Thứ năm, 28/03/2024 23:08 (GMT+7)

H.Capita do VN Pharma nhập khẩu bản chất là thuốc giả

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển -  Thứ ba, 12/09/2017 09:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau khi vụ án VN Pharma nhập khẩu 9.300 hộp thuốc chữa ung thư H.Capita được xét xử với tội danh buôn lậu, dư luận liên tục đặt vấn đề: Thuốc này là thuốc giả hay thuốc không rõ nguồn gốc?

Sau khi vụ án VN Pharma nhập khẩu 9.300 hộp thuốc chữa ung thư H.Capita được xét xử với tội danh buôn lậu, những ngày qua, dư luận liên tục đặt vấn đề: Thuốc này là thuốc giả hay thuốc không rõ nguồn gốc, trong khi nhiều người bệnh hoang mang và bất bình.

Liên quan đến tranh cãi thuốc H-Capita là thuốc giả hay thuốc thật, ngày 5/9, trả lời phóng viên một số cơ quan báo chí, ông Nguyễn Đăng Lâm, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, cho biết “theo Luật Dược 2005, thuốc giả là sản phẩm dược sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, thuộc một trong những trường hợp sau: “Không có dược chất; Có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký; Có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn; Mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác”.

H.Capita do VN Phorma nhập khẩu bản chất là thuốc giả. Ảnh TL

Theo ông Lâm, “khi sản phẩm thuốc kết luận không được dùng cho người thì về bản chất đó là thuốc giả. Tuy nhiên, trong quá trình phối hợp với cơ quan điều tra, Bộ Y tế chỉ có ý kiến về chuyên môn, còn cơ quan điều tra mới có thẩm quyền xác định tội danh khi khởi tố điều tra, căn cứ trên các điều khoản luật định tại thời điểm đó”. Theo Báo an ninh Thủ đô 5/9/2017 và Báo Thanh niên 6/9/2017.

Luật Dược 2016, hiệu lực từ 1/1/2017 thuốc giả là thuốc được sản xuất thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không có dược chất, dược liệu;

b) Có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu;

c) Có dược chất, dược liệu nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu, trừ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định tại khoản 32 điều này trong quá trình bảo quản, lưu thông phân phối;

d) Được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ. (trích điều 2, khoản 33).

TAND TP. HCM xét xử các cá nhân liên quan trong vụ VN Pharma nhập 9.300 hộp thuốc H-Capita về tội buôn lậu và xác định thuốc này là thuốc không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng cần phải xác định H-Capita là thuốc giả. Theo ông Lâm ,H-Capita là thuốc giả hay thuốc không rõ nguồn gốc?

 Do vụ việc VN Pharma nhập lậu 9.300 hộp thuốc H-Capita xảy ra vào năm 2014 – thời điểm Luật Dược 2005 đang có hiệu lực thì không đủ căn cứ kết luận đây là thuốc giả (vì có dược chất, đúng hàm lượng đăng ký, không mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác).

Thế nhưng, giả sử vụ nhập lậu thuốc H-Capita của VN Pharma diễn ra vào thời điểm từ năm 2017, khi Luật Dược 2016 có hiệu lực thì hoàn toàn có thể kết luận thuốc H-Capita là thuốc giả. Lý do H-Capita là thuốc giả vì vi phạm mục d khoản 33 Điều 2 Luật Dược 2016 (quy định thuốc giả là thuốc “được trình bày và dán nhãn mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất”, thực tế thuốc này mạo danh nước sản xuất là Canada). Việc Bộ Y tế không kết luận thuốc H-Capita là thuốc giả do bất cập của Luật Dược 2005 chưa đảm bảo bao trùm các trường hợp giả mạo. Tuy nhiên, kết luận của Bộ Y tế: “Thuốc H-Capita không sử dụng cho con người” là rất chính xác.

Theo Báo An ninh Thủ đô 5/9/2017, qua vụ việc nhập lậu thuốc ung thư H-Capita của VN Pharma khiến người bệnh hoang mang, lo lắng. Liệu các loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng có nhiều cơ hội để “lọt” vào các bệnh viện hay không?

Bị mắc bệnh ung thư coi như đã lĩnh án tử hình -đây chính là tâm lý chung của những người bệnh khi cầm trên tay kết quả với kết luận dương tính. Chính vì thế, không chỉ họ mà ngay cả người thân cũng rơi vào trạng thái sốc tâm lý. Bên cạnh sự lo lắng về phương cách điều trị chứng nan y còn có thêm những cản trở thường trực về khoản tiền viện phí, thuốc thang từ căn bệnh vốn luôn được mệnh danh là “bệnh của nhà giàu” này.
Sở dĩ nói như vậy là bởi chi phí, điều trị ung thư hiện nay vẫn quá tốn kém khiến cho những bệnh nhân nghèo rất khó khăn để theo đuổi việc điều trị một cách hiệu quả, nhất là những người nghèo đến từ các tỉnh lẻ. Thậm chí, nhiều người không có điều kiện còn tiêu cực đến mức chấp nhận chữa bệnh theo kiểu cầm chừng hoặc chỉ uống thuốc Nam để giảm bớt gánh nặng chi phí cho gia đình.

“Ung thư thì trước sau cũng chết. Nhưng trước khi chết mà phải bán nhà hay tiêu đến đồng bạc cuối cùng khiến cho người thân sau này phải è cổ ra để trả nợ thì tôi chết cũng không nhắm được mắt” – chị Hương (nhà ở phường Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý, Hà Nam), một bệnh nhân ung thư vú đang điều trị tại Bệnh viện u Bướu Trung ương nói. So với các bệnh nhân ung thư khác thì chị Hương may mắn được phát hiện sớm từ năm 2012, ngay sau khi sinh đứa con đầu lòng. Ngày nhận kết quả sinh thiết của vợ, anh Bảo, chồng chị - như đứt từng khúc ruột. Thương đứa con đỏ hỏn đang còn bú mẹ, anh Bảo chạy đôn chạy đáo, bỏ luôn cả công việc đang làm để đưa vợ lên Hà Nội tìm cách chạy chữa.

Nỗi lo người nghèo

Có bệnh không chữa cũng chết, chữa thì quá tốn kém và lại chẳng biết thuốc mình mua có đảm bảo chất lượng hay không, đó cũng là suy nghĩ của ông Lê Văn Thành, quê ở xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Mới xuống nhập viện có 1 tuần để chữa căn bệnh ung thư lưỡi nhưng ông đã tiêu mất 30 triệu đồng. Số tiền ấy ở quê ông là lớn lắm. Và để có được nó, ông đã phải chạy đôn chạy đáo nhờ anh em họ hàng kết hợp với vay ngân hàng. Thế nhưng vẫn chưa đủ. Hôm nay, Bệnh viện lại yêu cầu ông đóng thêm 9 triệu đồng nữa để xạ trị. Sau khi điện về quê bàn với vợ tính chuyện bán trâu, ông lê bước ra cổng ngồi như người mất hồn, ai hỏi cũng chẳng buồn đáp.

Ngày 30/8, tại phiên họp Chính phủ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, vụ việc liên quan đến Công ty VN Pharma đang được cơ quan chức năng thụ lý giải quyết, nhưng dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và nhiều ý kiến rất bức xúc ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với cả hệ thống y tế. “Vì vậy, cần được chỉ đạo xử lý nghiêm minh mọi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, làm rõ mọi góc khuất”, ông Vũ Đức Đam nói, Báo An ninh Thủ đô 5/9/2017.

Khi vụ án buôn lậu táng tận lương tâm ở VN Pharma bị phanh phui, không có một dòng nào trong cáo trạng nhắc đến ông Hoàng Quốc Dũng, nhưng những người hoạt động ở lĩnh vực y tế thì xôn xao bàn tán không ngừng. Có lẽ bức xúc, bà Phạm Khánh Phong Lan – Đại biểu Quốc hội đã lên tiếng khẳng định ông Hoàng Quốc Dũng đã làm Phó Tổng Giám đốc VN Pharma từ trước khi vụ việc VN Pharma buôn thuốc giả bị phát hiện. Thậm chí, khi ông Nguyễn Minh Hùng – Tổng Giám đốc đã bị bắt giữ, thì ông Hoàng Quốc Dũng còn làm việc ở công ty này thêm một thời gian. Bà Phạm Khánh Phong Lan rất nhiều năm làm Phó Giám đốc Sở Y tế TP. HCM phụ trách lĩnh vực dược, vì vậy hoàn toàn không xa lạ gì các nhân sự cao cấp của một công ty dược có trụ sở tại thành phố làm Phó Tổng Giám đốc VN Pharma chỉ “ngồi văn phòng vậy thôi” thì uy thế của VN Pharma khiến những đối thủ cạnh tranh trên thị trường dược phẩm phải khiếp hãi. VN Pharma liên tục trúng thầu cung cấp thuốc cho những cơ sở y tế lớn với giá trị hợp đồng lên đến hàng trăm tỷ đồng. Những công ty con của VN Pharma cũng nhanh chóng ra đời và chi phối nhiều hoạt động trên thị trường thuốc.

Quá trình bạo phát của VN Pharma chỉ bạo…tàn khi xảy ra vụ nhập khẩu và lưu hành thuốc lậu H-Capita 500 mg chuyên dùng trong điều trị ung thư. Lần lượt nhiều lãnh đạo của VN Pharma bị khởi tố, còn ông Hoàng Quốc Dũng thì lặng lẽ rời khỏi VN Pharma như một người vô can. Sự thật ông Hoàng Quốc Dũng có sức ảnh hưởng gì cho sự tồn tại của VN Pharma không? Nếu ông Hoàng Quốc Dũng chỉ là một người làm công ăn lương tầm thường thì cớ gì bà chị dâu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phải xua tay “công ty này không liên quan gì đến người thân của tôi”. Bà Phạm Khánh Phong Lan bằng kinh nghiệm của một người hoạt động nhiều năm ở lĩnh vực quản lý dược, cho rằng: “Một mình ông Nguyễn Minh Hùng không thể làm được như thế, mà phải có sự dung túng, tiếp tay của những người khác trong hệ thống”.

Những người hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm, khi được hỏi đến ông Hoàng Quốc Dũng đều mỉm cười ý tứ, hoặc lắc đầu ngao ngán. Việc ông Hoàng Quốc Dũng không chuyên môn nghiệp vụ vẫn tự tin sấn sổ nhảy bổ vào ngành kinh doanh thuốc, mà chị dâu như bà Nguyễn Thị Kim Tiến không hề hay biết gì thì cũng thật lâm ly. Bởi lẽ, VN Pharma nhập khẩu và thắng thầu cung cấp nhiều loại thuốc nằm trong danh mục phải giám sát chặt chẽ của ngành y tế.

Cục quản lý dược là một trong những đơn vị chức năng then chốt của Bộ Y tế. Buông lỏng thị trường dược trực tiếp gây ra nhiều hậu quả ê chề. Ngược lại, quan hệ giữa lãnh đạo ngành y tế với các công ty dược cũng vô cùng nhạy cảm. Trước đây, vào năm 2013, một thứ trưởng Bộ Y tế là Cao Minh Quang đã bị kỷ luật vì vay mượn 2 tỷ đồng của ông Ngô Chí Dũng – Tổng Giám đốc Công ty Dược BV Pharma. Sự lắt léo trong hợp đồng vay mượn giữa ông Cao Minh Quang và ông Ngô Chí Dũng sở dĩ ầm ĩ là do ông Cao Minh Quang từng làm Cục trưởng Cục quản lý Dược!

Tại sao, với bài học nhãn tiền của ông Cao Minh Quang, mà bà Nguyễn Thị Kim Tiến không có cách ứng xử khéo léo hơn với trường hợp VN Pharma có sự tham gia của em chồng Hoàng Quốc Dũng? Không phải ngẫu nhiễn mà ông Hoàng Quốc Dũng trở thành nhân vật bí ẩn tạo sự tò mò cao độ với cộng đồng về những điều mù mờ phía sau vụ buôn lậu của VN Pharma. Khi ông Hoàng Quốc Dũng chọn cách lẩn tránh dư luận và phủ nhận vai trò của mình tại VN Pharma thì mọi thị phi đều trút xuống cho bà Nguyễn Thị Kim Tiến (Theo Tuổi trẻ và đời sống ngày 4/9/2017).

Bà Bùi Thị An đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng: Liên quan đến trách nhiệm của cục Quản lý Dược và trước việc Bộ Y tế khẳng định thuốc H-Capita là thuốc kém chất lượng chứ không phải thuốc giả khiến dư luận đang có nhiều ý kiến bức xúc. Đặc biệt, gần 10.000 hộp thuốc điều trị ung thư không rõ nguồn gốc, xuất xứ do VN Pharma nhập về vẫn được cục Quản lý Dược cấp phép nhập một cách vô cùng đàng hoàng. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm “gác cổng” của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế). Điều đáng nói, đến thời điểm này, cục Quản lý Dược vẫn vô can trong vụ việc.

Nêu quan điểm về vấn đề này, bà Bùi Thị An cho rằng: “Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng Tám, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra toàn diện về vấn đề nhập, cấp phép thuốc. Tôi cho đây là chỉ đạo rất chuẩn. Vụ VN Pharma có tính chất nghiêm trọng vì nó liên quan đến mạng sống con người.

Vụ việc lộ ra quản lý Nhà nước về lĩnh vực này có vấn đề. Và có vấn đề thì Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược phải rà soát xem hổng ở đâu chứ không thể có chuyện vô can được. Nếu nói VN Pharma làm “giấy tờ giả quá tinh vi” nên Cục Quản lý Dược không phát hiện được, tôi cho là không thuyết phục. Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược là “barie” gác tất cả vấn đề liên quan đến thuốc mà để lọt thuốc rởm thì không thể vô can, không chịu trách nhiệm gì được. Rõ ràng, dư luận đề nghị phải làm rõ trách nhiệm của đơn vị “gác cổng” để lọt thuốc không đảm bảo chất lượng về Việt Nam là đòi hỏi chính đáng. Bộ Y tế nói làm “đúng quy trình”, đúng sao lại xảy ra vụ việc VN Pharma.

Một yếu tố nữa cần làm rõ là đây có phải là vụ buôn lậu hay không khi mà thuốc VN Pharma nhập về Việt Nam được Cục Quản lý Dược cấp phép nhập khẩu đàng hoàng! Rõ ràng, tội buôn lậu và tội buôn bán hàng giả có mức án khác nhau.

Tôi đề nghị cơ quan chức năng phải làm rõ trách nhiệm về mặt quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dược đã để cho các loại thuốc này lọt về Việt Nam”

Những ồn ào xung quanh vụ Công ty VN Pharma nhập thuốc ung thư giả vẫn chưa hết dù bản án đã được tuyên. Trách nhiệm của các cán bộ ngành y tế là điều cần phải làm rõ trong thời gian sớm nhất.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa “Nhập lậu thuốc ung thư giả ảnh hưởng đến sinh mệnh con người, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Rồi chuyện nhập trang thiết bị y tế lạc hậu, giá thuốc “trên trời”, chênh giá vật tư y tế và nhiều câu chuyện bức xúc khác đã khiến ngành y tế trở thành tâm điểm chú ý.

Vụ việc lần này là trường hợp đã phát hiện, còn bao nhiêu trường hợp chưa bị phát hiện? Đây mới là vấn đề đáng ngại. Ngoài những bị cáo nhận án tù, chắc chắn trách nhiệm cán bộ ngành y tế, đặc biệt cán bộ Cục Quản lý Dược là không thể chối cãi.

Ngay như Bộ trưởng Bộ Y tế cũng không thể đứng ngoài cuộc là “tư lệnh” ngành, trực tiếp quản lý lĩnh vực y tế, trên vai Bộ trưởng là niềm tin của hàng triệu nhân dân, cử tri gửi gắm. Khi có vụ việc như vậy xảy ra, tôi nghĩ Bộ trưởng cần nghiêm túc xem xét lại cách quản lý của mình. Vì sao Bộ trưởng lại để cho các thuộc cấp qua mặt dễ dàng như vậy? Bộ trưởng là người chịu trách nhiệm về mặt quản lý Nhà nước trước Đảng, Chính phủ và nhân dân, làm sao có thể im lặng.

Cả tuần nay khi vụ án đưa ra xét xử, tôi có theo dõi thông tin và chưa thấy Bộ trưởng Bộ Y tế lên tiếng về trách nhiệm cá nhân trong quản lý mà chỉ nói chung chung về việc ai làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm. Tôi nghĩ rằng, Bộ trưởng nên có động thái sớm, kể cả việc nhận trách nhiệm ở mức độ như thế nào đó, đồng thời hứa với Đảng, nhân dân và cử tri sẽ xử lý nghiêm các trường hớp sai phạm. Động thái này là để cử tri yên tâm về sự quyết liệt, mạnh dạn của người đứng đầu” (Gia đình và pháp luật ngày 3/9/2017)./,

Bạn đang đọc bài viết H.Capita do VN Pharma nhập khẩu bản chất là thuốc giả. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.