Thứ năm, 28/03/2024 21:55 (GMT+7)

Thiên tai bao trùm châu Á, từ nắng nóng chết người đến lũ dữ tàn phá

MTĐT -  Thứ ba, 24/07/2018 15:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí là Việt Nam đang phải trải qua mùa hè đầy khắc nghiệt khi đối mặt với hàng loạt thảm họa thời tiết gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Nơi nắng nóng chết người

Tại Đông Bắc Á, Nhật Bản không phải là nước duy nhất đang trải qua đợt nắng nóng. Hàn Quốc cũng đang có mức nhiệt cao kỷ lục, trong khi nắng nóng cũng đang bao trùm các nước Bắc Âu và Mỹ, gây hạn hán và các hậu quả khác.

Ngày 23/7 tại Hàn Quốc, nhiệt độ ban ngày lên tới 39.9 độ C ở tỉnh Bắc Gyeongsang, và 35,7 độ C ở thủ đô Seoul. Vào ban đêm, nhiệt độ xuống thấp nhất tại Seoul cũng đã 29,2 độ C. Truyền thông Hàn Quốc đưa tin, một số đoạn đường ray nóng đến hơn 60 độ C nên tốc độ chạy tàu bị hạn chế dưới 70 kilômét/giờ, nhằm đảm bảo an toàn.

Dẫn nguồn tin từ Chosun Ilbo, Zing đưa tin, nắng nóng đã khiến 5 người thiệt mạng trong tuần trước. Khoảng 240 người đã phải nhập viện do các bệnh lý liên quan tới thời tiết trong các ngày 15-17/7.

Nắng nóng kỷ lục ở Hà Quốc. Ảnh: Korea Times.

Theo Korea Herald, nhiệt độ sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao bất thường trong tuần này. Một số nơi nhiệt độ có thể lên tới 37 độ như Daegu, Incheon, Seoul và Suwon. Nhà chức trách cho biết đây là đợt nắng nóng kỷ lục tính từ năm 1907.

Trong khi đó, tại Nhật Bản, đất nước vừa trải qua một trận lũ lịch sử khiến hàng trăm người thiệt mạng đã phải đương đầu ngay với đợt nắng nóng lịch sử với nhiệt độ cao bất thường kéo dài nhiều ngày khiến 44 người thiệt mạng và hàng chục nghìn người phải nhập viện.

Các cơ quan chức năng Nhật Bản cho biết nhiệt độ tại thành phố Kumagaya, tỉnh Saitama đã lên tới 41,1 độ C, mức cao nhất từng được ghi nhận ở nước này và cao hơn gần 12 độ so với thời điểm này trong năm, theo CNN.

Ba trong số bốn đảo chính của Nhật là Honshu, Shikoku và Kyushu trong những ngày qua đều hứng chịu đợt nắng nóng với mức nhiệt trên 35 độ C, riêng tại thủ đô Tokyo hôm nay là 38 độ C. Hokkaido là hòn đảo duy nhất trong số 4 đảo chính của Nhật không phải chịu cái nóng như thiêu đốt.

Tại Nhật Bản, số người chết vì nắng nóng đã lên tới 44 người. Ảnh: Reuters.

Thời tiết nắng lên còn ảnh hưởng ở những vùng hàn đới. Các trạm ở phía bắc bán đảo Scandinavia vừa qua chịu nóng lên đến 32 độ C một cách bất thường. Ở Bắc Mỹ cũng có những trải nghiệm tương tự. Đầu tháng 7, Canada ghi nhận nhiệt độ lên đến 36,6 độ C và nóng bức được coi là nguyên nhân khiến 70 người tử vong ở Quebec. Ở Mỹ, nắng nóng ảnh hưởng lên tất cả các bang và riêng tại Dallas ghi nhận nhiệt độ cao trên 40 độ C. Lúc này, người ta thực sự lo ngại nắng nóng sẽ đẩy nhanh việc tan băng ở Bắc cực.

Theo VOV, Thụy Điển có mức nhiệt trên 30 độ C trong 1 tuần qua, cao hơn 10oC so với mức trung bình của tháng 7 hàng năm. Nhiệt độ cao đã gây hạn hán nghiêm trọng và cháy rừng. Chính phủ Thụy Điển đề nghị Pháp, Đức và một số nước hỗ trợ lực lượng cứu hỏa để dập tắt cháy rừng.

Trong khi đó tại Mỹ, nhiều vùng ở phía Tây và phía Nam nước này tiếp tục nắng nóng dữ dội. Hôm 8/ 7, nhiệt độ tại Thung lũng Chết, bang California lên tới 52 độ C. Một số địa phương Mỹ đã dựng nhà tạm để cho người dân không có máy điều hòa đến ở vì đã có một số trường hợp tử vong do say nắng.

Đến nơi bão lũ tàn phá

Tại Trung Quốc, sáng 23/7, do ảnh hưởng từ bão Ampil tại Bắc Kinh, Thiên Tân và tỉnh Hồ Bắc đã có mưa to. Chính quyền Bắc Kinh phát lệnh cảnh báo màu xanh, mức cảnh báo thấp nhất trong 4 thang cảnh báo về thời tiết và kêu gọi người dân đề phòng lở đất tại khu vực miền núi.

Từ chiều 22/7, bão Ampil cũng đã đổ bộ vào Thượng Hải gây mưa lớn, ảnh hưởng tới vận chuyển đường không và đường biển. Bão Ampil có sức gió lên đến 100 km/h, mang theo mưa lớn làm đình trệ giao thông tại Thượng Hải và các tỉnh lân cận. Các sân bay thành phố đã hủy hơn 500 chuyến bay nội địa và quốc tế ngày 22/7.

Trước đó, chính quyền thành phố Thượng Hải đã hoàn tất công tác sơ tán và bố trí nơi ở tạm thời cho hơn 190.000 người dân ở khu vực phía Đông thành phố tránh bão Ampil.

Trong khi đó, tại tỉnh Chiết Giang và Giang Tô, hơn 42.500 người đã đi sơ tán, hơn 28.000 tàu thuyền các loại đã trở về cảng tránh bão. Trong thời gian gần đây, mưa bão đã gây ra lũ lụt tàn phá khắp Trung Quốc, phá hỏng cầu, phong tỏa đường bộ và đường sắt, buộc hàng ngàn người phải đi sơ tán. Riêng ở tỉnh Cam Túc, trong tuần qua đã có 12 người thiệt mạng và 39 người bị thương do mưa lớn xối xả và lũ quét.

Tại Philippines, mưa to từ tuần trước đến nay đã làm ít nhất 5 người thiệt mạng và ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 700.000 người. Theo Hội đồng Quản lý và Giảm nhẹ rủi ro thảm họa thiên tai quốc gia (NDRRMC) của Philippines, nguyên nhân gây ra các trường hợp thiệt mạng là lở đất và chết đuối. Theo cơ quan trên, mưa to đã khiến 158.509 hộ gia đình, tương đương 728.003 người ở 585 ngôi làng tại khu vực thủ đô (NCR) và vài tỉnh trên đảo chính Luzon, trong đó có khu vực Ilocos, Pampanga, Bataan và một số tỉnh ở miền Trung nước này phải đi sơ tán. Trong những tuần gần đây, đã có 3 cơn bão liên tiếp đổ bộ vào Philippines. Mùa mưa tại Philippines thường diễn ra từ tháng 7 đến tháng 10.

Tại Việt Nam, mưa lũ sau bão số 3 đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề, trong đó Yên Bái là địa phương bị thiệt hại nhiều nhất. Ảnh: Tiền Phong.

Tại Việt Nam, bão Sơn Tinh ảnh hưởng đã gây mưa lớn trên diện rộng và lũ quét tại nhiều địa phương phía Bắc. Theo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) tính đến chiều 23/7 mưa lũ sau bão số 3 đã làm 28 người chết và 11 người mất tích.

Yên Bái là địa phương chịu nhiều thiệt hại nặng nề nhất. Theo VOV, Văn Chấn và Mù Cang Chải là 2 huyện bị ảnh hưởng nặng nề nhất, toàn tỉnh Yên Bái 13 người chết, còn 5 người mất tích, 18 người bị thương do mưa lũ, sạt lở đất.

Trên địa bàn tỉnh có 1.500 nhà bị thiệt hại, trong đó gần 1.000 nhà phải di dời người và tài sản để đảm bảo an toàn. Diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại là hơn 2.500 ha, hơn 400 công trình đường xá, hạ tầng, cầu cống bị hư hỏng, sập, trôi… Ước tính tổng thiệt hại về kinh tế trên 270 tỷ đồng.

 P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Thiên tai bao trùm châu Á, từ nắng nóng chết người đến lũ dữ tàn phá. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.