Thứ sáu, 29/03/2024 13:45 (GMT+7)

Tin tức thế giới nóng nhất tuần qua (Từ 10 - 16/12/2018)

MTĐT -  Thứ hai, 17/12/2018 15:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thế giới nóng nhất, tin tức tuần qua (từ 10/12- 16/12). Cập nhật tin tức thế giới nóng nhất tuần qua do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Pháp: Tổng thống Macron nhận lỗi, người biểu tình đã có dấu hiệu dịu hơn

Phát biểu tại Điện Elysee hôm 10/12, Tổng thống Pháp đã tìm cách xoa dịu những người biểu tình phong trào "Áo ghi-lê vàng" chống phá ở thủ đô Paris cuối những tuần qua. Theo đó, ông Macron tuyên bố sẽ tăng mức lương tối thiểu thêm 100 euro/ tháng, ngừng đánh thuế làm thêm ngoài giờ, khuyến khích chủ lao động trả cho nhân viên tiền thưởng miễn thuế và bỏ đánh thuế bổ sung lên phần lớn các loại tiền hưu trí.

Trong khi đó, ông Macron từ chối tái áp thuế lên giới nhà giàu vì cho rằng điều đó giúp tạo ra việc làm cho người lao động. Tổng thống Pháp nhấn mạnh: "Chính phủ sẽ có động thái cấp bách về kinh tế và xã hội bằng các biện pháp mạnh, giảm thuế nhanh hơn, kiểm soát chi tiêu công nhưng không thay đổi hoàn toàn chính sách đã đặt ra trước đó".

Bộ trưởng Pháp về ngân sách công Olivier Dussopt ước tính tổng chi phí của các biện pháp nhượng bộ vào khoảng 8 đến 10 tỉ euro.

Ông Macron cũng thừa nhận đường lối lãnh đạo của mình đã làm tổn thương người dân và nhận thấy sự phẫn nộ của họ là đúng, đồng thời chịu một phần trách nhiệm trong việc châm ngòi các cuộc biểu tình giận dữ. "Tôi không quên những gì từng cam kết trong thời gian ứng cử tổng thống. Tôi muốn thế hệ trẻ ở Pháp sống tốt hơn chúng ta" Ông nói.

Tuy nhiên ông cũng lên án những động thái bạo lực trong thời gian qua không có sự tức giận nào biện minh cho hành động tấn công cảnh sát hay cướp cửa hàng khi cho rằng những điều đó đều đe dọa sự tự do của Pháp.

Sau bài diễn văn nhượng bộ của Tổng thống Pháp hôm thứ Hai, trong công luận và một bộ phận đảng phái chính trị lên tiếng kêu gọi “ngưng chiến” để cứu “chiến binh Macron”(mượn ý của một cuốn phim Mỹ nổi tiếng về cuộc đổ bộ vào Normandie).

Một số các phương tiện truyền thông và dư luận đã giúp các biện pháp “chữa cháy” và lên án các hành động cực đoan. Nhà bình luận Serge Raffy cho rằng dù sai lầm tự cho mình là anh lính xung phong, dù sỉ nhục đại tướng tổng tham mưu trưởng, Macron vẫn là Tổng thống do dân bầu.

Ủng hộ Macron vì chủ nhân Điện Elysée là đại diện của Nhà nước thượng tôn pháp luật, là đại biểu của chế độ cộng hòa. Tuần báo cánh tả l’Obs cũng có cùng quan điểm, nêu đích danh bốn chính trị gia cực hữu, cực tả, xã hội (LePen, Mélenchon, Rufin và Hamon) thổi gió vào lửa nhằm tạo tính chất phiến loạn trong phong trào Áo Vàng tranh đấu chống bất công.

Những người "Áo Vàng" theo dõi phát biểu của tổng thống Emmanuel Macron qua truyên hình hôm  10/12/2018. Ảnh REUTERS.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bên lề hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp Châu Âu tại Bruxelles, đã gửi một thông điệp đến những người Áo Vàng, “Đất nước chúng ta cần ổn định, cần trật tự và cần trở lại các hoạt động bình thường”. Trên đường về nước, ông đã qua thành phố Strasbourg, miền đông nước Pháp để thăm hỏi và đặt hoa tưởng niệm người dân của thành phố vừa phải chịu một cuộc tấn công khủng bố hôm 13/12. Cử chỉ của tổng Thống Pháp đã được đám đông hết sức tán thưởng, trái hẳn với những phản ứng gay gắt mà ông phải chịu trong những ngày trước đây.

Thủ tướng Anh giành thắng lợi cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng Brexit còn lắm gian truân

Thủ tướng Anh Theresa May giành 200 phiếu trên tổng số 317 phiếu bầu tín nhiệm bà tiếp tục lãnh đạo đảng Bảo Thủ. Kết quả được đưa ra vào lúc 21: 00 GMT tối 12/12, trong tiếng reo hò và vỗ tay từ các Dân biểu đảng Bảo thủ khi chủ tịch đảng này là Sir Graham Brady công bố. Điều này có nghĩa là bà May sẽ không phải đối diện với bất cứ cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nào trong vòng một năm tới. Tuy nhiên có đến 117 nghị sỹ trong Đảng của bà nói rằng bà không còn là người lãnh đạo phù hợp để thực hiện quá trình nước Anh ly khai ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).

Brexit, sẽ đến hạn vào ngày 29/3 năm sau, đã rơi vào khủng hoảng do sự chống đối của các nghị sỹ trong Quốc hội đối với thỏa thuận ly khai mà bà đã đạt được với EU hồi tháng trước. Việc này đã mở ra các khả năng từ hoãn lại Brexit, ra đi trong hỗn loạn hay mở một cuộc trưng cầu dân ý mới về tư cách thành viên của EU. Trước đó, bà May đã phải hủy một cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội về thỏa thuận này, sau khi mọi việc có nguy cơ sẽ không hội đủ số phiếu cần thiết.

Ngay sau khi giành thắng lợi trước phe phản kháng trong nội bộ đảng bảo thủ, nữ thủ tướng Anh hôm 13/12/2018 đã đến Bruxelles dự hội nghị thượng đỉnh EU cuối cùng trong năm 2018 và nhằm tìm kiếm hậu thuẫn của các lãnh đạo Liên Âu. Trong gần 45 phút, bà đã trình bày với các đối tác châu Âu về những khó khăn bà gặp phải trong nước để thuyết phục các nghị sĩ Anh thông qua thỏa thuận mà bà đã đạt được và muốn có thêm nhượng bộ, hay ít ra là thêm bảo đảm, từ phía các đối tác châu Âu.

Tuy nhiên, sau đó, 27 lãnh đạo châu Âu đã ra một văn kiện gồm 5 điểm: Họ khẳng định rằng thỏa thuận Brexit không thể thay đổi. Về điểm gây tranh cãi nhất tại Anh Quốc là cơ chế Backstop, được thiết kế để tránh việc tái lập một đường biên giới thực tế giữa hai miền Nam và Bắc Ireland, Hội Đồng châu Âu nhấn mạnh rằng điều khoản đó chỉ có giá trị tạm thời. Chủ tịch Hội Đồng châu Âu, ông Donald Tusk, nêu bật là cơ chế đó chỉ là một đảm bảo, và ngay khi được áp dụng, Bruxelles sẽ nhanh chóng đàm phán với Luân Đôn về một thỏa thuận thương mại rộng rãi sẽ có tác dụng thay thế cơ chế Backstop đó.

Chưa biết là liệu các đảm bảo từ phía châu Âu có đủ sức thuyết phục đối với các nghị sĩ Anh  hay không, nhưng Ủy ban châu Âu đã chuẩn bị đối phó với tình huống xấu nhất. Ông Jean Claude Juncker, Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu, đã loan báo việc tăng cường các biện pháp đối phó với tình trạng No deal, tức là Anh Quốc ra đi mà không có thỏa thuận. Chỉ còn chưa tới bốn tháng nữa là nước Anh đến hạn rời khỏi EU vào ngày 29/3. Thỏa thuận Brexit của bà May đang có nguy cơ sụp đổ khiến cho các kịch bản đều có khả năng xảy ra từ việc ra đi hỗn loạn cho đến hủy bỏ luôn Brexit.

Tổng thống Anh, Theresa May vận động Thủ tướng Đức Angela Merkel tái đàm phán thỏa thuận Brexit tại Hội nghị thượng đỉnh EU cuối năm tại Bruxells. Ảnh AP.

Nga từ chối lời kêu gọi của Mỹ về phóng thích thủy thủ Ukraine

Điện Kremlin hôm 14/12 đã từ chối đáp ứng lời kêu gọi của Mỹ về việc trả tự do cho 24 thủy thủ và ba tàu chiến của Ukraine bị bắt từ hôm 25/11, khẳng định những người này không thể được ưu tiên trong hệ thống tư pháp Nga, theo Reuters.

Các thủy thủ trên hai tàu pháo cùng một tàu kéo của hải quân Ukraine bị cảnh sát biển Nga bắt hôm 25/11 với cáo buộc xâm phạm lãnh hải tại eo biển Kerch nối giữa Biển Đen và Biển Azov mà không báo trước lộ trình và không chấp hành yêu cầu của lực lượng chấp pháp. Ukraine phủ nhận cáo buộc và yêu cầu Nga thả tàu cùng các thủy thủ.

Mỹ hôm 13/12 cho biết cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ không thể diễn ra tới khi Nga thả ba tàu hải quân Ukraine và thủy thủ đoàn.

"Tất nhiên, việc thả người không thể thực hiện được vì nó vi phạm tiến trình pháp lý cũng như cuộc điều tra đang được tiến hành đối với hành động xâm phạm biên giới lãnh thổ Nga của những người này", ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin, nói trong cuộc họp, nhắc đến các thủy thủ Ukraine bị nước này bắt và đang chờ ngày ra tòa.

Ông Peskov cũng cho biết Điện Kremlin vẫn sẵn sàng tổ chức cuộc gặp trong tương lai giữa hai ông Putin và Trump, cũng như ở các cấp độ khác.

Ông nói: “Chúng tôi tin rằng cuộc họp này có mức độ cần thiết đối với Moscow không khác gì đối với Washington”.

Một trong ba tàu của Ukraine bị Nga bắt giữ. Ảnh AP.

Tổng thống Trump lo bị 'cô lập' bên trong Nhà Trắng

Tổng thống Trump vừa trải qua một tuần đầy biến động khi ông liên tục phải giải quyết những rắc rối liên quan tới vụ bê bối của cựu luật sư riêng Michael Cohen.

Hôm 13/12, ông Cohen bị kết án 3 năm tù với các tội danh bao gồm thực hiện khoản tiền dàn xếp với những người phụ nữ có bê bối tình ái với ông Trump, vi phạm luật chiến dịch bầu cử trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 và sai phạm tài chính.

Tại phòng xử án tòa án Manhattan, New York hồi đầu tuần, Cohen nói với Thẩm phán William Pauley rằng sự “trung thành mù quáng” đã khiến ông che đậy cho ông Trump. Trong cuộc phỏng vấn với ABC News hôm 14/12, Cohen tiếp tục khẳng định nhà lãnh đạo Mỹ biết rõ hành động mua sự im lặng 2 người phụ nữ là sai trái. 

Tổng thống Trump ngay sau đó đã lên tiếng phản biện, khẳng định cựu luật sư của mình đang nói dối để giảm nhẹ tội, nhấn mạnh không bao giờ chỉ đạo ông Cohen vi phạm luật pháp.

Nhưng theo Newsweek, các vấn đề pháp lý đã bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực tới Nhà Trắng. Hai người được Tổng thống Trump đề nghị trở thành Chánh Văn phòng Nhà Trắng đều từ chối công việc mà ông Trump khẳng định rằng tất cả mọi người đều mong muốn.

Nick Ayers, trợ lý Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã thẳng thừng khước từ lời đề nghị trong khi cựu Thống đốc bang New Jersey Chris Christie cũng tự loại mình ra khỏi danh sách ứng viên.

Các nhà lập pháp hàng đầu của đảng Cộng hòa cũng đang dần xa lánh chính quyền, Thượng nghị sĩ sắp mãn nhiệm Orrin Hatch trong một tuyên bố đưa ra hôm 16/12 tỏ ra hối tiếc vì đã tin tưởng và bảo vệ Tổng thống Trump trong quá khứ.

"Tôi không tin rằng Tổng thống vi phạm luật, nhưng một trong những nguyên tắc cốt lõi của đất nước chúng ta là không có ai đứng trên pháp luật. Điều đó có nghĩa là bất cứ ai vi phạm pháp luật đều phải đối mặt với những hậu quả thích đáng", ông này nhấn mạnh.

Tony Schwartz, người từng chắp bút cuốn "Nghệ thuật thương lượng" ca ngợi Tổng thống Trump thì cho rằng các hành vi của Tổng thống Trump cho thấy ông đang lo sợ bị bỏ rơi nhưng ông sẽ không bao giờ thừa nhận điều đó thậm chí là với cả chính mình.

"Ông ấy không cảm nhận được những cảm xúc bình thường mà chúng ta đều có. Vì vậy, trong khi các hành vi cho thấy ông ấy đang ngày càng cảm thấy bị sợ hãi và cô lập, ông ấy sẽ là người cuối cùng biết điều đó", Schwartz nói.

Binh lính hai miền Triều Tiên qua lại Khu Phi Quân sự

Là một phần trong các cuộc thảo luận đã thống nhất giữa hai bên, Tổng thống Moon Jae-in của Hàn Quốc và nhà lãnh đạo Kim Jong-un của Bắc Triều Tiên, từ tháng 11/2018, cả hai miền Triều Tiên đã cho dỡ bỏ 10 chốt canh biên giới. Hôm 13 tháng12, các thanh sát viên Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã tới thăm từng chốt canh bên phía Bắc Triều Tiên, và sau đó cũng tới thăm các chốt canh bên phía Hàn Quốc.

"Điều này đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi hai miền chia cắt, binh lính Bắc và Nam Triều Tiên vượt qua biên giới một cách thân thiện," Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói trong một tuyên bố.

Đây là một phần trong hoạt động lập lại quan hệ hữu hảo giữa hai bên thời gian gần đây. Tuy vậy, cả hai bên vẫn đang còn nhiều chốt canh tại khu vực DMZ, cả trên mặt đất lẫn các chốt ngầm bên dưới, đang được hy vọng từng bước tiến tới xoá bỏ theo tiến trình hoà dịu giữa hai miền.

Gặp gỡ giữa quân đội hai bên tại biên giới. Ảnh Getty Images.

Tổng thống Trump bổ nhiệm tạm thời CVP Nhà Trắng

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu loan báo bổ nhiệm giám đốc ngân sách của ông là Mick Mulvaney vào vị trí Chánh văn phòng Nhà Trắng, nhưng chỉ trên cơ sở tạm thời, sau khi một số ứng viên hàng đầu trong danh sách được cân nhắc từ chối vị trí này.

Ông Mulvaney, một nhân vật bảo thủ làm việc năng nổ và từng là dân biểu Hoa Kỳ, sẽ là người thứ ba trong hai năm qua cố gắng mang lại trật tự cho một Nhà Trắng thường xuyên trong tình trạng hỗn loạn. Ông Trump bổ nhiệm ông Mulvaney sau khi hai ứng viên nổi bật khác rút tên trong vòng một tuần lễ.

Chánh văn phòng Nhà Trắng được coi là một trong những chức vụ quan trọng nhất ở Washington. Là “người gác cổng” có trọng trách điều khiển các nguồn lực của văn phòng nhà Trắng để thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên cho Tổng thống.

Ông Mick Mulvaney CVP tạm thời của Nhà Trắng. Ảnh AP.

Theo VOA, Bộ trưởng Nội vụ Hoa Kỳ Ryan Zinke, người đã tìm cách mở các vùng biển ngoài khơi của Mỹ cho hoạt động khoan dầu khí bất chấp các cuộc biểu tình phản đối về môi trường, sẽ rời chức vào cuối năm nay, Tổng thống Donald Trump cho biết trên Twitter vào ngày thứ Bảy.

Ông Zinke, 51 tuổi, là một trong số những thành viên nội các tích cực nhất của ông Trump, điều hành Bộ Nội vụ Hoa Kỳ có nhiệm vụ quản lí và bảo tồn đất liên bang và tài nguyên thiên nhiên từ đầu năm 2017. Trên cương vị này, Ông quyết liệt thu hẹp quy mô các di tích hoang dã rộng lớn của quốc gia ở bang Utah và đề xuất cho khoan dầu ngoài khơi ở Bắc Cực, Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Ông trở thành con cưng của ngành năng lượng và khai khoáng ở Mỹ và là mục tiêu đả kích hàng đầu của những người chủ trương bảo tồn thiên nhiên và các tổ chức môi trường.

Các nước đồng thuận về thực thi Thỏa thuận Paris

 Sau gần hai tuần khai mạc, và khi chỉ còn ít giờ nữa kết thúc, hội nghị quan trọng hai năm một lần này cuối cùng cũng nhất trí về các biện pháp để thực thi Hiệp định khí hậu Paris vào năm 2020. Nỗ lực nhất tại hội nghị này là nhóm 11 nước châu Âu, trong đó có Pháp, Đức, Tây Ban Nha, và 47 quốc gia thuộc nhóm các nước có nguy cơ bị tổn hại nhiều nhất do biến đổi khí hậu. Bị chỉ trích mạnh là nước Ba Lan chủ nhà, không thực hiện được vai trò dẫn dắt hội nghị. Nước Mỹ của Tổng thống Trump thì bất hợp tác, còn Trung Quốc cũng tỏ ra không mấy nhiệt tình.

Để đạt được sự đồng thuận của 196 quốc gia là một quá trình không dễ dàng, bởi vì tại Liên Hiệp Quốc, nguyên tắc đồng thuận đòi hỏi nhiều thảo luận, trước khi một văn bản được thông qua. Họ cố gắng giải quyết một loạt câu hỏi khó về quy tắc của Hiệp định Paris. Các đại biểu tin rằng các quy tắc mới sẽ đảm bảo rằng các quốc gia giữ lời hứa cắt giảm chất thải carbon, nhằm hướng đến các mục tiêu của Hiệp định Paris về việc hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C.

Michal Kurtyka, chủ tịch hội nghị COP24, nói: "Đó là một chặng đường dài. Chúng tôi cố gắng hết sức để không có ai bị bỏ lại phía sau."

Quy tắc chung dự kiến xem xét tính linh hoạt cho các quốc gia nghèo hơn. Các nước đang phát triển mong muốn có sự công nhận và bồi thường do ảnh hưởng của nhiệt độ tăng. Vấn đề chịu trách nhiệm pháp lý về việc gây ra biến đổi khí hậu từ lâu đã bị các quốc gia giàu có bác bỏ vì các nước này lo ngại phải chịu các khoản bồi hoàn lớn trong tương lai.

Cuối tuần trước, các nhà khoa học và đại biểu đã bị sốc khi Mỹ, Ả rập Saudi, Nga và Kuwait phản đối cuộc họp công bố một báo cáo gần đây của Liên Hiệp Quốc về việc giữ nhiệt độ toàn cầu tăng trong mức giới hạn 1,5 độ C. Báo cáo cho biết thế giới hiện đang hướng tới mức tăng 3 độ C trong thế kỷ này.Và để giữ mục tiêu trước đó thì sẽ cần "những thay đổi nhanh chóng, sâu rộng và chưa từng có trong tất cả các khía cạnh của xã hội".

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tại Hội nghị COP 24. Ảnh AFP.

Áp lực gia tăng trong những ngày gần cuối hội nghi nhằm buộc các nước đang chần chừ phải cam kết giảm khí thải. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc một lần nữa rung chuông cảnh báo: “Bỏ lỡ cơ hội này sẽ làm hỏng mất cơ hội cuối cùng để ngăn chặn biến đổi khí hậu vượt tầm kiểm soát. Để như vậy sẽ không chỉ là phi đạo lý, mà còn là tự sát”.

COP 24 diễn ra trong không khí địa chính trị căng thẳng, bất lợi cho vấn đề khí hậu, đặc biệt với sự trỗi dậy của thế đối đầu truyền thống giữa các nước giàu và các nước nghèo. Cho đến trưa 15/12, một số bất đồng lớn vẫn chưa được giải quyết, trong có vấn đề các cơ chế mua bán quota khí thải. Brazil đứng đầu nhóm nước ngăn chặn một thỏa thuận trong vấn đề này. Bất đồng về vấn đề cơ chế mua bán quota khí thải có thể sẽ được dời lại để thảo luận vào hội nghị COP 25 tới, dự kiến sẽ diễn ra tại Chili. Brazil là quốc gia đăng cai hội nghị này, nhưng đã hủy kế hoạch hồi cuối tháng trước.

Núi lửa Mexico phun trào tung tro bụi cao 2km

Núi lửa Popocatepetl tại miền Trung Mexico đã phun trào vào tối 15/12, cột tro bụi từ miệng núi lửa phun ra ước tính cao tới 2km. Trong đoạn video được công bố trên mạng xã hội, có thể thấy lần phun trào này khá dữ dội, nham thạch nổ tung và tuôn trào ào ạt ra khỏi miệng núi lửa Popocatepetl.

Cơ quan bảo vệ công dân Liên bang Mexico đã ban hành cảnh báo Cấp độ 2 về đợt phun trào này. Giới chức trách đã đề nghị người dân sơ tán khỏi khu vực và cẩn trọng trước tình trạng tro núi lửa rơi.

Đợt hoạt động của núi lửa Popocatepetl lần này còn có thể phát sinh kèm theo dòng nham thạch hỗn hợp gồm khí rất nóng cùng với nhiều thành phần tro bụi khác từ núi lửa phun trào ra môi trường.

Dòng nham thạch phu trào từ núi lửa Popocatepetl Mexico hôm 15/12. Ảnh RT.

Trần Hưng

PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử

(Biên tập theo các nguồn tin Quốc tế và trong nước)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thế giới nóng nhất tuần qua (Từ 10 - 16/12/2018). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới