Thứ sáu, 29/03/2024 01:41 (GMT+7)

Châu Á trả giá đắt vì ô nhiễm môi trường

MTĐT -  Chủ nhật, 15/07/2018 16:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cùng với quá trình phát triển kinh tế nhiều quốc gia châu Á phải trả giá đắt vì ô nhiễm môi trường. Trong đó có thể kể đến các nước như Ấn Độ, Trung Quốc hay như Indonsia… và thậm chí là Việt Nam.

Ấn Độ

Theo số liệu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 2/5 vừa qua cho thấy 2 thành phố New Delhi và Varanasi nằm trong số 14 thành phố của Ấn Độ có mức độ ô nhiễm cao nhất thế giới xét về lượng hạt bụi PM2.5 trong năm 2016. Những thành phố này nằm trong danh sách 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới do WHO xếp loại.

Những thành phố còn lại của Ấn Độ có mật độ hạt bụi PM2.5 rất cao có thể kể đến là Kanpur, Faridabad, Gaya, Patna, Agra, Muzaffarpur, Srinagar, Gurgaon, Jaipur, Patiala và Jodhpur.

Việc các phương tiện cá nhân tăng chóng mặt đã khiến thủ đô New Delhi của Ấn Độ ngày càng ô nhiễm trầm trọng. 

Nền kinh tế Ấn Độ đạt tốc độ tăng trưởng cao trong 20 năm qua, song mức ô nhiễm tại nước này tăng đột biến, chủ yếu do đốt than để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Mức độ ô nhiễm của Ấn Độ và nước láng giềng Bangladesh tăng nhanh nhất kể từ năm 2010 và hiện hai nước này có nồng độ PM2,5 cao nhất trên thế giới.

Tháng 11/2016, nhà chức trách Ấn Độ đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp y tế tại thủ đô New Delhi khi nồng độ PM2,5 lên đến mức nguy hiểm. Nhiều trường học và nhà máy nhiệt điện trong và gần New Delhi đã được lệnh đóng cửa, trong khi chính phủ nỗ lực khắc phục tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng này.

Tình trạng ô nhiễm không khí tại New Delhi ngày càng tồi tệ mặc dù Chính phủ Ấn Độ đã tích cực triển khai nhiều biện pháp để giảm ô nhiễm môi trường. Tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ cho dừng đăng ký phương tiện chạy diezel dung tích từ 2.000cc trở lên, triển khai nhiều chiến dịch tuyên truyền bảo vệ môi trường, thí điểm áp dụng chạy xe theo biển số chẵn-lẻ...

Biện pháp gần đây nhất là thử nghiệm súng chống khói bụi với khả năng bắn các giọt nước nhỏ lên đến độ cao 50m để dính các chất ô nhiễm và đưa chúng xuống mặt đất và sử dụng các xe cứu hỏa và xe phun nước đi rửa bụi trên cây nhưng tình trạng ô nhiễm tại đây vẫn ở mức nghiêm trọng.

Việc chỉ chăm lo cho sự phát triển kinh tế mà bỏ mặc môi trường cùng với việc thiếu vắng một hệ thống giao thông công cộng hiệu quả đã dẫn tới bùng nổ số lượng các phương tiện giao thông cá nhân ở Ấn Độ, nhất là ở thủ đô New Delhi.

Thành phố có 9 triệu xe cộ, với 1.400 ôtô mới được đăng ký mỗi ngày. Tiêu chuẩn nhiên liệu của Ấn Độ tụt hậu gần 10 năm so với châu Âu cùng với giá xăng dầu thấp càng khuyến khích việc lưu thông bằng xe riêng là một trong những nguyên nhân khiến Ấn Độ trở thành một quốc gia ô nhiêm bậc nhất thế giới.

Trung Quốc

Cuộc khủng hoảng môi trường của Trung Quốc là một trong thách thức lớn nhất xuất phát từ nền công nghiệp hóa nhanh chóng của đất nước này. Trung Quốc là quốc gia có lượng khí thải carbon lớn nhất thế giới. Trung Quốc có tới 16 trong 20 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới.

Tuổi thọ trung bình của người dân ở miền Bắc Trung Quốc đã giảm đi 5,5 năm do môi trường bị ô nhiễm. Theo Ngân hàng Thế giới, suy thoái môi trường ở Trung Quốc đã làm suy giảm đi 9% tổng thu nhập quốc gia năm 2008, đồng nghĩa với việc làm giảm sự phát triển của đất nước và hình ảnh Trung Quốc trong mắt bạn bè quốc tế.

Cú nhảy vọt của nền kinh tế Trung Quốc kéo theo sự tàn phá tài nguyên đất nước- đây chính là gốc rễ của cuộc khủng hoảng môi trường ở nước này kéo dài trong nhiều năm qua.

Trung Quốc đã và đang trả giá đắt vì ô nhiễm môi trường. 

Công cuộc hiện đại hóa của Trung Quốc đã đưa hàng trăm triệu người dân thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cũng tỷ lệ thuận với tốc độ tàn phá môi trường lớn hơn nhiều so với bất kỳ quốc gia nào khác.

Mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc đã tăng lên khoảng 130% trong giai đoạn 2000-2010. Tháng 1/2013, Bắc Kinh đối mặt với hiện tượng khói bụi nhiều ngày.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nồng độ khí độc hại trong lớp sương khói bao phủ Bắc Kinh đã vượt xa mức trong giới hạn an toàn. Cuối năm đó, ô nhiễm đã khiến tầm nhìn ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang giảm xuống dưới 50m.

Than đá là thủ phạm chính khiến chất lượng không khí xuống thấp. Trung Quốc là nước sản xuất than lớn nhất thế giới và chiếm gần một nửa số lượng than tiêu thụ trên toàn cầu. Than đá cũng là nguồn gốc của khí thải sulfur dioxide.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cạn kiệt nước và tài nguyên khoáng sản mới là mối đe dọa lớn nhất của đất nước này. Sử dụng quá mức tài nguyên đã khiến ngành sản xuất bị thiếu hụt nghiêm trọng; khoảng 2/3 các thành phố của Trung Quốc không có đủ nước sạch để dùng. Các nguồn nước lớn của Trung Quốc cũng đã bị ô nhiễm vì chất thải không được kiểm soát chặt chẽ trước khi đổ ra sông suối; trong năm 2005, một nhà máy bị nổ đã làm rò rỉ 100 tấn hóa chất độc hại vào sông Tùng Hoa.s

Việc loại bỏ chất thải và xử lý chưa thích hợp đã làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm môi trường. Gần 90% lượng nước ngầm ở các thành phố và 70% của các con sông và hồ của Trung Quốc hiện đang bị ô nhiễm.

Theo Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc ước tính chi phí chung cho ô nhiễm môi trường ở mức khoảng 1.500 tỷ Nhân dân tệ (chiếm khoảng 3,5% GDP của đất nước) theo số liệu năm 2010.

Khủng hoảng môi trường khiến Trung Quốc phải trả giá đắt. Bên cạnh thiệt hại lớn về kinh tế mà cuộc khủng hoảng này mang lại, Trung Quốc phải chịu thiệt hại về con người. 

Ô nhiễm không khí cũng đã khiến 1,2 triệu người dân Trung Quốc chết sớm trong năm 2010.

Philipines

Cũng như Trung Quốc, Philipines cũng phải đối mặt với những thách thức từ ô nhiễm môi trường không khí tại các TP lớn, trong đó có Thủ đô Manila.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ô nhiễm không khí tại Philipines là do khí thải, khói bụi từ các phương tiện giao thông; chiếm 80% nguồn thải gây ô nhiễm không khí. Cuộc sống của hàng triệu người dân Philipines bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí.

Philipines ô nhiễm do khí thải, khói bụi từ các phương tiện giao thông. 

Để cải thiện chất lượng môi trường không khí, Chính phủ Philipines cũng đưa ra nhiều giải pháp như ban hành Luật Không khí sạch vào năm 1999; áp dụng các chương trình thay thế các loại xe có động cơ bằng các loại xe không có động cơ, xe sử dụng nhiên liệu sạch. Trong đó, việc ban hành Luật Không khí sạch được xem là giải pháp tương đối hữu hiệu để hạn chế sự gia tăng ô nhiễm không khí ở Philipines.

Đạo Luật này tập trung chủ yếu vào công tác phòng chống ô nhiễm chứ không phải kiểm soát ô nhiễm như bộ luật của các nước thông qua việc khuyến khích hợp tác và kêu gọi sự tự nguyện tham gia BVMT của các công dân và các ngành công nghiệp. Đồng thời, Luật cũng thực thi một hệ thống trách nhiệm giải trình đối với Chính phủ về các tác động xấu đến môi trường, thúc đẩy việc tuân thủ nghiêm minh các quy định môi trường.

Luật nhấn mạnh đến việc cần thiết phải tăng cường quan hệ đối tác và phối hợp hành động phòng chống ô nhiễm không khi giữa các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội trong lĩnh vực giao thông vận tải và công nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Châu Á trả giá đắt vì ô nhiễm môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.