Thứ sáu, 19/04/2024 20:06 (GMT+7)

Hưng Yên: Nhiều thách thức trong việc cung cấp nước sạch nông thôn

MTĐT -  Thứ tư, 23/05/2018 13:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những vấn đề xoay quanh tỉ lệ đấu nối đồng hồ nước hay việc thu phí đấu nối,…là những thách thức lớn trong việc cung cấp nước sinh hoạt tại Hưng Yên hiện nay.

Đơn vị cấp nước thỏa thuận với người dân để huy động kinh phí đấu nối là không làm trái với các quy định của pháp luật...

Đơn cử như đơn thư của ông Lê Văn Sơn (đại diện cho người dân tại xã Tân Châu và xã Đông Kết, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) gửi tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam thời gian qua. Nhiều hộ dân địa phương đang đấu tranh không lắp đặt đồng hồ nước, khiếu nại với chính quyền địa phương về việc các đơn vị cấp nước thu phí lắp đặt đồng hồ đo nước là trái với Điều 42, Nghị định 117/2007/NĐ/CP.

Trong đơn thư, người dân bức xúc cho rằng công ty Cổ phần Xây Dựng Huy Phát (Nhà máy cấp nước Dạ Trạch) chiếm đoạt chi phí đồng hồ, đấu nối với số tiền gần 3 triệu đồng/hộ.

Để làm rõ thêm thông tin phản ánh của người dân, trao đổi với PV đại diện công ty cho hay: Trên thực tế, khi tiến hành việc cung cấp nước sạch cho người dân, chúng tôi đã giải thích rất cụ thể. Không có chuyện lạm thu, hay thu trái với quy định của nghị định 117. Công ty đã vận dụng theo điều 49; điều 55 của nghị định. Đó chỉ là những vướng mắc trong việc chưa tuyên truyền rõ để người dân hiểu.

Chúng tôi cam kết sau ngày 31/5/2018 sẽ khi UBND tỉnh có văn bản hướng dẫn cụ thể thì sẽ khấu trừ dần phần kinh phí đã huy động vào hóa đơn tiền nước hàng tháng của khách hàng sử dụng. Việc này áp dụng cho tất cả hộ khách hàng đã lắp trước hay sau. Bắt đầu thực hiện từ tháng 6/2018.

Về vấn đề này, ông Lê Trung Kiên (Giám đốc TTNS & VSMTNT Hưng Yên) cho biết: "Hầu hết người dân ở nông thôn đều có nhu cầu sử dụng nước sạch. Nhưng việc đầu tư nhà máy, đường ống, cụm đồng hồ,... dẫn đến việc giá nước quá cao. Thực tế nhiều bà con đã lắp đặt đồng hồ nước nhưng vì giá cao nên không sử dụng, đồng hồ đã lắp đặt lại bỏ không. Doanh nghiệp gặp khó khăn về mức vốn đầu tư ở nông thôn cao hơn đô thị, bởi mật độ dân cư thưa mà địa bàn lại dàn trải, trong khi vốn đầu tư phải vay theo lãi suất thương mại thông thường”.

Để tháo gỡ các khó khăn trên, phù hợp với điều kiện kinh tế nông thôn, UBND tỉnh Hưng Yên đã có Thông báo số 182/TB-UBND ngày 20/4/2018 Kết luận của Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Minh Quang tại Hội nghị về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chương trình nước sạch tỉnh Hưng Yên đến năm 2020.

Tại thông báo, tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh Quyết định số 65/QĐ-UBND về việc công bố định mức dự toán lắp đặt 01 cụm đồng hồ đo nước trên địa bàn tỉnh Hưng Yên theo hướng: Việc lắp đặt đồng hồ cấp nước là do doanh nghiệp lắp, hoặc doanh nghiệp thỏa thuận với người dân để thu tiền lắp đặt đồng hồ và trừ dần vào tiền sử dụng nước.

Thiết nghĩ, theo cách làm trên thì doanh nghiệp sẽ đầu tư xây dựng phần nhà máy, đường ống để dẫn nước tới điểm đấu nối, và thỏa thuận với người dân để huy động kinh phí đầu tư lắp đặt cụm đồng hồ, và sẽ thực hiện khấu trừ dần vào giá nước.

Khi đó công trình sẽ bền vững hơn, chỉ có những hộ dân thực sự có nhu cầu mới đăng ký đấu nối và giá nước sạch sẽ thấp hơn, doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí đầu tư ban đầu để đầu tư chiều sâu nâng cao chất lượng nước sạch. Bản chất của việc này là cả đơn vị cung cấp nước và cả người dân cùng đầu tư để có mức giá nước hợp lý.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện việc tuyên truyền đến toàn thể nhân dân còn chưa sâu rộng dẫn đến khiếu nại thắc mắc của một số hộ dân là điều dễ hiểu.

Để phương pháp nói trên thành công, doanh nghiệp cùng chính quyền địa phương cần tuyên truyền đầy đủ, rộng rãi để người sử dụng hiểu rõ vấn đề và chia sẻ cùng doanh nghiệp.

Năm 2020 đạt 100% dân số dùng nước sạch đạt quy chuẩn QCVN: 01 của Bộ Y tế

Theo số liệu tổng hợp từ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh Môi trường nông thôn (TTNS & VSMTNT) tỉnh Hưng Yên thì tổng dân số toàn tỉnh đạt khoảng 1,2 triệu người tương đương khoảng 300.000 hộ gia đình.

Để đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt thường ngày cho các hộ dân trên địa bàn, từ tháng 8/2017 tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt quy hoạch cấp nước sạch đến năm 2020, định hướng tới năm 2030, trong đó sẽ xây dựng 45 hệ thống cấp nước tập trung cho 161 xã, phường, thị trấn.

Nhà máy nước sạch ở Trung Hưng (Yên Mỹ) cung cấp nước sạch cho nhiều hộ dân. (ảnh: Hungyentv)

Sau 20 năm thực hiện các chương trình, dự án nước sạch được đầu tư bằng các nguồn vốn khác nhau, đến nay, đã có 88 xã phường thị trấn hoàn thành lắp đặt đường ống cấp nước, 44 xã đang tiến hành lắp đặt. Tuy nhiên trên thực tế tỉnh Hưng Yên vẫn còn gần 300.000 hệ thống cấp nước nhỏ lẻ, giếng khoan, giếng đào, bể chứa nước mưa.

Tỷ lệ dân đấu nối sử dụng nước sạch từ các trạm cấp nước tập trung của tỉnh đạt khoảng 31%. Lưu lượng nước sử dụng 1/đồng hồ/1 tháng khoảng 7m3. Doanh thu từ kinh doanh nước sạch của doanh nghiệp (DN) chỉ đạt 50-70 nghìn/ hộ/ tháng. Giá nước phê duyệt năm 2010 là 6.800 đồng/m3, đến nay vẫn chưa được điều chỉnh trong khi tốc độ trượt giá bình quân 8 năm qua khoảng 41%.

Mặt khác, để xây dựng và vận hành hiệu quả một công trình cấp nước sạch, các DN phải đầu tư kinh phí lớn, phải vay vốn theo lãi suất thương mại thông thường nhưng thời gian thu hồi lại vốn rất chậm.

Tất cả các vấn đề giá nước sinh hoạt chậm điều chỉnh, tỷ lệ hộ dân đấu nối đồng hồ sử dụng nước thấp, nhiều đồng hồ đã lắp đặt nhưng chưa sử dụng nước hoặc sử dụng với lưu lượng không đáng kể, đặc biệt là những thắc mắc, kiến nghị của người dân về tính pháp lý trong việc thu phí đấu nối đồng hồ sử dụng nước, đang là những thách thức lớn cho mục tiêu kế hoạch đề ra.

Trước cơ hội đưa nước sạch "phủ sóng" toàn bộ địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp cũng như địa phương luôn phải đối mặt với không ít thách thức, nhất là tìm được tiếng nói chung từ phía nhân dân.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Hưng Yên: Nhiều thách thức trong việc cung cấp nước sạch nông thôn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...