Thứ năm, 28/03/2024 22:08 (GMT+7)

Tin tức thế giới mới nhất tuần qua (29/10 – 04/11)

MTĐT -  Thứ hai, 05/11/2018 09:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bà Merkel chuẩn bị rút lui khỏi chính trường Đức, Mỹ-Trung lạc quan về thương mại song phương... là một số tin tức thế giới trong tuần qua.

Merkel chuẩn bị rút lui, Liên minh Châu Âu có bị ảnh hưởng?

Sau cuộc bầu cử tại bang Hessen hôm Chủ Nhật, với kết quả cho thấy đại liên minh cầm quyền bị suy yếu thêm, ngay sau khi có kết quả bầu cử, ngày 29/10/2018, bà Merkel đã tuyên bố nhiệm kỳ Thủ tướng của bà sẽ là nhiệm kỳ cuối cùng, đồng thời thông báo bà sẽ không ra tái tranh cử chức Chủ tịch Đảng Dân Chủ - Thiên Chúa giáo CDU. Ngoài việc sẽ dần dần rút lui khỏi sân khấu chính trị nước Đức, Thủ tướng Merkel còn nói rõ là bà sẽ không tranh bất cứ chức vụ nào trong các định chế của Liên hiệp Châu Âu.

 Việc thủ tướng Đức rút dần khỏi sân khấu chính trị sẽ ảnh hưởng đến các cuộc họp quan trọng sắp tới của Liên hiệp Châu Âu, nhất là cuộc họp thượng đỉnh tháng 12 bàn về vấn đề di dân và cải tổ khu vực đồng euro, hai sự kiện đang gây chia rẽ các quốc gia thành viên Liên hiệp Châu Âu. Nhà phân tích Julian Rappolt của European Policy Center (Trung tâm Chính sách Châu Âu) cảnh báo là có nguy cơ Liên Hiệp Châu Âu bị tê liệt và rất có thể là từ đây đến bầu cử Nghị viện Châu Âu, sẽ chẳng có gì xảy ra.

 Tuy nhiên, Ủy Ban Châu Âu lại không đồng ý với những dự báo bi quan nói trên. Một quan chức( được giấu tên), nói với hãng tin AFP rằng, quyết định của bà Merkel đã được chờ đợi từ lâu và sẽ chẳng có gì thay đổi. Một lãnh đạo của German Marshall Fund (Quỹ Marshall Đức), bà Sudha David-Wilp, cũng không nghĩ rằng Liên Hiệp Châu Âu sẽ gặp hỗn loạn và bất ổn, vì sự rút lui của thủ tướng Merkel sẽ diễn ra từng bước.

Kết quả bầu cử tại Brazil đảng cực hữu (PSL)thắng lợi

Jair Bolsonaro, một cựu sĩ quan quân đội, ứng viên của Đảng cực hữu Xã hội Tự do (Partido Social Liberal, PSL), đã trở thành tân Tổng thống của Brazil, sau khi giành được 55,13% số phiếu tại vòng hai bầu cử Tổng thống ngày 28/10/2018, vượt qua ứng viên cánh tả Fernando Haddad (44,87%).

Những vụ tai tiếng tham nhũng trong chính quyền tiền nhiệm cánh tả đã giúp ông Bolsonaro củng cố uy tín. Đối thủ Fernando Haddad, thuộc Đảng Lao Động, dù tỏ ra giữ khoảng cách với tổng thống Lula lừng lẫy một thời, và có những hứa hẹn hướng đến cử người dân, nhưng vẫn không thuyết phục được số cử tri không còn mặn mà với Đảng Lao động. Ngoài ra, ông Fernando Haddad đã không tập hợp được sự ủng hộ của Đảng Dân chủ Lao Động của ông Ciro Gomes, ứng viên thứ ba trong cuộc bầu cử Tổng thống Brazil.

Chiến thắng của ông Bolsonaro đã đưa quân đội trở lại sân khấu chính trị, một số tướng lĩnh về hưu có thể sẽ được bổ nhiệm làm bộ trưởng và cố vấn thân cận của tổng thống.

 Các nhà đầu tư đã chào mừng thắng lợi của ông Bolsonaro, khiến cho chỉ số chứng khoán Brazil lên mức cao chưa từng thấy. Ông Bolsonaro cũng cam kết nhanh chóng thu hẹp thâm hụt ngân sách ngày càng tăng cao của Brazil và đẩy mạnh tư nhân hóa các Ông Bolsonaro, tân Tổng thống của Brazil (ảnh Reuters)  công ty nhà nước.

Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Trung Quốc đã gửi điện chúc mừng đến Tân tổng thống Brazil. Ông Bolsonaro cũng lên kế hoạch công du Hoa Kỳ và Chi Lê sau đắc cử.

Một vài báo chí phương Tây cũng đã đăng tải những lời cáo buộc Bolsonaro là một người “phân biệt chủng tộc; kì thị người đồng tính ; kì thị phụ nữ và theo khuynh hướng bảo thủ Cơ Đốc giáo”.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu địa-chính trị Alexandre del Valle, khi trả lời trang Atlantico (26/10/2018), nhấn mạnh một điểm ít được báo chí phương Tây nhắc đến là phần lớn trong số 30 đảng chính trị Brazil, giới kinh doanh, thị trường chứng khoán, nhiều cầu thủ nổi tiếng như Ronaldinho, Cafu, Rivaldo, Lucas, hoặc ngay cả các nhà thờ Tin lành Phúc âm đầy quyền lực và các thẩm phán, đều đồng loạt bác Đảng Lao Động và giúp dân biểu Jair Bolsonaro thắng cử.

Mỹ -Trung lạc quan về thương mại song phương

Lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày 1/11 cùng bày tỏ lạc quan về việc giải quyết cuộc tranh chấp thương mại trước khi đôi bên gặp nhau bên lề cuộc họp tại Argentina cuối tháng này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1/11 nói rằng các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc ‘đang diễn ra tốt đẹp’ và ông có kế hoạch gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G-20 sắp tới sau khi cả hai ông có cuộc điện đàm ‘rất tốt’.

Chủ tịch Tập Cận Bình nói ông hy vọng đôi bên có thể phát huy quan hệ lành mạnh vững chãi và rằng ông sẵn lòng gặp ông Trump tại Argentina. Sau cuộc điện đàm giữa ông Tập với ông Trump, truyền thông Trung Quốc dẫn lời Chủ tịch Tập nói rằng đôi bên đều hy vọng mở rộng hợp tác thương mại song phương.

 Trước đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói với một nhóm các chính trị gia Mỹ đến thăm rằng Mỹ và Trung Quốc có thể vượt qua khác biệt và đưa quan hệ song phương trở lại quỹ đạo nếu hai bên làm việc cùng nhau trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Donal Trum. Ảnh AP.

Liên hiệp quốc thất vọng vì Áo và Hung rút khỏi thỏa thuận toàn cầu về di trú

Quyết định của Áo và Hungary quay lưng lại với một thỏa thuận của Liên hiệp quốc về quản lý di trú trên thế giới là một điều "kỳ lạ" và "sai lầm". Bà Louise Arbor, đại diện đặc biệt Liên hiệp quốc về Di dân Quốc tế, đã phê phán khi trả lời hãng tin Anh Reuters vào hôm  31/10/2018.

Quan chức cao cấp Liên hiệp quốc đã phản ứng ít lâu sau khi chính quyền cánh hữu tại Áo cho biết sẽ rút ra khỏi Thỏa thuận Toàn cầu về Di trú An toàn, Trật tự và Hợp lệ (The Global Compact For Safe, Orderly and Regular Migration), vừa được 193 quốc gia thành viên Liên hiệp quốc tán đồng vào tháng Bảy vừa qua.

Tại châu Âu, Áo đã quyết định đi theo Hungary, nước láng giềng đã rời bỏ thỏa thuận vào tháng Bảy. Nối gót Áo có thể sẽ là Ba Lan, cũng đang cân nhắc khả năng này (Theo Reuters).

Reuters đã dẫn lời Thủ tướng Áo Sebastian Kurz, cho biết là Vienna sẽ không tham gia thỏa thuận của Liên hiệp quốc, vì sự "nhập nhằng" giữa di cư hợp pháp và bất hợp pháp, và sẽ không ký kết các thỏa thuận về quyền hạn của người nhập cư và dân tị nạn, dự kiến sẽ được thông qua tại Hội nghị Liên Hiệp quốc vào tháng 12 tới tại Marrakech (Maroc).

Trước đó, năm 2017, Hoa Kỳ đã rút ra khỏi thỏa thuận này viện dẫn lý do "không phù hợp" với chính sách của Mỹ.

    

Cảnh sát phong tỏa biên giới Bosnia và Croatia, ngăn chặn di dân vượt biên sang Croatia, ngày 24/10/2018.Ảnh: Reuters/Marko Djurica.

Làn sóng di cư từ Trung Mỹ tới Hoa Kỳ

Do những khó khăn về kinh tế, hàng ngàn di dân chủ yếu là người Honduras, đã tập trung ở khu vực biên giới giữa Guatemala và Mexicco để tìm đường tới Hoa Kỳ. Nhưng do những khó khăn trên đường và vấp phải những chướng ngại trên biên giới Mexico nên nhiều người đã phải quay trở về Honduras.

Theo gương những người Hoduras, cũng có khoảng 2.000 người El Salvador, cả người lớn và trẻ em đang trên đường tới Mỹ xin tị nạn, và cũng có khoảng 1000 người nữa sắp vượt biên giới El Salvador- Guatemala để tới Mỹ. Họ tìm cách băng qua cây cầu nối liền Guatemala với Mexico, nhưng nhà chức trách Mexico buộc họ phải trình passport và visa và phải đi vào từng tốp 50 người để được duyệt xét giấy tờ. Các di dân không có giấy tờ sợ bị trục xuất trở lại cố quốc nên đã lội sông, lội bộ vào lãnh thổ Mexico.

Mexico hiện đang lâm vào tình thế khó khăn chưa từng có trước nay, với các đoàn di dân trải dài trên 500km đường cao tốc thuộc các bang Chiapas và Oaxaca.Bộ Nội vụ Mexico cho biết có gàn ba ngàn người đã nộp đơn xin tỵ nạn nhưng cũng có hàng trăm người quay trở về nước.

Trong lúc đó, TT Trump hôm 31/10 tuyên bố có thể điều tới 15.000 quân tới biên giới để ngăn đoàn di dân này. Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ đang liên tục tiến hành các cuộc diễn tập để tăng cường bảo vệ biên giới Mỹ - Mexico. Tổng thống Donal Trum cũng cảnh báo Honduras, Guatemala và Mexico về hậu quả nếu họ không bằng mọi cách chặn đoàn người di cư lại.

Nato tập trận lớn ở Na Uy và phản ứng từ Nga

Cuộc tập trận Trident Juncture lớn nhất từ Chiến tranh Lạnh của khối Nato đã bắt đầu ở Na Uy, nước có biên giới với Liên bang Nga.

 Toàn bộ 29 nước thành viên Nato (Minh ước quân sự Bắc Đại Tây Dương) đều gửi quân tham gia tập trận. Cuộc diễn tập được tổ chức cách biên giới Na Uy - Nga vài trăm dặm nhưng Nato nói hoạt động quân sự này "không nhằm vào một nước nào cụ thể".

 Hiện có trên 50 nghìn quân Nato với 250 phi cơ, 65 tàu chiến và 10 nghìn xe đã tham gia cuộc tập trận ở Na Uy và một phần nhỏ hơn ở Phần Lan và Iceland.

Phát biểu tại Trondheim, ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký khối Nato nói phía Nga thông báo với Nato tuần trước rằng họ sẽ tập bắn hỏa tiễn ở vùng biển quốc tế gần More og Romsdal.

Nga đã tuyên bố sẽ tổ chức bắn thử hỏa tiễn từ chiến hạm ngay ngoài khơi bờ biển Na Uy từ thứ 5 đến thứ 7 tuần này và đã gọi cuộc tập trận của Nato là "chống lại Nga" và cho rằng tính chất của hoạt động này không mang tính phòng vệ như Nato nói.

  Cuộc tập trận Trident Juncture lớn nhất từ Chiến tranh Lạnh. Ảnh Jonathan Nackstrand.

Washington và Paris kêu gọi Ảrập Xê Út ngưng cuộc chiến ở Yemen

 Trong một thông cáo, ngoại trưởng Mỹ, nước cho tới nay vẫn ủng hộ liên quân Ả Rập do Ryiad đứng đầu và cũng là quốc gia cung cấp vũ khí chính cho Ả Rập Xê Út, nói rằng "đã đến lúc chấm dứt thù địch". Ông Mike Pompeo kêu gọi liên quân Ả Rập ngưng không kích các khu vực đông dân ở Yemen. Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng kêu gọi phe nổi dậy Houthi, vốn được Iran ủng hộ, ngưng phóng tên lửa nhắm vào Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis thúc giục các bên mở đàm phán hòa bình trong vòng từ nay tới 30 ngày nữa. Lãnh đạo Lầu Năm Góc cũng nói thêm là ông nghĩ rằng Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập thống Nhất đã sẵn sàng đàm phán.

Còn Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp, Florence Parly, hôm thứ ba phát biểu trên kênh truyền hình BFM-TV, đã thể hiện quan điểm khác với thái độ vốn rất thận trọng của Paris về cuộc khủng hoảng Yemen. Bà Parly cho rằng chiến dịch can thiệp quân sự của liên quân Ả Rập do Ryiad đứng đầu nhắm vào lực lượng Houthi là "không có lối thoát" và đã tới lúc phải dừng lại. Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp nhắc lại là cuộc chiến ở Yemen do Ả Rập Xê Út cầm đầu đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có.

Ngày 30/10/2018, nhiều nước phương Tây đã kêu gọi các bên ngưng các hành động thù địch và tiến hành đàm phán hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.

Theo một ước tính của tổ chức độc lập Acled, từ tháng 01/2016 đến tháng 09/2018, có tới 50.000 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến ở Yemen. Liên Hiệp Quốc thì nhận định hàng triệu người Yemen đang lâm vào một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất trên thế giới.

Trợ lý tổng thư ký Liên hiệp quốc phụ trách về hoạt động nhân đạo đánh giá « cuộc khủng hoảng lương thực, thực phẩm ở Yemen có liên quan trực tiếp tới xung đột ». 75% dân số Yemen - 22 triệu người - cần sự trợ giúp và bảo vệ. 8,4 triệu người thiếu ăn nghiêm trọng và cần được cứu trợ khẩn cấp.

Binh sĩ của chính phủ Yemen đi tuần tra ở Taiz, ngày 06/10/2018. Ảnh Reuters.

Mỹ, Nhật, Canada tập trận tại Thái Bình Dương

Nhật Bản và Mỹ đã huy động 57.000 thủy thủ, thủy quân lục chiến và binh sĩ không quân cho cuộc tập trận Keen Sword hai năm một lần, nhiều hơn 11.000 người so với năm 2016, với các cuộc diễn tập không chiến mô phỏng, đổ bộ thủy lục và phòng thủ phi đạn đạn đạo. Lực lượng 47.000 binh sĩ của Nhật Bản chiếm một phần năm lực lượng vũ trang của nước này.

Vào cuối tuần trước các chiến đấu cơ của Mỹ đã bay qua Tây Thái Bình Dương, trong khi hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan chạy bằng năng lượng hạt nhân đã gia nhập lực lượng với các khu trục hạm của Nhật Bản và một chiến hạm của Canada cho cuộc diễn tập sẵn sàng tác chiến lớn nhất từng được tổ chức tại Nhật Bản.

“Liên minh Mỹ-Nhật là thiết yếu cho sự ổn định trong khu vực này và vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn,” Chuẩn Đô đốc Hiroshi Egawa, chỉ huy các tàu của Nhật phát biểu trên tàu Reagan.

 Các quan sát viên Anh, Pháp, Úc và Hàn Quốc cũng sẽ quan sát cuộc diễn tập Keen Sword, khởi sự vào thứ Hai và kết thúc vào thứ Năm.

Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan tiến hành các cuộc thao dượt quân sự trong cuộc diễn tập Keen Sword cùng với lực lượng của Nhật Bản và Canada, ngày 3 tháng 11, 2018. Ảnh Reuters.

Trần Hưng

PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đưa tin từ Mỹ

(Biên tập theo các nguồn tin trong nước và quốc tế)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thế giới mới nhất tuần qua (29/10 – 04/11). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.