Thứ sáu, 29/03/2024 07:31 (GMT+7)

Vì sao nghề dọn rác là nghề “thèm muốn” nhất ở Mỹ?

MTĐT -  Thứ năm, 29/03/2018 15:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với mức thu nhập đáng mơ ước, thậm chí còn cao hơn cả mức lương của giáo viên, nghề dọn rác là một trong những nghề được nhiều người “thèm muốn” nhất ở Mỹ.

Công nhân vệ sinh là một trong những công việc dịch vụ được “thèm muốn” nhất ở New York. Năm 2014, hơn 96.000 người đã nộp đơn xin làm công nhân vệ sinh, nhưng bộ phận tuyển dụng chỉ chọn 500 người mỗi năm. Điều này có nghĩa tỷ lệ được chọn của ứng viên chỉ vào khoảng 0,5%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ chọn của Đại học Harvard danh tiếng là 5,8%.

Điều kiện để làm công việc này là ứng viên phải đủ 17 tuổi rưỡi trở lên, có giấy phép lái xe thương mại, làm một bài thi viết và kiểm tra sức khỏe. Nếu ứng viên vượt qua tất cả bài thi, họ sẽ vẫn phải chờ thêm 7 năm trước khi chính thức nhận được lời mời làm việc.

Tiền lương chính là lý do khiến nhiều người xếp hàng để được nhận công việc này. Theo đó, mức lương năm đầu của công nhân vệ sinh Mỹ là gần 33.750 USD, nhưng nếu làm thêm giờ, nhân viên có thể kiếm được hơn 47.300 USD.

Tuy nhiên, chỉ khoảng 5,5 năm sau, tiền lương sẽ tăng lên là 88.600 USD, cao hơn mức lương trung bình của tài xế taxi (78.000 USD), giáo viên (68.000 USD) hay nhân viên Công viên thành phố (50.000 USD).

Đại diện Sở Vệ sinh môi trường New York cho hay, “khi thành phố có tuyết phủ dày, người của Sở làm việc 12 giờ mỗi ngày, tiền làm thêm nhiều hơn hẳn. Chẳng hạn như mùa đông năm 2014, thời tiết khắc nghiệt, công nhân vệ sinh nhận lương trung bình khoảng 95.000 USD”.

Chưa hết, nhân viên ngành này sẽ được ưu đãi thêm 10% lương khi làm việc ca đêm, 200% lương khi làm ngày Chủ nhật, sau 6 năm làm việc sẽ có 25 ngày phép, không giới hạn số ngày nghỉ ốm, có bảo hiểm sức khỏe và lương hưu tốt.

Không chỉ hấp dẫn bởi mức lương

CNM dẫn thông tin về một công nhân vệ sinh có thâm niên lâu năm là Noel Molina đã làm công việc dọn rác suốt 10 năm qua ở Newyork cho biết, công việc khiến họ phải đối diện với mùi cá ôi thiu, chuột chết, lợn chết hàng ngày.

Công việc Molina và Sankar kéo dài từ 7h tối - 3h sáng, dù nắng hay mưa, nắng đổ lửa hay trời buốt giá. Họ đam mê công việc là một phần, phần nữa là mức lương mà họ nhận được cũng khiến nhiều người thấy hấp dẫn.

Ông Molina cho hay: "Thùng rác của bạn là tiền của tôi". Riêng năm 2016, Molina nhận được mức thu nhập 112.000 USD khi làm tài xế chở rác, Trước khi đến với công việc dọn vệ sinh, Molina đã bỏ dở bậc trung học và làm cho công ty xử lý rác thải hiện tai. Mức thu nhập khởi điểm là 80.000 USD/năm.

Nghề hốt bạc ở Mỹ. Ảnh: Expressnews.

Tăng lương để giữ chân nhân viên

Theo các con số thống kê tại Mỹ, tiền lương của công nhân vệ sinh tăng 18% so với mức trung bình tăng 14% của các nghề khác kể từ năm 2009 đến nay.

Nguyên nhân là do các doanh nghiệp không dễ tìm thấy người lao động phù hợp. David Antonacci cho biết, ông nhận 50 đơn ứng tuyển khi đặt quảng cáo cho công việc tài xế xe tải. Chỉ 4 ứng viên có bằng lái xe thương mại nhưng cả 4 người đều có vấn đề trên giấy phép. Vì vậy, Antonacci không thể thuê ai.

Thiếu người phù hợp là lý do chính khiến Antonacci và những người khác trong ngành công nghiệp này đẩy tốc độ tăng lương nhanh hơn tốc độ trung bình trong cả nước.

Điều này xuất phát từ việc không phải dễ dàng tìm được người chấp nhận làm công việc này. Cô Kathy Morris - Người quản lý tại một cơ sở xử lý chất thải ở Iowa cho hay, cô phải tăng lương để giữ chân nhân viên. Theo tiết lộ của Kathy, những người chỉ huy bãi chôn lấp rác đang làm việc ở cơ sở của cô có thu nhập 50.000 USD/năm.

Tuy nhiên, đây không phải là công việc dễ dàng. Molina và Sanker phải vác những túi rác nặng mỗi đêm và làm việc 55-60 giờ mỗi tuần. Nhưng cũng nhờ công việc này mà Molina mua được căn hộ 4 phòng ngủ ở Newyork, còn Sankar đủ tiền nuôi các con của mình.

… là nghề “bèo bọt” ở Việt Nam

Trong khi đó, cũng như công nhân môi trường ở Mỹ, công nhân vệ sinh môi trường ở Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ độc hại, phải đối mặt với mùi hôi thối từ rác, chất thải nên dù có trang bị các phương tiện bảo hộ lao động cần thiết vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe.

Công nhân vệ sinh dễ có nguy cơ bị mắc các bệnh về da và các căn bệnh truyền nhiễm. Mặc dù là nghề được đánh giá có mức độ ảnh hưởng và nguy hiểm cao đến sức khỏe, nhưng họ ít được xã hội coi trọng như những ngành nghề khác.

Đáng nói là dù công việc vất vả, ô nhiễm nhưng công nhân vệ sinh đường phố cũng chỉ có thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Công nhân môi trường ở Việt Nam vẫn chưa được xã hội tôn trọng. Ảnh minh họa: Internet.

“Mức lương này chỉ đủ cho hai con của tôi đi học. Còn lại chi tiêu, trang trải trong gia đình nhờ vợ tôi lo hết”, anh Nguyễn Duy Thành - Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết.

Ngoài ra, một trong những khó khăn trong công việc là do ý thức của một số người dân còn kém, họ xả rác một cách vô ý thức.

“Thậm chí chúng tôi vừa quét và gom rác xong quay đầu lại đã thấy túi rác mới vứt toẹt ra đường. Mà công việc của chúng tôi luôn có bộ phận đi kiểm tra xem quét sạch không? Thấy như vậy họ sẽ kết luận là chúng tôi làm rối”, anh Thành cho biết.

Những tưởng công việc “vất vả” này sẽ được hưởng mức thu nhập cao nhưng thực tế lại không phải như vậy.

Anh Thành trải lòng: “Ngoài lương 5 triệu/tháng, mỗi ngày chúng tôi được phụ cấp 10.000 đồng. Mức lương này tuy không đủ trang trải cuộc sống nhưng ổn định. Tôi quan niệm, việc gì thì việc, miễn là mình làm tốt!”

Vất vả với đồng lương ít ỏi là thế, nhưng nghề quét rác ở Việt Nam vẫn chưa thực sự được xã hội tôn vinh. “Công việc quét rác của chúng tôi đủ chuyện chua cay, kể cả nước mắt” - chị Huỳnh Thị Loan (45 tuổi), công nhân Xí nghiệp Vận chuyển số 1 thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, trải lòng với báo Dân trí.

“Tuyến đường tôi phụ trách có nhiều quán cà phê vỉa hè. Thấy tôi cầm chổi đi tới có người đứng lên để tôi quét, cũng có người nhăn mặt tỏ vẻ khó chịu và ngồi ì. Không chỉ vậy, chủ quán cà phê thấy tôi quét gần tới liền cầm thau nước tạt ra đường và nói làm vậy cho đỡ bụi. Nhưng kỳ thực người này cố tình tạt nước văng trúng tôi với hàm ý đuổi tôi đi để không phải quét gây bụi bặm. Tôi vừa quét vừa nuốt cơn nghẹn” - chị Loan thổ lộ.

P.V (tổng hợp theo Tổ Quốc, Dân Trí, VTCNews)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao nghề dọn rác là nghề “thèm muốn” nhất ở Mỹ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.