Trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, hình ảnh các nạn nhân cố gắng chạy thoát khỏi những tòa nhà cao tầng ở Sulaimaniyah, miền Bắc Iraq trong khi nhiều công trình kiên cố ở thị trấn Darbandikhan lân cận giờ cũng chỉ còn là những đống đổ nát.

Một nạn nhân trận động đất được điều trị tại bệnh viện ở Sulaimaniyah ngày 12/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới chức tỉnh Kermanshah (Iran) đang khẩn trương thiết lập 3 trại cứu hộ khẩn cấp trong khu vực trong khi Hội Chữ thập đỏ cũng đã cử 30 đội tình nguyện tới hiện trường. Công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn do động đất dẫn tới sạt lở đất khiến nhiều ngả đường dẫn tới khu vực chịu ảnh hưởng bị chặn. Các thị trấn Qasr-e Shirin ở Kermanshah và Azgaleh là những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Phía Iraq hiện vẫn chưa xác nhận số người thiệt mạng cụ thể sau khi cho biết có khoảng 6 người thiệt mạng và 150 người bị thương tại tỉnh Sulaimaniyah. Cư dân tại đây đã phải đổ ra đường đề phòng dư chấn gây sập đổ nhà cửa. Trong khi đó, tại Đông Nam Thổ Nhĩ kỳ, người dân cũng cảm nhận được các trận rung lắc. Các cư dân của thị trấn Diyarbakir đã bắt đầu sơ tán.

Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), trận động đất mạnh 7,3 độ Richter xảy ra vào 21h18' ngày 12/11 (giờ địa phương, tức 1h18' sáng 13/11 theo giờ Việt Nam) với tâm chấn ở độ sâu 25 km, cách thị trấn Halabja, miền Đông Iraq, gần biên giới phía Đông Bắc Iran, 30 km.

Iran nằm trên nền địa chất bất ổn, thường xuyên xảy ra động đất. Hồi năm 1990, một trận động đất mạnh 7,4 độ Richter cũng đã xảy ra gần biển Caspi, miền Bắc Iran khiến 40.000 người thiệt mạng và khoảng 300.000 người bị thương trong khi gần 500.000 người mất nhà cửa. Chỉ trong vòng vài giây, trận động đất đã khiến hàng chục thị trấn và gần 2.000 làng mạc bị san phẳng.

Đến năm 2003, một trận động đất thảm khốc khác ở thành phố Bam, miền Đông Nam Iran cũng đã cướp đi 31.000 sinh mạng, san phẳng gần như toàn bộ thành phố. Kể từ đó, Iran trải qua thêm ít nhất 2 trận động đất khác vào năm 2005 và 2012 khiến hãng trăm người thiệt mạng.

Theo báo tin tức