Thứ sáu, 19/04/2024 19:55 (GMT+7)

Nước sạch Hưng Yên liệu có mất kiểm soát!?

Doãn Kiên – Phan Ngân -  Chủ nhật, 10/06/2018 10:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nước sạch là một loại hàng hoá doanh nghiệp thu lợi nhuận từ sản xuất. Vậy vì sao người dân phải đóng tiền đầu tư cho doanh nghiệp!?

LTS:Thời gian qua, UBND tỉnh Hưng Yên đã quyết liệt chỉ đạo các sở ngành, địa phương với mục tiêu đến hết năm 2018, 100% các xã trên địa bàn tỉnh được cấp nước sạch từ các nhà máy nước tập trung. Đảm bảo đến hết năm 2020 là 100% hộ dân đấu nối sử dụng nước sạch. Có thể thấy tham vọng của tỉnh Hưng Yên về vấn đề nước sạch là rất cụ thể, rõ ràng.

Tuy nhiên, đây không chỉ là nhiệm vụ khó mà nước sạch Hưng Yên còn đứng trước nguy cơ mất kiểm soát!? Để có cái nhìn tổng quan và thực trạng hiện tại đang diễn ra tại Hưng Yên như thế nào, Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử xin gửi tới Quý bạn đọc loạt bài viết phản ánh về tình hình nước sạch trên toàn tỉnh Hưng Yên.

Kỳ 1: Vì saongười dân phải đóng tiền đầu tư cho doanh nghiệp cung cấp nước?

Nước sạch là một loại hàng hoá doanh nghiệp thu lợi nhuận từ sản xuất vậy vì sao người dân phải đóng tiền đầu tư cho doanh nghiệp!?

Ưu đãi thì nhiều nhưng…

Theo thống kê toàn tỉnh Hưng Yên ước tính có khoảng trên 1,2 triệu người được phân bố trên tổng số 161 xã, phường, thị trấn. Trong kết luận của UBND tỉnh Hưng Yên số 211/UBND-KT1 ngày 24/5/2018 hiện tại trên địa bàn tỉnh thực hiện chương trình cấp nước sạch vùng nông thôn đầu tư xây dựng 25 dự án cấp cho 40 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời thực hiện chính sách thu hút đầu tư từ nguồn xã hội hoá có 13 doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng công trình cấp nước, phân cấp vùng cấp nước cho hơn 85 xã vùng nông thôn. Đảm bảo đến hết năm 2018 có 80% người dân Hưng Yên được sử dụng nước sạch.

Qua đây, có thể thấy nước sạch Hưng Yên đang trở thành môi trường đầu tư đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Bởi trong thời gian qua UBND tỉnh đã phê duyệt hàng loạt dự án về vấn đề này. Tuy nhiên, năng lực, nguồn lực tài chính cũng như hàng loạt các vấn đề pháp lý khác của các doanh nghiệp đã được thẩm định, phê duyệt vẫn đang đặt ra nhiều dấu hỏi lớn!?

Trên thực tế, các doanh nghiệp không chỉ nhận được ưu đãi từ cơ chế, chính sách của Nhà nước mà Hưng Yên đang áp dụng...

Một nhà máy sản xuất nước trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

 Riêng ưu đãi của tỉnh Hưng Yên tại khoản 3 điều 15 chương 4 (Nghị định số 117/2007/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch) quy định sản xuất cung cấp, sử dụng nước sạch và bảo vệ công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh Hưng Yên kèm theo Quyết định số 16/2018/QĐ-UBND ngày 15/4/2018: Trường hợp giá nước tối đa do UBND tỉnh phê duyệt thấp hơn giá bán nước sạch đã được tính đúng, tính đủ do đơn vị cấp nước lập và Sở Tài chính thẩm định theo quy định hàng năm UBND tỉnh xem xét, cấp bù từ ngân sách tỉnh hoặc thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị cấp nước. 

Vì sao dân vẫn phải đóng góp?

Sau 20 năm thực hiện các chương trình, dự án nước sạch được đầu tư bằng các nguồn vốn khác nhau, trong đó: Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, cơ cấu nguồn vốn: Ngân sách nhà nước khoảng 60%, vốn đối ứng của địa phương 30% và vốn của người dân đóng góp 10% (theo Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 31/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ).

Đối với Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả đầu ra 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng với cơ cấu nguồn vốn: 60% vốn cấp phát từ nguồn vốn ODA, 30% vốn vay lại từ nguồn vốn ODA, 10% vốn đóng góp của người dân sử dụng nước (theo Quyết định số 2283/QĐ-BNN-HTQT ngày 21/9/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). 

Báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành.

 Trước đó, UBND tỉnh Hưng Yên đã ra Quyết định số 2416/QĐ-UBND ngày 28/8/2017 phê duyệt Quy hoạch cấp nước sạch tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Toàn tỉnh có 19 nhà máy cấp nước sử dụng nguồn nước mặt cấp cho 99 xã, phường, thị trấn và 24 nhà máy cung cấp nước sử dụng nguồn nước ngầm cho 54 xã, phường, thị trấn và có 8 xã chưa có nhà đầu tư, chưa được UBND tỉnh quyết định phân vùng cấp nước. 

Công văn số 182 kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

 Trong Quyết định này cũng nêu rõ nguồn vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, vốn nước ngoài 200 tỷ (dự án vay WB), vốn ngân sách 80 tỷ, vốn doanh nghiệp và vốn của người sử dụng nước: 1.220 tỷ đồng.

Cụ thể trong giai đoạn 2017-2020, tổng số vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, ngoài 280 tỷ vốn nước ngoài và vốn ngân sách thì doanh nghiệp và người sử dụng nước 720 tỷ đồng. Giai đoạn còn lại là 500 tỷ đồng vốn doanh nghiệp và vốn đối ứng của người dân sử dụng nước.

Trước hàng loạt ưu đãi của Nhà nước và của tỉnh dành cho các nhà máy sản xuất nước sạch, cùng các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Tuy nhiên, theo Báo cáo số 02/BC-ĐKT của Đoàn kiểm tra liên ngành gửi UBND tỉnh ngày 30/1/2018 đã chỉ ra rằng có tới 15 địa phương bị chồng lấn giữa các Cty sản xuất nước sạch.

Tính đến thời điểm kiểm tra có 89 xã, phường thị trấn (55% số xã, phường, thị trấn) đã được cấp nước sạch với tổng số đầu nối là 86.600 đồng hồ; 42 xã đang lắp đặt đường ống; 30 xã chưa xây dựng, lắp đặt đường ống.

Giá đấu nối đồng hồ nước cũng mạnh ai đấy thu trung bình từ 2,5 – 3 triệu đồng/cụm đồng hồ. Công ty Phú Hà thực hiện giá thấp nhất với mức thu từ 250-350 nghìn đồng/cụm đồng hồ. Cty CP nước sạch Hưng Yên thu 4,1 triệu đồng/cụm đồng hồ.

Về giá nước Công ty Phú Hà đang thu giá nước thấp nhất (5000/m2), Công ty cấp nước Xuân Hưng và nhà máy cấp nước An Bình thu giá theo bậc thang luỹ tiến từ 7.700 đồng/m2 đến 12.500 đồng/m2. Còn lại là thu theo giá được phê duyệt theo Quyết định số 814/QĐ-UBND ngày 15/4/2010 của UBND tỉnh Hưng Yên (6.800 đồng/m2, chưa kể thuế, phí).

Câu hỏi đặt ra là Nhà máy sản xuất nước sạch cũng chỉ là doanh nghiệp (công ty nhà nước cũng đã được cổ phần hoá-PV) sao lại được ưu ái đến như vậy?. Nước sạch là một loại hàng hoá doanh nghiệp thu lợi nhuận từ sản xuất vậy vì sao người dân phải đóng tiền đầu tư cho doanh nghiệp!?

Từ những bất cập trên trong Quyết định phê duyệt quy hoạch nước sạch tỉnh Hưng Yên tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch rất khiêm tốn năm 2017 là 23%; năm 2018 là 39%; 2019 là 57% và 2020 chỉ là 70%.

Từ những vấn đề trên Nhóm PV đã làm việc với các Sở, ngành liên quan qua đó thấy rằng vấn đề nước sạch ở Hưng Yên thực sự đang rất "nóng" nhưng các sở ngành vẫn chưa thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh.

Kỳ 2: Vì sao các sở ban ngành không thực hiện chỉ đạo của tỉnh?

Theo quy định tại Khoản 3, điều 42 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch nêu rõ:Đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối với các khách hàng sử dụng nước bao gồm cả đồng hồ đo nước. Trường hợp đồng hồ đo nước được lắp đặt sau điểm đấu nối đã được xác định thì chi phí vật tư, lắp đặt từ điểm đấu nối đến điểm lắp đặt đồng hồ do khách hàng sử dụng nước chi trả sau khi đã có thoả thuận với đơn vị cấp nước.

Cũng theo Khoản 1,2 Điều 51 của nghị định nêu rõ: Giá nước sạch phải được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý trong quá trình sản xuất, phân phối nước sạch đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước và khách hành sử dụng nước; Đảm bảo quyền tự quyết định giá mua, bán nước trong khung giá, biểu giá do Nhà nước quy định.

Bạn đang đọc bài viết Nước sạch Hưng Yên liệu có mất kiểm soát!?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...