêu hóa, Hô hấp (Bệnh viện đa khoa Hà Nam).

Theo các bác sĩ tại đây, hiện tại, tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân đã dần ổn định, không có ca nào biến chứng nặng.

Cháu bé suýt mất ngón tay khi bị kẹt vào thang máy

Thông tin từ báo Dân Trí cho biết, tối ngày 15/8, bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiếp nhận bệnh nhân S. trong tình trạng có vết thương bàn tay phải. Vết thương khiến da bàn tay phải của trẻ bị tuột hết, đốt tay ngón tay 3,4 bàn tay phải bị sưng vù.

Theo người nhà bệnh nhi, trong lúc đang chơi đùa tại trung tâm thương mại, bé chạy vào thang máy và xảy ra sự cố kẹt tay khi cửa tháng máy đóng lại.

Ngón tay thứ 2 và 3 của cháu bé bị lóc da do kẹt vào cửa thang máy - Ảnh: PLXH.

Trao đổi với báo Sức khỏe và Đời sống, BS Hoàng Phương Lan – Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho biết: Sau khi làm sạch vết thương, bàn tay của bệnh nhân sẽ được điều trị theo 2 bước đầu tiên phẫu thuật cắt lọc da, sau đó sẽ dùng phương pháp bảo tồn cánh tay.

Theo các bác sĩ, do bàn tay thường là bẩn, cho nên phải chuẩn bị kỹ càng khi rửa vết thương bàn tay. Đối với các vết thương rộng, dập nát nhiều, chuẩn bị bàn tay trước khi mổ phải coi như là một thì của thủ thuật, nghĩa là gây tê hay gây mê cho bệnh nhân, chuẩn bị vô khuẩn, rửa vết thương bằng nước vô khuẩn và xà phòng, rửa bằng đầu xăng để làm tan dầu mỡ (vết thương do tai nạn máy dập).

Sau khi rửa sạch vết thương, phẫu thuật viên thay lại áo mổ rồi mới khử khuẩn vết thương để mổ. Ở ngón tay, gan tay, phải cắt lọc rất tiết kiệm. Cần ghép da để che các đầu ngón tay nếu mất da (vì là vùng tiếp xúc thường xuyên), nếu không sau này sẹo co, cứng kích thích đau buốt.

Bác sỹ cũng khuyến cáo khi trẻ em chơi ở nơi đông người cần có người lớn trông chừng, giám sát các bé để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Bạn đang đọc bài viết Tin tức sức khoẻ mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 17/8/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

T.Anh

Cùng chuyên mục

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất