Thứ năm, 28/03/2024 23:53 (GMT+7)

Tận dụng các cồn nổi để khai thác nước dưới đất

MTĐT -  Thứ bảy, 29/09/2018 16:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bổ sung nhân tạo là một trong những giải pháp làm tăng công suất khai thác nguồn nước ngầm.

Trong khi đó, theo nghiên cứu của các nhà khoa học, khai thác ở các cồn nổi trên sông Hồng ở vùng tồn tại các cửa sổ địa chất thủy văn có thể làm tăng đáng kể trữ lượng nước khai thác mà không có các tác động đáng kể đến môi trường.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Đản – chuyên gia về tài nguyên nước cho biết: Trữ lượng khai thác nước dưới đất của một vùng nào đó bao gồm nhiều thành phần, trong đó, trữ lượng cuốn theo (Qct) chỉ xảy ra trong điều kiện khai thác, đôi khi chiếm tỷ trọng rất lớn.

Tại vùng Hà Nội, đã xác định được trữ lượng cuốn theo từ sông Hồng vào tầng chứa nước qp trong điều kiện khai thác là 37.000 m3/ng/km đường bờ bằng phương pháp giải tích và 44.000 m3/ng/km đường bờ khi bố trí công trình khai thác cách mép nước sông 200 m bằng phương pháp mô hình số; vùng Bãi Bằng-Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, bằng phương pháp giải tích đã xác định được trữ lượng cuốn theo từ sông Lô vào tầng chứa nước qp trong điều kiện khai thác là 36.000 m3/ng/km đường bờ; vùng Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, bằng phương pháp giải tích đã xác định được trữ lượng cuồn theo từ sông Thao vào tầng chứa nước qp trong điều kiện khai thác là 14.400 m3/ng/km đường bờ.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Đản, khi đánh giá trữ lượng khai thác cuốn theo do thấm từ sông Hồng vào công trình khai thác ở vùng Cáo Đỉnh bằng phương pháp mô hình số cho thấy trữ lượng cuốn theo phụ thuộc vào mực nước hạ thấp, tính thấm của đất đá chứa nước và vị trí của công trình khai thác so với mép nước sông. Tính thấm của đất đá chứa nước ở một vùng không thay đổi, nếu cố định mực nước hạ thấp cho phép ở mức hợp lý, trữ lượng cuốn theo sẽ tăng dần theo hướng dịch chuyển công trình khai thác gần đến mép nước sông, do đó đưa bãi giếng khai thác ra phía bờ sông Hồng (phía ngoài đê), càng gần mép nước sông có lưu lượng lớn. Theo cách này, lưu lượng khai thác có thể đạt 5.000 - 10.000 m3/ng/giếng

Về đặc điểm của cồn nổi, Tiến sỹ Nguyễn Văn Đản phân tích: Sự hình thành các cồn nổi trên sông Hồng là kết quả của quá trình lắng đọng bùn cát trên sông. Sông Hồng có lưu lượng nước và phù sa hàng năm rất lớn. Độ đục bình quân khoảng 1 kg/m3, cao nhất vào mùa lũ đạt 10-12 kg/m3. Hàng năm sông chuyển tải ra biển khoảng 112.106 tấn phù sa. Lượng phù sa tương đối lớn được giữ lại giữa hai thân đê kiên cố nên không thể tràn vào vùng đồng bằng. Vì thế, ngoài một phần được đổ ra biển, phần còn lại được tích đọng ở lòng sông tạo nên các cồn nổi. Theo  một số tài liệu, sông Hồng đoạn từ Sơn Tây đến Gia Lâm có 5 cồn nổi  giữa sông. Điển hình là, Cồn nổi 1, nằm trên diện tích của 6 xã : 3 xã Chu Phan, Thạch Đà, Hoàng Kim thuộc huyện Mê Linh và 3 xã Hồng Hà, Liên Hà, Liên Hồng thuộc huyện Đan Phượng.

Ảnh minh họa. 

Cồn nổi 2, còn có tên gọi là bãi Đại Độ, nằm trên địa phận của 2 xã : Đại mạch và Võng La thuộc huyện Đông Anh.

Cồn nổi 3, là một cồn mới nổi trong vài chục năm nay, nằm trên địa phận của 3 xã: Liên Mạc thuộc huyện Từ Liêm và Đại Mạch, Võng La thuộc huyện Đông Anh.

Cồn nổi 4, còn có tên là bãi Tứ Liêm, nằm trên địa phận của 3 xã : Hải Bối, Vĩnh Ngọc, Tầm Xá thuộc huyện Đông Anh và 2 phường Phú Thượng, Nhật Tân thuộc quận Tây hồ.

Cồn nổi 5, còn có tên là bãi Giữa, nằm trên địa phận của các phường Tứ Liêm, Phúc Tân, Phúc Xá của quận Tây Hồ và phường Ngọc Thụy thuộc quận Long Biên.

Các cồn nổi trên sông có diện tích tương đối lớn từ 0,5 đến 3,4 km2 có phương kéo dài theo hướng dòng chảy, là nơi được phù xa bồi đắp nhiều nhất. Đó là nơi nhân dân sinh sống, sản xuất trồng trọt, hình thành các khu du lịch, vui chơi. Tuy nhiên hiện nay, do các hoạt động khai thác cát sỏi trên sông Hồng, diện tích một số cồn nổi có xu hướng giảm.

Về mô hình khai thác, theo các chuyên gia, công suất khai thác nước dưới đất tại mỗi điểm trên các cồn nổi có thể đạt đến trên 10.000 m3/ng. Do kĩ thuật khai thác và khoan giếng hiện nay ở nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng chỉ đạt đến 5.000-7.000 m3/ng, do đó cần thiết kế thành cụm gồm 2-3 giếng tại mỗi điểm.

Các giếng khai thác trong mỗi cụm bố trí theo phương vuông góc với phương của bãi giếng, tức là vuông góc với phương dòng chảy của sông Hồng, khoảng cách các giếng trong cụm khoảng 3-5 m. Mỗi bãi giếng có thể có trên dưới 10 cụm giếng khai thác cách nhau 50-100 m bố trí dạng đường thẳng theo hướng kéo dài của cồn sao cho công suất của cả bãi giếng khoảng trên dưới 100.000 m3/ng để tiện lợi cho công tác vận hành và quản lý.

Từ tính ưu việt trên đây, Tiến sỹ Nguyễn Văn Đản đưa ra nhận định: Xây dựng các công trình khai thác thấm là một trong các giải pháp bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất một cách hữu hiệu nhất, nước mặt được đưa xuống một cách tự nhiên mà không nhờ bất kỳ công trình khoan-khai đào nào, có thể áp dụng ở nhiều đô thì ở nước ta. Xây dựng công trình khai thác ở cồn nổi giữa sông càng tốt hơn vì được cung cấp từ tất cả các phía. Bên cạnh các thuận tiện như số lượng giếng khai thác ít nhưng có công suất lớn, chất lượng nước tốt hơn so với nước sông, khoảng cách giữa các giếng nhỏ, thuận tiện cho việc quản lý và xây dựng mạng lưới truyền dẫn. Tuy nhiên, để xây dựng được các công trình khai thác, ngoài việc thăm dò đánh giá trữ lượng, cần nghiên cứu các vấn đề về điều kiện thủy động lực của dòng chảy, tính ổn định của các cồn nổi, các điều kiện an toàn cho giếng khoan nhất là vào các mùa lũ.

Theo Báo TN-MT

Bạn đang đọc bài viết Tận dụng các cồn nổi để khai thác nước dưới đất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.