Thứ sáu, 29/03/2024 20:27 (GMT+7)

Tin tức thế giới nóng nhất tuần qua (từ 14-20/1)

MTĐT -  Thứ hai, 21/01/2019 11:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thế giới nóng nhất tuần qua (từ 14-20/1). Cập nhật tin tức thế giới nóng nhất tuần qua do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Tổng thống Donald Trump đề nghị khôi phục Chương trình DACA để ngưng vụ đóng cửa chính phủ, nhưng vẫn không đạt được sự đồng thuận của Lãnh đạo Hạ viện.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất một thỏa thuận di trú vào ngày thứ Bảy trong một nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng chính phủ đóng cửa một phần 29 ngày qua. Trong một bài diễn văn từ Nhà Trắng, ông Trump nói sẽ ủng hộ luật bảo vệ những người nhập cư trẻ tuổi không có giấy tờ trong chương trình DACA (Deferred Action for Childhood Arrivals), vốn đã bị chính quyền dưới thời ông bãi bỏ, cũng như những người được hưởng quy chế bảo vệ tạm thời (TPS).

Mô tả hệ thống di trú của Mỹ là “bất cập nghiêm trọng,” ông Trump nói, “Tôi ở đây ngày hôm nay để phá vỡ thế bế tắc và vạch ra cho Quốc hội một con đường tiến về phía trước để chấm dứt tình trạng chính phủ đóng cửa và giải quyết cuộc khủng hoảng dọc theo biên giới phía nam.” Ông nói Lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell sẽ tìm cách nhanh chóng thông qua đề nghị của ông.

Trẻ em nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ là đối tượng được DACA bảo vệ là một trong những nội dung chính mà Tổng thống Donald Trump đề cập nhằm tạo điều kiện mở cửa lại Chính phủ.  Ảnh Jennifer Whitney/The New York Times.

Tuy nhiên, Ông Trump vẫn giữ nguyên đòi hỏi của ông rằng khoản tiền 5,7 tỉ đôla tài trợ bức tường biên giới Mỹ - Mexico là một phần của bất kì dự luật nào mở cửa lại chính phủ một cách trọn vẹn, điều mà phe Dân chủ phản đối. Nhưng tổng thống đã hi vọng rằng đề nghị các biện pháp bảo vệ mới cho một số người nhập cư không có giấy tờ có thể chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài gần một tháng với Quốc hội.

Nhưng ngay trước khi ông phát biểu, bà Pelosi, lãnh đạo cao nhất của Đảng Dân chủ, Chủ tịch Hạ viện, trong một thông cáo nói rằng đề nghị này là “không thể chấp nhận được” và “không thể hiện nỗ lực có thiện chí để khôi phục sự chắc chắn cho cuộc sống của mọi người.” Bà nói đề nghị của tổng thống sẽ không giành được đủ sự ủng hộ để vượt qua được Hạ viện hoặc Thượng viện.

Trong ngày thứ Bảy, Dick Durbin, lãnh đạo số 2 của phe Dân chủ trong Thượng viện, nói ông không thể ủng hộ một đề nghị như vậy. Trước tiên, Tổng thống Trump và Lãnh đạo Đa số Thượng viện McConnell phải mở cửa chính phủ hôm nay. Thứ hai, tôi không thể ủng hộ đề nghị như tin tức đã cho hay và không tin rằng nó có thể vượt qua được Thượng viện. Thứ ba, tôi sẵn sàng ngồi xuống bất cứ lúc nào sau khi chính phủ mở cửa và làm việc để giải quyết tất cả các vấn đề tồn đọng, ông Durbin nói.

Với tình hình như vậy, giữa Tổng thống và Quốc Hội Mỹ vẫn chưa đi đến một thoả thuận khả dĩ nào cho việc mở cửa lại Chính phủ đã bị đóng cửa sắp tròn một tháng và chưa biết khi nào mới chấm dứt tình trạng tồi tệ này!

Căng thẳng giữa Tổng thống với lãnh đạo Hạ viện còn do Ông Trump hôm 17/1 đã ngăn bà Pelosi sử dụng máy bay quân sự cho một chuyến đi của phái đoàn Quốc hội cùng các nghị sĩ Dân chủ cao cấp khác đến trụ sở NATO ở Brussels và sau đó là Afghanistan, do lệnh cấm đối với tất cả các chuyến du hành của Quốc hội Mỹ sử dụng máy bay thuộc sở hữu của chính phủ hoặc do chính phủ vận hành trong khi tình trạng đóng cửa tiếp diễn.

Văn phòng của bà Pelosi sau đó đã chuẩn bị bay bằng máy bay thương mại - một ý tưởng mà chính ông Trump đã nêu ra - nhưng vào sáng 18/1 thông báo chuyến đi đã bị hoãn lại vì chính quyền rò rỉ những chi tiết có thể gây nguy hiểm cho chuyến đi hoặc cho những binh sĩ mà Chủ tịch Hạ viện nói bà đã lên kế hoạch đến thăm.

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi ngày 18/1 cáo buộc Tổng thống Donald Trump gây nguy hiểm cho binh sĩ và thường dân Mỹ làm việc ở Afghanistan bằng việc loan báo công khai một chuyến đi của phái đoàn Quốc hội được lên kế hoạch tới một đất nước bị chiến tranh tàn phá.

Tổng thống Pháp nỗ lực tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng "Áo vàng"

Ba ngày sau sự khởi động thành công cuộc đối thoại quốc gia, ngày 18/1 tại thành phố Souillac, Tổng thống Emmanuel Macron đã có buổi thảo luận với 600 thị trưởng vùng Occitanie, miền Nam nước Pháp.

Tổng thống Macron đã lắng nghe và trả lời tất cả câu hỏi của các thị trưởng về những vấn đề tại địa phương họ quản lý. Ông Macron đã nhắc lại sự cần thiết phải "tái tạo sự đồng thuận", đồng thời nhấn mạnh rằng cuộc đối thoại quốc gia không nhằm thỏa mãn mọi đòi hỏi.

Ông đã đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau, từ chức năng, nhiệm vụ của thị trưởng đến công tác dân số, từ việc trợ giúp lắp đặt các công cụ cách nhiệt nhà ở để tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường đến phủ sóng điện thoại và Internet tại vùng sâu vùng xa. Tổng thống tỏ ra kiên quyết trong quyết định loại bỏ thuế đánh vào tài sản người giàu (ISF) và giảm trợ cấp nhà ở.

Ông nhấn mạnh ISF không phải là một vấn đề giữa người giàu và người nghèo, mà đó là vấn đề trợ giúp doanh nghiệp nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao. Liên quan đến nhập cư, ông Macron cho rằng tuy đây là một phần của cuộc đối thoại quốc gia, nhưng sẽ là "sai lầm khi tiếp cận điều này thông qua vấn đề của chủ nghĩa khủng bố".

Trong nỗ lực tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng "Áo vàng", Tổng thống Macron muốn dựa vào cuộc đối thoại quốc gia để nối lại sợi dây liên kết với người dân Pháp đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Từ nay đến 15/3, ngày dự kiến kết thúc cuộc đối thoại quốc gia, Tổng thống sẽ thực hiện một hành trình gồm khoảng 10 buổi gặp gỡ trao đổi không những với các thị trưởng mà còn với người dân. Các chủ đề chính xoay quanh sức mua, thuế, nền dân chủ và môi trường, những vấn đề quan tâm hàng đầu của hàng nghìn người Pháp thuộc tầng lớp nghèo và trung lưu.

Tuy nhiên, “tiếng vang” của cuộc đối thoại quốc gia chưa thể ngay lập tức xoa dịu “sự tức giận” của phong trào “Áo vàng”. Các thành phố lớn như Paris, Toulouse, Lyon, Marseille và Bordeaux vẫn sẽ là tâm điểm của các cuộc biểu tình vào cuối tuần lần thứ 10, sẽ diễn ra ngày 19/1 theo như những lời kêu gọi trên mạng xã hội của những người “Áo vàng”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc gặp hơn 600 Thị trưởng vùng Normandie tại thành phố Grand Bourgtheroulde, tỉnh Eure ngày 15/1/2019. Ảnh: AFP/TTXVN.

Nga - Nhật Bản bắt đầu vòng một đàm phán về hiệp ước hòa bình

Theo phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga, ngày 14/1, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono tại thủ đô Moskva, trong đó ông Lavrov tuyên bố khởi động đàm phán kỳ hiệp ước hòa bình giữa Nga và Nhật Bản.

Khai mạc cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Nga nêu rõ: “Theo đúng chỉ thị của lãnh đạo Nga sau kết quả các cuộc gặp cấp cao tại Singapore hồi tháng 11/2018 và tại Buenos Aires hồi tháng 12/2018, ngày hôm nay chúng ta bắt đầu cuộc đàm phán về vấn đề hiệp ước hòa bình”.

Ông Lavrov nhấn mạnh quan hệ giữa Nga và Nhật Bản trong những năm gần đây đã phát triển tốt theo nhiều định hướng. Hai bên đã duy trì các tiếp xúc ngoại giao và quốc phòng, bao gồm các cuộc gặp 2+2, các tiếp xúc giữa hai hội đồng an ninh. Theo Ngoại trưởng Nga, quan hệ đó có nhiều phức tạp gắn với các các yếu tố bên ngoài, nhưng Moskva ủng hộ những nỗ lực để đưa quan hệ song phương với Tokyo lên tầm cao mới.

Về vấn đề hiệp ước hòa bình, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh, lãnh đạo Nhật Bản cần tuân thủ các thỏa thuận về vấn đề này mà Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Sindzo Abe đã đạt được cho tới nay. Cụ thể là, hai bên nhất trí làm việc “một cách chuyên nghiệp, tránh mọi bóp méo thỏa thuận đạt được, không làm trầm trọng thêm những luận điệu mâu thuẫn đơn phương công khai”. Ngoại trưởng Nga kêu gọi phía Nhật Bản tuân thủ những thỏa thuận giữa hai lãnh đạo đất nước về hình thức tổ chức và nội dung đàm phán hiệp ước hòa bình.

Về phần mình, Ngoại trưởng Nhật Bản cho rằng Tokyo và Moskva cần phải tận dụng tối đa những lợi ích trong tiềm năng của quan hệ song phương. Ông Taro Kono nhấn mạnh đến những thành tựu mà hai bên đã đạt được trong năm 2018, ví dụ như đưa vào hiệu lực thỏa thuận tránh đánh thuế song trùng, đơn giản hóa chế độ thị thực cho một số nhóm du lịch Nga. Ngoài ra, quan hệ kinh tế giữa hai bên cũng phát triển liên tục.

Ngoại trưởng Nhật Bản nhấn mạnh rằng cuộc gặp tại Moskva sẽ dành để bàn thảo vấn đề ký hiệp ước hòa bình và đây sẽ là vòng đàm phán thứ nhất. Hai bên nhất trí sẽ đẩy nhanh tiến trình đàm phán, sẵn sàng vượt ra khỏi nhưng quan điểm trước đây.

Đây là cuộc gặp đầu tiên của cơ quan Ngoại giao hai nước nhằm thực hiện các thoả thuận trong cuộc gặp cấp cao tháng 11/2018 tại Singapore giữa Tổng thống Putin và Thủ tướng Abe đã nhất trí sẽ đẩy nhanh tiến trình đàm phán về hiệp ước hòa bình vốn kéo dài hơn 70 năm qua giữa Nga và Nhật Bản đã gặp nhiều khó khăn do tranh chấp lãnh thổ xung quanh quần đảo Nam Kuril và sau đó tại Buenos Aires (Argentina), hai bên đã tuyên bố thành lập cơ cấu đàm phán mới đặt dưới sự điều hành của hai ngoại trưởng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Buenos Aires, Argentina để thảo luận các vấn đề song phương và hiệp ước hòa bình giữa hai nước. Ảnh AFP/TTXVN.

Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đạt nhiều kết quả quan trọng

Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, chiều 18/1, Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Tổng thư ký ASEAN đã kết thúc với thông cáo báo chí về những nội dung đạt được sau các cuộc thảo luận xoay quanh những trao đổi về trọng tâm, ưu tiên hợp tác trong năm 2019 và các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Thông cáo nêu rõ trong hai ngày 17-18/1, tại Hội nghị diễn ra ở Chiang Mai, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã rà soát tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, thảo luận việc triển khai kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN 33 (tháng 11/2018).

Các nước ghi nhận hợp tác ASEAN tiếp tục tiến triển tích cực, tiến độ xây dựng cộng đồng được đẩy mạnh, hơn 80% dòng hành động được triển khai; kinh tế tăng trưởng, dự kiến năm 2018 đạt tốc độ trên 5%; vai trò trung tâm của ASEAN được tăng cường.

Trước những tác động sâu rộng của cuộc công nghiệp 4.0, ASEAN sẽ triển khai nhiều biện pháp để chủ động thích ứng, trong đó có sáng kiến xây dựng mạng lưới thành phố thông minh và an ninh mạng.

Các ngoại trưởng ASEAN chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Sơn Nam/TTXVN).

Tiếp nối những kết quả này, Hội nghị đã thống nhất với chủ đề “Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì bền vững” của ASEAN 2019, nhất trí sẽ triển khai nhiều sáng kiến trong các lĩnh vực hợp tác khác nhau.

Theo đó, các nước sẽ đẩy mạnh nỗ lực bảo đảm hòa bình, an ninh bền vững, ứng phó hữu hiệu với các thách thức phi truyền thống.

Về kinh tế, ưu tiên thúc đẩy phát triển bền vững, liên kết kinh tế, nâng cao khả năng tận dụng thành quả cuộc công nghiệp 4.0, xây dựng một “ASEAN số,” kết nối vì một “ASEAN thông suốt.” Đồng thời, ASEAN sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận thức, giao lưu nhân dân, tăng cường phúc lợi xã hội và củng cố khả năng sẵn sàng ứng phó với thiên tai…

Với bên ngoài, ASEAN sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác toàn diện với các đối tác, phát huy vai trò trung tâm, xây dựng cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ, dung nạp và kết nối các chiến lược, sáng kiến hợp tác đang được triển khai trong khu vực.

Về các vấn đề quốc tế và khu vực, các Bộ trưởng nhất trí ASEAN cần tiếp tục trao đổi tình hình Biển Đông, ghi nhận quan ngại về các hoạt động bồi đắp, tôn tạo và các hoạt động làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, gây phương hại tới hòa bình và an ninh khu vực.

Trong bối cảnh này, các Bộ trưởng tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN, nhất trí thúc đẩy thương lượng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, trong đó có việc hoàn tất lần rà soát thứ nhất dự thảo văn bản COC trong 2019.

Về tình hình tại bang Rakhine, Myanmar, các Bộ trưởng nhất trí ASEAN sẽ tiếp tục hỗ trợ Myanmar trong quá trình ổn định cuộc sống người dân, từng bước xây dựng hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại đây.

Các Bộ trưởng cũng hoan nghênh những tiến triển tích cực trên bán đảo Triều Tiên, khẳng định ủng hộ bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định và phi hạt nhân.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hoan nghênh những tiến triển tích cực trong hợp tác ASEAN thời gian qua; đánh giá cao và bày tỏ sẵn sàng phối hợp với Thái Lan thực hiện thành công trong thúc đẩy các chủ đề năm 2019, đồng thời đề nghị cần tiếp nối, tạo đà vững chắc bảo đảm thành công cho tiến trình xây dựng Cộng đồng.

Nga chấp thuận cho Pháp và Đức gửi quan sát viên đến eo biển Kertch

Ngoại trưởng Nga, Serguei Lavrov, ngày 18/01/2019, cho biết Matxcơva chấp thuận các quan sát viên của Pháp và Đức đến giám sát eo biển Kertch, nằm giữa Biển Đen và vùng biển Azov.

Đây là nơi xảy ra một vụ va chạm giữa Nga và Ukraina hồi cuối tháng 11/2018 dẫn đến việc Nga bắt giữ 3 tầu chiến Ukraina và 24 thủy thủ.

Thông báo trên của ngoại trưởng Nga được Ukraina đón nhận một cách thận trọng. Từ Kiev, thông tín viên RFI Sébastien Gobert có bình luận về sự việc: “Nhìn từ Kiev, điều đó chưa đủ. Việc gởi các quan sát viên Pháp và Đức đến eo biển Kertch đương nhiên là rất được hoan nghênh, bởi vì cả Pháp và Đức đã không nhượng bộ Nga, vốn dĩ không muốn cho Ukraina tham gia vào dự án này, một hình thức qua đó Ukraina hợp pháp hóa chủ quyền lãnh thổ tại Crimée.

Tuy nhiên, Ukraina đã đề nghị phương Tây đưa các nhà quan sát lên cả các tầu chiến của nước này, nhằm giúp họ có thể đi vào vùng biển Azov. Kiev còn đề nghị lực lượng quân đội NATO đến trấn giữ ngoài khơi bán đảo Crimée. Hiện chỉ có vài chiếc tầu chiến của Anh và Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc tuần tra.

Chiến đấu cơ Nga bên trên cầu bắc qua eo biển Kertch nối liền Crimée với Nga. Ảnh chụp sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu Ukraina ngày 25/11/2018. REUTERS/Pavel Rebrov.

Phương Tây không chấp nhận lời đề nghị này, bởi lẽ có nhiều rủi ro hiển nhiên. Nhưng đối với chính quyền Kiev, sự can dự trực tiếp của phương Tây có lẽ sẽ là phương cách duy nhất để ngăn chận tiến trình sáp nhập vùng biển Azov.

Sáng kiến Pháp – Đức cũng không giải quyết được một trong những vấn đề quan trọng nhất sau vụ leo thang căng thẳng hồi tháng 11/2018: chưa một ai trong số 24 thủy thủ Ukraina, bị xem như là tù binh chiến tranh, đã được thả khỏi các nhà tù của Nga. Do vậy, sự hiện diện đơn thuần của các nhà quan sát tại eo biển Kertch sẽ không làm thay đổi được điều gì cả.”

Khủng bố ở Columbia làm 21 người thiệt mạng

Một vụ khủng bố bằng xe gài chất nổ đã xảy ra vào sáng 17/01/2019, nhắm vào một trường cảnh sát ở thủ đô Bogota. Hậu quả là đã có 21 người thiệt mạng và hơn 70 người bị thương. Thủ phạm, một người Colombia, đã chết tại chỗ. Đây là vụ khủng bố nghiêm trọng nhất từ năm 2003 đến nay tại Bogota và từ lúc chính phủ ký hiệp ước hòa bình với quân du kích FARC.

Thị trưởng Bogota Enrique Penalosa cho biết chiếc xe chứa 80kg chất nổ phát nổ lúc 9h30 (21h30 giờ Việt Nam) tại Học viện Cảnh sát General Santander ở phía nam thủ đô của Colombia, gây ra tiếng nổ lớn, làm vỡ cửa sổ các tòa chung cư bên cạnh, (AFP đưa tin). Tối 17/01, tổng thống Colombia đã loan báo ba ngày quốc tang và hứa trừng trị những kẻ khủng bố. Ông đồng thời kêu gọi đoàn kết quốc gia để hợp sức chống bạo lực, hỗ trợ lực lượng an ninh để truy bắt và trừng trị thủ phạm của "hành động dã man" đó.

Hiện nay, phiến quân thuộc lực lượng Quân Đội Giải Phóng Quốc Gia ELN bị nghi ngờ là chủ mưu vụ khủng bố hôm 17/01.

Thủ phạm lái chiếc xe gài chất nổ đã được nhận diện: Aldemar Rojas Rodriguez, 56 tuổi, người vùng Arauca, căn cứ địa truyền thống của ELN, cho nên mối nghi ngờ tập trung vào lực lượng du kích này. Ngoài ra cũng không thể gạt bỏ khả năng thủ phạm là một nhóm khác. Trong những nhóm đáng nghi có Nhóm Vùng Vịnh, tổ chức mafia lớn nhất ở Colombia, hoặc những thành viên ly khai của lực lượng FARC chưa bỏ vũ khí, hay lực lượng dân quân cực hữu chống lại hiệp ước hòa bình với FARC.

Hiện trường vụ đánh bom tại Bogota, Columbia ngày 17/1/2019. Ảnh: Gulf Times.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Bắc Triều Tiên sẽ diễn ra vào cuối tháng 2/2019

Theo AP, phát biểu trước các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump cho biết "mọi thứ đang tiến triển rất tốt với Triều Tiên", và ông đã lên kế hoạch gặp mặt nhà lãnh đạo Kim Jong Un để cố gắng đạt được một thỏa thuận có thể khiến nước này từ bỏ chương trình hạt nhân.

"Chúng tôi đã đồng ý gặp nhau vào khoảng cuối tháng hai. Chúng tôi đã chọn được quốc gia, nhưng chúng tôi sẽ thông báo trong tương lai. Ông Kim Jong Un rất mong chờ cuộc gặp này và tôi cũng vậy"; "Chúng tôi đã đạt được rất nhiều tiến triển liên quan đến quá trình phi hạt nhân hóa và chúng tôi cũng trao đổi về rất nhiều thứ khác" ông Trump tuyên bố.

Phát biểu của tổng thống Mỹ được đưa ra sau cuộc gặp kéo dài 90 phút với Kim Yong Chol, cánh tay phải của ông Kim Jong Un, tại Phòng Bầu dục để thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa. Nhà Trắng loan báo sau cuộc hội đàm giữa ông Trump và ông Kim hôm 18/1 rằng Tổng thống Mỹ sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un vào cuối tháng 2, nhưng vẫn sẽ duy trì các chế tài về kinh tế đối với Bình Nhưỡng.

Ông Kim Yong Chol là cựu quan chức tình báo, Phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên và là người thường có các cuộc đàm phán cấp cao với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Trong chuyến đi đến Washington lần này, ông Kim Yong Chol được cho là mang theo một lá thư của nhà lãnh đạo Triều Tiên gửi đến tổng thống Mỹ.

Cuộc gặp thượng đỉnh lần hai cho thấy cả hai bên đang nỗ lực để tiếp tục đàm phán. Sau những thỏa thuận lần gặp đầu tiên, hai bên đang bế tắc khi Mỹ muốn tiếp tục cấm vận cho đến khi Triều Tiên có bước đi cụ thể để phi hạt nhân hóa, trong khi Bình Nhưỡng lại yêu cầu Mỹ chấm dứt cấm vận và đảm bảo an ninh trước khi nước này thực hiện các bước tiếp theo.

Ngay sau khi có thông báo hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sẽ gặp nhau lần hai vào cuối tháng 2, Hàn Quốc, Nhật Bản và LHQ đã hoan nghênh kế hoạch này.

Từ Nhà Xanh, người phát ngôn văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom nói: “Chúng tôi kỳ vọng cuộc gặp thượng đỉnh Triều Tiên-Mỹ lần này sẽ là một dấu mốc chuyển biến trong việc thiết lập vững chắc hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên”.

Ông Kim Yong Chol, Phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên, cùng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Nhà Trắng vào ngày 18/1. Ảnh: AP.

Cộng đồng quốc tế kêu gọi cứu vãn INF

Theo Tân Hoa xã và TTXVN, ngày 19/1, phát biểu ý kiến trong cuộc họp báo tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York của Mỹ, Tổng Thư ký LHQ A. Guterres kêu gọi Mỹ và Nga giữ lại Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và thảo luận vào thời gian thích hợp việc tiếp tục thực hiện Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) mới giữa hai nước. Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh tầm quan trọng về việc giữ lại Hiệp ước INF, đồng thời đánh giá việc tiếp tục thực hiện Hiệp ước START mới cũng quan trọng không kém.

Tại Nga, truyền thông Nga đưa tin, trong chuyến thăm Moscow hôm 18/1, Bộ trưởng Ngoại giao Đức H. Maas cho rằng, việc cứu vãn Hiệp ước INF có thể giúp ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang mới. Bộ trưởng Ngoại giao Đức hoan nghênh thông tin về việc cả Nga và Mỹ sẵn sàng tiếp tục đối thoại về Hiệp ước INF.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga S. Ryabkov tuyên bố, các tối hậu thư của Mỹ về Hiệp ước INF là không thể chấp nhận được, trong khi đó, những nỗ lực của Washington nhằm phá hủy thỏa thuận này có thể làm suy yếu an ninh toàn cầu. Theo Thứ trưởng Ryabkov, các tuyên bố của Mỹ chống lại Nga trong vấn đề này đều không có cơ sở.

Cuộc thăm và làm việc giữa Bộ Ngoại giao Đức và Bộ Ngoại giao Nga tại Mát-xcơ-va ngày 18/1. Ảnh DW. 

                                                                                                   Trần Hưng

PV Môi trường và Đô thị Việt Nam tại Mỹ

(Biên tập theo các nguồn tin quốc tế và trong nước)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thế giới nóng nhất tuần qua (từ 14-20/1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới