Thứ sáu, 29/03/2024 04:52 (GMT+7)

Nhiều công trình nước sạch tiền tỷ ở Tây Nguyên bị bỏ hoang lãng phí

MTĐT -  Thứ tư, 15/11/2017 09:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng trăm công trình nước sạch ở các tỉnh Tây Nguyên bị hư hỏng không sử dụng nhiều gây lãng phí tiền của…

Công trình nước sinh hoạt ở buôn Liêng bỏ hoang, để dân nuôi dê

Công trình 1,5 tỷ đồng để… nuôi dê

Công trình nước sinh hoạt ở buôn Liêng (xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) xây dựng và đưa vào sử dụng vào năm 2009 với kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng, phục vụ nhu cầu cho khoảng 200 hộ dân trong buôn. Tuy nhiên, công trình này hiện không sử dụng mà bỏ hoang. Bên ngoài cửa khóa im ỉm, dàn cây leo mọc kín tường rào. Bên trong khuôn viên là nơi sinh sống của 6 con dê, lợn. Mùi phân hôi thối bốc lên nồng nặc.Nhiều thiết bị phục vụ cho công trình bị hoen rỉ.Ông Ksor Phí, Trưởng thôn buôn Liêng, xã Chư Drăng cho biết, công trình không sử dụng từ năm 2013 và bỏ hoang từ đó đến bây giờ. Nguyên nhân không sử dụng là do thiết bị hư hỏng, dân không có tiền đóng điện.

Cách công trình này 3km là công trình nước sạch ở buôn Ngôm (xã Chư Drăng), được xây trong khuôn viên Trường mầm non Chư Drăng, nằm cách khu nghĩa địa khoảng 50m,cũng chung tình cảnh bỏ hoang. Công trình xây dựng năm 2006, kinh phí 284 triệu đồng. Dù công trình nằm trong điểm trường nhưng ngặt nổi 32 học sinh và 1 giáo viên không thể sử dụng nước này.Cô Nay Hluy, giáo viên Trường mầm non Chư Drăng, cho biết, bản thân cô về điểm trường dạy đã nhiều tháng thì cũng không thấy công trình này hoạt động, còn lý do sao thì cô không biết. Để có nước, cô và trò phải xin bơm nước từ nhà dân xa hơn để dùng. Theo thống kê của UBND xã Chư Drăng, có 4 công trình nước sinh hoạt tập trung nhưng cả 4 không sử dụng từ nhiều năm.

Ngược về làng Ba Gốc, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum,  công trình nước sinh hoạt ở làng hoạt động từ năm 1999 cũng bị tê liệt. Bảy bể nước đặt rải ráctrong làng, là nơi chứa nước từ máy hút nước trên quả đồi đưa về theo đường ống, do không sử dụng đã lâu đã bị rêu phong phủ bám kín mít. Người dân tận dụng sân bể chứa để làm chuồng nhốt gà hoặc sân phơi lúa. Theo người dân trong làng, lý do công trình bỏ hoang là đường ống dẫn nước đã bị hư nhưng không ai sửa.

Đề nghị thanh lý

Theo thống kê của ngành chức năng, tại tỉnh Gia Lai có 313 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung. Trong đó, có 85 công trình không hoạt động, 41 công trình hoạt động kém hiệu quả. Tại tỉnh Kon Tum, có 81/360 công trình không hoạt động, 59/360 công trình hoạt động kém hiệu quả.

Ông Nay Hem, Chủ tịch UBND xã Chư Drăng, cho biết, trong 4 công trình cấp nước sinh hoạt nhiều năm không hoạt động thì có công trình do dân không nộp tiền điện nên bị cắt điện. Đặc biệt, công trình nước sinh hoạt ở buôn Ngôm khoan bên nghĩa địa, dân sợ không dám dùng. Chất lượng nước cũng đáng lo bởi một số công trình thì nước nhiễm phèn, không giặt giũ được. Công trình nước sinh hoạt hư hỏng, dân không có nước dùng thì tự góp nhau đào giếng rồi dùng chung. Hộ không có giếng thì dùng nước của những hộ có giếng.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai,các công trình cấp nước nông thôn tập trung hư hỏng nguyên nhân do phần lớn làxây dựng lâu năm nên xuống cấp. Một số công trình nguồn nước bị khô cạn do hạn hán, rừng đầu nguồn bị chặt phá; các công trình cấp nước tự chảy không thu tiền nước nên không có chi phí bảo trì.Một số nơi ý thức sử dụng nước của người dân kém, để xảy ra tình trạng chặt phá đường ống. Một số công trình chưa làm tốt việc đánh giá chất lượng nguồn nước khi lập dự án đầu tư, do đó xảy ra tình trạng chất lượng nguồn nước không đảm bảo nhưng khi đầu tư không có hạng mục xử lý nước.

Cũng theo Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, trách nhiệm bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa công trình cấp nước nông thôn tập trung đã được giao cho đơn vị quản lý công trình và UBND cấp huyện thực hiện. Tuy nhiên, khả năng cân đối, bố trí ngân sách của các địa phương còn rất hạn chế, không đủ để thực hiện việc sửa chữa nên sở đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, hàng năm hỗ trợ thêm kinh phí cho các địa phương, có như vậy mới khắc phục được tình trạng các công trình hoạt động kém hiệu quả, không hoạt động.

Ông Đặng Trần Huân, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết,có 49/81 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung không sử dụng đã được các huyện đề nghị thanh lý. Đây là những công trình đầu tư rất lâu, hư từ đầu mối đến đường ống. Đối với những công trình hư hỏng còn sửa chữa,  đơn vị đề nghị quan tâm sửa chữa nâng cấp các công trình để hoạt động. Về lâu dài, để các công trình cấp nước hoạt động hiệu quả, cần phải có tổ đội quản lý và thu chi rõ ràng…

Bạn đang đọc bài viết Nhiều công trình nước sạch tiền tỷ ở Tây Nguyên bị bỏ hoang lãng phí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo TN&MT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.