Thứ sáu, 29/03/2024 14:15 (GMT+7)

Vụ đất rừng được cấp cho cán bộ: Lãnh đạo huyện nói “không sai”

Nguyễn Hiền -  Thứ năm, 06/12/2018 08:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ông Hồ Trọng Cầu - Phó Chủ tịch huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế), 1 trong 15 chủ sở hữu những lô đất rừng ven biển khẳng định việc mình cùng vợ được cấp đất là “không sai”.

Như Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã phản ánh trong bài: "Huế: Đất rừng được cấp cho nhiều cán bộ liệu có bất thường",chủ sở hữu của 15 lô đất trước đây là rừng phòng hộ ven biển có tổng diện tích 24.000m2 chủ yếu là nguyên cán bộ, cán bộ và người thân của cán bộ huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Được biết, diện tích đất mà ông Truyền từng "khai hoang", gắn bó và mong mỏi được cấp GCNQSD đất hiện đang đứng tên 2 người nguyên là cán bộ huyện Phú Lộc, trong đó có ông Phạm Viết Phong, nguyên là Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Lộc; ông Nguyễn Kim Trường, nguyên là Phó Chủ tịch HĐND huyện Phú Lộc.

Chủ sở hữu 13 lô đất liền kề còn lại gồm các cá nhân sau: Nguyễn Mãi, Phạm Xuân Thư, Hồ Trọng Cầu, Lê Thị Kim, Nguyễn Kha, Lê Thị Xuân Mai, Nguyễn Văn Tiến, Trần Trai, Nguyễn Thị Xô, Trần Tuyết Lan, Dương Quang Kháng, Nguyễn Thị Nghị, Nguyễn Xê. Đáng chú ý, trong đó có ông Hồ Trọng Cầu là chủ sở hữu lô B5, hiện là Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc; ông Nguyễn Văn Tiến chủ sở hữu lô B9, hiện là cán bộ của HĐNĐ tỉnh...

Ông Huỳnh Đăng Truyền khẳng định ông đã khai hoang và gắn bó hàng chục năm trên khu đất mà ông nhiều lần viết đơn xin cấp đất nhưng không được.

Tìm hiểu về quy trình chuyển đổi, tách thửa và cấp 24.000m2 đất rừng nói trên, trao đổi với phóng viên một cán bộ trước đây phụ trách việc làm hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho những thửa đất nói trên, vị này cho biết, 15 lô đất này được cấp GCNQSDĐ là dựa vào quyết định giao đất từ năm 1995 theo Nghị định số 02-CP năm 1994 về việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp và Thông tư số 06-LN/KL về giao đất lâm nghiệp.

Trong GCNQSDĐ thì loại đất cấp cho 15 chủ đất trên là đất rừng sản xuất. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, 15 lô đất này vốn là đất rừng phòng hộ với vị trí dọc bãi biển Cảnh Dương cùng dải rừng phi lao nhằm chắn gió, chắn cát bay nhưng không hiểu vì sao nay lại là đất rừng sản xuất. Bởi đối chiếu theo khoản 1, Điều 7, Nghị định số 02-CP thì khu vực đất này nằm trong quy hoạch đất rừng phòng hộ gồm: Phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; phòng hộ chắn sóng, lấn biển và phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái.

Và, nếu đã là đất rừng sản xuất, Nghị định số 02-CP cũng quy định rõ, đối với rừng sản xuất thì được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh gỗ, các lâm sản khác, đặc sản rừng, động vật rừng và kết hợp phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái. Thế nhưng, qua tìm hiểu với các hộ dân xung quanh khu vực 15 lô đất này thì từ năm 1993, ngoài ông Huỳnh Đăng Truyền canh tác với việc đào ao thả cá, chăn nuôi vịt, trồng keo tràm và trồng tre chắn gió thì không thấy người nào tìm về phục vụ đúng mục đích của việc giao rừng sản xuất.

Chính vì sự bất thường trong việc cấp đất rừng mà đa số toàn là cán bộ chủ chốt, khiến bản thân ông Truyền và dư luận hoài nghi rằng, liệu các cá nhân trên có được cấp đất theo đúng đối tượng nhằm phục vụ đúng mục đích hay không là hoàn toàn có cơ sở.

Để rộng đường dư luận trong vấn đề này, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã trao đổi với ông Hồ Trọng Cầu - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc. Ông Cầu là 1 trong số 15 cán bộ, cựu cán bộ và người nhà cán bộ đứng tên chủ sở hữu 15 lô đất ven biển thôn Cảnh Dương. Cụ thể ông Cầu là chủ sở hữu lô đất b5 và bà Lê Thị Kim (vợ ông Cầu) chủ sở hữu lô đất b6 trong bản đồ giải thửa những lô đất trên.

Theo ông Cầu, nếu đối chiếu luật đất đai 2013 hiện hành thì việc cấp đất rừng cho cán bộ là không đúng. Tuy nhiên theo Luật Đất đai năm 1993 và Nghị định 02 của Chính phủ về hướng dẫn cấp đất lâm nghiệp thì công đoàn cũng được giao đất và cán bộ là đối tượng cũng được giao đất giống như người dân.

Ông Hồ Trọng Cầu – Phó chủ tịch UBND huyện Phú Lộc trả lời PV về việc ông cùng vợ mình được cấp đất rừng ven biển thôn Cảnh Dương.

Từ năm 1975 - 1986, những lô đất rừng ven biển thôn Cảnh Dương nói trên giữ chức năng là rừng phòng hộ. Lúc này chính quyền phát động trồng rừng dương trên khu đất này, từ năm 1986 - 1995 thì giao cho Hợp tác xã Bình Dương (xã Lộc Vĩnh) quản lý.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian mà Hợp tác xã Bình Dương quản lý, đã xảy ra một số trận bão khiến rừng dương bị gãy, một số người dân địa phương đến chặt phá rừng dương để lấy củi làm chất đốt nên hợp tác xã không quản lý được.

Trước thực trạng đó, năm 1995, Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc tham mưu UBND huyện thu hồi lại khu đất rừng để giao cho một số hộ dân và công đoàn một số cơ quan trồng và bảo vệ, chăm sóc rừng. Trong đó có Công đoàn Văn phòng UBND huyện Phú Lộc.

Cũng theo ông Cầu, sau khi được giao đất rừng, Công đoàn Văn phòng UBND huyện Phú Lộc tiến hành chia lô, phân thửa rồi làm thủ tục giao cho 15 đoàn viên. Mỗi đoàn viên được giao bình quân 1.600m2, sau đó Công đoàn đã đóng góp tiền để mua cây dương về trồng và chăm sóc rừng.

Đối với trường hợp bà Lê Thị Kim vợ ông Cầu cũng được cấp đất, thì ông Cầu nói rằng vợ ông vào công tác tại UBND huyện từ năm 1986, khi đó đang là nhân viên tiếp khách của Văn phòng Ủy ban và cũng là đoàn viên của Công đoàn nên việc được cấp đất là đúng pháp luật.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết thêm, hiện 15 lô đất rừng này đang được quản lý dưới diện đất rừng sản xuất, còn theo quy hoạch Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thì diện tích này là khu đất thương mại, dịch vụ.

Trước câu hỏi tại sao ông Truyền là người đã khai hoang, canh tác và gắn bó hàng chục năm trên khu đất đó và nhiều lần viết đơn xin được cấp đất nhưng bị từ chối thì ông Cầu cho rằng, đơn thư của ông Truyền là không có cơ sở. Vì khu vực đất mà ông Truyền khai hoang chưa bao giờ bị hoang hóa, nên việc nói ông truyền vào khai hoang là không đúng, thật chất việc ông Truyền trồng dương và trồng tre nhằm để lấn chiếm đất rừng thôi. Nên khi thu hồi thì chia cho người khác để họ trồng rừng.

Về vấn đề giao đất rừng cho các cá nhân năm 1995 nhằm mục đích gì, và những cá nhân được cấp đất có tiến hành trồng rừng và chăm sóc hay không? ông Cầu lý giải, việc giao đất cho các cá nhân để nhằm bảo vệ và chăm sóc rừng. Sau khi được cấp đất chúng tôi thỉnh thoảng vào trồng cây, chứ cán bộ đâu phải ăn, ở trong đó để trồng rừng đâu mà người dân biết được.

Tuy nhiên ông Phan Ngọc Như, từng là Trưởng thôn Cảnh Dương khẳng định, từ năm 1993 chỉ có ông Truyền là người "khai hoang", trồng trọt chăn nuôi trên mảnh đất này. Ngoài ra nhiều hộ dân sống cạnh đó như ông Lê Công Túc, Hoàng Văn Sinh, Nguyễn Văn Chương, Lê Công Lành... cũng xác nhận chuyện này.

Quay trở lại phản ánh của ông Huỳnh Đăng Truyền, năm 1995 ông đã viết đơn xin được cấp GCNQSD đất nhưng bị UBND xã Lộc Vĩnh từ chối với lý do đây là đất rừng do xã quản lý. Trong khi đó quyết định giao đất cho các cá nhân đã ban hành từ 1995, để rồi trong thời gian gần đây ông lại tiếp tục viết đơn xin cấp đất thì “tá hỏa” trước thông tin đất này đã cấp cho người khác, phải chăng UBND xã Lộc Vĩnh có sự tắc trách hay “khó” trong việc giải quyết đơn thư của ông Truyền? Vị phó Chủ tịch huyện Phú Lộc cho rằng, vấn đề mà xã Lộc Vĩnh trả lời đơn thư của ông Truyền như vậy là do xã thiếu chính xác, chắc vì trải qua nhiều thời Chủ tịch nên sự việc họ chưa được rõ ràng.

Ở một khía cạnh khác, khi PV xin được tiếp cận các hồ sơ thủ tục xin cấp đất của riêng cá nhân ông Hồ Trọng Cầu thì ông không cung cấp được đơn xin cấp đất. Lý giải vấn đề này, ông nói rằng khi UBND huyện có quyết định thu hồi đất giao đất cho Công đoàn thì mỗi cá nhân đã làm đơn xin và Hạt kiểm lâm nắm giữ, vì lâu quá đến nay vẫn chưa tìm ra.

Ngoài ra, việc đất rừng phòng hộ lại chuyển sang thành rừng sản xuất thì vị lãnh đạo này cho biết, căn cứ theo Quyết định 1501 ngày 2/7/2007 và Quyết định số 1347 ngày 23/7/2010, cứ 3 đến 5 thì UBND tỉnh lại rà roát một lần, xác định khu vực đất được nêu trên không còn mang tính xung yếu, hơn nữa tạo điều kiện cho việc quy hoạch Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, nên đã chuyển đổi từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất từ năm 2007.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Bạn đang đọc bài viết Vụ đất rừng được cấp cho cán bộ: Lãnh đạo huyện nói “không sai”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.