Thứ ba, 16/04/2024 14:33 (GMT+7)

Quảng Nam: Cải tạo đồng ruộng, một chủ trương tốt có bị biến tướng?

Quang Huy -  Thứ năm, 12/04/2018 13:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hơn chục đơn vị đang “mượn danh” cải tạo đồng ruộng cho người dân, nhưng thực chất là lấy đất sét đem đi bán ở các lò gạch trên địa bàn tỉnh để thu về số tiền lên tới hàng tỷ đồng.

Nhà máy gạch cũng tham gia cải tạo đồng ruộng để lấy đất sét

Thời gian gần đây, qua đường dây nóng Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử VP Đà Nẵng liên tiếp nhận được phản ánh của độc giả về tình trạng cải tạo đang bị doanh nghiệp biến hóa sang mục đích lấy đất sét bán cho các nhà máy gạch.

Để tìm hiểu rõ vụ việc, sau gần 10 ngày đi thực địa tại các khu đất ruộng đã và đang được doanh nghiệp cải tạo đồng ruộng ở các xã Điện Tiến, Điện Thọ, Điện Hòa, Điện Thắng Nam… của TX Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), thì nhiều điều bất ngờ đã xuất hiện đằng sau cái tên “cải tạo đồng ruộng”.

Phần cát, sỏi được doanh nghiệp bỏ lại sau khi “cải tạo đồng” ở xã Điện Thọ.

Được biết chủ trương “Dồn điền, đổi thửa”, kết hợp với việc cải tạo, xây dựng  các cánh đồng thửa lớn nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc sản xuất nông nghiệp để tăng năng xuất cho bà con nông dân đang là một chủ trương đúng đắn.

Nhưng tình trạng “mang danh” cải tạo đồng ruộng ở TX Điện Bàn của tỉnh Quảng Nam đang có nguy cơ biến hóa sang mục đích khai thác đất sét để làm gạch từ những cánh đồng lúa.

Điều này được thể hiện rất rõ, một số cánh đồng lúa của người dân còn lại nham nhở, chỗ đất sét thì “biến mất” chỗ cát sỏi thì còn nguyên, sau khi doanh nghiệp “hoàn thành” nhiệm vụ cải tạo đồng ruộng. Đã bộc lộ lại rất rõ mục đích của việc lấy đất sét đem đến các nhà máy gạch bán hơn là cải tạo đồng ruộng.

Không chỉ vậy, có chỗ được đơn vị cải tạo đồng ruộng múc sâu đến cả 1m đất, thậm chí theo quy định là phải để lại độ dày ít nhất 30cm của lớp phù sa mặt trên của cánh đồng, nhưng các đơn vị cải tạo đồng ruộng chỉ gạt lớp cỏ có độ dày khoảng 10cm bỏ lại vì nhà máy không mua loại đất này.

Hàng chục xe chở đất ra vào mỗi ngày lấy đất sét khu vực cải tạo đồng ruộng ở xã Điện Tiến của Nhà máy gạch tuynen Điện Bàn.

Điều đáng quan tâm là, lớp đất phù sa phải mất ít nhất từ 5 năm trở lên mới có lại, nếu đồng ruộng sau khi cải tạo bỏ lại lớp đất sét mà mất lớp đất phù sa thì không cây lúa nào có thể phát triển được.

Qua thực tế các xã đang “cải tạo đồng ruộng” tại TX Điện Bàn, thì mỗi bãi cải tạo đồng ruộng chẳng khác gì một công trường khai thác đất, mỗi bãi mỗi ngày có ít nhất từ 20-30 xe ô tô ra vào chở hàng ngàn khối đất sét để đem đến các nhà máy gạch ở Điện Bàn, Duy Xuyên và TP. Đà Nẵng..

Minh chứng cho việc dư luận đặt câu hỏi nghi ngờ là các nhà máy gạch lấy đất sét về hay mục đích là cải tạo đồng ruộng cho nhân dân. Như ở xã Điện Tiến cải tạo đồng ruộng với diện tích 21,49 ha của 428 thửa, diện tích trung bình mỗi thửa là 1000 mét vuông trở lên đã được giao cho Nhà máy gạch tuynen Điện Bàn thuộc Cty  CP đầu tư phát triển xây dựng Hội An “cải tạo đồng ruộng”.

Ban bệ giám sát thành lập ra rồi... để đó?

Theo tìm hiểu của PV, hầu hết các cánh đồng đã và đang được cải tạo ở TX Điện Bàn đều có quy trình từ dưới lên trên, nhưng sau khi UBND tỉnh chấp thuận cho xã là chủ đầu tư thì từ giai đoạn này chủ đầu tư là các UBND xã lại giao lại cho doanh nghiệp “làm chủ”.

Câu hỏi đặt ra là giá trị mỗi khối đất sét lên tới trên dưới 200 ngàn đồng/khối bán cho nhà máy gạch, nếu doanh nghiệp được giao cải tạo đồng ruộng múc lên xe bán cũng thu về trên dưới 60 ngàn đồng/khối.

Ruộng “màu mỡ” sau khi được Cty TNHH MTV Tiến Thành  cải tạo ở xã Điện Thắng Nam.

Nhưng trong mỗi đề án mấy chục ngàn ha đã và đang được cải tạo, chủ đầu tư là UBND các xã, xã thì đưa ra 20 ngàn, xã thì đưa ra 25 ngàn đồng/khối  để xin UBND huyện, thị xã của tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương chung, và số tiền dư lại sau mỗi lần cải tạo hàng chục ngàn ha chỉ còn thừa chưa đến 100 triệu đồng?

Như xã Điện Tiến, sau khi  giao cho Nhà máy gạch tuynen Điện Bàn thuộc Cty  CP đầu tư phát triển xây dựng Hội An, giá trị bán đất sét lên đến tiền tỷ, nhưng chừ chi phí chỉ còn lại 52 triệu đồng?

Hay xã Điện Thắng Nam giao cho Cty TNHH MTV Tiến Thành  ở địa phương “cải tạo đồng ruộng”  hơn 33 ngàn ha, nhưng trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Câu, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Thắng Nam cho biết: “Xã không thu bất cứ một đồng nào, chỉ tạm giữ 50 triệu đồng để xử lý lại việc cánh đồng, nếu doanh nghiệp không hoàn thành trách nhiệm...”.

Lấy đất sét hay cải tạo đồng ruộng?!

Trao đổi với PV về phương pháp quản lý, thì hầu hết lãnh đạo các UBND xã nơi có cải tạo đồng ruộng đều đưa ra ban bệ danh sách giám sát lên tới 14-15 người từ lãnh đạo xã xuống đến thôn. Đồng thời cũng khẳng định về quy trình giám sát chặt chẽ của mình.

Nhưng khi PV đưa ra các vấn đề từ thực tế đang diễn ra ở các cánh đồng về múc đất sâu, khối lượng đất trong mỗi cánh đồng được đưa ra ngoài với khối lượng lớn, đất sét mang đi các nhà máy gạch ở địa phương khác không theo cam kết trong đề án thì tất cả các lãnh đạo xã đều ậm ừ và đổ lỗi cho các thôn quản lý không chặt chẽ vì đã giao nhiệm vụ giám sát cho rồi?!.

Thậm chí ông Nguyễn Văn Câu, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Thắng Nam còn gọi điện thoại cho Công ty TNHH MTV Tiến Thành là đơn vị đang “cải tạo đồng ruộng” lên giải thích với PV???.

Vậy số đất sét được đưa vào các nhà máy gạch từ mỗi cánh đồng ruộng đang được cải tạo là bao nhiêu khối lượng, và có giá trị  lên tới nhiều tỷ đồng được thực hiện như thế nào? Môi trường & Đô thị Việt Nam điện tử tiếp tục phản ánh đến bạn đọc.

Một số hình ảnh PV Môi trường & Đô thị Việt Nam điện tử ghi lại được tại hiện trường:

Cải tạo đồng ruộng có độ sâu cả mét ở xã Điện Tiến

Mỗi ngày có hàng ngàn khối đất được đưa đến  các nhà máy gạch từ các đồng ruộng của TX Điện Bàn.

Nếu tình trạng máy múc như này thì lớp đất phù sa theo quy định bắt buộc phải bỏ lại 30cm cũng theo gầu múc lên nhà máy gạch...

Một nguồn tài nguyên khoáng sản không nhỏ liệu có bị thất thoát với danh nghĩa “cải tạo đồng ruộng”

Ban giám sát mà người chịu trách nhiệm chính ở đây chính là chủ đầu tư là các xã ở đâu, khi để tình trạng múc đất sét vô tội vạ để đem đi nhà máy gạch.

Những mô đất còn lại chính là những ngôi mộ giữa cánh đồng (Hình ảnh cải tạo đồng ruộng tại xã Điện Hòa).

Nhà máy gạch tuynen Điện Bàn đang “cải tạo đồng ruộng” tại xã  Điện Tiến.

Cánh đồng lúa xanh phía trên liệu sang năm có nước hay không, khi Cty TNHH MTV Tiến Thành  cải tạo đồng ruộng bên cạnh thấp hơn gần 1m?

Đất sét được đưa về nhà máy gạch cao như một quả đồi.

Bạn đang đọc bài viết Quảng Nam: Cải tạo đồng ruộng, một chủ trương tốt có bị biến tướng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới